Hai gia đình ông Nguyễn Bá Phước và Nguyễn Hữu Thắng ở khu phố Yên Ngô, phường An Bình, thị xã Thuận Thành có 3 thế hệ đảng viên. Đây là những hạt nhân quan trọng, cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với người dân trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Kết nạp Đảng trên chiến trường
Đến phường An Bình, hỏi gia đình ông Nguyễn Bá Phước, ai cũng biết bởi đây là gia đình có bề dày truyền thống cách mạng. Trong ngôi nhà cổ, ông Phước chia sẻ cho chúng tôi về những ngày tháng theo Đảng, làm cách mạng. Sinh năm 1938, đến năm 1959, ông xung phong lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 42, Quân khu 3, tham gia huấn luyện trong lực lượng phòng không, không quân ở Bắc Giang, Hải Phòng nhằm chống đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Năm 1962, ông trở về địa phương. Nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965, ông Phước tái ngũ tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ông Phước cho biết: “Năm 1968, tôi vinh dự, tự hào khi được kết nạp Đảng trên chiến trường. Giây phút đứng trước cờ Đảng, đọc lời thề, nhận Quyết định kết nạp Đảng, đôi chân tôi run vì hạnh phúc. Cũng từ đó tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên của nhân dân”. Điều trùng hợp là năm 1968, vợ ông (bà Nguyễn Thị Nhuộm) y sỹ tại Trạm Y tế cũng được kết nạp Đảng tại địa phương. Năm 1972, trong một trận chiến đấu giáp lá cà với địch ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, ông bị những mảnh đạn bắn vào người gây thương tích, sau đó được đưa ra Bắc điều trị. Ông Phước vinh dự được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Ông Nguyễn Bá Phước và con trai Nguyễn Bá Viễn thường xuyên nắm bắt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng từ Báo Bắc Ninh.
Trở về cuộc sống đời thường, vợ chồng ông Phước luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, nuôi dạy con, cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Phước tâm niệm: “Đảng viên tốt phải làm gương đi trước, làm trước trong mọi phong trào và sống trách nhiệm với cộng đồng xã hội”. Vợ chồng ông có 2 con trai tiếp bước dưới cờ Đảng: Nguyễn Bá Khước, sinh năm 1961 đã nghỉ hưu (nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Bình) và Nguyễn Bá Viễn, sinh năm 1964 đã nghỉ hưu (nguyên Chánh Thanh tra thị xã Thuận Thành). 3 cháu nội của ông Phước nối tiếp, sắt son niềm tin theo Đảng: Nguyễn Thị Lan Anh, sinh năm 1983 (con gái anh Khước) và Nguyễn Bá Viên, sinh năm 1983, Phó Chánh Văn phòng Thị ủy Thuận Thành; Nguyễn Bá Viện, sinh năm 1988, Bí thư Đoàn phường An Bình (con trai anh Viễn).
Tất cả những người con, cháu của ông, bà đều tiếp thu lẽ sống cao đẹp và phấn đấu hết mình vì những mục tiêu cao quý của Đảng. Họ lấy tấm gương sống từ chính ông bà, bố mẹ. Bí thư Đoàn phường An Bình Nguyễn Bá Viện chia sẻ: “Từ ấu thơ đến khi khôn lớn, trưởng thành, tôi được ông bà, bố mẹ ân cần dìu dắt, dạy bảo sự mẫu mực trong lối sống, ứng xử văn hóa “kính trên, nhường dưới”, chung thủy giữa vợ chồng, đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng khu dân cư… Đó là kim chỉ nam để tôi không ngừng vươn lên trong công tác”.
Với vai trò là người đứng đầu tổ chức Đoàn phường An Bình, 5 năm qua, Nguyễn Bá Viện tích cực tuyên truyền, vận động 70 thanh niên tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ; 110 đoàn viên, thanh niên hiến máu tình nguyện; đóng góp 140 triệu đồng xây dựng 2 khu vui chơi cho thiếu nhi bằng lốp ô tô và vỉa hè trường Mầm non; vận động ủng hộ 130 triệu đồng xây dựng công trình “Mái ấm cho em” cho em Bùi Minh Phong ở khu phố Nghi Khúc…
Dạy con, cháu về nhân cách Bác Hồ…
Gần nhà ông Nguyễn Bá Phước là nhà ông Nguyễn Hữu Thắng, gia đình thứ 2 của địa phương có 3 thế hệ đảng viên. Bước sang tuổi 86, nhưng đôi mắt ông còn tinh anh lắm. Sau bữa sáng hằng ngày, công việc đầu tiên của ông là đọc báo, chăm sóc cây cảnh. Ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết: “Từ khi nghỉ hưu năm 1992 đến nay, báo chí trở thành người bạn thân tình, giúp tôi tìm hiểu, cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Qua báo chí, tôi biết ơn và trân trọng con đường lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Đảng ta luôn thực hiện đúng ý nguyện của nhân dân, đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực để lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi”. Nghe những lời gan ruột của ông, chúng tôi càng thêm trân quý phẩm chất, tinh thần, đạo đức cách mạng ở con người ông.
