Chiều 6-6 chúng tôi vào "mặt trận chống giặc COVID-19" ở khu 10, phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh). Đường phố vắng lặng, không còn cảnh người xe ngược xuôi như khi chưa thực hiện phong tỏa. Toàn bộ hàng quán, dịch vụ đều tạm dừng. Nhà nhà đóng cửa, ai ở đâu ở yên đó, không ra ngoài tiếp xúc... Lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm chốt từ công an, dân quân, nhân viên y tế đến thành viên tổ COVID cộng đồng luôn túc trực, thái độ hòa nhã, tạo cảm giác gần gũi, thiện cảm, giúp người dân an tâm thực hiện cách ly.
Dồn sức chống dịch
Phường Đại Phúc có tổng số 4.517 hộ dân với hơn 20 nghìn người hiện đang thường trú và tạm trú ở 11 khu phố. Hiện nay, thiết lập cách ly y tế đối với toàn bộ khu phố 10 và 2 cụm dân cư của khu phố 4. Để bảo đảm nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đồng thời quản lý chặt chẽ an ninh trật tự và tuyệt đối không để lây nhiễm chéo, phường huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và công nhân lao động nghiêm túc thực hiện “5K” với phương châm "mỗi người dân, công nhân lao động là một chiến sỹ, mỗi gia đình, chủ phòng trọ là một pháo đài phòng, chống dịch COVID-19".

Chủ phòng trọ tặng công nhân rau, củ, quả trong những ngày thực hiện ngày cách ly y tế.
Tính đến 8h ngày 6-6, phường Đại Phúc ghi nhận 17 trường hợp F0, rà soát truy vết 138 trường hợp là F1 và 2.117 F2. Các trường hợp F1 đã được đi cách ly tập trung; trường hợp F2, F3 và người sau cách ly tập trung về địa bàn được UBND phường ra quyết định cách ly y tế tại nhà, giao cho các đơn vị chuyên môn và khu phố theo dõi, giám sát.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Phúc khẳng định: Phòng chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu hiện nay. Phường đã huy động tổng lực, tăng cường tập trung triển khai đồng bộ giải pháp với quyết tâm không để dịch lây lan trên diện rộng. Toàn phường đã thành lập tổng số 73 điểm chốt chặn, trong đó 60 chốt cứng và 13 chốt mềm, phân công lực lượng thường trực 24/24 theo quy định để kiểm soát, hạn chế tối đa người, phương tiện đi lại; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ tại các chốt như Đèn báo hiệu, biển cảnh báo, khẩu trang, nước sát khuẩn... thành lập 3 tổ tuần tra, kiểm soát 24/24h, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Chốt mềm tại khu 10, phường Đại Phúc nhận nhu, yếu phẩm cho người dân.
Tại khu 10, sau khi phát hiện trường hợp F0, lực lượng chức năng đã "thần tốc" truy vết, rà soát, lấy mẫu xét nghiệm cho 3.096 người dân. Kể từ 0h ngày 4-6, hơn 1.100 hộ gia đình với hơn 3.500 người, trong đó có gần 1000 công nhân đang tạm trú tại các khu nhà trọ đã ở trong vùng phong tỏa. Các rào chắn, chốt chặn lập tức được thiết lập tại các cửa ngõ ra vào với 4 chốt cứng và 1 chốt mềm chủ yếu làm công tác tiếp nhận thực phẩm tiếp tế. Cùng với đó, 21 tổ tuần tra được thành lập, mỗi tổ 3 người chịu trách nhiệm luân phiên túc trực ở các điểm chốt, ngày đêm tuần tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch.
Kiên trì bám chốt từ 12 giờ trưa, ông Đỗ Quang Hàn (Chi hội Cựu chiến binh khu phố 10) cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là yêu cầu tất cả người và phương tiện không được vượt qua chốt chặn. Với các trường hợp đến đưa nhu yếu phẩm tiếp tế, chúng tôi tiến hành khử khuẩn cẩn thận, người đến nhận tiếp tế phải xếp hàng bảo đảm khoảng cách an toàn, thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… Trong ngày đầu tiên, nhiều người còn tỏ ra khá bỡ ngỡ trước những yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt, song bước sang ngày thứ hai hầu hết đều vui vẻ hợp tác”.
