Thúy chẳng thể nào hiểu được tại sao bố lại bỏ mặc mẹ con nó. Bữa trước nó sang nhà chú Bụi, thấy bố chú nựng chú quá chừng. Mà chú nghịch vậy bố chú cũng không mắng… bố còn công kênh chú ngồi trên vai, cười khúc khích… đôi mắt thường vo tròn đen láy, ướt lung linh híp cả vào. Phải chi lúc mẹ đẻ nó cũng là một cậu bé kháu khỉnh, bố bế bồng rồi luôn miệng xuýt xoa: Ôi chao! Thằng cu Phót của bố ngoan nào… Ồ! Nhưng chú Bụi cũng có chị Mến đấy thôi. Thì mẹ đẻ em trai cho nó bế?… Thúy chìm vào mớ miên man suy tư kiểu bà cụ non. Khi lặng im, lặng im thi gan với núi, khi hờn thành chuỗi, như thể chính núi bất công với nó. Nhưng núi đồi cũng lạ, sau mỗi bận tủi hờn, dưới thảm cỏ xanh, những chiếc lá mỏng manh lại hiện thành những chuỗi lung linh, giờ thì nó ngây ngô soi vào những giọt trong veo quá ư là sương.
Chiều xao xác gió. Hàng bạch đàn thiu thiu. Hương đất mặc nhiên gửi vào hoa cỏ. Nó nằm trên một ụ đá phẳng phiu như cái nôi nhỏ giữa đất trời. Đá chồng trên đá, những ụ đó là chứng tích còn lại của trận địa pháo từ những năm chiến tranh khốc liệt. Nó cứ ngả lưng như điều núi Thành thế vậy. Nó nằm xuống, hai tay chống cằm, nhìn từ trên đỉnh đồi. Thu về cả phố làng nhỏ lại, những ngôi nhà như những ống diêm xếp xin xít gần nhau. Nó ngắm nghía dòng sông Nguyệt bao quanh làng, thi thoảng lật người lại nhìn thoai thoải xuống khoảng bằng phẳng kia mà nó đặt tên là “thảo nguyên Hoa Thỏ”, vì từ ụ đá xuống chiếu nghỉ là bạt ngàn hoa thỏ dại… những chiều chán chơi trận giả với bọn con trai, bọn con gái chúng nó thường kết những vương miện, tràng hoa thỏ để hóa trang thành công chúa, nàng tiên. Chúng phong Thúy là giáo chủ động Vách Đá vì cái tính “gan thật” của Thúy. Nhất là ngôi nhà ma ấy, bọn trẻ cấm có đứa nào dám bén mảng quanh quẩn, thế mà ngày nào Thúy cũng đi qua hẻm để xách nước về, chẳng hề sợ sệt. Ngôi nhà ấy xây cả chục năm mà phải bỏ hoang, bán rẻ chẳng có người mua. Ấy là chủ nhà kể: cứ tối đến đặt lưng xuống giường là nghe thấy tiếng ma gõ kẻng leng keng gọi nhau ăn cơm, tiếng bát đũa loẻng xoẻng. Rồi những đêm bóng đè hãi hồn, một thằng da đen, một thằng da trắng và một con đầm dựng giường, dựng chiếu, nhấc bổng người lên. Sợ lắm!
Thúy thuộc đồi núi này, cả trăm lần nó nhắm mắt băng băng chạy từ trên đỉnh xuống chân núi, quen đến mức chẳng sai nhịp khúc khuỷu nào…
Những lúc thơ thẩn một mình nó thường ngủ quên như thế… ai bảo núi bao la, thênh thang đến vậy. Cả gió ươm ướp đưa hương ru ri những giấc thần thoại mộng mơ… Hay bố nó là núi, núi bố to lớn, khổng lồ và thiêng liêng... Bố nó là núi thì nó phải là một tảng đá cứng nứt ra từ đồi núi này… nên những câu thì thầm thủ thỉ của nó với núi rất kì diệu và thì thầm tự nó: Thúy ơi bé lại đi, bé nữa như một hạt sỏi tẻo teo trong lòng núi… Ứ đâu… nó mớ làm cả vùng đồi yên ắng như có tiếng trẻ nũng nịu, quỷ thần cũng vun gió ve vuốt và chở che giấc mơ có bố. Trong giấc mơ nó lẫm chẫm díu vào cái bóng lềnh khềnh của bố. Hai bố con dắt tay nhau, bàn tay xinh xắn của nó chỉ cần cầm chặt một ngón rô ráp ấy, thì bố chẳng tuột được, nó ngước nhìn bố vừa cười vừa nói…
Ấy lúc chưa ngủ nó yêu núi đến vậy, mà khi vào giấc mơ nó thường mơ đến bố, hay núi hiểu, đưa bố hiện ra sống động, gần gũi, chân thực?
