Từ ngày 26-3 đến ngày 5-4, Đoàn công tác của tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn tới làm việc tại một số nước ở châu Âu (Thụy Điển, Thụy Sĩ và Đan Mạch). Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
* Chiều 27-3, sau khi tới Thụy Sĩ, Đoàn gặp gỡ đại diện doanh nghiệp địa phương, xúc tiến hợp tác đầu tư và thương mại giữa Bắc Ninh và Thụy Sĩ. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Thụy Sĩ - Châu Á tiếp và làm việc với Đoàn. Hai bên đã trao đổi, thảo luận đề xuất các cơ hội để kết nối hợp tác kinh doanh, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch.

Đoàn công tác làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp toàn cầu Thụy Sĩ (SGE)
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất một số đề xuất quan trọng như: thiết lập khu thương mại tự do (Free Trade Zone) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng cường trao đổi, tổ chức các diễn đàn kinh tế song phương và đa phương; kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất.
* Ngày 28-3, Đoàn gặp mặt và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp toàn cầu Thụy Sĩ (SGE) học hỏi kinh nghiệm phát triển thương mại, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực. SGE là tổ chức chính thức Thụy Sĩ, thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp Thụy Sĩ xuất khẩu, thu hút đầu tư và kết nối doanh nghiệp toàn cầu. Các hoạt động chính bao gồm tư vấn xuất khẩu, tổ chức sự kiện, hỗ trợ đầu tư và nghiên cứu thị trường, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tiến hành khảo sát, học tập kinh nghiệm về phát triển quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải của Thụy Sĩ để ứng dụng vào tỉnh Bắc Ninh. Là một quốc gia phát triển hàng đầu ở Châu Âu, hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam; Thụy Sĩ có thế mạnh vượt trội trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo và dịch vụ du lịch. Việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ Thụy Sĩ mang lại nhiều lợi ích và ứng dụng tiềm năng cho tỉnh Bắc Ninh.
Tiếp tục chương trình công tác tại Thụy Sĩ, ngày 29-3 Đoàn làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ. Đồng chí Phùng Thế Long, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ đón tiếp và làm việc với Đoàn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại; kêu gọi các doanh nghiệp tới đầu tư tại tỉnh về các lĩnh vực thế mạnh của Thụy Sĩ như: công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, năng lượng sạch, dịch vụ, tài chính…Hỗ trợ cho triển khai các hoạt động trao đổi thông tin, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, các di sản, điểm đến du lịch nổi tiếng với bạn bè quốc tế; thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn Di sản dân ca Quan họ, vận động UNESCO công nhận Tranh dân gian Đông Hồ ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang và đồng chí Trần Văn Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển
* Ngày 30-3, Đoàn di chuyển tới Thụy Điển, tiến hành khảo sát, học tập kinh nghiệm về phát triển quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Đoàn làm việc với Văn phòng Phát triển thành phố Stockholm nhằm tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ Dự án Stockholm Royal Seaport- một trong những mô hình phát triển đô thị bền vững hàng đầu châu Âu.

Đoàn công tác tặng tranh dân gian Đông Hồ tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển.
Ông Örjan Lönngren, đại diện Văn phòng Phát triển thành phố Stockholm giới thiệu tổng quan về quá trình triển khai, tầm nhìn chiến lược và những kết quả nổi bật của Dự án Stockholm Royal Seaport. Dự án nằm ở khu vực Đông Bắc thủ đô Stockholm, là mô hình tái phát triển khu công nghiệp và cảng cũ thành khu dân cư và thương mại hiện đại, xanh và thông minh. Đây là một phần trong định hướng dài hạn của thành phố Stockholm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Một số mục tiêu nổi bật của dự án gồm: Xây dựng khoảng 12.000 căn hộ và tạo ra 35.000 việc làm mới; phát triển giao thông xanh, hệ thống năng lượng tái tạo, và quản lý chất thải hiệu quả; hướng đến mục tiêu trở thành thành phố không nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.

Đoàn công tác và ông Örjan Lönngren đại diện Văn phòng Phát triển thành phố Stockholm, thăm mô hình Dự án Stockholm Royal Seaport.
Qua buổi làm việc Bắc Ninh tiếp cận những bài học thực tiễn, tỉnh Bắc Ninh có thể nghiên cứu, chọn lọc và vận dụng phù hợp trong tiến trình quy hoạch và phát triển đô thị của địa phương, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng các đô thị vệ tinh, khu dân cư mới gắn với tiêu chí xanh-thông minh-bền vững.
* Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Thụy Điển, Đoàn công tác của tỉnh làm việc với đồng chí Trần Văn Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển; gặp gỡ đại diện doanh nghiệp địa phương, xúc tiến hợp tác đầu tư và thương mại giữa Bắc Ninh và Thụy Điển nhằm trao đổi, thảo luận đề xuất các cơ hội để kết nối hợp tác kinh doanh, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và công nghiệp chế tạo,… Đồng thời làm việc với đại diện Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển giữa hai bên. SIDA là một cơ quan chính phủ trực thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Điển, chịu trách nhiệm tổ chức phần lớn viện trợ phát triển chính thức của Thụy Điển cho các nước đang phát triển. Với mục tiêu cải thiện điều kiện sống của người nghèo, hướng tới xóa bỏ nghèo đói thông qua hợp tác với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, khu vực tư nhân và quốc tế, SIDA hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy dân chủ và bình đẳng giới.
Tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh và Thụy Điển mở ra nhiều cơ hội hứa hẹn, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng được củng cố. Bắc Ninh, với vị thế là trung tâm công nghiệp năng động của Việt Nam, luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Điển đến đầu tư, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo. Bắc Ninh cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Thụy Điển trong xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; hợp tác trong quản lý môi trường và phát triển đô thị bền vững, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của địa phương.
* Ngày 2-4, Đoàn công tác tỉnh Bắc Ninh đã tới Đan Mạch. Tại đây, Đoàn làm việc với đại diện Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI) về kêu gọi xúc tiến đầu tư. DI là tổ chức đại diện cho 20.000 doanh nghiệp, hơn 575.000 lao động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, y tế, thương mại… Với mạng lưới rộng lớn và kinh nghiệm chuyên sâu, DI có ảnh hưởng sâu rộng tới chính sách kinh tế-xã hội của quốc gia và là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ. DI có tiềm năng lớn trong việc kết nối các doanh nghiệp Đan Mạch đến đầu tư và hợp tác tại tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt trong các lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên phát triển, nhất là lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh,...

Đoàn công tác tặng tranh dân gian Đông Hồ cho Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI)
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang mong muốn DI tích cực kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch tìm hiểu và đầu tư tại Bắc Ninh, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh; hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề. Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Đoàn công tác tại trụ sở Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI
Sau đó, Đoàn gặp gỡ đại diện doanh nghiệp địa phương, trao đổi, thảo luận đề xuất các cơ hội để kết nối kinh doanh, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, y tế, thương mại… Làm việc với đồng chí Lương Thanh Nghị, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch, Đoàn đề nghị Đại sứ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong việc xúc tiến đầu tư - thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp Đan Mạch tới đầu tư tại tỉnh và quảng bá văn hóa truyền thống của Bắc Ninh tới người dân Đan Mạch.
Thái Uyên
Ý kiến ()