Dịch bệnh sẽ qua đi và tình người còn mãi
Sau ba ngày thiết lập phong tỏa, vượt qua lo lắng, gò bó trong những ngày đầu, bây giờ hầu hết người dân khu 10 phường Đại Phúc đều cảm thấy bình thường. Trong mỗi ngôi nhà, trong từng phòng trọ, mọi người đang dần quen và thích nghi với nếp sinh hoạt mới. Các đơn vị, khu phố và chủ nhà trọ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm khai báo, quản lý chặt chẽ người lao động, công nhân lưu trú. Người nhà nào ở nhà nấy, người phòng trọ nào ở phòng trọ ấy, hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc.
Là chủ khu nhà có công nhân ngoại tỉnh đang ở trọ, bà Nguyễn Thị Giới, khu 10, phường Đại Phúc cho biết bản thân đã nắm vững các quy định về quản lý người cho thuê trọ và phòng chống dịch vì đã được chính quyền địa phương, Tổ COVID cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở. Bà Giới cho biết: “Gia đình tôi hiện có 6 công nhân đang tạm trú, tất cả đều sức khỏe tốt, tâm lý ổn định. Gia đình đã ký cam kết với BCĐ phòng, chống dịch của phường, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, kiểm soát chặt chẽ không để công nhân tự ý ra ngoài. Hàng ngày, ai có nhu cầu mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đều được tôi ra ngoài mua giúp và giao lại ở từng phòng trọ. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, gia đình tôi thống nhất hỗ trợ đến mức tối đa, miễn giảm phí thuê trọ để công nhân yên tâm ở lại phòng dịch”.

Sau khi người dân nhận nhu yếu phẩm tại chốt đều được lực lượng chức năng xịt khử khuẩn.
Nắm bắt thông tin từ các Tổ COVID cộng đồng được biết, phần lớn các chủ phòng trọ trong khu phố đều giảm tiền phòng, phí điện nước, tận tình giúp đỡ công nhân mua lương thực, thực phẩm, thậm chí còn tặng thực phẩm, rau củ quả tươi do nhà trồng được cho công nhân ở trọ.
Với lao động thời vụ, một số người gặp khó khăn sau thời gian nghỉ dịch không còn tiền để trang trải cuộc sống thường nhật. Em Hà Văn Sơn, quê ở Yên Bái làm nhân viên phục vụ tại quán Trâu Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) tâm sự: "Nhà hàng tạm đóng cửa để phòng dịch nên em nghỉ làm gần 1 tháng nay. Bình thường đi làm em vẫn ăn tại quán, chỉ về khu trọ ngủ nên không chuẩn bị dụng cụ nấu ăn. Thu nhập của em mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng nhưng từ lúc nghỉ không có lương, em thường xuyên ăn mì gói. Bác chủ nhà trọ biết hoàn cảnh đã miễn tiền thuê nhà, còn cho em mượn xoong, tặng gạo, trứng để nấu ăn. Thực sự em rất xúc động và biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của bác".
Hiểu được những chật vật, bí bách của người dân khu vực phong tỏa, nhất là các lao động nghèo, công nhân xa quê nên các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức từ thiện cũng kịp thời san sẻ, hỗ trợ vận chuyển thực phẩm, rau củ, gạo trứng đến vùng dịch... Bếp ăn từ thiện khu 10 cũng được thành lập ngay sau khi có lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Hàng ngày bếp đỏ lửa để chế biến và phục vụ khoảng gần 1000 suất ăn hỗ trợ các trường hợp khó khăn, đặc biệt là công nhân ở các khu nhà trọ. Trời nhập nhoạng tối, anh Hoàng Anh, một thành viên tham gia phục vụ tại Bếp ăn từ thiện đang tất bật sắp đặt những hộp cơm canh ấm nóng để trao tặng cho công nhân khó khăn. "Cũng là một người dân lao động, tôi mong sao sẽ không có bất kì một ai thuê trọ ở phường chúng tôi bị đói, bị lãng quên trong mùa dịch này!"- Hoàng Anh chân thành bộc bạch.
Chúng tôi cũng tin sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, không một ai đơn độc trong cuộc chiến này... Bởi trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam cũng như ân tình người Bắc Ninh-Kinh Bắc lại càng được thắp sáng, nhân lên và lan tỏa. Tình thương mến, sự quan tâm, đùm bọc nhau từ bên trong các "mặt trận" cùng những tấm lòng nhân ái trao gửi từ bên ngoài sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, động viên người dân khu vực phong tỏa của phường Đại Phúc vững vàng vượt qua đại dịch. COVID rồi sẽ qua đi và tình người thì còn mãi...
Ghi nhanh của Thảo -Huyền -Hường
Ý kiến ()