Mới đây, trong chuyến công tác tại huyện Thuận Thành, chúng tôi có dịp ghé qua thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ để thăm ông, người thầy, người đồng nghiệp đáng kính của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh ngành Giáo dục Bắc Ninh - Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Tiến Chấn, cựu Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1, ngôi trường giàu truyền thống “2 tốt” bậc nhất tỉnh và niềm tự hào của vùng đất học Bắc Ninh - Kinh Bắc. Ở tuổi 87, NGND Nguyễn Tiến Chấn vẫn dẻo dai và minh mẫn lạ thường, vẫn rất tâm huyết với giáo dục như cái thời ông phụ trách trường sư phạm Bắc Ninh rồi một mạch 25 năm làm Hiệu trưởng trường cấp III Thuận Thành cho đến lúc nghỉ hưu.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh tặng hoa chúc mừng Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tiến Chấn nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2017.
Hiệu trưởng tốt phải là nhà quản lý giỏi
Năm 1955, Nguyễn Tiến Chấn là học sinh duy nhất của Bắc Ninh được tuyển vào khoa Toán (ĐH Sư phạm Hà Nội). Tại đây anh may mắn được tiếp cận các Giáo sư Toán học lừng danh nước Việt như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn… Năm 2010, khi được Chủ tịch nước phong tặng NGND, ông chia sẻ rằng, những kinh nghiệm trong quản lý giáo dục của ông được ảnh hưởng nhiều từ những người thầy giáo vốn là những nhân cách lớn của Quốc gia dân tộc.
29 tuổi, thầy giáo Nguyễn Tiến Chấn đã được giao phụ trách Trường trung cấp Sư phạm Bắc Ninh. Ông quan niệm, muốn là Hiệu trưởng tốt thì phải là nhà quản lý giỏi, muốn quản lý giỏi phải có kiến thức toàn diện, giỏi 1 môn và biết nhiều môn. Từ suy nghĩ ấy, ông đặt mục tiêu 3 năm phải đọc và hiểu căn bản giáo trình các môn học. Ông đã kiên trì thực hiện mục tiêu đó, trong 3 năm đó ông thường dự giờ đồng nghiệp, góp ý cho đồng nghiệp tất cả các môn học.
Những kinh nghiệm được tiếp nối, được phát huy và đạt hiệu quả cao hơn trong suốt 25 năm ông làm Hiệu trưởng Trường cấp III Thuận Thành (từ 1965 đến 1990). Trong 25 năm ấy, Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn chưa bao giờ rời bục giảng. Đây có lẽ là điều hiếm có của các Hiệu trưởng các cấp học từ trước đến nay.
Phát hiện và tiến cử người tài
Một sáng thu năm 1963, thầy giáo Nguyễn Tiến Chấn (khi ấy là Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp Sư phạm Bắc Ninh) đang chăm chú nghiên cứu cuốn tập san Toán - Lý của ĐH sư phạm Hà Nội thì phát hiện một điều thú vị: Định lý hình học xạ ảnh của GS Toán học lừng danh Nguyễn Cảnh Toàn đã được một sinh viên năm thứ 2 chứng minh ngắn gọn từ 2 trang xuống còn 1 trang giấy. GS Toàn rất trân trọng, coi đó là sáng tạo mới mẻ của cậu sinh viên mà ông trực tiếp giảng dạy. Cậu sinh viên ấy là Nguyễn Nhung, người Hương Canh (Vĩnh Phúc). Sau này bài chứng minh hình học xạ ảnh của Nguyễn Nhung được giới thiệu trong sách riêng của thầy Nguyễn Cảnh Toàn. Cùng “dân” Toán, thầy giáo Nguyễn Tiến Chấn cứ ấn tượng mãi về cái anh Nguyễn Nhung quê ngói Hương Canh ấy.
