Xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia đòi hỏi công tác quy hoạch xây dựng (QHXD) phải đi trước một bước. Ở Bắc Ninh, từ nay đến năm 2020 đang diễn ra hai tiến trình song song: Xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hai quá trình này tác động lẫn nhau ra sao, làm thế nào để các tác động ấy trở thành động lực thúc đẩy tốt hơn cho cả hai là những vấn đề cần được nghiên cứu, trong đó công tác QHXD nông thôn mới và vấn đề đô thị hóa cần được bàn thảo trước hết.
Có thể dễ nhận thấy đặc điểm của nông thôn Bắc Ninh mà các tỉnh khác ít có là một nông thôn không thuần nông. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ lâu đời, kèm theo các hoạt động dich vu seo vụ thương mại rất phong phú. Thời kỳ đổi mới, các làng mở rộng làm ăn buôn bán ra khắp các vùng trong nước và ra cả nước ngoài. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, một bộ phận đáng kể nông dân đã chuyển thành công nhân; công nghiệp xâm nhập vào làng; khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc lên gần làng, xen giữa làng với làng, xã với xã. Nếp sống nông thôn đã chuyển dần theo hướng đô thị. Về xây dựng, bộ mặt nông thôn thay đổi nhiều bởi các chương trình “điện, đường, trường, trạm” do nhà nước đầu tư, nhân dân góp sức. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà cửa của nhân dân cũng phát triển khá mạnh mẽ, nhà tranh tre được xóa bỏ, xu hướng nhà kiên cố hai, ba tầng là chủ yếu. Nhiều khu dân cư mới được quy hoạch ra phía ngoài làng, theo kiểu đô thị.
Đặc điểm đó có nhiều tác động đến hai tiến trình, cả tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, sự phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nguồn lực, cả vật chất lẫn tinh thần. Một bộ phận nông dân đã chuyển nghề hoặc “bán nông” đã tác động đến cách nghĩ, nếp sống, hình như đang chuẩn bị cho một cuộc thay đổi lớn về tư tưởng, về chất. Nguồn lực vật chất khác được tạo nên từ kinh tế, những giá trị của sản xuất, dịch vụ, đất đai và cả nguồn lực đáng kể từ kinh tế gia đình đang được tăng lên từng ngày. Đây là những nguồn lực vừa được khai thác cho ngắn hạn, vừa tiềm tàng cho dài hạn. Tác động tích cực thứ hai được biểu hiện bằng tốc độ. Hai cỗ xe “Nông thôn mới” và “Đô thị hóa” đã được tạo đà, quá trình gia tốc phụ thuộc vào người điều khiển chúng.
Phương tiện, công cụ của người điều khiển đó chính là QHXD. Quy hoạch tốt, những yếu tố tích cực sẽ là cấp số nhân, đồng thời giảm thiểu tiêu cực. Những yếu tố tiêu cực đó là gì? Sự chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp dẫn đến hệ lụy là bên cạnh quá trình có trật tự đã tồn tại một bộ phận tự phát, xây dựng lộn xộn, nhà cửa chen chúc, giao thông chật hẹp, môi trường ô nhiễm. Có những làng giờ đây không còn tìm đâu thấy một bóng tre xanh, ao, hồ thay chỗ cho nhà và nhà. Ngay cả những khu dân cư mới được đầu tư xây dựng trong thời gian gần đây cũng thiếu đồng bộ, nặng về giải quyết những nhu cầu trước mắt. QHXD mới quan tâm lập cho điểm trung tâm xã, chưa tới từng thôn, quy hoạch cho các khu vực dịch vụ, sản xuất, hầu như chưa có. Những “vùng đất xanh” đang bị thu hẹp dần. Sự phát triển “quá nóng” của công nghiệp và đô thị đang đẩy những yếu tố tiêu cực lên cao, cũng là lúc hai cỗ xe “Nông thôn mới” và “Đô thị hóa” xuất hiện, chúng cần có những con đường thênh thang dẫn đến tương lai.
Với mục tiêu cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020, quy hoạch chung đô thị toàn tỉnh đóng vai trò bao trùm, cần phải có trước. Tuy vậy, yêu cầu về tốc độ không cho phép sự chờ đợi. Chỉ tiêu phấn đấu 50% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015, tiến tới hoàn thành toàn bộ Chương trình vào năm 2020, quy hoạch xã nông thôn mới phải xong trong năm 2011, trong khi hết năm 2012, quy hoạch chung đô thị toàn tỉnh mới hoàn chỉnh. Do đó, đặt ra nhiều vấn đề cho công tác QHXD nông thôn mới.
Một là, quy hoạch nông thôn mới phải đặt trong công cuộc phát triển đô thị toàn tỉnh, cập nhật đầy đủ định hướng về quan điểm, mục tiêu, tính chất, tầm nhìn, về định hướng không gian, hạ tầng kỹ thuật và lộ trình phát triển đô thị. Cần tạo ra khả năng tốt nhất để nông thôn tiệm cận tới đô thị, tiến tới “nhất thể hóa đô thị, nông thôn”. Hai là, từ vấn đề trên, cần “mạnh tay” quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có lộ trình hợp lý cho từng khu vực; cải tạo, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại; mạnh dạn mở rộng các tuyến đường liên xã, đường vào làng; quy hoạch chỉnh trang xóm ngõ. Đừng ngại vẽ rồi không làm được, ở Thái Bình người ta đã phát động được nhiều phong trào như hiến đất, đổi đất cho đường đẹp, ngõ đẹp và bước đầu họ đã có kết quả. Cùng với đó, giải quyết các nhu cầu về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, thu gom rác thải, nghĩa trang theo nếp sống đô thị. Ba là, khác với nhiều tỉnh, quy hoạch nông thôn mới ở tỉnh ta có hai vùng được định hướng khác nhau trong 10 năm tới: Vùng Bắc sông Đuống sẽ trở thành đô thị, vùng Nam sông Đuống sẽ là vùng ngoại thị. Vì vậy, quy hoạch nông thôn cho vùng 1 cần “đồng nhất” với quy hoạch đô thị, nhất là đối với các khu dân cư mới; quy hoạch cho vùng 2 không là một nông thôn đơn thuần mà là vùng phụ cận của đô thị, giao thoa kinh tế, văn hóa với đô thị.