Năm 1948, khi mới lên 10 tuổi, ông Thắng cùng các anh, chị trong làng làm giao liên, bảo vệ căn cứ cách mạng, bảo vệ Việt Minh ngay trong lòng địch. Đi lên từ phong trào cách mạng địa phương, năm 1956, ông Thắng được Chi bộ thôn Yên Ngô kết nạp Đảng. Từ đó, ông thêm động lực thôi thúc tham gia công tác địa phương, từ Bí thư Đoàn xã đến Bí thư Đảng ủy xã An Bình (năm 1963). Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy cơ sở, ông Thắng lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất chi viện cho chiến trường miền Nam “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Với những thành tích xuất sắc, ông Thắng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước ta lại đồng tâm hiệp lực bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1978, ông xung phong tham gia dân công hỏa tuyến bảo vệ những cánh rừng nơi biên cương tỉnh Lạng Sơn. Năm 1981, ông về làm cán bộ Thanh tra tỉnh Hà Bắc (cũ), rồi chuyển về địa phương đảm nhận chức vụ Phó Chánh Thanh tra huyện Thuận Thành đến lúc nghỉ hưu năm 1992. Các thành viên gia đình ông sống hòa thuận, nghĩa tình với bà con làng trên, xóm dưới.
Ông Nguyễn Hữu Thắng chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên gia đình.
Hỏi ông Thắng bí quyết để gia đình có 3 thế hệ là đảng viên, ông mỉm cười: “Mỗi lần dạy các con, các cháu, tôi thường kể những mẩu chuyện về Bác Hồ… Đó là những bài học về sự giản dị, tiết kiệm, khiêm nhường; cách ứng xử cuộc sống đời thường; sự công bằng, tinh thần dám nghĩ, dám làm; sự sẻ chia và quyết tâm trong gian khó”. Trong tủ sách báo, ông Thắng lưu giữ rất nhiều bài báo, tư liệu viết về Bác, về những mốc lịch sử phong trào cách mạng Việt Nam trong các chiến dịch vĩ đại: Chiến dịch Điện Biên Phủ; Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch Hồ Chí Minh… Gần 70 năm theo Đảng, ông Thắng tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, về những quyết sách đúng đắn, lãnh đạo nhân dân ta vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Từ niềm tin ấy, ông truyền ngọn lửa nhiệt huyết của mình cho các con, các cháu. Tiếp bước ông, 2 người con là Nguyễn Hữu Phan, sinh năm 1969, Nguyễn Hữu Thơ, sinh năm 1976 và cháu gái Nguyễn Thị Thu Hương, sinh năm 1988 (con gái anh Phan) lần lượt đứng trong hàng ngũ của Đảng, có những đóng góp tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Anh Nguyễn Hữu Thơ, Chủ tịch UBND phường An Bình cho biết: “Trong cuộc sống, bố tôi là tấm gương sáng để chúng tôi học tập, noi theo về tính kỷ luật, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Năm 2021, được Đảng, nhân dân tin tưởng, tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch UBND xã (nay là phường), tôi không ngừng nỗ lực phấn đấu, vừa làm, vừa học hỏi để hoàn thiện bản thân, từng bước trở thành người cán bộ gần dân, vì dân”. Những năm qua, anh Thơ luôn nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, nhất là thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm, giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Dấu ấn đậm nét của Chủ tịch UBND phường An Bình thời gian qua là sự tham mưu với Đảng ủy phường kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các Chi bộ cơ sở, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 100.000m2 đất nông nghiệp, đất công ích dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Đỗ Trọng Dân, Bí thư Đảng ủy phường An Bình nhận xét: “Tổ chức Đảng vững mạnh được tạo dựng, gắn kết từ sức mạnh, tinh thần đoàn kết của mỗi cán bộ, đảng viên. Các thế hệ đảng viên trong 2 gia đình ông Nguyễn Bá Phước và Nguyễn Hữu Thắng luôn gương mẫu, đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xứng đáng là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và người dân địa phương học tập, noi theo”.
Phong Vân
Ý kiến ()