Nhắc đến nhà giáo Đỗ Thành Ý, nhiều người nhớ ngay vị hiệu trưởng trứ danh ngành GD Bắc Ninh với 19 năm đứng đầu ngôi trường danh tiếng bậc nhất tỉnh - trường THPT Hàn Thuyên; người sáng lập và là hiệu trưởng trường tư thục thành công nhất Bắc Ninh - trường THPT Nguyễn Du, từ năm 2000 đến năm 2022 mà người dân vẫn thương mến gọi vui là “trường ông Ý”… Nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, phóng viên có cuộc trò chuyện thú vị cùng ông với tư cách trưởng ban liên lạc các nhà giáo đi B tỉnh Bắc Ninh. Vẫn vẹn nguyên ký ức thời hoa lửa, nhà giáo - chiến sĩ 85 tuổi hùng hồn: trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, học sinh Hàn Thuyên trong đó có tôi luôn sẵn sàng hy sinh thân mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Phóng viên: Thưa nhà giáo Đỗ Thành Ý, được biết ông đã may mắn có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn đúng buổi trưa 30-4-1975 lịch sử?
Nhà giáo Đỗ Thành Ý: Đúng vậy, từ sáng sớm 30-4, tôi nhận lệnh cùng đồng đội ngồi trên chiếc xe giải phóng loại không mui của Trung Quốc từ Trung ương Cục miền Nam ở biên giới Việt - Miên (tỉnh Tây Ninh) tiến về Sài Gòn lúc 12 giờ trưa, sau đó tham gia Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Vì là cử nhân Vật lý, tôi và một số đồng đội được phân công tiếp quản tòa đại sứ Đại Hàn (Hàn Quốc), Bộ Kỹ nghệ thương mại, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên… Đầu tháng 5, tôi lại được bổ sung tiếp quản khu kỹ nghệ Biên Hòa. Những ngày ở Sài Gòn, ngoài nhiệm vụ một nhà giáo - chiến sĩ, tôi còn mang theo một niềm hi vọng mong manh. Đó là tìm lại người thầy giáo cũ từng dạy học ở trường Hàn Thuyên trước năm 1954 vốn thân thiết với gia đình tôi, đó là thầy Nguyễn Viết Trinh dạy lịch sử. Nhờ tấm bản đồ, tôi đã tìm được nhà thầy ở số 30 đường Phát Diệm, rộng khoảng 40 m2. Tôi nhớ thầy đóng chiếc áo dài trắng, khá khép nép và chỉ trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi đoán thầy sợ chính quyền mới gây khó dễ vì vậy vội trấn an thầy: Dạy học là nghề cao quý nên những người làm nghề dạy học đều không sao ạ!
Phóng viên: Cảm xúc của ông thế nào trong những ngày tháng Tư lịch sử, nhất là khi cả nước đang hừng hực khí thế 50 năm mùa xuân đại thắng?
Nhà giáo Đỗ Thành Ý: Tôi nhớ phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng từng hỏi câu tương tự và tôi trả lời như sau: dường như càng cao tuổi, người ta lại càng nghĩ về quá khứ nhiều hơn. Tôi cũng vậy, hằng năm cứ đến dịp 30-4, tôi lại trầm tư, sống lại kỷ niệm hào hùng những năm kháng chiến. Tôi mở tủ lấy ra, xem lại rồi nâng niu những kỷ vật của mình, đó là tấm thẻ căn cước của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đó là tấm thẻ Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, đó là tấm ảnh chụp chung với liệt sĩ Vũ Triều Minh, giáo viên trường Hàn Thuyên, hy sinh tại biên giới Việt - Miên, đó là tấm ảnh cùng đồng đội vượt Trường Sơn năm 1972 đã nhuốm màu thời gian… Mỗi lần ngắm lại những kỷ vật, trong tôi lại bừng lên cái cảm giác buồn vui lẫn lộn. Vui vì sau ngày đất nước thống nhất, mình được nguyên vẹn trở về, tiếp tục đứng lên bục giảng; buồn và nhớ những đồng đội đã hy sinh trong đó có người từng kéo tay tôi thoát khỏi mìn, người kịp xô tôi xuống khe suối cạn kịp thoát khỏi mấy trái bom đang phát nổ… Hôm phát biểu trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhắc đến đồng đội cũ, tôi nghẹn ngào không nói thành lời, may cậu phóng viên nhanh trí chuyển ngay câu hỏi khác.

Nhà giáo Đỗ Thành Ý (thứ 3 từ phải sang trái) cùng bạn đồng học Nguyễn Đức Khôi trong một lần thăm lại Trường THPT Hàn Thuyên.
Phóng viên: Tôi cũng được biết, câu chuyện đi B của ông khá đặc biệt?
