Không còn những hàng rào ngăn cách, cuộc sống của người dân nhiều địa phương trong tỉnh sau những ngày phong tỏa, cách ly y yế đang trở lại bình thường. Đó là khởi đầu cho những thói quen văn hóa, nếp sống văn minh trong tình hình mới.
Không lơ là, chủ quan
Trung tuần tháng 6, chúng tôi trở lại xã Nhân Hòa (Quế Võ) sau những ngày phong tỏa, cách ly y tế, nhịp sống mới đang dần trở lại. Từ Trại Đường, Bất Phí, Đồng Chuế đến Cung Kiệm, tiếng loa truyền thanh xã vẫn ra rả ngân vang: “Mọi người dân ra ngoài đường nhớ đeo khẩu trang và bảo đảm giãn cách theo đúng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ”. Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa Nguyễn Đức Long cho biết: “Khi cả xã thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của ngành Y tế. Trải qua những ngày, đêm “3 cùng” với cơ sở (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc) mới thấy giá trị của cuộc sống bình yên. Bây giờ dịch bệnh tạm thời được đẩy lùi nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã không chủ quan, lơ là, mà luôn trong tư thế “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra”.

Xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại khu phố Đông Dương, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.
Gần 2 tháng qua, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Ninh. Cả hệ thống chính trị và nhân dân chạy đua, dốc toàn lực để xét nghiệm truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Những ngày gần đây, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, số ca nhiễm bệnh giảm dần. Dẫu vậy, bài học về chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn nguyên giá trị. Đi trên con đường trung tâm xã đang cải tạo, Chủ tịch UBND xã Hoài Thượng (Thuận Thành) Nguyễn Đình Hiếu bảo rằng: Tuy không còn những hàng rào ngăn cách, cũng chẳng thấy bóng dáng lực lượng công an, dân phòng, y tế, cựu chiến binh... ngày đêm canh gác nữa, nhưng người dân quê tôi, ai nấy đều không thể quên sống trong vùng “phong tỏa”. Đó là những ngày mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Không ít người dân làng nghề kéo lên trụ sở xin giấy đi đường. Chúng tôi chỉ cấp giấy cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp có giấy xét nghiệm âm tính 2 lần và cam kết trở về địa phương sau 15 ngày (phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính). Còn các trường hợp khác thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Không có giấy “thông hành”, nhiều người dân, thậm chí có cả người thân gay gắt đòi “từ mặt”, nhưng cứ nghĩ đến sự an toàn cho nhân dân, cho cộng đồng, chúng tôi kiên quyết từ chối. Lúc đầu là vậy, nhưng rồi người dân cũng hiểu và sẻ chia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Với phương châm gia đình cách ly gia đình, thôn cách ly thôn, xã cách ly xã, từ trẻ thơ đến cụ già, tất cả đều thực hiện nghiêm chỉ đạo cấp trên”.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, xã Hoài Thượng đã chiến thắng dịch COVID-19, các khu dân cư, vùng phong tỏa, cách ly y tế được dỡ bỏ, người dân yên tâm bước vào cuộc sống mới. Các cơ sở sản xuất màn, đồ gỗ mỹ nghệ, xưởng cơ khí... rộn rã tiếng cưa, tiếng máy xoèn xoẹt. Ông Trần Đăng Dật, Bí thư Chi bộ thôn Ngọ Xá cho biết: “Dịch bệnh có thể được khống chế nhưng cuộc chiến chống dịch chưa chấm dứt bởi nguy cơ tái dịch tiểm ẩn, nỗi lo dịch bệnh còn đó. Địa phương kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền chủ động xây dựng các phương án môi trường an toàn với dịch bệnh như: Tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19, trường học an toàn, Bệnh viện an toàn, công sở an toàn, chợ an toàn, giao thông an toàn… Việc tuân thủ các quy định sẽ là “lá chắn” để mỗi người dân tự bảo vệ mình, người thân và cộng đồng”.
