Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Phong luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI và đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, phát triển nhanh; GRDP trên địa bàn tăng bình quân 29,2%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt 11%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dich vu seo theo hướng CNH, HĐH. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,4 triệu đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được chỉ đạo theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so với năm 2010. Tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình phát triển thị trấn, thị tứ. Năm 2014 có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2015 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; trung bình đạt 17,6 tiêu chí/xã.
Quy mô công nghiệp trên địa bàn tăng nhanh, là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, được cấp có thẩm quyền cho phép khảo sát lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp với diện tích 1.054,43 ha, chiếm 10,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Hình thành các sản phẩm chủ lực trên địa bàn là điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản… Bên cạnh đó, sản xuất TTCN tại các làng nghề duy trì ổn định. Hoạt động thương mại - dịch và thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ được nâng lên. Các chính sách xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%. Mặc dù là huyện đang phát triển nhanh về kinh tế nhưng tình hình ANCT luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Khu đô thị Chờ (Yên Phong) được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; các cấp uỷ Đảng nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên; đã và đang trở thành phong trào, ý thức tự giác của nhân dân. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được triển khai toàn diện và có bước đổi mới; đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên bảo đảm chặt chẽ, sát thực tế. Năm 2014, số tổ chức cơ sở Đảng đạt TSVM là 72,7%; số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt TSVM và HTTNV đạt 94,1%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 82%. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nghiêm túc, đúng quy trình. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định từ 3 - 5 vấn đề nổi cộm, bức xúc để tập trung lãnh đạo giải quyết có hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Công tác dân vận có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có nhiều đổi mới; năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính được nâng cao theo tinh thần sâu sát, cụ thể, bám việc và chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ huyện đến cơ sở được đổi mới, đạt hiệu quả thiết thực. Với phương châm hướng về cơ sở, tổ chức các hoạt động ở cơ sở, MTTQ và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, hoạt động VHVN - TDTT…
Có thể khẳng định, với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã góp phần đưa Yên Phong từ một huyện nông nghiệp, đang phát triển nhanh, mạnh sang công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Yên Phong sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh CNH, HĐH. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; tạo nền tảng vững chắc sớm đưa Yên Phong trở thành thị xã. Để thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu trên, Đảng bộ Yên Phong xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, phát huy lợi thế so sánh, các nguồn lực có sẵn để đẩy nhanh tốc độ phát triển và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, xác định phát triển công nghiệp và dịch vụ là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức quy hoạch không gian đô thị đồng bộ, hiện đại; huy động các nguồn vốn để xây dựng và hoàn thành các công trình dự án đã được phê duyệt. Tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp ổn định, từng bước hiện đại theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyên canh theo vùng. Huy động sức mạnh của toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Hai là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội tương xứng với tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường chính trị ổn định để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đẩy mạnh công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, gần dân. Chủ động nắm bắt tình hình quần chúng nhân dân, nhất là các địa bàn có dấu hiệu phức tạp để tập trung giải quyết ngay từ cơ sở.
Bốn là, xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản. Tích cực phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ CBCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm là, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân theo phương châm hướng về cơ sở và tổ chức các hoạt động ở cơ sở; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Trong đó, xác định 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đó là:
Xác lập không gian kinh tế và đô thị gắn với chương trình phát triển đô thị Bắc Ninh; nâng cấp thị trấn Chờ thành đô thị loại IV.
Tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp. Đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và xã hội.
Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Phong sẽ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra, góp phần xây dựng quê hương Yên Phong ngày càng giàu đẹp, văn minh.
| Nguyễn Hạnh Chung Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Phong |
Ý kiến ()