Năm 1965, thầy Nguyễn Tiến Chấn được điều về trường cấp III Thuận Thành làm Hiệu trưởng, tháng 8 năm ấy Bộ GD-ĐT phân công một số sinh viên sư phạm nhận công tác tại tỉnh Hà Bắc (năm 1963 Bắc Ninh và Bắc Giang nhập thành tỉnh Hà Bắc). Trường cấp III Thuận Thành thiếu giáo viên Toán, Hiệu trưởng đạp xe lên Sở xin 1 chỉ tiêu thì bất ngờ thấy cái tên Nguyễn Nhung quê Hương Canh, thế là ông bằng mọi cách xin bằng được Nguyễn Nhung về trường. Trưởng phòng Tổ chức của Sở ngờ vực là người quen hoặc họ hàng của Hiệu trưởng? Ông chỉ cười: “Tôi chưa hề biết mặt anh này, nhưng đề nghị Sở chấp thuận, tôi sẽ giải thích sau”. Vậy là ông đã có được thầy giáo trẻ tài năng sung vào tổ Toán của nhà trường.
Về trường, thầy giáo trẻ Nguyễn Nhung được người Hiệu trưởng đa tài Nguyễn Tiến Chấn khơi nguồn đam mê sáng tạo trong giảng dạy rồi nhanh chóng trở thành giáo viên Toán cốt cán của trường. Có lẽ vì thế mà cuộc đời thầy giáo Nguyễn Nhung bước sang trang mới?
Từ năm học 1966-1967, Sở GD-ĐT Hà Bắc mở lớp chuyên Toán của tỉnh đặt tại Từ Sơn, rồi Yên Phong, chính thầy giáo Nguyễn Tiến Chấn lại cặm cụi đạp xe lên Sở đề nghị với lãnh đạo, đại ý: Theo ý kiến của tôi thì Hà Bắc hiện không có ai dạy Toán giỏi hơn Nguyễn Nhung, vì vậy mặc dù rất tiếc nhưng tôi vẫn xin tiến cử anh này cho khối chuyên Toán của tỉnh, vì sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng nhân tài của tỉnh…
Có thể nói môi trường mới đã tạo cơ hội tốt cho thầy giáo trẻ Nguyễn Nhung. Sau này thầy Nguyễn Nhung làm tới chức Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, thời gian tại nhiệm ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NGND.
Theo lời kể của NGND Nguyễn Nhung, năm 1996 khi ông nhận danh hiệu NGƯT do Chủ tịch nước phong tặng, được tổ chức tại Trường Hàn Thuyên, trong bài phát biểu cảm tưởng của mình, ông đã rưng rưng: “Tôi may mắn và vô cùng biết ơn môi trường công tác đầu tiên là trường cấp III Thuận Thành, nơi ấy có người Hiệu trưởng đáng kính đã nhận rồi lại tiến cử tôi. Cả cuộc đời tôi luôn coi thầy Chấn là người anh, người thủ trưởng mà mình phải chịu ơn sâu sắc…”.
Dứt lời, NGƯT Nguyễn Nhung cầm bó hoa được tặng bước xuống phía dưới hội trường tặng lại thủ trưởng cũ là NGƯT Nguyễn Tiến Chấn, khách mời danh dự và là thầy giáo cũ của Trường Hàn Thuyên.
Hiệu trưởng từ chối làm Phó Giám đốc Sở
Ít ai biết rằng đầu những năm 1980, Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn từng từ chối thiện chí cấp trên mời lên Sở GD-ĐT làm Phó Giám đốc. Lý do của ông rất đơn giản, lên Sở thì không được dạy học mà tâm nguyện cũng như mục tiêu của ông là được đứng lớp!
Kính trọng nhân cách đồng nghiệp, năm 1983 khi mới được bổ nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Ngô Văn Luật (sau làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) đã chủ động điện thoại cho Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn với thái độ thân gần: “Cấp trên giao cho tôi nhiệm vụ nặng nề, tôi muốn gặp bác trao đổi thẳng thắn một số kinh nghiệm quản lý cho ngành mình tốt lên, đề nghị bác bố trí thời gian phù hợp…”.
