Như một dải lụa nước hiền hòa và lấp lánh, sông Cầu nổi tiếng với mỹ danh “Con sông của người Quan họ/Suốt đời nước chảy lơ thơ”. Được định danh là dòng sông Quan họ, bao bọc bên mình những “làng Quan họ xanh xanh” êm đềm, mềm mại tự ngàn đời, những lớp sóng mênh mang Như Nguyệt còn kể bao chiến công lừng lẫy oai hùng của quân dân ta trong những cuộc kháng chiến vệ quốc, cả những tâm sự thầm kín miên man trong hành trình nhộn nhịp giao thương dằng dặc mấy ngàn năm của vùng đất phía Bắc kinh kỳ...
Oai hùng và thơ mộng
Dành trọn một ngày cuối tuần, lãng du theo đê sông Cầu, lòng nao nao nhìn con nước lững lờ trôi đi, ngỡ như gặp lại người quen cũ. Dẫu chưa một lần lặn ngụp trong sông, chưa từng nô đùa vẫy vùng dưới dòng nước mát lành này, nhưng chúng tôi đã gặp Như Nguyệt từ trong trang sách học trò, để rồi suốt bao năm nuôi giữ một niềm khát khao được thỏa nguyện khám phá dòng chảy oai hùng và thơ mộng.
Sông Cầu còn có tên là sông Như Nguyệt hay Nguyệt Đức, khởi nguồn từ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, chảy qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) và Bắc Ninh, Bắc Giang, hợp lưu với sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống... rồi đổ ra biển ở cửa Thái Bình. Đây cũng là tuyến đường thủy quan trọng trong lịch sử dân tộc, là mạch nguồn kinh tế, văn hoá từ ngàn đời, nối giữa vùng đồng bằng với vùng núi.
Khởi điểm từ Ngã Ba Xà - nơi một tiếng gà ba tỉnh cùng nghe, chúng tôi đến thăm đền Xà (thôn Đoài, xã Tam Giang, Yên Phong). Tương truyền, chính nơi đây, bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà” - “Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của nước ta đã vang lên phò trợ cho quân sĩ của danh tướng Lý Thường Kiệt đánh tan 30 vạn quân Tống xâm lược vào năm 1077.
Liền anh, liền chị các làng Quan họ ven sông Cầu trảy hội xuân. Ảnh: Trần Phan
Giữa tòa tiền đường của ngôi đền thiêng soi bóng bên dòng Nguyệt Đức, ông Trần Công Diệt, nguyên Trưởng Ban khánh tiết di tích đền Xà từ tốn kể: Dọc hai bờ sông Cầu có khoảng hơn 300 làng thờ Thánh Tam Giang. Theo bản “Trương tôn thần tích” mà cha ông chúng tôi truyền lại, đền Xà 4 thờ đức thánh cả Trương Hống. Hằng năm, nhân dân duy trì 4 tiết lệ, nhưng thu hút đông du khách thập phương nhất là vào lễ kỵ nhật đức Thánh. Lễ thường diễn ra trong 3 ngày từ mồng 8 đến 10-4 âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống như: rước nước, tế lễ, dâng hương dâng hoa... Các cụ xưa kia duy trì nhiều hoạt động sôi nổi “dưới sông bơi chải, trên bãi cầu tiền, cửa sen múa rối, đồng nội kéo quân, trung dân đánh vật...” nhưng nay đã mai một nhiều.
Trải bao biến thiên lịch sử, chiến thắng lừng lẫy năm xưa vẫn được nhắc nhớ qua từng địa danh, di tích, đền thờ, lưu giữ bằng những tên gọi: đồng Mã Tấu, đồng Bờ Xác, cầu Gạo, điếm Trung Quân, đồng Dinh, bến Gốm, cửa Ngò, đền Xà... Gần 40 di tích thuộc phòng tuyến Như Nguyệt kéo dài từ xã Tam Giang, Tam Đa, huyện Yên Phong đến phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh đều đã được lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Thời gian qua đi, bãi bể hóa nương dâu, dấu tích có thể mờ phai nhưng trong tâm hồn người dân Bắc Ninh chưa bao giờ quên bến sông quê neo giữ quá khứ hào hùng của dân tộc. Cũng như Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Ngọc Hồi, Đống Đa, sông Như Nguyệt mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một chiến công rực rỡ tô thắm truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Có nhà nghiên cứu nhận định: “Sông Cầu có hình thế nằm vắt ngang, chặn đứng tất cả con đường thiên lý từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam, như một lá chắn bảo vệ kinh thành Thăng Long trước hiểm họa ngoại xâm. Có lẽ, chính sông Cầu đã được lịch sử lựa chọn để trở thành dòng sông “ái quốc”. Và chắc hẳn, con sông này đã để lại nhiều ám ảnh với ngoại bang khi phải bỏ lại bao tham vọng ngông cuồng bên bờ sông”.
Bến đò Ngọt - nhân chứng lịch sử.
Một chứng nhân lịch sử không thể bỏ qua trên hành trình khám phá sông Như Nguyệt là bến đò Ngọt. Ghé quán nước ở bến sông, bà lão bán hàng đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy với gần nửa cuộc đời “dọn quán bán hàng” ở đây. Nhận ra chúng tôi không phải khách chờ đò sang sông, bà vui chuyện: Các chị muốn tìm hiểu lịch sử văn hóa của vùng này mà chỉ dành có một ngày thì sao mà xuể, phải ăn dầm nằm dề cả tháng ở đây may ra mới ghi chép hết được!
