Từ ngày 24-11, cầu Hồ thực hiện lắp dựng rào chắn và triển khai sửa chữa theo kế hoạch. Để phục vụ tốt nhất cho công tác thi công, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tổ chức phân luồng, hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc.
CSGT hướng dẫn người dân mặc áo phao khi lên phà tại bến đò Ngăm Lương (huyện Gia Bình – thị xã Quế Võ).
Ghi nhận sau gần 1 tuần thực hiện phân luồng giao thông tại các điểm chuyển hướng theo phương án đều được bố trí biển báo chỉ dẫn và có lực lượng chức năng thường xuyên ứng trực để hướng dẫn người dân. Tuy nhiên do lượng người và phương tiện tăng đột biến khiến các bến khách ngang sông, các điểm nút giao thông qua cầu Kinh Dương Vương có thời điểm rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc, di chuyển khó khăn, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm. Tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, Ban ATGT tỉnh đã kiểm tra, đôn đốc, có công văn đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định khi đi qua bến khách ngang sông, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm.
CSGT thị xã Quế Võ tổ chức ký cam kết với chủ đò về thực hiện các quy định ATGT đường thủy.
Có mặt tại bến đò Ngăm Lương nối xã Chi Lăng (thị xã Quế Võ) với xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình) lúc 17giờ ngày 27-11, ghi nhận tình trạng đông đúc, có lúc quá tải chờ đò. Người và phương tiện xếp hàng dài từ triền đê xuống dốc chờ lên phà, chủ yếu là học sinh, người lao động làm việc các khu công nghiệp. Đây cũng là tình trạng được ghi nhận tại bến đò Chì nối phường Bồng Lai (thị xã Quế Võ với xã Giang Sơn (Gia Bình). Dù vậy, nhờ sự có mặt điều tiết, hỗ trợ của lực lượng CSGT thị xã Quế Võ, không xảy ra lộn xộn, mất an toàn.
Theo chị Nguyễn Thị Chanh, chủ phà tại bến đò Ngăm Lương, trước đây bình quân mỗi ngày phục vụ khoảng 100-200 lượt người và phương tiện nhưng kể từ khi phân luồng sửa chữa cầu Hồ, lượng khách tăng gấp nhiều lần: “Những ngày qua, nhà phà phải hoạt động hết công suất, tăng thêm chuyến, chở liên tục thông trưa để đáp ứng nhu cầu đi lại. Khách đông nhưng chúng tôi cam kết chấp hành nghiêm quy định về số người, phương tiện mỗi chuyến và yêu cầu khách mặc áo phao đầy đủ khi lên phà”.
Trong thời gian sửa chữa cầu Hồ, Ban Quản lý dự án 3 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị được giao quản lý Công trình sửa chữa 6 cầu trên QL38 đoạn nối QL1 và QL5 qua tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương) đưa ra phương án phân luồng giao thông. Theo đó, phương tiện lưu thông trên QL38 hướng từ thành phố Bắc Ninh về cầu Hồ được phân luồng tại 2 điểm từ xa: Tại vị trí nút giao QL38 và TL287 lý trình Km8 400 phương tiện đi vào TL278; tại nút giao Km11 400 phương tiện đi vào QL38 cũ và điểm phân luồng tại chỗ: Tại nút giao QL38 và TL279 lý trình Km12 243 phương tiện đi vào TL279 để đi qua cầu Kinh Dương Vương. Phương tiện lưu thông trên QL38 hướng từ Hải Dương về cầu Hồ được phân luồng tại 2 điểm phân luồng từ xa: Tại vị trí nút giao QL38 và QL17 lý trình Km16 600 phương tiện đi vào QL17; tại nút giao Km15 200 phương tiện đi vào đường kênh Bắc và điểm phân luồng tại chỗ: Tại nút giao QL38 và TL280 lý trình Km13 430 phương tiện đi vào đường D20 để đi qua cầu Kinh Dương Vương. |
Trung tá Nguyễn Văn Chương, Phó Đội trưởng Đội CSGT (Công an thị xã Quế Võ) cho biết: “Trên địa bàn thị xã có 5 bến đò chở khách qua sông Cầu và sông Đuống, trong đó bến đò Chì (địa phận phường Bồng Lai) và bến đò thôn Thủy (xã Chi Lăng) ghi nhận gia tăng đột biến lượng khách. Công an thị xã đã lên phương án phối hợp Đội CSGT đường thuỷ (Phòng PC 08, Công an tỉnh) cắt cử lực lượng phân luồng, hướng dẫn phương tiện lên - xuống bến phà giờ cao điểm; tổ chức ký cam kết với chủ bến đò về thực hiện nghiêm các quy định an toàn đường thủy, trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi, chở đúng số người quy định, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy móc; tuyên truyền người dân nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT, hạn chế tối đa vi phạm và sự cố ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng khi tham gia giao thông”.
