Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT năm 2010 được ấn định vào 8 giờ ngày 11-3 trên phạm vi toàn quốc bao gồm 12 môn thi: Toán, Vật lý, Hoá học, Tin học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc với thời gian làm bài 180 phút cho tất cả các môn thi.
Năm nay đội tuyển tỉnh Bắc Ninh tiếp tục dự thi 9/12 môn (trừ Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc) với 54 học sinh dự thi: 52 học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 2 học sinh Trường THPT Thuận Thành số 1. Với tính chất quan trọng của kỳ thi là nhằm phát hiện, nuôi dưỡng những tài năng trẻ cho quê hương được toả sáng, dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, Sở GD-ĐT và Trường THPT Chuyên Bắc Ninh đặt chỉ tiêu phấn đấu khá cụ thể: Có từ 60% tổng số học sinh dự thi đạt giải trở lên, trong đó 2/3 số giải đạt được là giải có số (giải Ba trở lên), có nhiều giải cao, có học sinh được gọi dự thi vòng 2 chọn đội tuyển thi Quốc tế…
Nếu đánh giá thực sự khách quan, trong điều kiện chất lượng giáo dục mũi nhọn nói chung của tỉnh thì đạt được các mục tiêu trên thật không đơn giản. Tuy nhiên ông Trịnh Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh bằng kinh nghiệm bản thân cùng những dẫn chứng cụ thể đã khẳng định: Những mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được và đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh đã rất sẵn sàng.
Ông Trịnh Khôi cho biết: Điều kiện chăm lo toàn diện cho đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm 2010 của tỉnh hơn hẳn những năm trước. Cụ thể ngay sau khi hoàn tất việc thi chọn đội tuyển, từ đầu tháng 12-2009, các em bắt đầu được tập trung bồi dưỡng, lúc đầu chỉ dự kiến bồi dưỡng 4 buổi chiều/tuần nhưng thực tế số buổi học trên tuần đều vượt so với dự kiến. Ngoài những giáo viên xuất sắc nhất của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, hay trưng tập đội ngũ giáo viên cốt cán từ các trường THPT trong toàn tỉnh đảm nhiệm việc bồi dưỡng, giáo viên và đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh còn được Sở GD-ĐT tạo điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm chỉ đạo, tuyển chọn và chương trình bồi dưỡng tại nhiều địa phương có truyền thống như: Nam Định, Hưng Yên, Phú Thọ…, đặc biệt được sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT, cũng là điểm mới năm 2010, Sở GD-ĐT đã mời một số Giáo sư ở Hà Nội tham gia bồi dưỡng đội tuyển, chất lượng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh do vậy càng có điều kiện vươn lên khẳng định vị thế trước mắt trong khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Trong khoảng thời gian 4 tháng thực hiện việc bồi dưỡng diễn ra 5 đợt thi thử học sinh giỏi Quốc gia, đến nay đã hoàn tất 4 đợt, có đội tuyển đã hoàn tất cả 5 đợt với kết quả thi thử rất khả quan, bình quân mỗi đợt có 32/54 học sinh thi đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 59%. Dự kiến đến ngày 6-3 sẽ hoàn thành đợt thi thử cuối cùng đối với tất cả các môn. Việc tổ chức các đợt thi thử rất quan trọng vì từ nhiều năm nay Bộ GD-ĐT luôn công khai cấu trúc đề, công việc ra đề đối với giáo viên vì thế khớp với thực tế hơn. Năm 2009, bình quân qua 4 đợt thi thử của tỉnh có 34/54 học sinh thi đạt, trong đó có 21 giải Khuyến khích nhưng thực tế đạt 35 giải, chiếm 63% và chỉ có 15 Khuyến khích còn lại đều từ giải Ba trở lên. Một điểm mới rất thuận lợi trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2010 là không khống chế điểm tối thiểu là 12/20 mới đủ điều kiện để xét học sinh đạt giải như mọi năm, mà lấy từ cao xuống thấp theo tỷ lệ 60%, đây cũng là điều thuận lợi để đội tuyển của tỉnh nâng cao số lượng giải trong kỳ thi năm nay.
Về tổng thể, thế mạnh của đội tuyển tỉnh vẫn thuộc về các môn: Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, cả 3 môn này năm 2009 đều có 6/6 học sinh đạt giải. Vật lý cũng hy vọng có nhiều giải có số. Tin học và Toán là 2 môn còn nhiều hạn chế, riêng Tin học năm 2009 không có giải nhưng sang năm nay hy vọng sẽ có những thay đổi… Tóm lại mục tiêu 60% tổng số học sinh dự thi đạt giải là hoàn toàn có thể đạt được. Điều trăn trở nhất của Sở GD-ĐT cũng như Trường THPT Chuyên Bắc Ninh là nhiều năm nay không có học sinh đạt giải Nhất và theo nhận định của nhiều người thì điều này cũng ít có khả năng xảy ra trong mùa thi năm nay.