Xây dựng nếp sống an toàn
Tham gia xây dựng thói quen cho mỗi người dân khi ra đường đeo khẩu trang, khi giao tiếp, xếp hàng, mua bán giữ khoảng cách an toàn; rửa tay sát khuẩn thường xuyên, bảo vệ môi trường... là nâng cao ý thức, trách nhiệm con người mới. Thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo (Quế Võ) có 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Địa phương đã trải qua 21 ngày phong tỏa, cách ly y tế. Đó là những ngày đêm gian nan, thử thách với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây. Qua 3 lần xét nghiệm, sàng lọc cùng với công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch, thôn Mộ Đạo đã đẩy lùi dịch COVID-19. Trưởng thôn Mộ Đạo Nguyễn Văn Phiên chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi lo lắng, dân số đông, người dân đi xét nghiệm dễ gây tình trạng tập trung đông người, chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau làm trước. Để người dân bảo đảm khoảng cách an toàn, Tổ COVID cộng đồng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa xếp hàng, cách nhau 2 m, lần lượt theo từng xóm, ngõ. Người dân hiểu rằng bảo đảm trật tự, giữ khoảng cách an toàn là cách tốt nhất để truy tìm Fo trong cộng đồng. Họ tin tưởng, Đảng, Nhà nước ta đang cố hết sức để bảo vệ sức khỏe nhân dân”. Văn hóa xếp hàng tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện nghiêm túc, bởi nó đã “ăn sâu, bám dễ” trong tư duy mạnh ai nấy làm. Ông Nguyễn Đức Tuân, một người dân bộc bạch: “Xếp hàng mất nhiều thời gian, cảm giác chờ đợi nhưng nó thử thách, rèn luyện lòng kiên nhẫn để tạo một hình ảnh tốt đẹp, thiện cảm, sự an toàn và công bằng cho mỗi người”. Văn hóa xếp hàng trong câu chuyện từ nước Nga “Lê Nin trong hiệu cắt tóc”, hay văn hóa xếp hàng mua xăng của người Nhật trong trận động đất kinh hoàng và hôm nay khi đại dịch COVID-19 lây lan, xâm nhập, văn hóa xếp hàng của người dân Việt Nam đang dần hình thành, một ngày không xa sẽ đổi thay không chỉ trong xếp hàng xét nghiệm COVID-19 mà còn lan tỏa sang văn hóa đi chợ, tiêm phòng, tham gia giao thông...

Dù dịch COVID-19 được đẩy lùi, nhưng các tiểu thương ở chợ dân sinh thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu vẫn duy trì thói quen giữ khoảng cách và đeo khẩu trang khi bán hàng.
Những thói quen tốt đang được người dân nuôi dưỡng. Những hình ảnh ấm áp nghĩa tình ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19: Em Đỗ Quốc Hưng, học sinh lớp 5 A2 Trường Tiểu học và THCS Trần Quốc Toản (thành phố Bắc Ninh) đập lợn tiết kiệm của mình ủng hộ hơn 22 triệu đồng; Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cược ở thôn Hoàng Xá, xã Ninh Xá (Thuận Thành) sử dụng tiền tiết kiệm của mình ủng hộ quỹ vắc-xin của tỉnh 10 triệu đồng... đang lan tỏa sâu rộng về bài học tiết kiệm ủng hộ đồng bào trong đại dịch. Đi qua những ngày gian khó, người dân ở các vùng “tâm dịch” hiểu rằng bây giờ và cả sau này, nên cân nhắc tính toán để đủ tiêu dùng và có tích lũy dự phòng khi khó khăn ập đến bất ngờ. Tiết kiệm trong sinh hoạt, tiết kiệm trong đám giỗ, đám tang được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân khắp nơi đồng tình hưởng ứng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Từ khi dịch bệnh xảy ra, mỗi khi địa phương có đám tang, nhất là khu dân cư bị phong tỏa, cách ly y tế, chúng tôi chỉ đạo các Tổ COVID cộng đồng phun khử khuẩn, tuyên truyền gia chủ không tổ chức ăn uống, hạn chế người dân viếng thăm và bảo đảm giãn cách; khuyến khích, hỗ trợ các gia đình thực hiện điện táng, hỏa táng”. Từ khi dịch bệnh lây lan, tỷ lệ điện táng, hỏa táng của địa phương đạt tới 90%.
Đi qua những ngày “phong tỏa”, chúng ta có dịp nhớ lại một thời kỳ COVID-19 với bài học về những trải nghiệm cuộc sống khó khăn mà thấm đẫm tình người trong tâm dịch; về sự thay đổi về thói quen, lối sống văn hóa văn minh, tiết kiệm... nên được thực hành và nhân rộng trong cuộc sống cộng đồng.
Ghi chép của Xuân Bình-Phong Vân
Ý kiến ()