Nơi đây xưa là “thị xã đèn dầu”
Phố lép kẹp bám dài theo quốc lộ
Những phố Vệ, phố Tiền, làng Niềm, làng Đọ…
Chỉ ngọn muống vươn dài phủ kín những ao sâu…
(Thành phố trẻ- HP)
Ngược dòng thời gian từ khi nhập 2 tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang thành tỉnh Hà bắc đã 34 năm, thị xã Bắc Ninh không còn là thị xã tỉnh lỵ nữa, người dân vẫn thường gọi vui là “thị xã đèn dầu”, đến năm 1996 người dân vẫn chưa có nước máy sạch để dùng. Tái lập tỉnh Bắc Ninh 1-1-1997 là một mốc son đánh dấu bước khởi đầu một quá trình chuyển động toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của cộng đồng dân cư trong tỉnh, nhất là đối với thị xã tỉnh lỵ. Việc các nhà lãnh đạo nghĩ tới đầu tiên là công tác quy hoạch cho thị xã Bắc Ninh. Bản quy hoạch thị xã coi như bộ xương sống của thành phố Bắc Ninh sau này. Việc mở ra các trục không gian lớn khang trang ở quy hoạch khu trung tâm thành phố thể hiện một tầm nhìn rộng nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển lớn trong tương lai.
Thời gian không dài, nhưng đô thị Bắc Ninh dẫu còn non trẻ cũng đã hiện dần lên bộ mặt của nó, với hầu hết các công sở được xây dựng mới, khang trang và bề thế. Nhìn chung đã biết khai thác những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống kết hợp trong kiến trúc hiện đại, ở đó đã biết khai thác yếu tố mái ngói một cách sáng tạo, giản dị, mực thước mà cũng rất tinh tế, sắc sảo trong cốt cách của ngôi nhà Việt.
Công sở là nơi đại diện cho bộ mặt của chính quyền Nhà nước, kiến trúc công sở vì thế không chỉ thoả mãn cho nhu cầu làm việc của công chức, ý tưởng sáng tạo của các kiến trúc sư mà hơn hết, kiến trúc công sở là kiến trúc chính thống, góp phần định hướng phát triển kiến trúc, thể hiện đường lối chỉ đạo phát triển của địa phương, là một phần quan trọng của không gian kiến trúc đô thị nhằm tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị, tạo nên một môi trường kiến trúc lành mạnh. Đó cũng là mơ ước và mong muốn của những người làm nghề vì đã đến lúc cuộc sống hôm nay buộc chúng ta phải tiến về phía trước với những công trình kiến trúc xứng đáng với tầm vóc của mình.
Hai công trình được coi như bộ mặt của tỉnh là Trụ sở HĐND, UBND tỉnh và Trụ sở Tỉnh uỷ (đã được tặng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia) được nghiên cứu khá nhuần nhuyễn khi sử dụng hệ mái dốc, hài hoà trong bố cục mặt bằng, mặt đứng công trình. Là công sở nhưng nó gần gũi, ấm cúng với mọi người. Phần nội thất cũng như không gian sân vườn được bố trí hợp lý trên một khu đất được coi là đắc địa. Công trình được hoàn thành năm 2000, tuy hình khối, đường nét chưa thật hoành tráng, hiện đại, song nó được chấp nhận khi nó toạ lạc ở một miền đất có bề dày lịch sử văn hoá, nền nếp “có lịch có lề” thì sự hài hoà là một triết lý sống mang tính truyền thống.
Thực tế trả lời: Những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh lâm thời là bước đi ban đầu đúng hướng, đột phá mở đường cho sự phát triển bộ mặt của thành phố Bắc Ninh. Với nhận thức, không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị tương lai, cho tới nay, thành phố Bắc Ninh có đến 3 tượng đài hoành tráng về những người có công với đất nước, với quê hương. Đấy là tượng đài Vua Lý Thái Tổ, tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nhà cách mạng tiền bối Hoàng Quốc Việt đều ở những vị trí trang trọng nhất của Thành phố. Các tượng đài đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tìm hiểu lịch sử, tự hào về truyền thống của cha ông, giúp nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ của người dân thành phố.
Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tỉnh thực sự là một công trình mang tính cách mạng trong ngôn ngữ biểu hiện, vượt ra khỏi hình dáng thường thấy của thể loại đài tưởng niệm để tìm đến sự cô đọng, khái quát có tính tư tưởng nghệ thuật, vừa hoành tráng, vừa giầu chất thơ. Ý tưởng kiến trúc của công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ được chắt lọc từ những tinh hoa của vùng đất và con người Bắc Ninh. Ba cây chụm lại, như nhắc lại tâm tưởng của triết lý cha ông về sự đoàn kết, về sức mạnh. Tất cả đều có thể hình dung ra từ khả năng biểu hiện đa nghĩa của công trình này.
Các đảo giao thông lớn của Thành phố cũng được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng với những hình tượng có thẩm mỹ cao tôn vinh mảnh đất Kinh Bắc nghìn năm văn hiến. Tuy mới nằm trong ý tưởng, đang được hoàn chỉnh để xây dựng, nhưng đã cho ta những cảm nhận thẩm mỹ sâu sắc. Chọn biểu tượng Rồng ở Ngã Sáu - nút giao thông lớn nhất của trục đường Thần đạo mang tên Lý Thái Tổ; hoặc những biểu tượng về giao duyên quan họ hay truyền thống hiếu học của cha ông ta ở các đảo tròn khác đều được cân nhắc cẩn trọng. Ngay cả cột cờ Thành phố, tuy nhỏ hẹp nhưng cũng được tạo hình gây được ấn tượng thẩm mỹ .
