Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Từ buổi bình minh lịch sử, trên vùng đất này đã in dấu những thành luỹ, thủ phủ, những anh hùng của đất nước.
Lý Công Uẩn lên ngôi vua (năm 1009), triều Lý hưng thịnh, mở trang lịch sử mới cho dân tộc, cho đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Kinh đô đối với vận mệnh của đất nước, ông thấy chỉ có Tống Bình - Đại La mới là “nơi trung tâm mưu toan việc lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”. Ở đó “được thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí giữa bốn phương đông, tây, nam, bắc, tiện hình thế núi sông sau trước… Thật là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời…” và ông đã viết “Chiếu dời đô”. Lịch sử ghi công cho tầm nhìn chiến lược ấy của nhà vua. Mùa Thu tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), đoàn ngự thuyền xoải mái chèo dời Hoa Lư cập bến thành Đại La. Từ đó, thành Đại La được đổi tên là thành Thăng Long và giữ vai trò Kinh đô của nước Đại Việt.
Trong gần tám thế kỷ của thời phong kiến độc lập, Thăng Long cùng với cả nước vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Kinh thành. Nhiều chiến công oanh liệt của dân tộc từ Thăng Long đã toả ra hào quang truyền thống anh hùng cho muôn đời sau.
Giữa thế kỷ XI, tham vọng chiếm Đại Việt của nhà Tống đã rõ, tướng quân Lý Thường Kiệt, trụ cột của triều đình Lý, sau khi bình Chiêm (năm 1069) để loại trừ hiểm họa phía Nam đã không “ngồi yên đợi giặc” mà “đem quân ra trước chặn mũi nhọn của giặc”. Lần đầu tiên trong lịch sử đánh giặc, ông đem quân tập kích thẳng sang các căn cứ địch trên đất Tống đang chĩa gươm giáo sang nước ta. Đánh xong đòn tiêu diệt, ông lui về xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt, đập tan cuộc phản công của kẻ thù (năm 1075 - 1077). Lý Thường Kiệt người con Thăng Long -Tương truyền ông đã viết và đọc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Kế nghiệp đóng đô ở Thăng Long 175 năm, nhà Trần đã phát triển kinh thành và nền văn hóa Thăng Long. Đế chế Nguyên Mông sau khi tung vó ngựa làm nát cỏ dọc ngang suốt từ bờ biển Đen đến Thái Bình Dương sóng vỗ, đã ba lần đem quân đến xâm lược nước ta trong vòng 30 năm (từ năm 1258 - 1288). Trong cuộc kháng chiến toàn dân, cả ba lần quân dân Thăng Long thực hiện “thành không, nhà trống”, tạm rút khỏi kinh thành, đẩy địch vào thế bị động, để rồi phản công giải phóng thành đô. Lần đầu (năm 1258), giặc chỉ trú chân ở Thăng Long được 11 ngày đêm trong mùa đông giá lạnh và tháo chạy ngược sông Hồng trốn trận. Lần thứ hai (năm 1285) giặc chiếm hơn ba tháng thì bị quân ta đánh cho tơi bời ở Hàm Tử, Chương Dương, tập kết phía nam kinh thành rồi bao vây Thăng Long, tập kích vào phường Giang Khẩu, chúng phải cuống cuồng tháo lui. Lần thứ ba (1288), sau 32 ngày, “ăn không ngon ngủ không yên” qua một cái tết u ám giữa Thăng Long lạnh lẽo, tướng giặc Thoát Hoan sợ bị bao vây, rút về Vạn Kiếp, bỏ lại kinh thành nghi ngút khói lửa. Đến khi sông Bạch Đằng lại nổi sóng nhấn chìm xác giặc, chúng mới mở đường máu chạy về nước. Ba lần luyện tôi trong lửa, ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, Thăng Long càng ngời sáng “vàng mười” xứng đáng là kinh đô anh hùng của nước Đại Việt. Tạo dựng nên chiến công lịch sử này là các vua Trần, các tướng lĩnh và sức mạnh toàn dân một lòng. Nổi lên ngôi sao quân sự thiên tài Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn. Đòn đau này làm bọn xâm lược phương Bắc 120 năm sau không dám đụng đến cõi bờ nước Việt.
Đầu năm 1407, lợi dụng lúc triều Trần nghiêng ngửa Hồ Quý Ly phế truất ngôi vua, lập nên Nhà Hồ, kinh thành náo loạn, triều đình mới lui về Tây Đô (Thanh Hoá). Thăng Long đổi làm Đông Đô, 80 vạn quân nhà Minh tràn vào xâm lược nước ta. Chúng chiếm Đông Đô, đổi là Đông Quan, thực hành chính sách đồng hoá dã man, đốt sạch, đập bia, huỷ di vật quý, bắt theo phong tục phương Bắc.
Người tài như Nguyễn Trãi bị giam lỏng, ông tìm cách trốn khỏi kinh thành vào Lam Sơn cùng Lê Lợi khởi nghĩa. Sau khi thắng lớn quân Minh ở trận cầu Nhân Mục và Tốt Động - Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn vây chặt thành Đông Quan (tháng 11 năm 1426). Đến khi, đạo quân Minh sang cứu viện bị tan xác ở ải Chi Lăng, tướng giặc Vương Thông đóng trong thành mới chịu xin giảng hoà.
