Được hầu chuyện các trí thức cao niên, tôi có cảm giác “lãi” nhiều thứ. Tỷ như lần ấy, trong lúc thưởng trà với mấy vị ở làng cò Đông Xuyên, thấy tôi bị cuốn vào những câu chuyện hay của người khách lạ, nhà giáo Nghiêm Đình Thường, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Yên Phong ghé tai: Ông ấy là PGS-TS Dương Văn Tiển, bạn tâm giao của tớ đấy!
Nhờ kết nối của nhà giáo Nghiêm Đình Thường, tôi có dịp ghé Tĩnh Gia Viên, ngôi nhà vườn yên tĩnh của PGS-TS Dương Văn Tiển ở thôn Yên Tân (xã Hòa Tiến), lại vỡ thêm bao chuyện lạ về ông TS ở làng, cùng tình bạn quý của hai trí thức cao niên miền gió lặng, chứa đựng trong 4 từ “thơm ngát nghĩa tình”.
1. Tôi và ông Thường là bạn vong niên, quen thân từ hai chục năm nay. Ông vốn dòng dõi nhà nho nên am hiểu sâu sắc kiến thức văn hóa lịch sử, lễ giáo phong kiến. Tư gia của ông còn nguyên kho sách quý do các cụ để lại. Ông được ví như pho từ điển sống về giáo dục, văn hóa, lịch sử miền lặng gió Yên Phong, từng chủ biên, đồng chủ biên nhiều cuốn sách giá trị như: Địa chí Yên Phong, Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Phong, Tỏa sáng tấm gương thầy (3 tập), Yên Phong - miền quê yêu dấu…
Thời Hà Bắc ông là giáo viên Văn nổi tiếng, có nhiều học trò được thi Văn miền Bắc và toàn quốc. Có lẽ, nhờ văn hay chữ tốt, năm 1990 Phó trưởng phòng Giáo dục Yên Phong Nghiêm Đình Thường được bổ nhiệm làm trưởng Đài truyền thanh huyện? Đài huyện khi ấy xập xệ khó khăn, những năm ông làm trưởng, Đài từng bước được vực dậy rồi dần trở thành điểm sáng các Đài truyền thanh Hà Bắc rồi Bắc Ninh. Năm 2003, Đài được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động hạng Ba…
Năm 2004, nhà báo Nghiêm Đình Thường nghỉ hưu, nhờ tín nhiệm cao, ông được huyện đề nghị tham gia công tác khuyến học và hội cựu giáo chức huyện, từ năm 2016 là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Yên Phong. Tâm - tầm - tài, ba thứ ấy hình như hội đủ trong con người thầy Nghiêm Đình Thường, tạo nên hình ảnh một nhà giáo nho nhã chuẩn mực. Các bài phát biểu của ông về giáo dục và khuyến học luôn cuốn hút người nghe bởi kiến thức uyên bác, lại được chuyển tải nhẹ nhàng và gắn với thực tiễn mảnh đất còn người nên càng giàu sức thuyết phục.
Uy tín cùng trách nhiệm, những năm làm khuyến học, nhà giáo Nghiêm Đình Thường có nhiều đóng góp giúp sự nghiệp trồng người ở Yên Phong luôn thăng hoa, góp phần để Tiếng trống khuyến học ban đêm, “đặc sản” của khuyến học Yên Phong vang khắp miền gió lặng. Cuối tháng 9-2021, Hội Khuyến học Yên Phong tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2021-2026, lãnh đạo huyện cũng tiếc vì kỳ này nhà giáo Nghiêm Đình Thường 76 tuổi, xin không tham gia Ban chấp hành và thôi chức Phó Chủ tịch Hội.

Tĩnh Gia Viên Dương Tiển - Kiều Then tại làng Yên Tân, xã Hoà Tiến (Yên Phong).
2. PGS-TS Dương Văn Tiển, bạn tâm giao của nhà giáo Nghiêm Đình Thường cũng là nhân vật khá độc đáo.
Cùng dòng dõi nho học, ông nội là hương sư Dương Văn Trà, nên từ nhỏ Dương Văn Tiển đã được thụ hưởng nền giáo dục, giáo lý chuẩn mực. Ngay cái tên “Tiển” cũng thể hiện sự sắp đặt đầy ẩn ý của ông nội. Muốn cho đứa cháu đích tôn sau này phải giàu nghị lực và làm vẻ vang dòng họ.
