Đông Thọ những ngày cuối tháng Hai, lúa đồng nhưng nhức hồi xanh. Tại KCN đa nghề, nhiều nhà máy đang đầu tư xây dựng, trong làng hàng trăm cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ liên tục khách giao dịch đặt hàng. Vừa gặp, Chủ tịch xã Mẫn Văn Bảy khoe ngay: Chúng tôi đã thực hiện cơ bản 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM). Còn nhiều khó khăn nhưng có lẽ chỉ hết năm nay, Đông Thọ sẽ hoàn thành mục tiêu lớn, đưa địa phương tiến nhanh trên lộ trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.
KCN đa nghề Đông Thọ đã thu hút hơn 30 nhà đầu tư
Nằm ở phía Nam huyện Yên Phong, có hai tuyến Tỉnh lộ 277 và 295 chạy qua nhưng trước đây địa phương chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh này. Loay hoay mãi mà đời sống người dân vẫn không bứt khỏi vòng đói nghèo luẩn quẩn. Cả xã chