Kết luận Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí (Ban Chỉ đạo) được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào sáng 25-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu nâng cao nhận thức và phải hành động cụ thể, thường xuyên phòng, chống lãng phí, như cơm ăn, nước uống hằng ngày của mỗi người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.
Cần có hướng dẫn xử lý cơ sở vật chất trong sắp xếp tổ chức bộ máy
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ rõ, lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản… gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy giảm nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, những lãng phí kể trên, một phần do vướng mắc về thể chế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện việc rà soát các dự án đầu tư có khó khăn vướng mắc, tồn đọng kéo dài thuộc Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại 26 cơ quan Trung ương và 62 địa phương có hơn 1.000 dự án gặp vướng mắc, trong đó có 181 dự án đầu tư công, 801 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 60 dự án hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cho biết, số lượng các dự án còn khó khăn, vướng mắc ở địa phương trên thực tế còn cao hơn nhiều do chưa thống kê hết và ở các mức độ, thẩm quyền giải quyết khác nhau.
Trong đó, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu do thiếu vốn đầu tư, nợ đọng xây dựng cơ bản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, trùng lắp quy hoạch; thiếu thủ tục giao đất, cho thuê đất; không tuân thủ thủ tục đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư; vướng mắc về vật liệu xây dựng…
Các đại biểu đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế và có cơ chế đặc biệt, đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án có sai phạm được chỉ ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án… Đồng thời có hướng dẫn kịp thời để sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự họp; yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xử lý kiến nghị của các địa phương; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận Phiên họp; đồng thời xây dựng dự thảo Quyết định kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo theo tổ chức bộ máy mới, Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Ban Chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phòng, chống lãng phí.
Nhấn mạnh, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, tồn đọng, lãng phí trong nhiều lĩnh vực như sử dụng tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, nguồn lực... (đơn cử, nhiều cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích; 9.497 cơ sở nhà đất và 9.606 tài sản công khác chưa được xử lý dứt điểm…), Thủ tướng Chính phủ cho rằng có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ quan là chính; đòi hỏi phải thẳng thắn nhìn nhận, có giải pháp phù hợp, kịp thời, linh hoạt, xử lý hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.
Gắn phòng, chống lãng phí với thúc đẩy tăng trưởng
Phân tích bối cảnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là nhiệm vụ phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, 2 con số trong những năm tiếp theo để đạt các mục tiêu 100 năm (100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, hiện nay chúng ta đã tháo gỡ thể chế, có kinh nghiệm xử lý và phối hợp hiệu quả, phải huy động tối đa nguồn lực để phục vụ yêu cầu phát triển.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm việc phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; phải gắn kết với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường phân cấp, phân quyền; phòng, chống lãng phí phải gắn với thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, thực hiện 3 đột phá chiến lược, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; gắn kết chặt chẽ với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực.
Mong muốn, việc phòng, chống lãng phí phải trở thành tự giác, tự nguyện như cơm ăn, nước uống hằng ngày, Thủ tướng yêu cầu thống nhất về nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí tại thời điểm hiện nay theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm. Song song là phải hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể, trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, nhất là xây dựng dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí và Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả, trên tinh thần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”. Trong đó, thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
“Việc chậm trễ trong báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực quốc gia; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, quán triệt và chấn chỉnh ngay; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà tới đây sẽ là Bộ Tài chính, cùng với Văn phòng Chính phủ giám sát chặt chẽ, tổng hợp báo cáo định kỳ, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các đơn vị chậm trễ, không nghiêm túc thực hiện”, Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương sao cho chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong phòng, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời góp ý, xây dựng Kế hoạch công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, cơ quan, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Trong đó, mỗi bộ ngành địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Theo TTXVN
Ý kiến ()