Mặt trời đứng bóng, gió từ sông thổi lên mát rượi xua tan không khí ngột ngạt, oi bức của tiết trời chuẩn bị mưa dông. Thấy chúng tôi lặng yên hướng về dòng nước lững lờ trôi, bà lão bán nước lại thủng thẳng: “Suốt mấy chục năm ở đây từ khi mặt trời ló rạng đến lúc bóng tối xòa xuống tán cây chưa khi nào tôi thấy nước sông Cầu dâng cao như đợt lũ tháng 9 vừa qua... Tuy con nước còn cách mặt đê cả mét nữa nhưng sống gần sông, ai mà chẳng phấp phỏng lo âu”. Quả thực, nếu chưa từng biết về trận cuồng phong Yagi thì làm sao có thể tin dòng sông hiền hòa bình lặng dưới kia đã từng có lúc cuồn cuộn thủy triều bủa vây rình rập khiến bao ngôi làng ven sông thấp thỏm, trắng đêm đắp đất canh đê...
Sông Cầu là thế - oai hùng và thơ mộng, dữ dội và dịu êm, mênh mang và lãng mạn!
“Dòng sông của người Quan họ”
Trong giới nghiên cứu Quan họ, có một số ý kiến cho rằng dòng sông Quan họ là sông Tiêu Tương hoặc Ngũ Huyện Khê, nhưng theo nhiều học giả và nghệ nhân, nghệ sĩ Quan họ thì dòng sông Quan họ chính là mỹ danh của sông Cầu.
Ghi dấu chiến thắng hiển hách của quân và dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1077.
Sông Cầu đoạn chảy qua ranh giới hai tỉnh Bắc Ninh (bờ Nam) và Bắc Giang (bờ Bắc) dài khoảng 69 km, lòng sông rộng, độ dốc thấp, vì thế nước chảy hiền hòa. Ven sông Cầu là nơi tập trung hầu hết các làng Quan họ cổ, trong đó có làng Diềm chính là đất khởi nguồn Quan họ có đền thờ đức Vua Bà, tương truyền là người khai sinh ra những làn điệu Quan họ ngọt ngào, say đắm. Cư dân hai bên bờ sông Cầu không những am tường “nghề chơi Quan họ”, mà còn có mối giao hảo gắn bó bền chặt truyền đời. Xa xưa, nhiều làng Quan họ bên bờ Bắc đã có tục kết chạ với các làng Quan họ phía Nam sông Cầu như: làng Nội Ninh (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) kết chạ với làng Diềm (tức khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh); làng Hữu Nghi (thị xã Việt Yên) kết chạ với làng Hữu Chấp (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh)...
Những dịp lễ tết, hội hè, đình đám, các liền anh, liền chị hai bờ Nam-Bắc sông Cầu thường chèo thuyền vượt sông để gặp gỡ, giao lưu, ca hát... Một số lễ hội miền Quan họ còn tổ chức lễ rước nước trên sông Cầu, tiêu biểu như: Lễ hội đình làng Hữu Chấp, lễ hội đình làng Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh)... Với trầm tích văn hóa, phong tục, nếp sống đặc trưng của cư dân đôi bờ, sông Cầu chính là một trong những không gian nuôi dưỡng, làm tiền đề cho những cuộc chơi Quan họ kéo dài hàng đời giữa các làng ven sông.
Đền thờ Lý Thường Kiệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong).
Gắn liền với những trầm tích cùng sự giao thoa luân chuyển trong suốt thủy trình, sông Cầu đã làm cho Quan họ không ngừng được tiếp nhận và biến đổi những yếu tố đặc sắc của nhiều vùng miền khác để làm phong phú chính mình. Cũng bởi thế, Quan họ được định vị là một lối chơi nghệ thuật nửa bác học nửa bình dân với sự đa dạng trong lề lối, giọng điệu, trở thành một thứ “men say” độc đáo, cuốn hút và tiêu biểu trong nền dân ca cổ truyền Việt Nam, và nay đã là một phần quan trọng của di sản văn hóa thế giới.
Nhắc đến dòng sông Quan họ nước chảy lơ thơ, người thiên hạ vẫn mơ màng xúc động một niềm khát khao mong được bước xuống thuyền rồng cùng những liền anh liền chị ngân vang câu hát đắm say, dùng dằng. Còn với người con quê hương Bắc Ninh, hẳn ai cũng mong một ngày được thấy sông Cầu trở thành dòng sông du lịch, xứng với chiều sâu lịch sử và sự đặc sắc, lấp lánh của văn hóa Quan họ... Tầm nhìn, hoạch định đã khai mở, quyết tâm cũng không thiếu, chỉ chờ cơ hội đến là tiềm năng du lịch sông Cầu sẽ được đánh thức.
Với sứ mệnh của riêng mình, sông Cầu - sâu dòng lịch sử, lấp lánh dòng dân ca vẫn miệt mài luân lưu con nước hiền hòa, là cầu nối bền chặt giữa quá khứ và tương lai của một vùng văn hóa giàu trầm tích còn chảy mãi đến mai sau, chảy vô tận trong tâm hồn nhiều thế hệ...
Tạm khép lại hành trình rong ruổi lãng du bên dòng Nguyệt Đức, chúng tôi xuống đến Thị Cầu thì trời cũng vừa nhá nhem. Vẳng nghe câu hát “Gọi đò” của liền anh Thị Cầu thiết tha, day dứt, nặng trĩu những tâm tình sâu thẳm...
Ghi chép của Thanh Lâm
Ý kiến ()