Bắc Ninh là tỉnh có đặc thù về an toàn thực phẩm: là nơi có nhiều bếp ăn tập thể cung cấp hàng vạn suất ăn mỗi ngày cho công nhân trong các khu công nghiệp; là cửa ngõ thủ đô nơi cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho Hà Nội; hằng ngày có khối lượng lớn hàng hóa, thực phẩm lưu thông trên thị trường... Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Nhận thức của người dân, các doanh nghiệp về tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày một nâng lên; tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn ngày một giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh còn xảy ra một vài sự cố về an toàn thực phẩm.
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm” được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 123/QĐ-TTg thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh (cùng với thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh là một trong 3 tỉnh của cả nước được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm). Việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm là tiền đề để tỉnh thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn tình trạng thực phẩm bẩn trên địa bàn.
3 năm qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về an toàn thực phẩm đạt kết quả. Cụ thể: Tham mưu giúp Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề về an toàn thực phẩm; mời Thứ trưởng Bộ Y tế làm báo cáo viên tại hội nghị. Tham mưu giúp Tỉnh ủy giám sát việc phổ biến, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 - NQ/TU, ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm” tại 8/8 Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối CCQ và DN tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh xây dựng chương trình phối hợp giai đoạn 2019-2021; phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh tuyên truyền 03 chuyên đề về an toàn thực phẩm tại Hội nghị thông tin công tác tư tưởng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; đăng 15 tin, bài trên cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ hàng tháng; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với 8 Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về an toàn thực phẩm cho 100% Bí thư chi bộ thôn, khu phố; có sự tham dự của các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo cấp huyện; Thường trực Đảng ủy, Trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trưởng thôn, khu phố và Trưởng Ban công tác mặt trận… tổng số gần 2000 đại biểu được thông tin, tập huấn, đồng thời hướng dẫn tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về an toàn thực phẩm;
Thực hiện Tiểu đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, Đảng bộ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức điều tra xã hội học với 3500 phiếu hỏi, 41 câu hỏi, nhằm đánh giá kết quả, hạn chế trong việc triển khai và đưa Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuộc sống, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo… Qua điều tra, trên 92% người được hỏi đánh giá cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tuyên truyền về ATTP; 97,34% người được hỏi cho rằng đã nắm được được kiến thức về sản xuất, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn; 86,11% người được hỏi cho rằng địa phương nơi sinh sống có tổ chức cho các hộ và các tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Tại các hội nghị giao ban tư tưởng, giao ban báo chí hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành trong khối tư tưởng, các địa phương, đơn vị chủ động nắm bắt, kịp thời định hướng, chỉ đạo tuyên truyền những vấn đề mà dư luận quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trước sự việc nghi nhiễm sán lợn tại Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với ngành chức năng, huyện Thuận Thành nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để kịp thời tham mưu với cấp ủy các giải pháp và chỉ đạo tuyên truyền đảm bảo khách quan, trung thực, đúng bản chất sự việc, góp phần ổn định tình hình.
Để phấn đấu vì mục tiêu “Bắc Ninh không còn thực phẩm bẩn”, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền thường xuyên, kiên trì, liên tục về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm để từ đó xây dựng thành ý thức thường trực trong mỗi người dân, coi sức khỏe của người tiêu dùng như sức khỏe của bản thân, xóa bỏ tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”. Người tiêu dùng cũng phải tự bảo vệ mình, phải tự trang bị kiến thức cần thiết để trở thành người tiêu dùng thông thái, đồng thời mỗi người dân cần tích cực tham gia giám sát, tố giác các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
2. Tăng cường tuyên truyền, vận động sử dụng thực phẩm sạch, an toàn đến từng người dân, từng địa bàn dân cư, nhất là đến đối tượng người tiêu dùng, các trường học có bếp ăn bán trú cho học sinh, các doanh nghiệp, công ty có bếp ăn tập thể cho công nhân lao động, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố…
3. Báo Bắc Ninh, Đài PT&TH tỉnh, cả hệ thống chính trị cùng chung tay phối hợp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường tuyên truyền, tạo sự lan tỏa từ những việc làm tích cực của các tập thể, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, đồng thời phê phán, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
4. Đề nghị Ban Quản lý ATTP tỉnh, Sở Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính xác, chính thống cho các cơ quan báo chí khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, tránh gây ra khủng hoảng truyền thông.
Nguyễn Phương Mai
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ý kiến ()