Uy tín của người lãnh đạo là độ tin cậy và niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với người làm công tác lãnh đạo, quản lý. Phản ảnh mối quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý, giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo, nó có thể tác động tốt hoặc xấu đến quá trình quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước và quản lý xã hội. Uy tín của người lãnh đạo, gồm có uy tín chức vụ và uy tín cá nhân.
Không phải bất cứ thành viên nào trong xã hội cũng đều có uy tín chức vụ. Một công dân, một nhân viên nhà nước không có uy tín chức vụ. Nếu họ có tín nhiệm với cấp trên và với nhân dân thì đó là sự nỗ lực của cá nhân trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, đối nhân xử thế đúng đắn, mọi người kính nể. Uy tín chức vụ chỉ có ở những người lãnh đạo dù ở chức vụ cao hay thấp. Chức vụ lãnh đạo càng cao, thì uy tín chức vụ càng lớn và do vậy những mệnh lệnh, chỉ thị của người lãnh đạo ở các chức vụ khác nhau, sẽ được cấp dưới thi hành ở những mức độ khác nhau. Song, người lãnh đạo ra một chỉ thị vượt quá quyền hạn của mình sẽ không được cấp dưới thi hành vì uy tín chức vụ của họ không đủ tầm tác động đến thi hành chỉ thị đó đưa ra. Nhưng cùng một nội dung công việc, mà có nhiều cấp có nhiều chức vụ khác nhau ra mệnh lệnh, thì mệnh lệnh của người có chức vụ cao hơn được thi hành nhanh chóng và nghiêm túc hơn. Người ta thường nói “Tiếng nói có trọng lượng”, chính là nói đến uy tín chức vụ của người lãnh đạo.
Uy tín chức vụ của người lãnh đạo không phải cá nhân quyết định mà do quyền lực của chức vụ quyết định. Khi người lãnh đạo được đề bạt lên cấp cao hơn thì uy tín chức vụ của họ càng cao hơn. Uy tín đó của người lãnh đạo phải biết sử dụng đúng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh thì đem lại hiệu quả to lớn, uy tín chức vụ càng nâng cao. Nếu sử dụng uy tín đó vào mưu cầu lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lãnh đạo thì tác hại khôn lường về mọi mặt kinh tế, xã hội, uy tín chức vụ không được xã hội thừa nhận và sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Người lãnh đạo không chỉ có uy tín chức vụ mà còn phải có uy tín cá nhân. Và bất cứ thành viên nào trong xã hội cũng đều có uy tín cá nhân. Uy tín cá nhân của người lãnh đạo do phẩm chất cá nhân của mỗi người quyết định. Phẩm chất đó gồm hai mặt: Phẩm chất chính trị và trình độ, năng lực của cá nhân người lãnh đạo.
Phẩm chất chính trị của người lãnh đạo trước hết là lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là sự hy sinh và ý thức trách nhiệm cương vị được giao, sự mẫu mực trong cuộc sống, sự quan tâm đến lợi ích của Nhà nước, của dân tộc, của nhân dân, của tập thể. Phẩm chất đó có thể nói một cách tổng quát là đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Và những phẩm hạnh tốt đẹp cần phải có của người lãnh đạo, mà những phẩm hạnh ấy phù hợp với ý nguyện chính đáng của cấp dưới quyền, của nhân dân. Người lãnh đạo phải biết lo cho dân, vì lợi ích của dân, có lòng vị tha và đại lượng, có lối sống lành mạnh, trong sáng.
Muốn có uy tín cá nhân, người lãnh đạo phải có trình độ năng lực, được thể hiện trong công tác quản lý, đó là phẩm chất chuyên môn về công tác quản lý của người lãnh đạo. Trình độ quản lý, ở tầm cỡ chiến lược, người lãnh đạo có thể vạch ra những phương hướng, nhiệm vụ hoạt động, nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành mình, đơn vị mình phụ trách phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật và cơ chế quản lý kinh tế-xã hội của Nhà nước.
