Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tại Bắc Ninh, những chuyển động về chuyển đổi số có thể thấy được ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Đối với ngành Y tế, nhịp sống số ngày càng thấm sâu vào mọi hoạt động với những tiện ích đa dạng và toàn diện. Chuyển đổi số đã và đang góp phần xây dựng nền Y tế thông minh, chung tay tạo nên những đột phá, đưa Bắc Ninh vững bước tiến cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài 1: Bệnh án điện tử - Những tiện ích vượt trội
Năm 2021, khi Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh và là bệnh viện thứ 18 trong tổng số khoảng 1.500 bệnh viện trong cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử, đây dường như vẫn là điều mới mẻ với hầu hết các cơ sở y tế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 bệnh viện, trung tâm y tế chính thức sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy truyền thống và 1 trung tâm y tế đang thực hiện thử nghiệm bệnh án điện tử song song với bệnh án giấy. Theo kế hoạch, trong quý I-2025, bệnh án điện tử sẽ được triển khai tại tất cả các đơn vị y tế tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện - Đây là nhiệm vụ cấp bách và không thể trì hoãn mà Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã giao cho ngành Y tế.
Khoa học và tiết kiệm
Mắc tiểu đường, tăng huyết áp gần 20 năm nay, đều đặn mỗi tháng bà Nguyễn Thị Cư ở phường Tiền Ninh Vệ, thành phố Bắc Ninh đến khám, quản lý ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước đây, mỗi lần đi khám, bà phải soạn sửa đủ các loại giấy tờ, từ thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh, đơn thuốc, các kết quả cận lâm sàng của lần khám trước… thì nay bà chỉ cần mang theo Căn cước công dân. Điều này giúp bà không còn phải lo lắng còn thiếu hay quên giấy tờ gì mỗi khi đi viện.
Cũng như bà Cư, ông Nguyễn Khắc Bốn ở phường Phố Mới, thị xã Quế Võ cho biết, bản thân cảm thấy việc tích hợp Căn cước công dân, BHYT trong ứng dụng VNeID trên điện thoại là một chủ trương rất đúng đắn: “Khi đi khám bệnh, tôi chỉ cần mang mỗi điện thoại và mở ứng dụng để xuất trình Căn cước là đã có thể đăng ký khám bệnh một cách rất nhanh chóng và tiện lợi”.
Người nhà người bệnh thanh toán qua quét mã QR tại đơn nguyên Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Đông ở xã Hoàn Sơn, đi khám thai lần thứ 3 tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du rất hài lòng với việc triển khai bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt: “Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể đi khám bất cứ lúc nào, không lo mất trộm tiền vì không phải mang theo tiền mặt. Khi khám, bác sĩ xem lại được kết quả lần trước để so sánh, nói chung là vô cùng thuận lợi”.
Nhưng tiện ích của chuyển đổi số trong ngành Y tế nói chung hay bệnh án điện tử nói riêng không chỉ có thế. Đối với các y bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh, bệnh án điện tử mang đến môi trường làm việc hiện đại, có thêm nhiều thời gian để thăm khám, hỏi bệnh kỹ lưỡng hơn nhờ xem xét lịch sử các lần khám trước một cách đầy đủ. Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong cho biết, nhờ dữ liệu cận lâm sàng đã được số hóa, bác sĩ có thể tra cứu lại nhiều thông tin những lần khám trước, từ đó nắm bắt đầy đủ, toàn diện hơn tình trạng để chẩn đoán, chỉ định chính xác nhất. Đối với bệnh nhân điều trị nội trú, bác sĩ mở kết quả thông qua điện thoại ngay tại giường bệnh để giải thích về tình trạng bệnh, sau đó ra chỉ định ngay trên ứng dụng, bảo đảm độ chính xác, giúp người bệnh hài lòng và yên tâm hơn. Trong khi đó, đối với bệnh án giấy truyền thống, chỉ định thuốc hay dịch vụ y tế được bác sĩ ra y lệnh sau khi đi buồng, thăm khám một lượt bệnh nhân, có thể xảy ra nguy cơ sai sót, nhầm lẫn.
Với hệ thống PACS, việc lưu trữ, truyền tải dữ liệu hình ảnh đầy đủ, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn tình trạng sức khỏe người bệnh.
Bác sĩ Phạm Văn Hòa - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Trong tra cứu thông tin, nếu in phim chỉ lược được một số hình ảnh, sẽ không thể hiện được hết các lát cắt, trường cắt, bệnh cảnh liên quan. Trong khi đó trên hệ thống PACS sẽ lưu trữ, truyền tải được đầy đủ dữ liệu để các bác sĩ tham khảo, chẩn đoán chính xác hơn.
Ngoài lợi ích vượt trội về chuyên môn, bệnh án điện tử cũng giải quyết bài toán kinh tế y tế một cách thuyết phục. Theo bác sĩ CKII Lê Việt An, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, theo quy định, bệnh án giấy phải được lưu trữ tối thiểu 10 năm. Với một đơn vị y tế hạng II, quy mô 220 giường bệnh như đơn vị thì diện tích kho dùng để chứa bệnh án giấy chiếm hết một tầng của một tòa nhà. Khi triển khai bệnh án điện tử, đơn vị không chỉ giảm được kho lưu trữ mà còn giảm được phần lớn lượng giấy in các loại. Bình quân mỗi ngày, với khoảng 500-600 lượt khám ngoại trú, Trung tâm phải in từ 50-70 phim cắt lớp vi tính và 200 phim Xquang… Tuy không thống kê đầy đủ, chi tiết, song số tiền dành để mua các loại vật tư tiêu hao như: Túi đựng và phim X.quang các loại, phim chụp cắt lớp vi tính; giấy in kết quả siêu âm, giấy in điện tim… tại đơn vị lên đến gần 3 tỉ đồng mỗi năm. Việc triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy truyền thống đã giúp giảm thiểu các chi phí này.
