Phát huy truyền thống của ngành, cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh luôn phấn đấu thực hiện tốt văn hóa công sở, bảo đảm tiêu chí “4 xin” “4 luôn”, đó là: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, tạo tiền đề hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của quá trình hiện đại hóa ngành Kho bạc trong xu thế hội nhập.
Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Phòng Kiểm soát chi KBNN Bắc Ninh.
Làm sáng hơn “văn hóa nghề”
Từ năm 2006, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) ban hành các Quyết định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức trong hệ thống KBNN bao gồm: 10 điều kỷ luật ngành, 9 tiêu thức văn minh văn hoá nghề Kho bạc và 5 chuẩn mực lối sống đạo đức cán bộ, công chức của hệ thống KBNN. Cùng với cả hệ thống, KBNN tỉnh luôn xác định văn minh, văn hóa nghề là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả công việc. Ý thức được tầm quan trọng đó đơn vị đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề, thường xuyên mở các lớp tập huấn về giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ công chức. Bởi mỗi người làm công tác kho bạc phải “gánh hai vai”, một là kiểm soát nguồn vốn ngân sách, hai là làm công tác phục vụ. Vì thế, thái độ ứng xử văn minh, văn hóa, hành xử một cách chuẩn mực càng cần phải chú trọng, tạo tâm lý vui vẻ cho khách hàng mỗi khi đến giao dịch. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, phục vụ tận tình chu đáo với khách hàng. Trong nhiều năm qua, KBNN Bắc Ninh không để xảy ra trường hợp chi trả thiếu cho khách hàng, tạo được sự tín nhiệm của người dân, cán bộ làm công tác kho quỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý tiền bạc và có những hành động đẹp lan tỏa trong cộng đồng.
Từ khi thành lập đến nay, ngành Kho bạc Bắc Ninh trả lại 1.838 món tiền thừa cho khách hàng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng (món cao nhất là 50 triệu đồng), phát hiện và thu giữ 130 triệu đồng tiền giả, bảo đảm an toàn tuyệt đối Kho quỹ, không để tiền giả lọt vào Kho bạc, góp phần giữ vững và nâng cao uy tín của ngành đối với khách hàng, tạo được niềm tin của nhân dân.
Tại trụ sở giao dịch từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố đều niêm yết Nội quy cơ quan về: Thực hiện 10 điều kỷ luật ngành, 9 tiêu thức văn minh văn hoá nghề Kho bạc và 5 chuẩn mực lối sống đạo đức cán bộ, công chức của hệ thống KBNN; Quy chế tiếp công dân, quy trình giao dịch và hòm thư góp ý ngay tại sảnh giao dịch tạo thuận lợi cho khách hàng và nhân dân liên hệ… Đồng thời áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2018 trong cải cách hành chính. Đơn vị không ngừng nâng cao văn hóa nghề cho công chức thông qua các hội nghị tập huấn về văn hóa, ứng xử, giao tiếp; cử công chức theo học, tập huấn các lớp kỹ năng về lãnh đạo, kỹ năng quản lý, tập hợp nhóm… nhằm hướng tới hình ảnh công chức Kho bạc chuyên nghiệp.
Việc tiến hành công khai các nội quy, quy chế, quy trình giao dịch không chỉ làm tăng tính khoa học trong bố trí trụ sở làm việc mà còn tăng “quyền” giám sát của nhân dân đối với cán bộ công chức KBNN; thể hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt và ngăn chặn kịp thời các hành vi phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quản lý thu - chi NSNN; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch cả trong tổ chức cán bộ và trong quản lý tài sản, tài chính cũng như hoạt động nghiệp vụ chuyên môn khác.
Mỗi cán bộ kho bạc từ kiểm ngân viên, kế toán hay bất kỳ một vị trí lãnh đạo nào đều luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định, làm đúng các bước, đúng quy trình nghiệp vụ quy định. Văn minh, văn hóa nghề còn được mỗi cán bộ kho bạc coi trọng bằng ý thức, trách nhiệm cao để kịp thời phát hiện, tự uốn nắn, nhắc nhau làm đúng, không dễ dãi bỏ sót khuyết điểm, làm phát sinh tiêu cực, sai sót. Bên cạnh đó, văn minh, văn hóa nghề kho bạc còn được từng cá nhân gìn giữ bằng cách thường xuyên cập nhật các văn bản, chế độ, hướng dẫn nghiệp vụ mới để một mặt tuân thủ đúng quy định pháp lý, quy trình nghiệp vụ, mặt khắc rèn luyện kỹ năng công việc được khoa học, hiệu quả và tính chuyên nghiệp ngày càng cao.
Lan tỏa những tấm gương
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, cán bộ KBNN Thuận Thành làm thủ tục thu ngân sách cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.
