Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, hàng chục nghìn công nhân lao động (CNLĐ) phải làm việc luân phiên, nghỉ việc tạm thời… Để tránh các yếu tố lây nhiễm, bảo đảm sản xuất công nghiệp, người lao động (NLĐ) được bố trí chỗ ở tập trung ngay tại trong nhà máy, nơi họ đang làm việc. Giải pháp này đang được các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp (DN), CNLĐ giúp hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh từng bước hoạt động ổn định và đời sống của CNLĐ cơ bản được bảo đảm trong tình hình mới.
Những cảm xúc của công nhân trong khu lưu trú mới
Làm việc, ăn, ở luôn tại nhà máy, là giải pháp tối ưu và sáng tạo, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 được nhiều DN triển khai thực hiện từ ngày 2-6 theo tinh thần chỉ đạo tại Thông báo số 65/TB-UBND ngày 26-5-2021 của UBND tỉnh. Mặc dù có đôi chút đảo lộn cuộc sống và một số bất tiện mà công nhân gặp phải trong sinh hoạt, song đã được các cơ quan chức năng cùng DN đang từng bước khắc phục, bảo đảm an toàn cho CNLĐ "vừa chống dịch, vừa sản xuất". Công nhân trong các Tổ sản xuất hiện nay đều “3 cùng”, đó là, cùng ăn- cùng ở- cùng làm và thực hiện phương châm “tổ cách tổ, phân xưởng cách phân xưởng, nhà máy cách nhà máy và nhà máy cách ly với các khu vực bên ngoài”.
Vừa nhận khu lưu trú mới, chị Nguyễn Thị Khải công nhân Công ty TNHH Bujeon Viet Nam Electronics (KCN Quế Võ) chia sẻ: “Cảm nhận yên tâm vừa phòng dịch, vừa có việc làm, thu nhập. Không chỉ bảo đảm không gian riêng tư, khu vực vệ sinh khép kín dành riêng cho nam, nữ, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; phòng, chống cháy nổ cũng được DN đặc biệt quan tâm”.

Xưởng sản xuất số 8 của Công ty TNHH Quốc tế Bright Việt Nam (KCN Thuận Thành II) được bố trí là chỗ ở cho công nhân.
Tại Công ty TNHH Fushan Technology (KCN VSIP), sau giờ tan ca, cùng với hơn hai nghìn công nhân khác, anh Bùi Văn Thắng không phải qua cổng nhà máy để di chuyển về nhà trọ như trước mà ở lại khu chuyển đổi công năng trong công ty. Theo anh Thắng, công ty đã bố trí chỗ ăn, nghỉ cho CNLĐ tại nhà máy từ ngày 2-6. Khu vực lưu trú trong nhà máy mỗi công nhân có một giường ngủ, đầy đủ chăn, màn, gối, đệm. Các giường ngủ của công nhân được ngăn với nhau bằng tấm vách để bảo đảm sự riêng tư và giãn cách phòng, chống dịch.
Còn chị Nguyễn Thị Hà My, nhân viên bộ phận NC Team (Samsung) chia sẻ: "Từ ngày 2-6 sau khi làm việc thay vì về nhà tôi đã ở lại nhà máy. Đây là lần đầu tiên ở ký túc xá, tôi cảm thấy rất lo lắng vì xa gia đình, nhưng khi tới đây ở rồi thì thấy ở đây rất sạch sẽ và các biện pháp bố trí phòng dịch tốt. Vì thế, tôi thực sự yên tâm đi làm".
Làm công nhân tại KCN Quế Võ, cách nhà khoảng 15 km, hàng ngày anh Trần Viết Thanh (27 tuổi, Lương Tài) thường đi buổi, sáng đến công ty, tối về nhà. Ngày 2-6, theo như kế hoạch đã được DN thông báo từ trước, Thanh cùng hơn 100 công nhân khác đã ở lại, lưu trú luôn trong nhà máy sau giờ tan ca. Thanh cho biết: Công ty đã cải tạo một xưởng làm việc cũ thành 100 chỗ ở cho các công nhân từ trước đó vài ngày. Ngày đầu tiên ở lại công ty, nhiều công nhân lạ giường khó ngủ nên đa phần nằm dùng điện thoại đến khuya, một số thì nói chuyện với nhau qua các vách ngăn gây ồn. Bên cạnh đó, điều hòa tổng cũng không làm mát hết được các khu vực trong xưởng nên càng khó ngủ. Các công nhân đã phản ánh với DN và ngay buổi sáng hôm sau, các khu vực bị nóng đã được bổ sung thêm điều hòa mới.

Nhân viên Samsung trong khu lưu trú tại nhà máy.
