Trong các dự án đầu tư xây dựng cũng như các dự án quy hoạch phát triển ngành, dự án phát triển Đô thị-Nông thôn xưa nay từng diễn ra các hoạt động tư vấn, phản biện dưới nhiều dạng thức khác nhau với nhiều mức độ khác nhau.
Khu vực ngã 6 thành phố Bắc Ninh.
Thông qua các hội nghị tham vấn, các hội thảo, các thư góp ý hay thảo luận trực tiếp… chủ quản lý cùng các bên hữu quan, các chuyên gia sẵn sàng chia sẻ thông tin, cùng tìm ra tính hợp lý, tính khả thi và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án, nhờ đó mà đã góp phần nâng cao chất lượng của dự án. Đặc biệt có những đề xuất của phản biện đã nâng dự án lên một tầm cao mới, một tính chất mới và mang lại hiệu quả mới.
Kết quả phản biện trong vài năm gần đây của Hội Xây dựng Bắc Ninh minh chứng điều đó, chẳng hạn như không lấn át, thu hẹp mặt nước tự nhiên để tăng diện tích chia lô nhà ở trong các dự án công viên Đồng Trầm (TP.Bắc Ninh), công viên Đền Đầm (TX. Từ Sơn). Trái lại cần duy trì phát triển mặt nước, cây xanh công cộng đảm bảo đô thị phát triển xanh, bền vững. Tương tự như dự án hồ Văn Miếu cần giảm tối đa các công trình xây dựng quá lớn trong công viên, như khu văn hóa, khu thể thao, khu dich vu seo vụ ăn uống… làm lấn át phần cây xanh, vườn hoa vốn đã hết sức hạn hẹp của công viên này. Đồng thời trả lại đúng tính chất là công viên công cộng với vai trò là “lá phổi” của thành phố.
Các dự án khu du lịch Rồng Việt cần nghiên cứu lại tính khả thi cũng như cách tiếp cận du lịch văn hóa. Dự án Trường trung học Thành cổ Bắc Ninh có sự xung đột giữa trước mắt và lâu dài, giữa phát triển và bảo tồn di tích. Dự án Khu Lăng sơn cấm địa nhà Lý, khu đền Kinh Dương Vương đặt ra yêu cầu phải bảo vệ những giá trị lịch sử cốt lõi. Gần đây dự án quy hoạch Khu chiến tuyến sông Như Nguyệt được đề xuất nghiên cứu toàn diện tổng thể với tầm nhìn dài hạn với thành phần, cơ cấu hợp lý trên toàn tuyến, toàn sự kiện trong cuộc chống quân xâm lược nhà Tống năm 1077 của quân dân nước Việt.
Từ đó thấy rõ phương án ưu việt hơn là Đền thờ các hạng mục quan trọng đi theo như: Đài liệt sỹ, Đài Chiến thắng, Nhà trưng bày… và các yếu tố phục vụ lễ hội, phục vụ du lịch đặt tại cụm trung tâm (xã Tam Giang). Tượng đài hoành tráng Lý Thường Kiệt cùng phù điêu, tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà…” đặt tại thị trấn Chờ. Các địa danh khác của chiến trận, các di tích còn lại phải quy hoạch bảo tồn, dựng bia, dựng biểu tượng lưu giữ, phục vụ khai thác du lịch. Những đề xuất như thế đã nâng dự án lên chất lượng mới.
Các dự án lớn có hàm lượng chuyên môn cao như Quy hoạch Vùng tỉnh Bắc Ninh, nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Bắc Ninh mở rộng (Đô thị lõi) đến Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển nông thôn, những luận cứ phản biện đầy thuyết phục đó là quan điểm phát triển đô thị sinh thái (xanh) bền vững, từ đó xác lập, tái tạo các vùng xanh rộng lớn đồng thời sắp xếp hợp lý hóa lại các khu, cụm công nghiệm có khả năng gây ô nhiễm. Thực hiện chuyển hướng từ phát triển số lượng sang phát triển chất lượng với công nghiệp sạch có hàm lượng trí tuệ cao. Đồng thời lộ trình phát triển tiến tới cả tỉnh là một thành phố trực thuộc Trung ương cũng được cân nhắc tính khả thi cho sát thực tiễn hơn. Ở Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được đặc biệt nhấn mạnh với đặc thù nông thôn Bắc Ninh là gắn chặt với quá trình đô thị hóa, thậm chí phần nông nghiệp trong đô thị hay ngoại thị vậy.
