Sau 25 năm tái lập (1997-2022) diện tích sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh bị thu hẹp do tỉnh chủ trương phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nhưng thực hiện cơ cấu lại theo hướng bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới; cơ cấu mùa vụ, giống trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng thâm canh, tăng năng suất và giá trị kinh tế; các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuỗi sản xuất khép kín được nhân rộng.

Mô hình trồng tía tô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại huyện Lương Tài.
Nhìn lại những năm đầu tái lập, nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ¼ thế kỷ qua mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần, nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Bên cạnh đó, những khó khăn về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và tình trạng giá nông sản bấp bênh vẫn chưa được kiểm soát, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa bền vững, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp mức độ rủi ro vẫn cao. Đặc biệt, diện tích đất nông nghiệp giảm 13.990 ha sau 25 năm tái lập tỉnh, đã làm cho không gian sản xuất nông nghiệp bị “co hẹp”. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về cây, con giống, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, cơ giới hóa trong sản xuất,.. cùng với nhiều chính sách về nông nghiệp được thực thi có hiệu quả theo từng giai đoạn, nên sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của Bắc Ninh luôn đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm, không chỉ đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành phố lân cận.
Các chính sách “dồn điền đổi thửa”, tích tụ ruộng đất được triển khai hiệu quả đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá lớn. Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được đẩy mạnh áp dụng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 vùng sản xuất lúa, trong đó có 260 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; trên 70 vùng rau màu chuyên canh. Trong sản xuất, đã từng bước ứng dụng phun thuốc trừ sâu bệnh trên lúa bằng máy bay không người lái và công nghệ truy xuất nguồn gốc Agricheck áp dụng phương pháp “4 cùng” (cùng giống, cùng gieo cấy, cùng xứ đồng, cùng thu hoạch). Cơ cấu sản xuất trong từng lĩnh vực cũng có sự chuyển biến rõ rệt từ số lượng sang tập trung vào chất lượng và giá trị kinh tế. Cơ giới hóa được triển khai mạnh mẽ trong nhiều khâu sản xuất, góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả và đưa giá trị sản xuất trồng trọt trên 1ha đất canh tác tăng từ 17,2 triệu đồng (năm 1997) lên trên 107,8 triệu đồng vào năm 2021.
Trong chăn nuôi, mô hình chăn nuôi truyền thống trong khu dân cư với quy mô nhỏ, lẻ ngày càng giảm mạnh, một mặt do ô nhiễm môi trường, mặt khác do hiệu quả kinh tế thấp; trong khi chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được mở rộng và phát triển, trên địa bàn tỉnh có trên 50 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp sử dụng công nghệ chuồng lồng, kín và xử lý chất thải sinh học, hệ thống quản lý 5S (Áp dụng 5S trải qua các bước: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc và Sẵn sàng). Những năm mới tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi dưới 10 con lợn chiếm trên 80% số hộ chăn nuôi lợn, đến nay đã giảm xuống còn trên 20%. Đến năm 2021, tổng đàn lợn có trên 288 nghìn con và đàn gia cầm có trên 5,8 triệu con, gấp 2 lần năm 1997.
Sản xuất thủy sản, mặc dù diện tích mặt nước tự nhiên cho nuôi trồng thủy sản không lớn, hệ thống ao hồ trong các khu dân cư có xu hướng giảm dần do quá trình đô thị hóa hoặc bị ô nhiễm nguồn nước do quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhờ thực thi có hiệu quả chính sách chuyển dịch vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, nhiều vùng trũng đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu như năm 1997, toàn tỉnh có 2.792 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, sau 25 năm nỗ lực đầu tư mở rộng quy mô diện tích nên đến năm 2021 toàn tỉnh đã có 4.824 ha, gấp 1,7 lần năm 1997. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô từ 10 ha trở lên với tổng diện tích là 2.757,6 ha, tập trung ở các huyện Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du. Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thủy sản cũng được tăng cường, áp dụng rộng rãi, như: các công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây hoặc công nghệ sử dụng hocmon để sản xuất giống. Công nghệ nuôi cá thâm canh có sử dụng quạt nước, thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi,.. đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 1997 mới đạt 4.014 tấn và đến năm 2021 đã tăng lên 38.059 tấn, gấp 9,5 lần năm 1997. Đặc biệt, nhằm tận dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước trên hệ thống các sông thuộc địa bàn tỉnh, từ năm 2011 có 4 cơ sở đã mạnh dạn đầu tư 34 lồng nuôi cá trên sông, đến năm 2021, đã tăng lên 160 cơ sở nuôi cá lồng với số lượng 2.062 lồng. Năm 2011, sản lượng cá thương phẩm nuôi lồng trên sông chỉ đạt 87 tấn, giá trị trên 5,6 tỷ đồng, đến năm 2021 ước đạt 6.300 tấn, chiếm 17% sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh và giá trị sản xuất ước đạt 342,9 tỷ đồng, chiếm 29,4% giá trị sản xuất ngành thủy sản.
Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã mang lại hiệu quả tích cực và rộng khắp, thể hiện vai trò của một chương trình tổng thể, toàn diện về phát triển kinh tế xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng khu vực nông thôn. Nhờ đó, khu vực nông thôn đã có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng đô thị, văn minh, hiện đại.
Tính đến hết năm 2020, 100% các xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trong đó, 05 huyện (Tiên Du, Gia Bình, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành) và thành phố Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, huyện Yên Phong đang được xét công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và Bắc Ninh là một trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh Nông thôn mới. Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm được tích cực triển khai, năm 2020 đã có 33 sản phẩm của Chương trình OCOP được công nhận, trong đó có 30 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm 3 sao; năm 2021 tổ chức khảo sát, lựa chọn, trình phê duyệt danh mục 110 sản phẩm của 65 chủ thể tham gia.
Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 12 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, trong đó 6 xã đang làm hồ sơ thẩm định đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, Bắc Ninh phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt khoảng 43%.
Hiện nay, đề án thành lập thị xã Thuận Thành, Quế Võ được tỉnh thông qua và trình Bộ Nội vụ thẩm định. Các địa phương đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của người dân để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, gắn với xây dựng độ thị, qua đó từng bước đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Hoàng Mai
Ý kiến ()