Còn công nhân Nguyễn Thị Thu (KCN Yên Phong) cho biết: Các khẩu phần ăn của công nhân đều đã được bổ sung nhiều hơn so với thời điểm trước đó. Công nhân đi làm được hỗ trợ thêm 100 nghìn đồng/ngày và 100 nghìn đồng tiền điện thoại/tháng. Tuy vậy, các nữ công nhân gặp một số bất tiện khi đi tắm, do số lượng phòng tắm hạn chế, phải chờ đợi lâu. Ngoài ra, do thời tiết nóng bức khiến tôi cảm thấy khá khó chịu. Sau khi chúng tôi phản ánh thì quản lý cho biết sẽ dựng thêm một số phòng tắm khác và có thể sẽ thực hiện kế hoạch chia các ca tắm khác nhau để tránh phải chờ đợi.
Hầu hết những công nhân có đủ điều kiện (có kết quả xét nghiệm SarS-CoV-2 âm tính 2 lần trong vòng 72h gần nhất) được ở lại nhà máy làm việc đều có chung nhận xét: Những bất tiện mà họ gặp phải đều không là gì so với các khó khăn, gian khổ của lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, các DN cũng đã đáp ứng nhu cầu của công nhân rất nhanh sau khi nhận được phản ánh. Công nhân đều yên tâm và hoàn toàn ủng hộ chủ trương của UBND tỉnh "vừa chống dịch, vừa sản xuất". Trong thời điểm dịch mà vẫn được đi làm để bảo đảm kinh tế gia đình thay vì phải cách ly ở nhà và không có thu nhập, đó là may mắn và hạnh phúc.
Các DN nỗ lực bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân
Sản xuất an toàn cũng như bảo vệ sức khỏe cho NLĐ là yêu cầu quan trọng trong điều kiện có dịch. Do vậy, UBND tỉnh xây dựng bộ tiêu chí gồm 27 nội dung, trong đó, yêu cầu các DN phải có kế hoạch chi tiết về việc bố trí cho NLĐ ở lại nhà máy như điều kiện cơ sở vật chất chỗ ăn, chỗ ngủ, mật độ lao động, thời gian làm việc, thông khí nhà xưởng, nguy cơ lây nhiễm, bố trí sát khuẩn… Tỉnh thành lập 40 Tổ công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định, hướng dẫn các DN thực hiện các quy định theo các tiêu chí đề ra. Qua kiểm tra 224 DN cơ bản đáp ứng các điều kiện cần thiết để vừa sản xuất, vừa cách ly. Những DN còn thiếu các tiêu chí vẫn tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm sản xuất trong trạng thái mới.
Ngay sau khi có chủ trương của tỉnh về bố trí cho công nhân lưu trú tại nhà máy, Công ty TNHH Bujeon Việt Nam Electronics (KCN Quế Võ) đã sắp xếp lại dây truyền thiết bị, tạm dừng triển khai việc mở rộng sản xuất giai đoạn 2, để tận dụng không gian làm nơi lưu trú mới cho CNLĐ. Với việc lắp ghép các tấm nhựa thành các buồng ngủ độc lập, ngay trong buổi sáng ngày 2-6, 300 chỗ nghỉ đã được hoàn thành ngay trong phân xưởng của nhà máy. Ông Song Yu Hoon, Giám đốc Hành chính - Nhân sự cho biết: Phương châm của DN chúng tôi là “Mỗi nhà máy là một pháo đài, mỗi người lao động là một chiến sỹ” trên mặt trận phòng, chống dịch COVID- 19. Vì thế, khu vực lưu trú của công nhân, chúng tôi luôn bảo đảm các điều kiện tốt nhất, bởi trong tình hình hiện nay, NLĐ làm việc tại DN không chỉ bảo đảm công tác phòng, chống dịch mà cũng là giải pháp rất tốt để duy trì ổn định sản xuất.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: Trước sự lây lan của dịch bệnh, công ty thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như tiến hành xét nghiệm COVID cho toàn bộ NLĐ; cấp phát khẩu trang phòng dịch miễn phí cho nhân viên và thực hiện đầy đủ các quy tắc về phòng dịch… Tại các nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh chỉ trong thời gian ngắn đã lắp đặt các thiết bị cho công nhân lưu trú (tận dụng các phòng chức năng, các khu sinh hoạt chung…). Với các khu trưng dụng ngoài nhà máy (tại 51 trường học trên địa bàn huyện Yên Phong), công ty tiếp tục hoàn thiện các khu vực tiện ích, bố trí xe đưa, đón công nhân hàng ngày, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho hàng chục nghìn nhân viên yên tâm làm việc. Nhân viên Samsung bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, còn nhận được trợ cấp đặc biệt của công ty như miễn phí lưu trú, hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày và 1 bữa phụ. Đây là một sự thay đổi quan trọng của Samsung trong thời gian này, bên cạnh đó còn duy trì các biện pháp chống dịch theo quy định.