Nó giật mình tỉnh giấc, trời đã xâm xẩm, đương mắt nhắm mắt mở, nó quào tay bỏ lại những hoa cỏ lẫn trong mái tóc ruộm hoe nắng, dùi dụi cơn mơ mở to đôi mắt lay láy hạt huyền, nó chợt nhớ mẹ sắp đi làm về, co cẳng chạy ùa về nhà, nhanh nhảu chẻ củi nhóm bếp, rồi vo gạo… Chỉ loáng cái Thúy đã cơm canh, bầy biện tinh tươm đợi mẹ về. Công việc của mẹ Thúy là làm mướn cho các gia đình dưới phố, khi thì giặt chăn chiếu, quần áo, khi thì gánh nước, gánh hàng đủ thứ việc nặng nhọc. Bé Thúy thương mẹ lắm, nên dù mới lên tám mà đã đủ việc nhà. Nó biết mẹ rất vất vả, bươn trải kiếm tiền nuôi nó ăn học. Được cái Thúy sáng dạ, học đâu hiểu đấy, bài vở chỉ đọc một lần là thuộc lòng. Có điều nó thường ao ước được khoe bố về những điểm chín, điểm mười đỏ rọi trang vở. Nhưng bố chẳng về. Hình ảnh bố cứ nhòa nhòa trong giấc mơ, chỉ có tiếng “bố” thiêng liêng nó ấp iu còn lại.
Mẹ thường về muộn, nó dọn sẵn mâm cơm trên bàn rồi chạy ra sân tết những vòng chun để chơi nhảy dây. Trò nhảy soạng bọn con gái lớp Thúy đứa nào cũng nhảy siêu lắm. Vừa trông nhà nó vừa bày các trò chơi, thà thiên đến tận lúc xâm xẩm mẹ về.
Có tiếng loạch xoạch cửa ngõ, nó reo lên:
- A mẹ về! Mẹ có mua bút kim tinh cho con không?
Người đàn bà, quẳng đôi quang gánh rẹo rọ góc sân, cài lại mớn tóc nhàu gió sương, lòa xòa trên khuôn mặt sạm nắng, vừa múc nước rửa mặt vừa nói với con:
- Ôi dào! Gánh ê ẩm cả vai, nhà bà ấy lại bảo ngày mai gánh nốt trả thể, chả có đồng mua gì cho cô.
Nó tiu nghỉu, nhưng nản sang chuyện khác:
- Mẹ vào ăn cơm đi, con nấu chín rồi.
Hai mẹ con Thúy bước vào đến cửa, thấy động cậu mực lấm lét, cum cúp đuôi lẻn ra sân. Hai mẹ con nhìn mâm trên bàn chỉ còn chổng chơ bát đĩa. Thúy nhìn sang mẹ… tại cái tính hay lơ đễnh của nó…
Người đàn bà nhìn con, khuôn mặt nhọ nhem, nhọ thủi, cứ nghệt ra, vừa sợ, vừa tiu ngỉu mà tội. Kéo con vào lòng, vén tơ tóc cài kẽ tai, tay chị miên miết những nhọ củi, đất cát ở mặt con:
- Đã đen nhẻm, lại xó dọ, ngếch ngoác cả mặt mày.
Bụng vẫn chưa quên việc cậu mực đã chén sạch bữa tối của hai mẹ con, con bé ấm ức nói với mẹ:
- Để con đánh nó một trận, cho chừa đi!
Chị dìu dịu gàn con:
- Thôi con ạ… chó ở nhà nghèo nên cũng khổ.
Thực ra nghĩ đến chuyện, cả tuần nay chị phải chắt bóp khoản đinh, khoản điền, dư dật vài đồng dành mua thức ăn cho con, con bé đang tuổi ăn tuổi lớn, giờ cậu mực vụng mất, cũng thấy bực. Nhưng nếu chị đánh nó, hóa ra chị lại dạy con tranh miếng ăn với cả con chó,… còn ra gì nữa.
Ôm con gái vào lòng, chị nhìn xuống đôi tay đen đúa, gày gò của con mà xót ruột, một cái gì thật nhức nhói, đẩu đâu cứ thấy chạnh lòng vơ vào mình.
