Gần 50 năm kể từ ngày anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, hình ảnh liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Xô vẫn còn mãi khắc ghi trong lòng đồng đội và người dân quê hương. Sự hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô mãi mãi là biểu tượng bất khuất về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên trung cho các thế hệ học tập, noi theo.

Học sinh nghe kể về tấm gương anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô tại Trưng bày sáng mãi tấm gương người chiến sỹ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đày, tháng 3-2018.
Cái chết hóa thành bất tử
Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7), ông Vũ Văn Kim, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh lại về xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du) thắp nén tâm hương lên bàn thờ người đồng đội - liệt sĩ Nguyễn Đình Xô. Dù gần nửa thế kỷ đã qua đi nhưng ký ức bi hùng về những ngày đấu tranh cách mạng trong ngục tù và sự hy sinh anh dũng, kiên trung của người đồng đội đồng hương vẫn còn vẹn nguyên trong ông: “Tôi và liệt sĩ Nguyễn Đình Xô lần đầu gặp nhau tại nhà ngục Phú Quốc. Giữa chốn “địa ngục trần gian”, chúng tôi sớm tìm thấy điểm chung là tinh thần cách mạng, kiên quyết đấu tranh vì lý tưởng giải phóng dân tộc. Khi ấy, Nguyễn Đình Xô được các anh em tín nhiệm, tổ chức tin tưởng giao cho làm Bí thư Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại trại giam vùng III chiến thuật (trại giam Biên Hòa). Ngay trong những ngày đầu bị đày ra Phú Quốc, anh nhanh chóng thể hiện bản lĩnh, vai trò đầu tàu trong các phong trào đấu tranh chống chế độ độc ác của nhà tù”.
Nhà ngục Phú Quốc là nơi thử thách cao độ ý chí gang thép của những người tù cách mạng bởi đòn roi và đủ mọi hình thức tra tấn dã man, rùng rợn nhất. Ông Kim và những người đồng đội, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Đình Xô trải qua không kể hết bao nhiêu trận tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Cái tên Nguyễn Đình Xô cũng sớm nằm trong “sổ đen” bởi những lần công khai đấu tranh đòi yêu sách chính đáng cho tù binh. Trong buổi tối định mệnh 12-4-1969, khi vết thương tra tấn còn chưa lành, anh cùng 11 tù nhân khác bị gọi lên phòng điều hành khu 5 để thẩm vấn. “Lúc đó như có dự cảm đây là trận quyết chiến cuối cùng của mình, anh Xô bình tĩnh nhắn nhủ trong phút giây gặp gỡ ngắn ngủi: “Tôi đi lần này là đi hẳn, cũng không hy vọng về trại nào khác đâu… tôi quyết giữ trọn lời hứa trước lúc lên đường chiến đấu. Tất cả vì đất nước có giặc...” - ông Kim bồi hồi nhớ lại.
Nhìn đồng đội bị áp giải đi mà lòng người ở lại như lửa đốt, cuối cùng dự cảm chẳng lành ấy cũng trở thành sự thật. Nguyễn Đình Xô đã kiên cường đấu tranh đến những phút giây cuối cùng, khi hơi thở tắt lịm, bất chấp những ngón đòn tra tấn man rợ nhất của kẻ thù. Đòn roi không thể khuất phục được anh, những gáo nước sôi bỏng rát không thể bào mòn ý chí gang thép của người cộng sản. Lúc đồng đội được nhìn thấy anh cũng là lúc thi thể không còn nguyên vẹn dáng hình nhưng sự hy sinh oanh liệt ấy như tượng đài bất tử. Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của Nguyễn Đình Xô. Tinh thần, khí phách ấy khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ, trại tù cả nghìn người một lần nữa nghẹn ngào uất hận và khâm phục.
Lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Đình Xô được tổ chức theo từng nhóm nhỏ khắp nhà tù. Chi tiết về sự hy sinh anh dũng của anh được đồng đội chia sẻ. Mỗi câu chuyện như nhát dao cắt vào trái tim rỉ máu căm hờn. Noi gương anh, cả đảo sục sôi đấu tranh quyết liệt với kẻ thù đòi dân sinh dân chủ, chống đánh đập giết hại tù nhân đến ngày toàn thắng. Ông Kim quả quyết: “Không thể để sự hy sinh của Nguyễn Đình Xô trở thành uổng phí. Tôi và đồng đội lấy đó làm động lực tiếp tục kiên cường đấu tranh, tìm mọi cách, mọi hình thức có thể để sớm về với cách mạng, với Đảng, vững chắc niềm tin nhất định đánh thắng kẻ thù xâm lược. Trong thâm tâm chúng tôi, trên mỗi bước đường đấu tranh, luôn có hình bóng của Nguyễn Đình Xô, người đồng đội, người Anh hùng của nhà tù Phú Quốc!”.
Sống mãi trong lòng dân
Những ngày này, trên mọi nẻo đường của vùng quê Lạc Vệ (Tiên Du), ai nấy đều phấn khởi, vinh dự, tự hào khi biết tin liệt sĩ Nguyễn Đình Xô được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Các thành viên đội chèo xã đang tích cực tập luyện để công diễn vở chèo “Người Anh hùng Hộ Vệ” đúng vào dịp trọng đại này như một sự tri ân tới người con ưu tú của quê hương. Vở chèo được xây dựng dựa vào câu chuyện về tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô và được thổi hồn bằng tình cảm biết ơn sâu nặng của các thế hệ hôm nay.

Vở chèo “Người Anh hùng Hộ Vệ” do nhân dân xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du) dàn dựng, biểu diễn như một lời tri ân tới Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Đình Xô.
Đồng chí Lê Đăng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Lạc Vệ cho hay: “Với mỗi người dân xã Lạc Vệ, liệt sĩ Nguyễn Đình Xô từ lâu vẫn luôn in đậm trong trái tim như một biểu tượng bất khuất về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên trung. Tấm gương của liệt sĩ có giá trị to lớn cho công tác xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết nhân dân, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa Anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ”.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Đoàn xã Lạc Vệ tiếp lời: “Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã góp phần đem lại những mùa xuân yên bình cho Tổ quốc hôm nay, là tấm gương để thế hệ trẻ trong xã học tập, tiếp bước dựng xây quê hương vững bước đi lên”.
Đến thăm căn nhà của gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, trên bức tường treo trang trọng tấm bằng Tổ quốc ghi công. Đây là tài sản quý giá nhất mà cả gia đình vẫn luôn nâng niu, gìn giữ như một kỷ vật về người anh, người chú, người bác… đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Là anh cả của gia đình, liệt sĩ Nguyễn Đình Xô theo lời hiệu triệu lên đường nhập ngũ khi tuổi đời vừa mới đôi mươi. Anh chiến đấu, hy sinh khi chưa kịp một lần về thăm gia đình, quê hương, biết bao hoài bão, ước mơ còn dang dở nhưng đã trọn vẹn lời thề với núi sông. Thông tin chính xác về sự hy sinh anh dũng của anh chỉ được gia đình hay biết khi đất nước thống nhất, qua lời của những người đồng đội cùng chung những năm tháng đấu tranh trong tù tìm về kể lại. Bao nhiêu nước mắt đã khóc cạn, giờ đây còn đọng lại trong mỗi thân nhân gia đình là niềm tự hào, xúc động.
Anh Nguyễn Đình Vinh, cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Đình Xô chia sẻ: “Hàng năm, vào dịp ngày mất của bác (12-4) và Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7), gia đình đều tổ chức cúng giỗ và được đón đồng chí, đồng đội của bác về thắp nén hương, ôn lại kỷ niệm hào hùng về những ngày tháng kề vai, sát cánh đấu tranh vì lý tưởng cách mạng. Qua những câu chuyện ấy, thế hệ con cháu chúng tôi dù chưa một lần được gặp bác nhưng vẫn như thấy bác gần gũi bên cạnh, mãi dõi theo, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi sống xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình”.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Lạc Vệ, trong số 190 phần mộ liệt sĩ đang an nghỉ có một phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô. Dẫu rằng hài cốt của anh vẫn đang nằm lại đâu đó nơi đảo xa nhưng phần mộ nơi đất mẹ quê hương vẫn ngày ngày ấm áp khói hương, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ trẻ. Tổ quốc, nhân dân mãi mãi khắc ghi công ơn và sự hy sinh xương máu của người Anh hùng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Hoài Phương
Ý kiến ()