Những kết quả trên là đáng mừng, song không phải ý kiến nào cũng được lắng nghe, gần đây dự án cải tạo quảng trường Lý Thái Tổ ở thành phố Bắc Ninh đã được kết luận là mở rộng kéo dài đến ngã tư Lê Văn Thịnh. Điều này vẫn cần phải cân nhắc thêm bởi những nhược điểm của nó. Một quảng trường quá dài không tỷ lệ với quy mô tượng đài, không ăn nhập với không gian xung quanh. Và đặc biệt phải thu phần lớn diện tích sân trước của 4 cơ quan 2 bên (các Sở Y tế, Giáo dục, Tài chính, Kế hoạch). Vỉa hè tiến sát bậc thềm của các ngôi nhà này. Các cơ quan này không thể có chỗ đỗ ô tô, xe máy, không gian đoạn phố này trở nên phản cảm. Thiết tưởng chọn phương án mở rộng có chừng mực (đến hết Thư viện, Bảo tàng) như phương án cũ sẽ hợp lý và đẹp hơn nhiều.
Những đề xuất là: Không nên làm phun nước lặt vặt, chỉ làm hàng rào cây xanh ở 2 công trình Bảo tàng, Thư viện, có thể bố trí quán hoa, quán báo và vệ sinh công cộng ở vỉa hè góc rộng hoặc lấn bớt vào vườn các cơ quan. Những đề xuất như thế đều chưa được thẩm thấu, lắng nghe.
Thông qua phản biện đã phát hiện những khiếm khuyết cần bổ sung, đồng thời cũng điều hòa cân bằng các lợi ích, các xung đột do các yêu cầu riêng rẽ, cục bộ ràng buộc. Tìm ra sự hài hòa, sự tương thích giữa riêng và chung, giữa cục bộ và toàn bộ, giữa trước mắt và lâu dài, giữa cụ thể và tổng thể. Cũng như tạo ra sự gắn kết giữa ngành và địa phương, giữa sản xuất với bảo vệ môi trường, giữa phát triển với bảo vệ di sản văn hóa là những đặc trưng, là kết quả thường thấy do công tác phản biện xã hội mang lại.
Những dự án mang yếu tố nhạy cảm (như xử lý nước thải, nghĩa trang, xử lý rác thải…) thông qua phản biện, mời đại diện cộng đồng tham gia sẽ dễ dàng hơn, tạo ra sự đồng thuận xã hội bởi tính thuyết phục cao của dự án, bởi góc nhìn đa chiều, toàn diện, những lợi ích, những xung đột, trong quá trình xây dựng cũng như quản lý vận hành đã được tiên lượng trước, đã được giải quyết trong tổng thể các giải pháp của dự án, thông qua quá trình phản biện.
Để công tác tư vấn phản biện đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả cao cho xã hội, có nhiều việc phải làm, song trước hết là nâng cao về nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này trong cơ chế xã hội dân sự và mục tiêu dân chủ trong xã hội chúng ta, các chính sách, pháp luật nói chung cho đến các dự án phát triển đều cần thiết sự phản biện xã hội. Các dự án xây dựng, phát triển đô thị cũng không ngoại lệ, bởi vì các dự án trong không gian và thời gian nhất định; với những tương quan ràng buộc về kinh tế-xã hội nhất định. Thông qua các giải pháp nào đấy để đạt được những công năng phục vụ lợi ích xã hội, lợi ích con người. Ở đó có tính chất chung nổi trội là sự sáng tạo, chỉ có yếu tố sáng tạo, với đầy đủ ý nghĩa của nó mới có thể cho những dự án có chất lượng. Và đương nhiên để có sáng tạo, luôn luôn sáng tạo đòi hỏi phải quy tụ chất xám, quy tụ nhân tài, trân trọng chuyên gia để vừa mở rộng góc nhìn, vừa thẩm xét đa chiều, để chắt lọc, hồi quy những tinh túy, những tối ưu có thể có. Đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh không phải quá khó huy động, đội ngũ ấy khá dồi dào, năng động.
Thứ đến là cần cụ thể hóa bằng một quy chế đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội của địa phương. Trong đó phải phân loại các dự án đi đôi với định chế cứng, có giá trị bắt buộc phải tổ chức phản biện trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hay cấp phép.
Một trong những nội dung quan trọng của quy chế là xác định trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các bên tham gia trong quá trình tương tác. Sự ràng buộc này sẽ tạo ra sự đồng thuận, tính khách quan, khoa học và minh bạch trong quá trình từ cung cấp thông tin, giải trình, tranh luận đến tiếp thu, phúc đáp, kết luận…
Tư vấn phản biện là một nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội và các hội thành viên; triển khai thực hiện tốt công tác này là thể hiện trách nhiệm và vị thế của liên hiệp hội, là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là phát huy, khai thác có hiệu quả trí tuệ hội viên.
Với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp, các chuyên gia chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp cho các dự án phát triển với đầy nhiệt huyết và sự trong sáng của mình, hoàn toàn tin tưởng điều đó! .
Ý kiến ()