Khi về trường, điều tâm đắc nhất của ông Luật chính là phương pháp kiểm tra, đánh giá một cơ sở giáo dục mà Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn với kinh nghiệm dày dạn của bản thân đã “hiến kế” cho tân Giám đốc Sở GD-ĐT. Đó là để đạt kết quả cao, tránh được bệnh hình thức thì việc đi cơ sở, kiểm tra các cơ sở giáo dục nên tiến hành… ngược những gì Sở đang làm khi ấy. Nghĩa là, muốn kiểm tra một cơ sở giáo dục thì sát ngày Sở mới thông báo cho trường biết. Khi về trường, cán bộ Sở không chè nước dông dài mà nên thăm quan trường, lớp rồi dự giờ luôn. Mà nên dự giờ ít nhất 3 đối tượng giáo viên được trường đánh giá là tốt, trung bình và kém. Còn thời gian thì tiếp xúc với phụ huynh, học sinh lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Làm như vậy chắc chắn cơ sở không thể có thời gian để báo cáo, để “diễn” theo kiểu chuẩn bị sẵn. Từ thực tế đó đoàn kiểm tra sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Tốt thì biểu dương, hạn chế thì yêu cầu khắc phục. Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn nhấn mạnh rằng, ông học điều này từ Bác Hồ, bởi đây cũng chính là cách Bác thường làm khi đi cơ sở.
Không lâu sau cuộc gặp, Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Văn Luật lại chủ động điện thoại cho Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn: “Tôi đã thực hiện đúng quy trình của bác tại nhiều cơ sở giáo dục của tỉnh và thấy đạt hiệu quả rõ rệt. Bệnh hình thức giảm, toàn ngành tập trung thực hiện mục tiêu dạy thật - học thật - thi thật để có chất lượng thật…”.
Chân dung Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tiến Chấn.
Người thắp sáng ngọn lửa khuyến học
Năm 1990, Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn được nghỉ hưu theo chế độ, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc khi ấy là ông Ngô Đình Loan đề nghị ông tham gia công tác khuyến học xã Song Hồ. Đáp lại thiện chí cấp trên, người thầy giáo Tâm - Tài Nguyễn Tiến Chấn đã xây dựng Song Hồ thành đơn vị đầu tiên và là điểm sáng toàn Hà Bắc về công tác khuyến học, khuyến tài.
Năm 2000, huyện Thuận Thành thành lập Hội Khuyến học, lại vẫn thầy Nguyễn Tiến Chấn được đề nghị làm Chủ tịch Hội (thông thường chức danh này phải là lãnh đạo huyện đương chức kiêm nhiệm). Ông Ngô Đình Loan, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nói đại ý: Ông Chấn sinh ra là để làm giáo dục và khuyến học... Quả thực như vậy, hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội khuyến học huyện, huyện Thuận Thành được cả nước biết đến là vùng đất học tiêu biểu của xứ Kinh Bắc. Cũng vì là điểm sáng tiêu biểu toàn quốc, Hội khuyến học Thuận Thành vinh dự được tiếp đón nhiều tổ chức khuyến học khắp trong Nam, ngoài Bắc đến giao lưu, học tập kinh nghiệm. Nhà giáo Nguyễn Tiến Chấn chính là người đã thắp sáng ngọn lửa khuyến học rồi truyền cảm hứng để ngọn lửa ấy tỏa sáng khắp nơi. Năm 2011 khi đã tám mươi tuổi, ông mới thực sự được nhà nước cho nghỉ ngơi, vui thú điền viên bên con cháu…
Như chúng tôi biết, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi nhà của ông ở vùng “đất vui” Lạc Thổ lại ngập tràn hoa tươi cùng những lời chúc mừng tốt đẹp mà học trò, đồng nghiệp khắp trong Nam ngoài Bắc dành tặng ông. Điều này thật dễ hiểu bởi từ nhiều chục năm nay, tấm gương thầy Chấn đã lan tỏa, truyền cảm hứng đến lớp lớp thế hệ học sinh và giáo viên ngành Giáo dục Bắc Ninh, nhất là với thầy trò Trường THPT Thuận Thành số 1 phấn đấu vươn lên. Thực tế là tại ngôi trường mà thầy từng 25 năm làm Hiệu trưởng, những đam mê, những lòng tốt, những ý chí nghị lực luôn gặp gỡ nhau để cùng góp phần làm nên “thương hiệu” THPT Thuận Thành số 1, điểm sáng toàn diện và là niềm tự hào của vùng đất học Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Thanh Tú
Ý kiến ()