Mặc dù công tác kho quỹ, thu nộp NSNN đã được điện tử hóa, tỷ trọng thu, chi tiền mặt tại các đơn vị KBNN đang từng bước giảm dần. Nhưng do quy mô NSNN ngày càng tăng khối lượng thu, chi tiền mặt trực tiếp tại các đơn vị vẫn còn khá lớn, KBNN Bắc Ninh hiện giao dịch với hơn 1.100 đơn vị, với hơn 9.800 tài khoản. Song với đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh đều giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức “cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư”… nên mọi hoạt động giao dịch vẫn được tiến hành thông thoáng, thuận lợi, hàng năm, đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hoạt động giao nhận, thu chi, kiểm đếm, phân loại, nhập, xuất tiền, đóng bó tiền… được đội ngũ công chức quản lý kho quỹ thực hiện theo đúng quy trình nghiệp vụ, chức trách. Với hàng trăm món tiền thu - chi phát sinh mỗi ngày, nhưng kiểm ngân, thủ quỹ, thủ kho không để xảy ra sai sót, còn phát hiện và trả lại tiền thừa cho khách hàng. Trong quá trình hoạt động đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu có những hành động đẹp lan tỏa trong cộng đồng, được xã hội ghi nhận.
Ông Lê Nho Đệ, Giám đốc KBNN huyện Thuận Thành cho biết: Chỉ tính riêng năm 2019 đơn vị trả lại khách hàng 14 món tiền thừa với tổng số tiền 25,8 triệu đồng. Điển hình như chị Nguyễn Thị Hồng Liên, từ năm 2015 đến nay, chị đã trả lại khách hàng 101 món tiền thừa với tổng số tiền gần 103 triệu đồng. Chị được Tổng Giám đốc KBNN và Bộ Tài chính khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trả lại tiền thừa cho khách hàng.
Chị Liên chia sẻ: Nghề kho bạc là nghề “tay hòm chìa khóa”. Đây là một nghiệp vụ khô khan cần sự tỉ mỉ, sự kiên trì và chính xác tuyệt đối, đòi hỏi người làm nghề phải có bản lĩnh không bị lôi kéo của đồng tiền. Năm 2019, tôi đã trả lại 2 món tiền thừa với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng, đây là số tiền của Trường THCS Đại Đồng Thành nộp học phí và UBND xã Hoài Thượng nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tổng số tiền mà khách hàng nộp thừa đều khá lớn so với thu nhập của những người "làm công ăn lương" như tôi. Nhưng tôi luôn tâm niệm, nếu những khoản tiền này bị thất thoát chắc chắn sẽ là thiệt hại không nhỏ về tài chính với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là với những nhân viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đi nộp ngân sách nhà nước. Chứng kiến những gương mặt hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ của khách hàng khi được nhận lại tiền thừa, những người cán bộ kho quỹ như tôi lại có thêm động lực để tiếp tục cống hiến, tiếp tục yêu nghề…”
Là người nhận lại số tiền nộp thừa tại KBNN Thuận Thành chị Nguyễn Thị Hoàn cán bộ xã Hoài Thượng xúc động: “Tôi rất biết ơn cán bộ KBNN Thuận Thành, đặc biệt là chị Nguyễn Thị Hồng Liên, người trực tiếp kiểm đếm phát hiện số tiền thừa 11 triệu đồng khi tôi đến nộp tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện của người dân xã Hoài Thượng”.
Còn ở KBNN huyện Tiên Du, nhiều người biết đến chị Nguyễn Thị Liêm là một cán bộ kế toán, kho quỹ trung thực, liêm khiết, nhẹ nhàng, niềm nở, quý mến khách hàng. Hơn 30 năm trong nghề chị không nhớ nổi đã bao lần trả lại tiền thừa cho khách, bao lần phát hiện, thu hồi tiền giả không để lọt vào kho quỹ. Chị Liêm tâm sự: “Mỗi lần khách hàng giao dịch nộp tiền vào NSNN, tôi luôn kiểm đếm cẩn thận, đối chiếu kỹ càng nếu phát hiện sự chênh lệch báo cáo lãnh đạo và thông báo cho khách hàng. Tôi không nhớ trả lại tiền thừa cho bao nhiêu khách hàng, chỉ nhớ lần gần đây nhất vào cuối năm 2019 thực hiện giao dịch với khách hàng Trung tâm Y tế huyện Tiên Du. Sau khi kiểm đếm kỹ càng, đối chiếu số tiền trên bảng kê và so sánh số tiền khách hàng nộp tại quầy và số tiền khách phải nộp thực tế, thấy thừa ra 15 triệu đồng, ngay lập tức báo với khách hàng. Khi phát hiện tiền thừa, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là phải trung thực với bản thân. Tôi luôn đặt mình vào tâm thế của khách hàng, người ta mất cũng như mình mất, nhất là số tiền đó lại không phải của riêng cá nhân mà là của cả một tập thể. Mất tiền đã buồn, nhưng buồn hơn nữa là có thể bị nghi ngờ không trung thực. Với suy nghĩ đó, khi khách hàng nộp thừa, tôi đều trả lại. Niềm vui của khách hàng khi được nhận lại tiền nộp thừa chính là món quà vô giá mà họ dành cho tôi”.
Những cán bộ như chị Liêm ở KBNN Tiên Du, chị Hồng Liên cán bộ KBNN Thuận Thành và còn rất nhiều cán bộ khác trong ngành Kho bạc tỉnh dù ở vị trí công tác nào cũng luôn phát huy truyền thống của những thế hệ đi trước, xây dựng hình ảnh người người cán bộ Kho bạc văn hóa, liêm khiết, trung thực, theo đúng tiêu chí “4 xin” “4 luôn”.
Thùy Dương- Diệu Linh
Ý kiến ()