Cũng từ quan điểm này mà vấn đề thứ tư được tính đến là quy hoạch các khu vực cho dịch vụ, sản xuất. Dịch vụ ở nông thôn đang dần dần chuyển hóa, không chỉ đơn thuần là các chợ quê với phần lớn hàng hóa nông sản mà các hình thức dịch vụ đã trở nên phong phú, đa dạng. Cùng với việc tổ chức lại các chợ truyền thống, cần định hướng theo hình thức dịch vụ đô thị, không chỉ có dịch vụ thương mại mà nhiều loại dịch vụ như: Đào tạo, văn hóa, du lịch, thể thao, chăm sóc sức khỏe vv... Khu vực sản xuất cần được tổ chức sao cho các nghề truyền thống và nghề mới phát triển, đảm bảo giao thương và vệ sinh môi trường. Sản xuất nông nghiệp thu hẹp trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực theo quy hoạch của ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng phục vụ trực tiếp cho đô thị và xuất khẩu. Thứ năm là vấn đề sinh thái. Có một nghịch lý là, nói đến nông thôn, người ta thường nghĩ đó là những vùng quê cây cối xum xuê, nhiều làng quê ở Bắc Ninh lại không giống như vậy, do những tác động tiêu cực đã nói ở trên. Định hướng đô thị toàn tỉnh trong tương lai là đô thị sinh thái, vậy quy hoạch nông thôn có là nông thôn sinh thái không? Tính chất sinh thái hình thành bởi các không gian xanh của sản xuất nông nghiệp, đồng thời được tạo dựng bởi các đơn vị ở, các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Cần có thái độ trả lại cho nông thôn cây xanh, mặt nước đã bị biến mất bởi quá trình đô thị hóa. Không nên để đô thị thành một khối đặc khổng lồ mà cần tạo ra những khoảng trống công trình kiến trúc, đó là những mảng xanh tự nhiên, pha lẫn màu xanh của nông nghiệp. Vấn đề thứ sáu cũng cần quan tâm là bảo tồn di sản và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Phần lớn di sản văn hóa, lịch sử đang tồn tại ở nông thôn, cần được quy hoạch bảo tồn; đồng thời những công trình kiến trúc, những không gian truyền thống như cây đa, bến nước, sân đình, làng cổ cần được giữ gìn. Đó chính là những không gian bình yên trong lòng đô thị hoặc bên cạnh đô thị vốn náo nhiệt và nóng bỏng. Một vấn đề khác cần được chú trọng, chính là các điểm dân cư thôn. Cần tránh khuynh hướng chỉ tập trung mở mang trung tâm xã khang trang mà sơ sài ở từng thôn. Đó sẽ là sai lầm khó có thể sửa chữa vì xã là đơn vị hành chính nhưng thôn là đơn vị sinh hoạt cộng đồng, việc lớn việc nhỏ thường diễn ra ở từng thôn.
Phần lớn các khu công cộng của thôn hiện nay đều quá chật hẹp hoặc tản mạn, giao thông không dành cho xe cơ giới. Quy hoạch cần hết sức mạnh dạn cải tạo, mở rộng hoặc tìm địa điểm mới. Nên thiết lập những con đường vành đai của thôn theo tiêu chuẩn thiết kế đường chính đô thị, khắc phục tình trạng khó cải tạo hệ thống đường nội bộ trong thôn, mặt khác, mở hướng cho thôn tiếp cận ra phía đô thị. Một số làng nghề cần có khu vực dịch vụ thỏa đáng, có những chợ chuyên ngành như chợ sắt, chợ gỗ..., khắc phục tình trạng “chợ cóc” tràn lan ra đường làng như hiện nay. Bãi đỗ xe cũng là một nhu cầu thiết thực, ngay cả bây giờ chứ chưa nói trong tương lai. Cứ tưởng đây là những chuyện thời sự của thành thị, thế mà nông thôn cũng đang khá bức xúc. Mỗi khi có công kia việc nọ của làng và của từng gia đình, xe ô tô chạy về làng chẳng biết đỗ đâu, không có chỗ quay đầu, nên tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều làng có nhu cầu bãi bốc xếp hàng hóa, tập kết vật liệu xây dựng,... Quy hoạch nông thôn phải giải quyết tất cả những vấn đề như vậy.
Cuối cùng, nếu như hiểu rằng QHXD là sự sắp xếp không gian và các công trình xây dựng trong tương lai nhằm tổ chức đời sống xã hội tốt hơn theo xu thế phát triển của thời đại, thì cần hiểu rõ nông thôn Bắc Ninh với những đặc điểm khác biệt của nó, gắn kết chặt chẽ giữa QHXD nông thôn mới và quy hoạch phát triển đô thị, sớm đưa quê hương Bắc Ninh tới giàu đẹp, văn minh”.
KS. Cao Văn Hà
Ý kiến ()