“Chiến dịch” lớn của ngành Y tế
Từ năm 2021 đến nay, bệnh án điện tử lần lượt được triển khai chính thức tại Bệnh viện Sản - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Phong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Tiên Du. Sau thời gian thử nghiệm, Trung tâm Y tế thị xã Quế Võ đang tiến hành các bước chuẩn bị cho việc thẩm định, tiến tới chính thức vận hành thay thế bệnh án giấy.
Dù được sắp xếp ngăn nắp, bệnh án giấy truyền thống chiếm nhiều diện tích, việc tìm kiếm thông tin cũng mất nhiều thời gian.
Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định Hồ sơ bệnh án điện tử của Bộ Y tế, giai đoạn 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Như vậy, năm 2028 là thời hạn cuối cùng các đơn vị phải hoàn thành. Tuy vậy, ngành Y tế Bắc Ninh chắc chắn sẽ hoàn thành trước hạn này nhiều năm nhờ một “chiến dịch” lớn được đẩy mạnh từ cuối năm 2024.
Với tinh thần “không bàn lùi, chỉ bàn làm, không nói khó, chỉ tìm giải pháp”, các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đang tích cực, quyết liệt triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử. Đây được coi là cơ sở nền tảng cho việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh với Bệnh viện Bạch Mai và các Bệnh viện tuyến T.Ư trong tương lai không xa.
Theo kế hoạch, lộ trình của ngành Y tế, các đơn vị triển khai áp dụng phần mềm bệnh án điện tử song song với đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm 100% các đơn vị ngành Y tế triển khai bệnh án điện tử đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo Kết luận số 213/TB-UBND ngày 20-12-2024.
Sở Y tế cũng yêu cầu việc triển khai bệnh án điện tử phải đáp ứng đúng Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Hệ thống được thiết kế trên cơ sở các ứng dụng CNTT hiện đại, có sử dụng phần mềm mã nguồn mở, có độ tin cậy cao, kết nối và sử dụng các thiết bị theo kiểu module để dễ dàng mở rộng và nâng cấp về sau khi có nhu cầu. Bệnh án điện tử phải phù hợp với các yêu cầu về mặt quản lý cũng như chuyên môn trong ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay và định hướng trong tương lai. Hệ thống cơ sở dữ liệu bao gồm các dữ liệu về thông tin bệnh án người bệnh, hồ sơ y tế người dân.
Công tác khảo sát và đánh giá hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin đã được hoàn thành gấp rút ngay trong năm 2024. Từ kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng phần cứng, phần mềm, hệ thống mạng (đường truyền) và bảo mật tại đơn vị, các đơn vị phân tích để lựa chọn phương án, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, bảo đảm phù hợp với quy mô, mô hình khám bệnh, chữa bệnh của đơn vị mình.
Để đáp ứng yêu cầu, các đơn vị khám, chữa bệnh chưa triển khai thử nghiệm sẽ nâng cấp đường truyền; lựa chọn phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện HIS, phần mềm quản lý xét nghiệm LIS và phần mềm quản lý bệnh án điện tử EMR. Hầu hết các đơn vị đã và đang triển khai công tác đào tạo nhân lực, tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm bệnh án điện tử tới toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế và các bộ phận liên quan.
Bắt đầu từ 21-1, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện chưa triển khai bệnh án điện tử thí điểm triển khai tạo lập, ghi chép hồ sơ bệnh án bằng phần mềm bệnh án điện tử; phát triển và tùy chỉnh phần mềm bệnh án điện tử. Việc triển khai tạo lập, ghi chép hồ sơ bệnh án bằng phần mềm bệnh án điện tử song song với phát triển, tùy chỉnh giao diện phù hợp với từng đơn vị bảo đảm phần mềm bệnh án điện tử thân thiện, dễ sử dụng cho bác sĩ và nhân viên y tế, tích hợp với các hệ thống khác như: Hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, quản lý bệnh viện. Quá trình thử nghiệm, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra tính ổn định và khả năng xử lý dữ liệu.
Việc rà soát nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai gấp rút để có căn cứ xây dựng danh mục; thực hiện đầu tư mua sắm, lắp đặt thiết bị, phần mềm thương mại… Các đơn vị thực hiện quy trình mua sắm song song với thí điểm áp dụng phần mềm bệnh án điện tử.
Phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS; áp dụng chữ ký số và áp dụng triển khai chính thức bệnh án điện tử được triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm và hoàn thành tùy chỉnh, nâng cấp phần mềm bệnh án điện tử; triển khai đóng gói, ký số, đẩy dữ liệu kết nối, liên thông dữ liệu bệnh án điện tử với Bệnh viện Bạch Mai và các cơ sở y tế khác theo hướng dẫn của Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ.
Bài 2: Từng bước xây dựng Bệnh viện thông minh
Nhóm PV Văn hóa - Xã hội
Ý kiến ()