Sự vào cuộc, kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng đối với công tác bảo vệ môi trường, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch, xây dựng; sự chuyển mình trong nhận thức, hành động và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ sản xuất, người dân làng nghề…, vì một Bắc Ninh năng động, hội nhập, có sự chuyển động tích cực. Những khu vực bị ô nhiễm “nhức nhối” cả nước như sản xuất giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); sản xuất giấy ở CCN Phú Lâm (Tiên Du); cô đúc kim loại xã Văn Môn (Yên Phong) sẽ khoác lên mình những “tấm áo mới”, hướng đến tăng trưởng xanh bền vững, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ lá phổi xanh cho cuộc sống.
Kiên quyết loại bỏ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng
Chống ô nhiễm môi trường ở các làng nghề thực sự là “cuộc cách mạng” gian nan và nhiều thách thức. Để hoàn thành mục tiêu định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nền công nghiệp hiện đại, thông minh; là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử; trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ… thì ngay từ bây giờ, “bài toán” về ô nhiễm môi trường phải giải quyết triệt để.
Nhất quán quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị: Kiên quyết loại bỏ các làng nghề, CCN làng nghề gây ô nhiễm trầm trọng ra khỏi đời sống xã hội; kết thúc sứ mệnh lịch sử của các làng nghề có công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, tỉnh dồn lực cho công tác giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Cuộc “cách mạng” nhận được tự đồng thuận cao trong nhân dân. Tỉnh lựa chọn 3 điểm ô nhiễm môi trường trầm trọng để tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm tại phường Phong Khê, CCN Phú Lâm và xã nghề Văn Môn.
Trên tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 1671/-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và số 3688/UBND-NN.TN của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, CCN Phú Lâm và xã Văn Môn, các cấp, ngành chức năng, địa phương vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, xử lý nghiêm, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm, với quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Mục tiêu đến hết tháng 12-2024, tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm trong khu dân cư tại 3 địa phương trên phải đóng cửa sản xuất, di dời, chuyển đổi, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân địa phương và khu vực lân cận; các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong các CCN cũng phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn môi trường, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy theo quy định, nếu không bảo đảm sẽ đình chỉ sản xuất và xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất, chỉ cho phép hoạt động trở lại khi có cấp phép môi trường.
Màu xanh trở lại với dòng Ngũ Huyện Khê, đoạn qua phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh).
Ở phường Phong Khê, khi các cơ sở sản xuất trong khu dân cư đã đóng cửa; một số di dời máy móc lên cơ sở sản xuất mới; không còn những ống khói ngun ngút ngày đêm toả khói; không còn những bãi phế thải khổng lồ nằm trong khu dân cư… tất cả chậm lại một nhịp sản xuất. Mặc dù còn những băn khoăn, lo lắng, song người dân đều nhận thức sâu sắc rằng đã đến lúc phải thay đổi phương thức sản xuất, phải bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ của chính mình và cộng đồng xã hội.
Tương tự, xã nghề văn Môn những ngày cuối năm cũng còn nhiều trăn trở khi Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, của huyện thực hiện kiểm tra gắt gao, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm về môi trường, đổ xỉ trộm trong khu vực làng nghề và CCN làng nghề Mẫn Xá. Nhận thức của người dân được nâng lên, cơ bản chấp thuận và chắc chắn một vùng nông thôn mới sẽ đổi thay trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
CCN Phú Lâm cũng không nằm ngoài lộ trình đóng cửa, di dời các cơ sở sản xuất không bảo đảm các yếu tố môi trường, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy, nhằm thiết lập một trật tự mới, trật tự sản xuất không ô nhiễm, phát triển bền vững.
Chuyển hoá ý chí thành hành động
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025 đã bước sang năm thứ 5 triển khai thực hiện với nhiều chuyển biến rõ rệt. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, nhân dân về công tác bảo vệ môi trường được nâng lên, từ đó dấy lên tinh thần tập thể, phong trào cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường gắn với sản xuất xanh, dần hình thành các vùng nông thôn mới tiệm cận đô thị. Kiên định với mục tiêu “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các nghị quyết chuyên đề về làm sạch môi trường, gắn với tăng trưởng xanh, bảo đảm các yếu tố phát triển hài hoà, bền vững.
Nhà máy điện rác Lương Tài đi vào hoạt động góp phần đắc lực trong giải quyết ô nhiễm môi trường tại các địa phương trong tỉnh.
Một trong những “cái được” lớn nhất trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh chính là: Môi trường trong các khu công nghiệp được thực hiện bài bản, đúng quy chuẩn khi 11/12 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chất thải công nghiệp nguy hại được xử lý triệt để, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, là địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đứng chân; môi trường nông thôn từng bước sáng, xanh, sạch, đẹp với 4 Nhà máy điện rác đồng loạt đi vào hoạt động (Bắc Ninh là tỉnh tiên phong của cả nước thực hiện mục tiêu này từ công tác xã hội hoá), giải quyết cơ bản chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày, và chất thải tồn đọng từ nhiều năm ở tất cả các địa phương trong tỉnh; các phong trào làm sạch ruộng đồng, đường làng ngõ xóm, chống rác thải nhựa, toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình... được phát động mạnh mẽ và đạt hiệu quả tích cực, chuyển hoá thành hành động cụ thể, đi sâu vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bắc Ninh luôn xác định: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành, địa phương trong tỉnh. Phương châm bảo vệ môi trường là phòng ngừa tác động xấu tới môi trường, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nội lực kết hợp với tăng cường quản lý nhà nước, tranh thủ nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, tiến tới thực hiện thành công mục tiêu “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”. Thành công trong công tác bảo vệ môi trường chính là động lực to lớn để Bắc Ninh vững vàng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Những quyết sách của tỉnh về bảo vệ môi trường-lá phổi xanh của cuộc sống đã thực sự đạt kết quả to lớn. Cùng với các biện pháp mạnh tay, kiên quyết trong xử lý vi phạm về môi trường của lực lượng chức năng, các địa phương cũng tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại những địa bàn bị ô nhiễm còn tiềm ẩn phức tạp, tiến tới mục tiêu mới phát triển xanh, bền vững, bắt kịp hội nhập.
Giang Anh
Ý kiến ()