ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH Số: 22/TB-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Bắc Ninh, ngày 06 tháng 03 năm 2019 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh tại Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Ngày 05/3/2019, tại UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh chủ trì Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, cùng dự có đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đổng chí Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban An toàn thực phẩm tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh; Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tại Hội nghị sau khi nghe đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình tình hình công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; ý kiến phát biểu của các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh kết luận một số nội dung chính như sau:
1. Yêu cầu các ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chỉnh phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và Chỉ thị số 8523/CT-BNN-TY ngày 01/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam; văn bản số 576/UBND-NN ngày 22/02/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh động vật và ngăn ngừa sự xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào tỉnh Bắc Ninh.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng xâm nhiễm vào Bắc Ninh”; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc chỉ đạo, thực hiện phòng, chống dịch tại các huyện, thị xã, thành phố, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; phương pháp xử lý đàn lợn mắc bệnh; tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; chỉ đạo tăng cường lực lượng thú ý xuống các cơ sở để tham gia hướng dẫn, giám sát và phòng chống dịch bệnh; Phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi; thực hiện việc cấp phép hoạt động đối với những cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn sinh học; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chưa đủ điều kiện thực hiện các trình tự cấp phép theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn” tới các xã, phường, thị trấn;
- Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn (sử dụng vôi bột, thuốc sát trùng…); xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi;
- Thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Đối với các huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp với các tỉnh có dịch, chủ động thành lập các chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông; thành lập đội kiểm dịch động vật cơ động liên ngành nhằm kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn khi cần thiết.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Kinh tế) tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định lưu hành bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm và các vùng có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện bệnh.
- Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để dịch lây lan ra diện rộng, không có biện pháp khống chế kịp thời.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã, thành phố giám sát quá trình xử lý tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường; xác định và bố trí các vị trí tiêu hủy phù hợp, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y và sức khỏe cộng đồng.
5. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đề xuất bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí trong trường hợp phát hiện lợn và các sản phẩm của lợn dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và buộc phải tiêu hủy; rà soát mức hỗ trợ kinh phí và cơ chế, thời gian hỗ trợ để người chăn nuôi tích cực hợp tác, báo cáo dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
6. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường: Tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài (tiêu hủy toàn bộ); quản lý quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với lợn và các sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Thông tin truyền thông, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Thông tin, tuyên truyền sâu rộng để người chăn nuôi, người tham gia buôn bán giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn và cả xã hội vào cuộc để kiểm soát tốt, không để dịch lây lan theo tinh thần vừa đảm bảo chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi nhưng không gây hoang mang cho người dân và cộng đồng; tuyên truyền vận động người dân thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.”
8. Các Sở, ban ngành có liên quan: Các Sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: - TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c); - Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh (b/c); - Các Sở: NN & PTNT, KH&ĐT, TC, CT, GTVT, TT&TT, TN&MT; - Công an tỉnh; - Ban CĐ 389, Ban QLATTP tỉnh; - Cục Quản lý thị trường; - Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh; - Huyện ủy, thị ủy, thành ủy; UBND các huyện, thị xã, thành phố; - Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, Cổng TTĐT; - Lưu: VT, NN. | TL. CHỦ TỊCH KT. CHÁNH VĂN PHÒNG PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG (Đã ký) Ngô Văn Luyến |
Ý kiến ()