Từ nhiều năm nay, Tổ hợp Samsung Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, cũng như công tác xã hội khác của địa phương và cả nước. Bởi vậy, việc giúp Samsung vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất là yêu cầu cấp thiết đặt ra và có ý nghĩa thiết thực không để đứt gãy chuỗi cung ứng chung về công nghiệp của Bắc Ninh và cả nước.

Khẩu phần ăn của công nhân được các DN bổ sung thêm thức ăn giầu dinh dưỡng bảo đảm sức khỏe.
Công ty TNHH Quốc tế Bright (KCN Thuận Thành II) đưa 129 công nhân quay trở lại nhà máy làm việc sau khi thực hiện đầy đủ các quy trình về phòng, chống dịch của ngành Y tế và các cấp chính quyền. Phó Tổng Giám đốc Công ty Lo Khai Hung thông tin: Công ty dành khu nhà xưởng số 8 diện tích 2.076m
2 để làm khu lưu trú tạm cho công nhân. Từ ngày 2-6, DN trang bị 80 chiếc giường tầng, lắp đặt nhà vệ sinh di động, trang bị các vật dụng cá nhân cho công nhân như khăn mặt, kem đánh răng, chậu rửa mặt… để công nhân yên tâm ở tại nhà máy làm việc. Công ty hỗ trợ công nhân 3 bữa ăn chính, 1 bữa phụ/ngày và tăng khẩu phần ăn từ 20 nghìn lên 30 nghìn đồng/bữa, bảo đảm dinh dưỡng cho CNLĐ nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch và hiệu suất làm việc.
Theo ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: Chủ trương này của tỉnh ngay sau khi được ban hành đã nhận được sự đồng thuận của các DN. Bởi trong bối cảnh hiện nay, đây là giải pháp thiết thực để góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và triển khai kế hoạch sản xuất của nhà máy, cơ sở sản xuất ở cả trong và ngoài khu công nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm hơn đến NLĐ. Cụ thể: tăng bữa ăn phụ, tăng khẩu phần ăn bữa chính cho công nhân. Ngoài tiền lương, thưởng, hỗ trợ các bữa ăn, tùy theo điều kiện, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm cho CNLĐ mỗi ngày từ 50.000 – 100.000 đồng. Sự quan tâm, chăm lo kịp thời bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn cho CNLĐ sản xuất, lưu trú tại công ty là giải pháp sáng tạo, góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm và thu nhập cho NLĐ.
Bảo đảm cuộc sống của công nhân khu vực cách ly
Không để đoàn viên Công đoàn, CNLĐ trong khu vực cách ly, phong tỏa bị thiếu lương thực là mục tiêu xuyên suốt trong các hoạt động của các cấp Công đoàn toàn tỉnh những ngày qua. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực đàm phán với người sử dụng lao động, chủ DN tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, có phương án kịp thời hỗ trợ NLĐ, nhất là CNLĐ ngoại tỉnh để bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Cùng với đó, các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền các chủ nhà trọ, các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay hỗ trợ công nhân ngoại tỉnh (trong thời gian nghỉ việc luân phiên mà lưu trú tại địa phương) như: Miễn, giảm tiền thuê phòng trọ, giảm giá các mặt hàng thiết yếu…
Để có nguồn lực chia sẻ, hỗ trợ cho đoàn viên, CNLĐ gặp khó khăn, LĐLĐ tỉnh đã ra lời kêu gọi cộng đồng, DN và các tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ. Sau hơn 3 tuần, có hơn 340 tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền và nhu yếu phẩm quy đổi ra tiền với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí, hiện vật huy động xã hội hóa và kinh phí Công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 199 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn mắc COVID-19, trường hợp F1 phải cách ly tập trung, 13 đơn vị tuyến đầu chống dịch và ủy quyền cho LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố trao hỗ trợ cho gần 39.000 CNLĐ ngoại tỉnh với tổng trị giá hơn 6,5 tỷ đồng.
Tại huyện Thuận Thành, nơi khởi phát ca bệnh COVID-19 đầu tiên của tỉnh, đến ngày 5- 6, toàn huyện có 4.571 CNLĐ ngoại tỉnh (đạt 100% theo kết quả khảo sát) được nhận hỗ trợ 2 lần từ nguồn hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh gồm: 15 kg gạo và các nhu yếu phẩm trị giá 250.000 đồng/ người. Với các trường hợp phụ nữ mang thai, gia đình CNLĐ có con nhỏ được hỗ trợ thêm trứng, sữa, bánh kẹo. Toàn huyện có 92 trường hợp đoàn viên, CNVCLĐ là F0, F1 được hỗ trợ, mỗi trường hợp 2 triệu đồng để đóng phí, lệ phí, tiền ăn khi điều trị và cách ly tập trung.

