“Dù ai buôn bán đâu đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng Tư ngày Tám nhớ về hội Dâu”. Câu ca xưa vang lên mỗi độ tháng Tư âm lịch về như tiếng vọng của vùng đất Dâu - Luy Lâu, nơi được mệnh danh là “kinh đô Phật giáo đầu tiên” của nước ta.
Theo tư liệu khảo cổ học và các nguồn thư tịch cổ, vùng Dâu là nơi giao thoa của ba nền văn hóa lớn Việt - Ấn - Hoa. Chính từ dòng chảy đa văn hóa ấy, lễ hội chùa Dâu ra đời, kết tinh những lớp lang tín ngưỡng bản địa với giáo lý từ bi của Phật giáo tạo nên một di sản đặc sắc và độc đáo.
Huyền tích Tứ pháp và lễ rước linh thiêng
Tương truyền, Tứ pháp là bốn vị thần mây, mưa, sấm, chớp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) là con của Phật Mẫu Man Nương - cô gái làng Mãn Xá một lần ngủ quên trước cửa chùa và mang thai nhờ phép màu của thiền sư Khâu Đà La đến từ Ấn Độ. Từ gốc cây dung thụ (cây Dâu) mà Man Nương gửi lại cho chùa, người ta tạc nên bốn pho tượng là bốn chị em Tứ Pháp. Bốn pho tượng an vị ở bốn ngôi chùa thuộc “Tổng Khương” xưa là chùa Dâu (Pháp Vân), chùa Đậu (Pháp Vũ), chùa Tướng (Pháp Lôi), chùa Dàn (Pháp Điện). Trong đó, chùa Dâu còn gọi là Diên Ứng tự là không gian trung tâm của lễ hội vùng Dâu.
Lễ hội chùa Dâu hàng năm được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch (ngày Phật đản) do người dân thuộc tổng Dâu-Luy Lâu xưa gồm 3 xã 12 làng phối hợp tổ chức, nay gồm 3 phường: Thanh Khương, Hà Mãn, Trí Quả (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh). Năm 2025, lễ hội vùng Dâu diễn ra từ ngày 3 đến 6-5 (tức từ mùng 6 đến 9-4 âm lịch). Lễ hội năm nay không chỉ là sự kiện văn hóa thường niên mà còn là nỗ lực phục dựng, bảo tồn và tôn vinh một hình mẫu lễ hội dân gian đặc sắc của người Việt với trọng tâm là nghi thức rước Phật Tứ pháp.

Nhân dân các khu phố háo hức, phấn khởi phục dựng lễ rước Phật Tứ pháp trong lễ hội vùng Dâu.
Ông Hoàng Đình Khoa, Chủ tịch UBND phường Thanh Khương, Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu cho biết: Lễ rước trong hội chùa Dâu là một nghi lễ độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Sau 27 năm gián đoạn, năm nay lễ rước Phật Tứ Pháp sẽ được phục dựng, đáp ứng nguyện vọng bấy lâu nay của nhân dân trong vùng. “Người dân luôn mong mỏi được sống lại không khí linh thiêng và náo nức của lễ rước. Do đó, khi được sự đồng thuận từ các cơ quan chuyên môn, bà con bày tỏ sự phấn khởi, đồng lòng hưởng ứng. Ban tổ chức lễ hội đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân tại 12 khu phố thuộc ba phường: Thanh Khương, Trí Quả và Hà Mãn, thống nhất xây dựng kịch bản lễ rước với quy mô dự kiến khoảng 1.500 người tham gia. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức thực hiện đều được các khu phố phối hợp triển khai bài bản, chu đáo” - ông Khoa chia sẻ.
Lễ hội năm nay diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dự kiến thu hút lượng lớn du khách thập phương. Đặc biệt, quốc lộ 17 là trục đường chính của đoàn rước, UBND thị xã Thuận Thành cùng các sở, ngành chức năng đã xây dựng phương án phối hợp điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội diễn ra trang nghiêm, trọn vẹn.
Vào ngày chính hội 8-4 âm lịch, nhân dân rước tượng Phật Tứ pháp từ các chùa làng về “công đồng” tại chùa Dâu. Sau đó diễn ra nghi lễ độc đáo “mẹ đuổi con”. Kiệu Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện được rước chạy quanh ba vòng theo chiều kim đồng hồ rồi trở về chỗ cũ, còn kiệu mẫu Man Nương được rước vào an vị trong chùa Dâu.