Đến nay quy hoạch Thành phố liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình đô thị hoá ngày càng cấp tập của đô thị tương lai. Mai đây, khi đường H (chưa có tên chính thức) ở phía tây bắc Thành phố rộng 100m được xây dựng (các nhà lãnh đạo Thành phố nên đặt trọng tâm xây dựng ngay, có thể theo nguồn vốn xã hội hoá) sẽ tăng chiều dầy cho Thành phố trung tâm với những công trình cao tầng hiện đại. Không gian kiến trúc lúc này mới thực xứng tầm của một đô thị trung tâm loại I !
Sắp tới, những công trình đang hoặc sẽ xây dựng ở Thành phố sẽ là những công trình cao tầng nhà ở kết hợp với dịch vụ, thương mại cùng với các trung tâm công cộng khác, bộ mặt đô thị sẽ được bề thế hơn lên. Đấy là Cung Quy hoạch với hình khối hiện đại, mang dáng dấp của giao duyên quan họ; đấy là Nhà hát Quan họ với hình khối khúc triết, đơn giản, hiện đại mà vẫn đậm đà hồn vía dân tộc; cùng với những khu nhà ở cao cấp đẹp đẽ cho người Bắc Ninh quý trọng chữ “tình”… (Ngay cả khi đã hình dung ra bộ mặt của Thành phố tương lai là những ngôi nhà chung cư có quy mô lớn cùng với phương thức tổ chức hiện đại thì trong quy hoạch hiện nay cũng đã cho xây dựng rất hạn chế những căn nhà chia lô với kích thước lô đất quá hẹp, và hết sức thận trọng trong việc xây chen nhà cao tầng vào khu phố cũ …).
Thành phố Bắc Ninh nằm trong vùng đất cổ. Đây là vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến, cũng là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của xứ Kinh Bắc, chiếc nôi của nền văn minh lúa nước. Ngay từ năm 1938 thị xã Bắc Ninh đã được xếp vào thành phố thứ 5 của xứ Bắc Kỳ. Từ một thị xã “đèn dầu”, sau 20 năm tái lập, Bắc Ninh đã là một thành phố khang trang, hiện đại, sánh vai với các đô thị khác trong toàn quốc!
Rất nhiều điều cần những người làm công tác quản lý đô thị suy ngẫm để giữ cái hồn của đô thị Bắc Ninh được gìn giữ và toả sáng. Bây giờ khi nói tới thị xã Bắc Ninh cũ, người ta không thể không nhắc tới một “Viên ngọc quý” là Thành cổ Bắc Ninh-một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ-ngôi Thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác, từng đi vào câu ca Quan họ với niềm tự hào “Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ, ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh”. Nói tới thị xã Bắc Ninh, người ta nhớ đến Văn Miếu của miền đất khoa bảng với “…một đống tiến sĩ, một bị trạng nguyên…”, nhớ đến Chợ Nhớn bốn mùa sầm uất, dốc Suối Hoa rộn rã sắc mầu và cây cầu Chọi có mái ngói đỏ soi bóng trên dòng Ngũ Huyện Khê tình tứ… cùng với các làng cổ ngay trong lòng đô thị. Chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị đã tạo nên được cái hồn cho thành phố Bắc Ninh. Đó chính là vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai. Ta trân trọng quá khứ, bởi “Linh hồn chính là quá khứ”. Nếu vội vàng, những tầng sâu tàn tích văn hoá lâu đời rất có thể sẽ nói lời ly biệt vĩnh viễn với chúng ta. Quy hoạch, kiến trúc thành phố Bắc Ninh phải làm sao tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa một cách phong phú, hấp dẫn nhất. Di sản của nền văn hiến Kinh Bắc đang trở thành nguồn nội lực to lớn, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu mạnh, văn minh, đồng thời đây cũng là niềm tự hào của nhân dân thành phố Bắc Ninh bởi đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hiến và nhân cách Việt Nam, xứng đáng đóng một vai trò quan trọng trong quy hoạch vùng thủ đô.
Thời gian 20 năm, thành phố Bắc Ninh đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai, mặc dù việc tạo dựng bản sắc cho một thành phố không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Coi chỉnh trang đô thị là việc làm thường xuyên, trên cơ sở đời sống của người dân được nâng lên. Với một đô thị: Kiến trúc là bộ mặt; văn hoá là tâm hồn; con đường là mạch máu đô thị. Một thành phố được gọi là văn minh, phát triển thì bộ mặt phải gọn ghẽ, tâm hồn phải sáng sủa và mạch máu phải thông thoáng! Thành phố đó đây vẫn còn những công trình có khối hình đơn điệu, sử dụng nhiều trang trí và thức cột cổ điển, sử dụng mái nhà xứ lạnh kiểu Pháp, thậm chí lấy nguyên xi cả một phần kiến trúc của những công trình đã có từ lâu. Chi tiết rối rắm, nhưng sự nghiên cứu lại hời hợt và sơ lược, về nội thất lại nặng nề, trưởng giả. Nhiều phòng họp, phòng khách bài trí cầu kỳ, lãng phí… Thành phố đang rất cần bổ sung những khung cảnh thành thị phồn hoa, bổ sung những điểm nhấn đô thị, những công trình mang dấu ấn bản sắc Bắc Ninh…
Ý kiến ()