Nhà giáo Đỗ Thành Ý: Đầu năm 1972, khí thế những đoàn quân Nam tiến biểu tượng cho lẽ sống cao đẹp của hàng triệu thanh niên Việt Nam yêu nước khiến lòng tôi cứ chộn rộn. Tháng Mười năm ấy, Ty Giáo dục Hà Bắc có công văn gửi trường Hàn Thuyên nơi tôi đang dạy học yêu cầu cử 1 giáo viên chi viện chiến trường miền Nam, tôi “đánh bạo” gặp Hiệu trưởng Vũ Thị Vinh Hương xin nhập ngũ, công việc diễn ra nhanh chóng. Nhiều người bảo nên cân nhắc bởi tôi không thuộc diện đi B, tôi là con trai duy nhất trong gia đình cha mất sớm, đang ở cùng mẹ già, vợ trẻ và cậu con trai mới lọt lòng. Tự cảm thấy bất hiếu với mẹ, trước khi lên đường, tôi đã chắp tay quỳ lạy mẹ, cầu mong mẹ thứ lỗi, hai mẹ con ôm nhau khóc. Để mẹ an lòng, tôi quyết định đặt tên cậu con trai mới sinh là Đỗ Quyết Thắng với niềm tin mãnh liệt rằng tôi sẽ chiến thắng trở về và may mắn điều đó đã thành hiện thực.
Phóng viên: Ông đã thay đổi thế nào từ cuộc đời người thầy giáo sang cuộc đời một chiến binh?
Nhà giáo Đỗ Thành Ý: Đó thực sự là bước ngoặt, thay vì đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen, là những tháng ngày vất vả xuyên đại ngàn Trường Sơn như những câu thơ tôi viết trong nhật ký: Hành quân rồi lại hành quân/Vác ngang nặng nhọc xả thân dãi dầu/Đèo cao vực thẳm suối sâu/Đôi chân có mỏi lấy đầu mà đi… Hành trang Nam tiến của tôi, ngoài kiến thức và ý chí, tôi thuộc lòng ca khúc Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, sáng tác năm 1970 với những dòng tâm đắc: Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/Là người, tôi xin chết cho quê hương… Tôi tâm niệm đời người chỉ sống một lần nên sống sao cho ra sống để mai này không phải xót xa, ân hận. Xác định vào Nam là đối mặt cái chết nhưng tôi và đồng đội tôi đều chấp nhận, thậm chí khát khao được hy sinh thân mình cho quê hương.
Phóng viên: Nhiều người vẫn truyền tai nhau, nhà giáo Đỗ Thành Ý có “biệt tài” nhận diện người thân qua giọng nói?
Nhà giáo Đỗ Thành Ý: (Cười!), tôi xin dẫn một ví dụ. Đang hành quân giữa đại ngàn Trường Sơn một đêm xuân 1973 địa phận tỉnh Kon Tum thì đơn vị chúng tôi bị thám báo phát hiện, cấp trên điều ngay đoàn vận tải khẩn cấp đưa chúng tôi đi tiếp vào Nam. Ngồi lắc lư trên thùng xe, thấy chất giọng ấm áp thân quen khi nghe lái xe nói chuyện với phụ xe, tôi đánh bạo hỏi: Xin lỗi đồng chí quê ở đâu vậy? - Dạ, em quê Bắc Ninh. “Bắc Ninh à, huyện nào?” - Thị xã Bắc Ninh! “Thị xã Bắc Ninh à, có học trường Hàn Thuyên không?” - Có ạ! - “Phải Nguyễn Văn Bình 10B không?”. - Dạ đúng ạ, thầy là thầy Đỗ Thành Ý đúng không ạ? Xe đỗ xịch, thầy trò ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, Bình bảo thầy rất may mắn bởi trận bom rải thảm hồi chiều khiến nhiều chiến sĩ thương vong. Đến điểm giao quân, Bình nhắc tôi cẩn thận và không quên tặng thầy bao tải rau xanh để đơn vị cải thiện…
Phóng viên: Vậy thời gian nào ông đã trở lại cuộc đời người thầy giáo với phấn trắng, bảng đen?
Nhà giáo Đỗ Thành Ý: Thực ra tôi có một thời gian ngắn đan xen cuộc đời người thầy giáo và người chiến sĩ. Từ đầu tháng 5-1975, tôi được phân công làm việc tại văn phòng Bộ Giáo dục khu vực phía Nam, xuống nhiều trường hướng dẫn chuẩn bị khai giảng năm học đầu tiên sau giải phóng. Tháng 12 năm ấy, được về phép, tôi nhớ mãi cảnh “tăng bo” từ Nam ra Bắc mất hơn chục ngày đường, cả đi xe và đi bộ, trên lưng cõng 1 cháu bé ba tuổi là con đồng đội có tên Đồng Duy Trường, hiện là chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế. Đến cuối năm 1976, tôi chính thức chuyển ngành, về lại trường Hàn Thuyên yêu dấu; năm 1977 tôi lên hiệu phó và từ năm 1981 làm hiệu trưởng một mạch đến khi nghỉ hưu năm 2020.
Tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Nhưng nếu lịch sử lặp lại và nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn con đường vào Nam tranh đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình vì để góp phần giành độc lập tự do cho dân tộc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn nhà giáo Đỗ Thành Ý!
Thanh Tú
Ý kiến ()