Trong thực tiễn công tác quản lý, đã có không ít những người lãnh đạo có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ khoa học về ngành nghề, song thiếu những kiến thức khoa học về con người, khoa học về quản lý, đã phạm những sai lầm đáng tiếc. Nên người lãnh đạo phải có khả năng phát hiện và xử lý nhạy bén những vấn đề phức tạp trong quan hệ lãnh đạo và bị lãnh đạo, khả năng quy tụ quần chúng, khả năng phân biệt cán bộ tốt, xấu và khả năng điều chỉnh những cảm giác chủ quan thường xảy ra trong công tác lãnh đạo.
Có tầm chiến lược về quản lý chưa đủ, người cán bộ lãnh đạo còn phải có kiến thức, trình độ về công nghệ quản lý, khoa học điều hành. Điều hành trong quản lý là sự sắp xếp, phân công, kiểm tra cấp dưới về thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra. Người điều hành giỏi còn thể hiện biết sử dụng tham mưu, thu nhận và xử lý thông tin một cách nhạy bén, trình độ bố trí và điều chỉnh các công việc của cấp dưới để thực hiện những chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ đã vạch ra. Cũng không ít trường hợp người lãnh đạo đã có tầm chiến lược trong quản lý, nhưng trong điều hành do không tôn trọng quy luật khách quan và quan liêu trong quản lý, kết cục là hoạt động của địa phương, của ngành, của đơn vị mình phụ trách đã không đạt được kết quả như chiến lược đã vạch ra, thậm chí đã gặt hái kết quả trái ngược với chủ trương của chính mình.
Uy tín cá nhân của người lãnh đạo còn được quyết định do trình độ kiến thức cụ thể về kỹ thuật, nghiệp vụ, chuyên môn ngành, nghề mình phụ trách. Một nội dung có tính khách quan trong công tác quản lý là người lãnh đạo am hiểu sâu sắc nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật, thì chính họ sẽ hiểu biết sâu sắc về trình độ của cán bộ cấp dưới. Do vậy, sẽ có lợi biết bao cho công tác nhận xét và sử dụng con người, công tác điều hành các hoạt động của bộ máy quản lý của người lãnh đạo. Người lãnh đạo ở những cương vị khác nhau đòi hỏi phải am hiểu nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ thuật ở những góc độ khác nhau. Ở cương vị thấp, lãnh đạo trực tiếp, người lãnh đạo phải nắm những nghiệp vụ, kỹ thuật một cách chi tiết về ngành, nghề mình phụ trách. Ở cương vị cao hơn, người lãnh đạo phải am hiểu chuyên môn, kỹ thuật không phải bằng nội dung chi tiết, mà đòi hỏi phải khái quát tổng hợp (nhưng không chung chung) về nghề nghiệp của mình.
Thực tiễn công tác cho thấy, người lãnh đạo có trình độ chuyên môn giỏi, có phẩm chất tốt sẽ có tác dụng thiết thực đến công tác điều hành và từ đó người lãnh đạo nâng cao trình độ quản lý ở tầm chiến lược.
Uy tín chức vụ và uy tín cá nhân là hai mặt hợp thành uy tín của người lãnh đạo. Người lãnh đạo dù có uy tín chức vụ lớn, nhưng nếu uy tín cá nhân bị hạn chế sẽ có tác dụng xấu đến uy tín chức vụ, ngược lại nếu có uy tín cá nhân cao thì sẽ củng cố và nâng cao hơn uy tín chức vụ. Uy tín chức vụ do yếu tố khách quan quyết định, còn uy tín cá nhân được phát triển và củng cố do yếu tố chủ quan của người lãnh đạo quyết định.
Bế mạc hội nghị Trung ương 11 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận: “Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XII, với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, “then chốt của mọi then chốt”. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có tầm chiến lược trước mắt và lâu dài trong nhiệm vụ xây dựng Đảng; những đồng chí tham gia cấp ủy các cấp hầu hết là cán bộ lãnh đạo của Đảng và chính quyền từ cơ sở trở lên. Đã là cán bộ lãnh đạo phải có và không ngừng nâng cao uy tín, uy tín chức vụ và uy tín cá nhân. Người lãnh đạo có uy tín để đủ khả năng lãnh đạo cấp dưới và động viên nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đảng bộ mỗi cấp, nhằm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Ý kiến ()