Tại hội thề Đông Quan, các tướng Nhà Minh phải xin thề rút quân về nước. Nghĩa quân khoan dung cấp thuyền, cấp ngựa, cấp lương thực, lại tha hàng vạn tù binh cho về với gia đình. Tàn quân giặc vô cùng cảm kích, cùng hướng về dinh Bồ Đề của nghĩa quân vái tạ. Chỉ bốn ngày, tên xâm lược cuối cùng đã rời khỏi Đông Quan (3-1-1428). Lê Lợi dẫn đại quân vào thành, ông lên ngôi Hoàng đế, là Thái Tổ nhà Lê, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, Thủ đô thay tên Đông Kinh, nhưng trong dân gian vẫn quen gọi là Thăng Long. Nhân dân Đại Việt thực hiện:
“Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Đem chí nhân thay cường bạo”
Như nhà tư tưởng - chính trị - quân sự - văn học Nguyễn Trãi đã viết trong thiên anh hùng ca “Bình Ngô đại cáo” được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.
Thời Lê (hậu Lê) kéo dài 100 năm (từ năm 1428 - 1527) đã đưa đất nước ta tới đỉnh cao của quốc gia phong kiến độc lập dưới thời Hồng Đức do Lê Thánh Tông (từ năm 1460 - 1497) cầm quyền. Kinh thành mở rộng, thêm nhiều công trình kiến trúc. Nho giáo thống lĩnh. Các mặt giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, khoa học đều phát triển. Chữ nôm bước đầu có chỗ đứng trên văn đàn. Phố phường tấp nập, trên bến dưới thuyền buôn bán đông đúc. Đông Kinh thành kẻ chợ phồn vinh.
Nhưng rồi các vua cuối triều Lê trụy lạc, ăn chơi trác táng. Dân chúng bị bần cùng oán ghét, nạn cát cứ nổi lên. Nhà Mạc chiếm ngôi, nắm Thăng Long 65 năm (từ năm 1527 - 1592). Đến Chúa Trịnh nắm thực quyền ở Thăng Long gần 200 năm mới bị người anh hùng áo vải ấp Tây Sơn là Nguyễn Huệ lật nhào. Nguyễn Huệ giao trả Bắc Hà cho vua Lê. Mùa thu năm 1786 Thăng Long mở hội mừng đám cưới của nàng công chúa lầu vàng Ngọc Hân, lấy chàng hiệp sĩ cờ đào Nguyễn Huệ, rồi theo chồng vào Nam.
Lê Chiêu Thống kế vị, bất lực không điều hành nổi xã tắc, đã mở cửa “cõng rắn Thanh vào cắn gà nhà” Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh 28 vạn quân chiếm đóng Thăng Long. Được tin, Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân (22-12-1788) lấy niên hiệu là Quang Trung, đem đại quân ra Bắc đuổi giặc. Đêm giao thừa Kỷ Dậu (năm 1789) Quang Trung khao quân và hẹn “Hãy ăn tết trước, đợi sang xuân, ngày mồng bẩy vào Thăng Long ta sẽ mở tiệc lớn”.
Năm mũi tấn công, mở màn trận tổng công kích. Hành quân thần tốc, bất ngờ, tiêu diệt gọn các đồn tiền tiêu, sáng mồng Năm tết quân Tây Sơn đã áp sát Thăng Long. Hai mũi quyết định đồng thời đánh quân Thanh ở Ngọc Hồi và Đống Đa. Quang Trung đích thân chỉ huy diệt đồn Ngọc Hồi, dồn ba vạn quân địch vào đầm Mực cho voi chiến dày xéo. Đô đốc Đặng Tiến Đông, với sự trợ lực của dân chín làng Khương Thượng mở trận “rồng lửa” nướng cháy đồn Đống Đa, tướng giặc Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự vẫn. Quân ta ào qua cửa ô chợ Dừa, thọc thẳng đến đại bản doanh của giặc ở bến Tây Long, Tôn Sĩ Nghị và ba vạn quân không kịp trở tay, bỏ cả ấn tín, chen nhau chạy vượt cầu phao qua sông Hồng. Cầu gẫy, xác giặc trôi trên dòng sông, máu đỏ hôi tanh, lạnh giá.
Trưa mồng Năm tết, vua Quang Trung cưỡi con voi trận, áo bào xạm đen khói súng dẫn đoàn quân chiến thắng vào giải phóng Thăng Long, trước sự mừng đón nồng nhiệt của dân chúng kinh thành. Thăng Long lại ghi vào lịch sử một trang hào hùng.
Năm 1010 nhà vua Lý Thái Tổ sáng lập Thăng Long Kinh đô Đại Việt, với lòng mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như thế Rồng bay lên. Và tiên đoán sáng suốt đó đã trở thành hiện thực. Trải qua 10 thế kỷ Thăng Long - Hà Nội vững vàng đi lên cùng cả nước, vững vàng trước sóng gió lịch sử, luôn luôn là linh hồn, nhịp đập trái tim của Tổ quốc trong thuở thanh bình, thịnh trị, cũng như khi gian lao chiến đấu bảo vệ sự sống còn của quốc gia, dân tộc.
Đức Tâm
Ý kiến ()