Cầu Kinh Dương Vương vào thời điểm cuối giờ chiều cũng ghi nhận tình trạng phương tiện lưu thông tăng vọt, phải di chuyển chậm để tìm đường lên cầu. Chen chúc trong làn xe máy đang nhích từng chút, Anh Nguyễn Đức Hoà, phường Gia Đông (thị xã Thuận Thành) chia sẻ: “Do đặc thù công việc nên hầu như ngày nào tôi cũng phải lưu thông qua cây cầu này. Các xe dồn về rất đông vào giờ cao điểm sáng và chiều tối dẫn đến ùn ứ cục bộ, có hôm tắc đến cả giờ do xảy ra va chạm giao thông. Dẫu mệt mỏi, bất tiện nhưng tôi hiểu và chia sẻ khó khăn này với lực lượng chức năng trong những ngày đầu thực hiện phân luồng giao thông. Mong rằng thời gian tới sẽ có phương hướng để khắc phục tình trạng này tạo thuận lợi, an toàn cho người dân”.
Dù lượng khách chờ xuống phà Ngăm Lương tăng đột biến nhưng không xảy ra tình trạng mất an toàn nhờ sự có mặt điều tiết của lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Công tác sửa chữa cầu Hồ rơi vào thời điểm cuối năm nên việc đi lại của người dân chắc chắn sẽ ít nhiều gặp bất tiện, khó khăn. Các cơ quan chức năng đã tính toán phương án cụ thể bảo đảm phân luồng giao thông khoa học, an toàn. Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định khi đi qua bến khách ngang sông, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm của các bến khách ngang sông. Đề nghị Chủ tịch UBND - Trưởng Ban ATGT huyện Tiên Du, Gia Bình, thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; tiếp tục phổ biến rộng rãi thông tin về việc triển khai dự án, phương án phân luồng giao thông phục vụ sửa chữa Cầu Hồ trên các phương tiện truyền thông để người dân kịp thời nắm bắt đồng thuận thực hiện. Mọi vấn đề bất cập phát sinh sẽ được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý kịp thời”.
Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, Cầu Hồ không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân sống quanh khu vực mà còn là vị trí huyết mạch trên quốc lộ 38 kết nối, thúc đẩy giao thương, đi lại của người dân Nam và Bắc phần sông Đuống, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặc dù các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, sửa chữa, khắc phục những phần hư hỏng, song do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ nhiều năm nay, mặt cầu Hồ thường xuyên rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trước thời điểm sửa chữa, các phương tiện lưu thông trên cầu khá khó khăn bởi liên tiếp gặp phải “ổ gà”, ổ trâu”, nhiều đoạn tróc hết lớp nhựa đường để lộ ra cả tấm sắt lót vô tình trở thành những “cái bẫy” rình rập, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông…Sửa chữa cầu Hồ là nhu cầu cấp thiết để bảo đảm an toàn giao thông cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu thông thương giữa các địa phương.
Theo kế hoạch, thời gian sửa chữa cầu Hồ dự kiến kéo dài 60 ngày (đến cuối tháng 2-2025). Để bảo đảm tiến độ thi công các hạng mục, rất cần sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân và các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải cũng cần lên kế hoạch giảm lưu thông vào giờ cao điểm nhằm tránh ùn tắc cục bộ, chấp hành nghiêm hướng dẫn phân luồng của lực lượng chức năng và các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Cầu Hồ sau khi sửa chữa chắc chắn sẽ mang một diện mạo mới giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao thương giữa hai vùng bên bờ sông Đuống.
Ghi nhanh của Huyền- Hoa
Ý kiến ()