Sẵn sàng trước kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2010, đội tuyển tỉnh được đón nhận một tin rất vui, đó là UBND tỉnh đã nhất trí từ năm 2010 hỗ trợ 30 nghìn đồng/ngày bồi dưỡng đối với học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh; 50 nghìn đồng/ngày bồi dưỡng đối với học sinh trường THPT không chuyên tham gia đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh, tỷ lệ này những năm trước lần lượt là 3 nghìn đồng/ngày và 5 nghìn đồng/ngày, như vậy tất cả những học sinh trong đội tuyển sẽ được truy lĩnh số tiền do UBND tỉnh hỗ trợ trong suốt 4 tháng bồi dưỡng. Sự quan tâm đó của tỉnh chính là động lực giúp các tài năng trẻ thêm quyết tâm vượt lên đạt thành tích cao nhất trong kỳ thi góp phần mang vinh quang về cho quê hương.
Bài, ảnh: T.T
Người trong cuộc nói gì?
Phóng viên Báo Bắc Ninh đã gặp mặt một số thí sinh trong đội tuyển của tỉnh trước khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2010.
Thí sinh Hồ Thị Quế Chi: Quyết tâm đạt giải Nhì Quốc gia môn Ngữ văn
Năm 2009, là học sinh lớp 11 em may mắn được có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia THPT lớp 12 của tỉnh. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ bởi kiến thức lớp 12 chưa có điều kiện học kỹ, lại thi đúng vào bài “Sóng” của tác giả Xuân Quỳnh nằm trong chương trình lớp 12 nhưng em đã cố gắng hết sức, kết quả đạt giải Ba Quốc gia môn Ngữ văn. Năm 2010, tiếp tục có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia của tỉnh, em cảm nhận thấy tự tin hơn rất nhiều, lại thêm cô giáo Mai Lan bồi dưỡng môn Ngữ văn rất tốt, rất truyền cảm và nhớ lâu. Trong các mảng kiến thức của môn Ngữ văn em thích nhất phần nghị luận xã hội, mảng kiến thức quan trọng trong cấu trúc đề thi. Về tác gia thì em thích nhất Hồ Chí Minh, Xuân Diệu và Nguyễn Tuân. Trong quá trình học bồi dưỡng, em đã thi thử 4 lần, mặc dù chưa thật sự phát huy hết khả năng nhưng lần nào điểm số của em cũng đạt 14/20, tương đương 7 điểm, đạt giải Ba. Chính vì vậy em đặt mục tiêu phấn đấu năm 2010 này sẽ đạt giải Nhì Quốc gia môn Ngữ văn.
Thí sinh Nguyễn Văn Khuy: Đã khắc phục được nhiều hạn chế
Em cũng như Quế Chi đã từng có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT của tỉnh từ năm 2009, chỉ khác là em thi môn Tiếng Anh và chỉ may mắn đạt giải Khuyến khích. Đối với môn Tiếng Anh, cấu trúc đề thi bao gồm 2 phần viết và nghe. Như kinh nghiệm của các thầy cô giáo bồi dưỡng thi nhiều năm thì phần nghe là khó với hầu hết thí sinh thi Ngoại ngữ, em cũng cảm nhận thấy như vậy. Vì thế chuẩn bị cho kỳ thi năm nay em đã cố gắng khắc phục được nhiều hạn chế, nhất là kỹ năng nghe băng. Qua mấy lần thi thử em thấy rất khả quan vì kết quả đều cao hơn năm 2009. Em sẽ hạn chế vui chơi để tập trung ôn luyện, đến sát ngày thi sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhằm tạo ra sự bình tĩnh, tự tin trước khi vào thi. Với sự cần cù và phương pháp học sáng tạo của mình, hy vọng kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2010 này em sẽ đạt được kết quả cao như mong muốn.
Thí sinh Trịnh Hà Yên: Tự tin giành chiến thắng
Là học sinh lớp 11 được trường chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT môn Tiếng Anh năm 2010, với em đó là niềm tự hào thật lớn lao, em sẽ cố gắng làm bài hết khả năng. Cái thuận của em là ngay từ cấp THCS đã từng trải qua và giành nhiều giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, do vậy trước khi bước vào kỳ thi này em không quá hồi hộp, lo lắng thậm chí rất tự tin bởi không chịu bất cứ áp lực nào từ phía bản thân, gia đình và nhà trường. Em nghĩ rằng tự tin là yếu tố rất quan trọng giúp em có được chiến thắng trong cuộc thi cam go này. Đối với riêng em kỳ thi này còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác, là bước tập dượt, hỗ trợ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH vào năm 2011. Nói sẽ đạt giải gì trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm nay thật khó với một học sinh chưa học hết chương trình lớp 11 đại trà như em, nhưng em tin tưởng vẫn có thể vượt qua để giành giải tại cuộc thi này.
P.V.V.X
Ý kiến ()