Lãnh đạo Công đoàn các KCN tỉnh và huyện Quế Võ tặng quà 1-6 cho con CNLĐ ngoại tỉnh thuê trọ tại Phương Cầu, xã Phương Liễu (Quế Võ)
Anh Nguyễn Văn Thái, quê ở Thanh Hóa cùng cả gia đình đang thuê trọ ở thôn Tam Á, xã Gia Đông (Thuận Thành) chia sẻ: “Tôi thực sự cảm động khi nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn. Ngay cả khi dịch bệnh hết sức phức tạp, thời tiết nắng nóng, nhưng các cán bộ Công đoàn không quản ngại khó khăn, vất vả đi đến từng xóm trọ để trao hỗ cho CNLĐ. Món quà tuy nhỏ nhưng lại là nguồn động viên rất lớn đối với chúng tôi”. Gia đình anh Thái có 6 khẩu, gồm: Bố, 2 vợ chồng, 3 con nhỏ. Vợ anh mới sinh thêm con nhỏ thứ 3, trang trải cuộc sống cả gia đình chỉ từ nguồn lương của anh ở công ty. Nay dịch bệnh không đi làm được, khiến cuộc sống hết sức khó khăn. Nhưng để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, anh Thái cùng gia đình khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Tại thành phố Bắc Ninh, những ngày này, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến ngày 7-6, có 90 trường hợp đoàn viên Công đoàn là F0; 232 trường hợp F1 và 32.104 CNLĐ ngoại tỉnh tạm trú trong các khu phong tỏa và CNLĐ thuộc diện F2 phải cách ly tại các khu nhà trọ.
Theo lãnh đạo LĐLĐ thành phố: Số lượng đoàn viên Công đoàn, CNLĐ thuộc diện F0, F1 và CNLĐ ngoại tỉnh tạm trú trong các khu phong tỏa, CNLĐ thuộc diện F2 phải cách ly tại các khu nhà trọ biến động theo từng ngày, tập trung chủ yếu ở các phường Vân Dương, Khắc Niệm, Nam Sơn và Đại Phúc. LĐLĐ thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương rà soát, kịp thời trao hỗ trợ cho CNLĐ tạm thời khắc phục khó khăn trước mắt. Đến ngày 7-6, trên địa bàn thành phố có 8.230 CNLĐ được nhận hỗ trợ của tổ chức Công đoàn.
Chia sẻ với những khó khăn của CNLĐ, nhiều khu nhà trọ tại Bắc Ninh đã đồng lòng giảm giá thuê phòng, miễn phí tiền điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Công nhân Nguyễn Thị Hoa, quê Cao Bằng thuê trọ tại thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu (Quế Võ) xúc động: “Khi nhận được thông báo của chủ nhà trọ giảm tiền phòng 200.000 đồng/tháng, chúng tôi thực sự cảm động. Không chỉ giảm tiền nhà, mỗi phòng trọ được chủ nhà hỗ trợ 1 thùng mỳ ăn liền, 20 quả trứng, rau xanh. Hằng ngày, chủ nhà trọ phối hợp với Tổ COVID cộng đồng đảm nhiệm việc mua bán, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu đến tận phòng trọ cho CNLĐ.
Đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: Với phương châm “Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn”, hoạt động hỗ trợ CNLĐ, nhất là CNLĐ ngoại tỉnh được tổ chức Công đoàn các cấp triển khai kịp thời. Không phân biệt là CNLĐ, đoàn viên Công đoàn thuộc diện quản lý trực tiếp hay phối hợp, tất cả các trường hợp CNLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID -19 đều được hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn trước mắt, yên tâm phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số CNLĐ bị ảnh hưởng vẫn tiếp tục tăng. Công đoàn Bắc Ninh rất mong được đón nhận sự quan tâm, chung tay hỗ trợ của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không chỉ về nhân lực, vật lực chống dịch mà cả nguồn lực để chăm lo cho lực lượng CNLĐ bị ảnh hưởng trực tiếp, phải nghỉ việc, không có thu nhập, giúp họ yên tâm phòng, chống dịch, gắn bó, đồng hành với quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh phát triển kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.
Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình trạng có dịch, các DN phải thực hiện phương án “vừa sản xuất, vừa cách ly” để bảo toàn nguồn lực lao động. Với sự nỗ lực vượt khó của từng DN, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt tổ chức Công đoàn, chăm lo tạo điều kiện cho CNLĐ yên tâm gắn bó với nhà máy, duy trì chuỗi cung ứng, giúp Bắc Ninh sớm vượt qua đại dịch để cuộc sống của người dân nói chung và CNLĐ trở lại bình thường.
Ghi chép của Uyên Hằng
Ý kiến ()