Lễ hội vùng Dâu 2025 với chuỗi nghi thức truyền thống được tổ chức nghiêm túc, chu đáo, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc, góp phần phục dựng không gian văn hóa linh thiêng và tạo sự gắn kết cộng đồng bền chặt. Kịch bản chi tiết lễ rước được tiến hành như sau: - Ngày 3-5 (tức mùng 6-4 âm lịch): Khai mạc lễ hội; tổ chức các nghi lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ Pháp; thực hiện lễ Hạ tòa, phong mũ áo Phật (từ 6h30 đến 8h30). - Ngày 4-5 (tức mùng 7-4 âm lịch): Tổ chức rước Tứ Pháp về đình ăn khao (từ 7h00 đến 9h00), sau đó nhân dân và du khách làm lễ dâng hương tại các chùa. - Ngày 5-5 (tức ngày chính hội mùng 8-4 âm lịch): Rước Sĩ Nhiếp khai hội và rước Tứ Pháp về công đồng tại chùa Dâu (6h30 - 9h00); buổi chiều từ 13h30 - 17h30 tổ chức rước Đức Thạch Quang và Phật Tứ Pháp đi bái Tổ. - Ngày 6-5 (tức mùng 9-4 âm lịch): Tổ chức lễ Hồi cung Tứ Pháp và tổng kết lễ hội. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú, mang tính cộng đồng cao, vừa giải trí vừa tôn vinh giá trị truyền thống. Các hoạt động tiêu biểu như: Biểu diễn văn nghệ, múa rối nước, thi đấu cờ tướng, thi thả chim bồ câu bay, giải bóng chuyền hơi, cầu lông... |
Một trò diễn cổ khác là cuộc thi “cướp nước” giữa bà Mưa và bà Sấm. Người dân chạy tiếp sức, rước tượng về đích, nếu bà Mưa về đích trước thì năm ấy mùa màng tốt tươi, còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy làm ăn vất vả. Tục lệ này có ý nghĩa như một trò diễn dân gian mang tính “tiên tri mùa vụ”, phản ánh niềm tin vào sự linh thiêng của tự nhiên và vai trò điều tiết của con người. Tương truyền thời Lý, các vua thường rước Pháp Vân từ chùa Dâu về Thăng Long để cầu đảo cho quốc thái dân an. Điều này minh chứng cho sự trọng vọng của triều đình đối với tín ngưỡng bản địa vùng Dâu.
“Mã nguồn” của lễ hội Việt
Trong dòng chảy lễ hội truyền thống Việt Nam, lễ hội vùng Dâu được giới nghiên cứu đánh giá như một hình mẫu sớm nhất, tiêu biểu và hoàn chỉnh nhất của cấu trúc lễ hội người Việt. Các nguồn tài liệu và thư tịch cổ cho biết, chùa Dâu được xây dựng từ thế kỉ II, khoảng năm 187 đến năm 226 thì hoàn thành. Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc.
Không phải ngẫu nhiên mà giới nghiên cứu văn hóa gọi lễ hội chùa Dâu là “mã nguồn” của lễ hội Việt. Với lịch sử hơn 1.800 năm, khi các nhà sư Ấn Độ theo đường biển đến Luy Lâu, tín ngưỡng Tứ Pháp đã sớm bén rễ, dung hợp tinh thần phương Đông với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa tạo nên một mô hình lễ hội mẫu mực, khép kín và bền vững trong suốt hàng nghìn năm.
Khác biệt lớn nhất của lễ hội vùng Dâu so với các lễ hội Phật giáo khác nằm ở chiều sâu tín ngưỡng và tính cộng đồng. Đó không chỉ là ngày lễ Phật, mà còn là lễ cầu mưa trực tiếp gắn với nhu cầu canh tác của cư dân nông nghiệp. Không chỉ rước kiệu Phật, mà còn thi cướp nước, như một hình thức “tiên tri mùa vụ”. Không chỉ diễn ra trong phạm vi chùa, mà trải khắp không gian các làng xã trong vùng với hệ thống chùa Tứ pháp. Và đặc biệt, không chỉ có sự hiện diện của tăng ni, Phật tử, mà cả cộng đồng, từ người cao tuổi đến thiếu niên, từ các dòng họ đến từng gia đình đều tham dự tạo thành một nghi lễ văn hóa cộng cảm sâu sắc.
Theo nhiều học giả, hình mẫu hội Dâu là minh chứng sống động cho khả năng tiếp biến và sáng tạo văn hóa của người Việt. Đó vừa là “cội nguồn lễ hội”, vừa là di sản sống động của một nền văn hóa biết cách hấp thu cái mới, gìn giữ được cốt lõi bản địa, biến ngoại lai thành của mình một cách tự nhiên và truyền lại cho đời sau bằng những nghi thức thiêng liêng, đậm đà bản sắc.
Việc phục dựng nghi lễ rước Phật và khôi phục các trò diễn truyền thống trong lễ hội chùa Dâu vì thế không chỉ mang ý nghĩa gìn giữ những giá trị ngàn đời, mà còn thắp lên niềm tự hào, khơi dậy bản sắc văn hóa. Trảy hội vùng Dâu trong sự rộn ràng của lễ rước, chiêm ngưỡng dáng hình tượng Tứ pháp cùng niềm náo nức, hân hoan của người dân như thấy được trở về nguồn cội và cảm nhận một dòng chảy văn hóa bất tận từ ngàn xưa vọng đến hôm nay.
T.Lâm
Ý kiến ()