Thời học sinh, chuyện học của Tiển thật trúc trắc, cấp 1 học ở quê, cấp 2 ra Hà Nội; cấp 3 đang là “hạt giống” của trường Bưởi Chu Văn An lại phải chuyển về quê do Mỹ đánh phá miền Bắc, thành học sinh khoá 2 trường cấp 3 Yên Phong. Tuy nhiên, dù học ở ngôi trường nào, Tiển vẫn là học sinh xuất sắc, nhất là Toán; tốt nghiệp cấp 3 được cử đi học tại trường Đại học Thuỷ lợi Hà Nội. Những năm Đại học, Dương Văn Tiển vừa giỏi lại bộc lộ khả năng nghiên cứu khoa học, vì vậy tốt nghiệp năm 1972, được trường giữ lại làm giảng viên, rồi được cử đi học ở Tiệp Khắc (cũ) bảo vệ luận án TS về thuỷ văn công trình, từ 1984 đến 1989.
Thời kỳ này, Việt Nam khởi tạo nhiều công trình thuỷ lợi tác động lớn đến quốc kế dân sinh. TS Tiển bằng kiến thức lý luận và thực tiễn đã cho ra đời nhiều công trình khoa học đóng góp quan trọng cho ngành thuỷ lợi nước nhà. Từ năm 1995 đến 2006, PGS-TS, giảng viên cao cấp Dương Văn Tiển là chủ nhiệm khoa sau Đại học của trường. Từ tháng 4-2006, thôi làm quản lý, nhưng ông vẫn được nhiều trường Đại học mời thỉnh giảng, đến năm 2016, ở tuổi 70 ông mới thực sự nghỉ ngơi.
Chuẩn bị cho cuộc sống mới, trước đó, năm 2009 TS Tiển quyết định chuyển khẩu từ Hà Nội về hẳn làng Yên Tân, xã Hoà Tiến. Bên cạnh ngôi nhà cổ niên đại 200 năm làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông xây dựng ngôi biệt thự làm nơi ở và sinh hoạt gia đình, đặt tên là “Tĩnh Gia Viên Dương Tiển - Kiều Then”, tức ngôi nhà vườn yên tĩnh, tổ ấm chan chứa nghĩa tình.
3. Chuyển khẩu về Yên Tân, người dân thương mến gọi ông là Tiến sĩ về làng. Cả đời công tác ở thủ đô, nhưng về làng, ông thành người quê thực thụ, rất hoà đồng với xóm làng, họ mạc.
Sự nghiệp viên mãn của TS Tiển có lẽ một phần nhờ cảm hứng từ người vợ hiền thảo Kiều Then, nguyên Hiệu trưởng trường cấp 2 xã Hoà Tiến. Cũng giống như gia đình TS Tiển, từ thơ bé Kiều Then đã chịu ảnh hưởng bởi nếp sống nho giáo, nghiêm khắc và chuẩn mực.
Năm 1975, họ nên duyên vợ chồng nhưng vì gia đình chỉ có 2 chị em gái, bố mất sớm, em gái cũng lấy chồng sớm nên Kiều Then không thể ra Hà Nội cùng chồng mà ở quê chăm sóc mẹ già. Khi bố chồng mất, Kiều Then đón mẹ chồng về ở cùng mẹ đẻ và chăm sóc 2 cụ sống an vui đến thượng thọ. Dân làng xem cô dâu nhà họ Dương là tấm gương mẫu mực về lòng hiếu thảo.
Nếp nhà với những giá trị chuẩn mực tiếp tục được trao truyền và tiếp nối. Gia đình PGS-TS Dương Văn Tiển có 3 người con thì cả 3 cùng thành đạt, 2 con trai là PGS-TS; con gái là Trung tá Quân đội. Dịp cuối tuần, Tĩnh Gia Viên lại trở thành nơi đoàn viên của gia đình họ Dương.

Hai người bạn tâm giao miền gió lặng - PGS-TS Dương Văn Tiển (phải) và nhà giáo Nghiêm Đình Thường.
4. Kể cũng lạ, một TS thuỷ lợi cả đời gắn với những con số đo đạc khô khan lại là người rất đa cảm, say thơ và thích làm thơ.
