Kể từ đợt kiểm tra, giám sát, đánh giá Bệnh viện an toàn tại 18 bệnh viện trên địa bàn tỉnh theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Bộ Y tế ban hành, một lần nữa, công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế được nhìn nhận lại.
Việc Bệnh viện Đa khoa Hồng Phúc (thành phố Bắc Ninh) bị yêu cầu tạm dừng hoạt động tiếp nhận bệnh nhân để khắc phục hạn chế cho đến khi Sở Y tế kiểm tra xác định đủ điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 mới tiếp tục trở lại hoạt động bình thường khẳng định sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong hoạt động phòng, chống dịch. Hiện nay, mặc dù mọi hoạt động của cộng đồng đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế của tỉnh vẫn tiếp tục được chú trọng.
Tháng 8 vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra, tiến hành giám sát, đánh giá Bệnh viện an toàn tại 18 bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả cho thấy, 15/18 cơ sở khám, chữa bệnh đạt tiêu chí Bệnh viện an toàn, 3 đơn vị còn lại đạt tiêu chí Bệnh viện an toàn ở mức thấp bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Hồng Phúc (63,3%), Bệnh viện Sức khoẻ Tâm thần tỉnh (67,3%) và Bệnh viện Phổi tỉnh (72,1%). Kết quả kiểm tra, đánh giá sau đó của Bộ Y tế tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Phúc cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, Sở Y tế cũng có văn bản yêu cầu đơn vị dừng hoạt động tiếp nhận bệnh nhân mới do không bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Mới đây, sau khi khắc phục tốt những tồn tại sau kiểm tra, với số điểm tự chấm đạt hơn 84%, Bệnh viện Đa khoa Hồng Phúc đã được cho phép hoạt động trở lại.
Kiểm tra các bệnh viện, các đoàn kiểm tra đánh giá: Hầu hết các đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại đơn vị, như: Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và các Tổ giúp việc theo quy định; xây dựng kế hoạch chi tiết, đầy đủ theo các nội dung công việc, khung thời gian hoàn thành, quá trình thực hiện, dự trù kinh phí, giám sát thực hiện; phân ca kíp, chia nhóm làm việc, chuyển viện, chuyển tuyến rõ ràng; tổ chức đào tạo tập huấn phòng chống dịch cho cán bộ, nhân viên y tế; tổ chức sàng lọc, phân loại, phân luồng, đo thân nhiệt… giám sát chặt chẽ người đến cơ sở y tế và kiểm soát lây nhiễm tại cơ sở y tế theo quy định. Về việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người bệnh và người nhà đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi tiếp xúc ( >1m ) và thông báo tới người nhà bệnh nhân hạn chế thăm hỏi và chăm sóc và thực hiện nghiêm quy định (chỉ cho phép 1 người bệnh có 1 người nhà vào thăm và chăm sóc trong cùng thời điểm); triển khai đầy đủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tại nơi đông người, tổ chức bố trí bàn tiếp đón, phòng khám phân loại, buồng cách ly cho ca bệnh nghi ngờ COVID-19 theo quy định, các buồng điều trị đều được bố trí thông thoáng và có sẵn dung dịch cồn sát khuẩn tay nhanh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà và nhân viên y tế.
Tuy nhiên, thông qua việc kiểm tra, một số tồn tại, hạn chế tại các bệnh viện cũng được chỉ ra như: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại các đơn vị được thành lập song việc phân công cụ thể nhiệm vụ các thành viên chưa rõ ràng, đầy đủ; kế hoạch/phương án ứng phó với từng cấp độ dịch, khi có công bố dịch… tại một số đơn vị chưa cụ thể, chi tiết và triển khai chưa đầy đủ đến các khoa, phòng, nhân viên tại bệnh viện; một số đơn vị chưa có kế hoạch, quy chế quản lý hoạt động khu vực cách ly cho nhân viên y tế, kế hoạch huy động nhân lực dự bị… Chưa xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập khi có các tình huống dịch xảy ra. Việc tổ chức tập huấn các quy trình phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên y tế chưa đầy đủ, phù hợp với từng vị trí làm việc (chủ yếu là tập huấn chung).
Đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, sàng lọc, phân luồng, một số bệnh viện bố trí chưa đầy đủ biển báo từ cổng, dải phân cách, rào chắn, lối đi riêng chưa rõ ràng; buồng khám sàng lọc chưa đầy đủ, thiếu chỗ rửa tay, chưa tách biệt khu điều trị… Một số nhà thuốc thiếu tấm ngăn giữa nhân viên y tế và khách hàng; chưa thiết lập, ban hành quy chế hoạt động Đường dây nóng tư vấn về COVID-19, bộ phận đặt lịch khám bằng điện thoại… Một số bệnh viện chưa triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện tại khoa cấp cứu và khoa hô hấp; chưa có kế hoạch và thành lập bộ phận, đơn vị phụ trách khám chữa bệnh từ xa; chưa có thiết bị âm thanh, hình ảnh, đường truyền đầy đủ để triển khai giao ban trực tuyến, biển chiếu sáng… thực hiện khai báo y tế điện tử cho người bệnh và người nhà người bệnh chưa đầy đủ.
Về công tác quản lý an toàn cho nhân viên y tế và vệ sinh bệnh viện, một số đơn vị chưa bố trí phòng cách ly tại bệnh viện cho nhân viên y tế; tổ chức đào tạo tập huấn về phòng chống dịch cho nhân viên y tế chưa đầy đủ, chưa có hệ thống theo dõi, quản lý tình hình báo cáo bệnh viêm đường hô hấp cấp của nhân viên y tế; chưa đào tạo theo từng đối tượng cụ thể về việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, khử khuẩn, tiệt khuẩn... chưa có lịch vệ sinh các khoa, phòng một cách cụ thể, chi tiết, công tác giám sát việc thực hiện chưa thường xuyên …
Nhằm nâng cao hơn nữa mức an toàn tại các bệnh viện, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức đánh giá Tiêu chí Bệnh viện an toàn, rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn, nhập đầy đủ vào phần mềm trực tuyến; xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại, thực hiện ngay các giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch của đơn vị theo Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn, ban hành kèm theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Triển khai các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền cho người bệnh và nhân dân tại cơ sở khám, chữa bệnh về phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên bằng xà phòng và các chất sát khuẩn, theo dõi thân nhiệt, giãn cách, đeo khẩu trang, khai báo y tế... Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, xây dựng và hoàn thiện thiện kế hoạch/phương án cụ thể ứng phó khi có ca bệnh (ổ dịch) xuất hiện trong cơ sở y tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tất cả người ra vào cơ sở y tế, phân luồng, phân loại theo một chiều; bố trí buồng khám phân loại, khu tiếp nhận, điều trị, phòng đệm... phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở hoặc triệu chứng viêm đường hô hấp khác theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế. Bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cần thiết đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế. Tăng cường công tác vệ sinh khử trùng tại đơn vị, bảo đảm thông gió, kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh bề mặt trong khu vực điều trị, khu cách ly người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19, các thiết bị chăm sóc và phương tiện vận chuyển phải được làm sạch, lau khử khuẩn tối thiểu 2 lần/ngày và khi cần. Trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cần thiết cho nhân viên y tế, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng lây nhiễm chéo, đặc biệt là cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo Hướng dẫn của Sở Y tế.
Thùy Vy
Ý kiến ()