Khốn nạn quá… Bao tủi cực cay đắng trong nín lặng cứ dềnh lên, thấm từng vết chân chim trên đôi mắt hằn sâu ướt khóe, cố ghìm lòng vì không muốn con bé nhìn thấy mình khóc, nhưng không hiểu sao nông nỗi này… nước mắt cứ trào ra lã chã, rơi xuống cằm, xuống đôi vai gầy gò, lam lũ. Nó mặn mòi, nóng bỏng rợt cả vào người con.
Lần đầu tiên nó thấy mẹ khóc, nó ngước nhìn mẹ, đôi tay nhỏ nhắn, vừa lau nước mắt vừa dỗ dành mẹ bao điều… Nhưng chị càng ôm mặt tức tưởi.
- Mẹ đừng khóc nữa, con ăn cơm không cũng no mà.
Chị xiết chặt con lại, nó còn bé quá chưa hiểu cuộc đời, chưa hiểu được nỗi lòng tê dại của chị. Trầy vẩy, quanh năm đầu tắt mặt tối mà con vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Từ lúc bụng mang dạ chửa, rồi một mình lầm lũi nuôi con biết bao tủi nhục… chơ vơ ở cái chốn đèo heo hút gió, bao điều chênh vênh. Chị cắn răng chịu đựng, hy vọng và hy vọng, nhất định rồi anh sẽ về… sẽ về với chị, với đứa con gái luôn khao khát tình phụ tử. Chị tin vào cái đêm mầu nhiệm ăm ắp yêu thương đó…
Chiến tranh biên giới đã kết thúc, anh không về, cũng chưa có tin báo tử của anh, chị còn hy vọng, dù đã phải đổi quá nhiều đắng cay, những hy vọng mỏng manh. Anh phải về chứ, để mọi dè bỉu được sáng tỏ.
Con bé vẫn vỗ về, nguôi ngoai lòng mẹ.
- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, mai ngày con sẽ cố gắng học thật giỏi, để kiếm được nhiều tiền, mẹ không phải đi làm vất vả nữa…
Dưới bóng núi, ngôi nhà leo lét ánh đèn dầu, mùi sương ngai ngái từ vách đá tràn vào se sắt từng liếp ngói. Thúy được bên mẹ yên ấm, căn nhà tênh toang mà tưởng cũng đủ đầy…
Bữa cơm nhạt, đong đầy tình mẹ ngày nào đã gieo vào Thúy một vừng sáng bừng lên. Thúy cố gắng, phấn đấu không ngừng, suốt ba cấp học luôn là học sinh giỏi và đã giành về nhiều giải học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Học xong cấp Ba, Thúy được tuyển thẳng vào đại học, rồi tiếp tục đi học cao học. Thúy là niềm tự hào của mẹ và xóm núi.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua, hình ảnh cô bé Người Rừng vẫn làm núi nhớ nao lòng. Một cơn gió lao xao lướt trên những hàng cây đương trút xuống lớp lớp những chiếc lá úa để trong nắng du dương một màu xanh xanh hơn nữa giữa bầu trời sáng lạng, trong veo như để đón đứa con của núi đồi đã về. Thúy hít thật sâu để cảm nhận tất cả hương của đất, của trời quê. Mở bản luận văn tốt nghiệp mà cô đã giành tình cảm của mình với đề tài nghiên cứu văn hóa làng… đó là tấm lòng cô muốn gửi gắm, ấp ủ, như ngàn năm hình sông dáng núi gọi về tha thiết tiếng quê hương.
Lạ kỳ, đôi tay Thúy bỗng run lên, miệng lầm dầm đọc với bao niềm cảm xúc xao xuyến, bồi hồi khó tả, bao ký ước tuổi thơ tràn đầy núi thiêng liêng tựu về. Thúy say sưa đọc, hay núi đồi đang lắng nghe tất cả. Từ sâu thẳm, Thúy lại thủ thỉ riêng với núi rằng: giờ cô đã hiểu, đã hiểu tất cả … có khi những cay đắng, khốn khổ cũng do đất giời gửi gắm cho ta.
Và dường như bao vách đục đẽo, nham nhở, những u uẩn, vất vưởng núi Thành trầm ngâm bỗng xanh lại mơ hồ, ngút ngàn những hàng cau vi vút trong nắng. Đâu đây phảng phất những tiếng leng keng, reo hò mênh mang của hồn đất, hồn đá, hồn người đang dập dìu trong gió núi mà nước sông đang đổ về từ phía thượng nguồn…
Mùa Vu Lan
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Tuyết
Ý kiến ()