Một ngày tháng 6 năm 2009, được bạn rủ đi hội thơ chùa Tiêu ở Tương Giang, TS Tiển rất hào hứng vì lần đầu được nhập chiếu thơ Quan họ, sân chơi trí tuệ khiến mình luôn phải động não nhưng cũng vui hơn, yêu đời hơn và sống ý nghĩa hơn. Trong những bạn thơ hôm ấy, TS Tiển ấn tượng nhất với ông Nghiêm Đình Thường, chủ nhiệm CLB thơ Như Nguyệt, người mang đến chiếu thơ những trải nghiệm độc đáo khi luận giải về thơ ca.
TS Tiển tâm đắc với nhận xét của ông Thường là thơ hay nhưng phải có người biết thưởng thức; để thưởng thức đầy đủ ý nghĩa thơ lại cần sự rung cảm của người ngâm thơ và cảm nhận của người bình thơ…
Để nhập chiếu thơ thì phải có thơ, TS Tiển đã dày công tập hợp những bài thơ đã viết và tìm cảm hứng sáng tác mới. Cuối năm 2009, gom được khoảng dăm chục bài, đánh máy và đóng thành tập, tựa đề “Thơ hái dọc đường”, ông đến nhà chơi và tặng thơ ông Nghiêm Đình Thường. Ông Thường cũng động viên và tặng lại TS Tiển mấy tập Thơ Như Nguyệt.
Cùng hay chữ, lại yêu thơ, tình bạn giữa 2 trí thức cao niên miền gió lặng nhanh chóng trở nên quen thân bởi có sự cộng hưởng tích cực, nhất là khi ông Thường biết vợ TS Tiển là cô giáo Kiều Then, người phụ nữ nổi tiếng hiền thảo, thật đúng là:
Tình thơ thành tình bạn/Kết nối cả muôn phương/Ôi quê mình đẹp quá/Giữa mùa xuân ngát hương - Trích thơ của Dương Văn Tiển).
Nhà giáo Nghiêm Đình Thường kể, cứ mùa hè đến, khi ao sen toả ngát hương thơm, Tĩnh Gia Viên lại gặp mặt các bạn giao lưu “bầu rượu, túi thơ”, lên kế hoạch tìm cảm hứng sáng tác. Riêng TS Tiển, với vốn thơ góp được, ông không chỉ chững chạc ngồi vào chiếu thơ Quan họ, mà còn được các hội viên tiến cử làm Chủ nhiệm CLB Thơ Như Nguyệt từ năm 2016-2019.
Yêu đất quê Hoà Tiến, TS Tiển chủ động mời các văn nghệ sĩ đến thực tế tìm cảm hứng sáng tác ca ngợi quê hương. Ông còn trực tiếp viết và hỗ trợ kinh phí để xã in cuốn “Hoà Tiến tôi yêu” 300 trang. Đây là cuốn địa chí đầu tiên về Hoà Tiến. Ông Trần Trọng Thức, cựu Chủ tịch huyện Yên Phong, bạn thơ với TS họ Dương nhận xét: TS Tiển về làng đã truyền cảm hứng, làm bừng sáng bức tranh văn hoá, văn nghệ thôn quê.
Để có được cuộc sống thăng hoa ý nghĩa những ngày hưu, TS Tiển thầm cảm ơn ông bạn già đáng kính Nghiêm Đình Thường, người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để hồn thơ sống dậy trong ông. Trong bài viết “Người bạn tâm giao của tôi”, TS Dương Văn Tiển đã viết: “Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm bạn với Nghiêm Đình Thường, cảm ơn vì đã được cùng ông hưởng chút nắng hoàng hôn đẹp mãi trong đời, được bay trong gió chiều thu và cùng mỉm cười khi những tia nắng cuối ngày nhuộm đỏ trời chiều…”.
Tình bạn quý của 2 trí thức cao niên miền gió lặng chứa đựng trong 4 từ “Thơm ngát nghĩa tình”, được PGS-TS Dương Văn Tiển ghi trên món quà ý nghĩa tặng bạn tâm giao dịp ông Thường khánh thành ngôi nhà mới có tên “Nhà đoàn kết” hồi cuối năm dương lịch 2021. Ngôi nhà được chủ nhân hay chữ gắn tấm biển bằng đá xanh khắc 7 chữ vàng “Bảo Hưng Gia - Nghiêm Thường - Đỗ Tuân”. Nghiêm Thường - Đỗ Tuân là tên hai vợ chồng còn Bảo và Hưng là hai người cháu nội, cũng là bảo vật trao truyền của gia đình nhà giáo họ Nghiêm ở làng Nghiêm Xá, thuộc miền gió lặng Yên Phong…
Ghi chép của Thanh Tú
Ý kiến ()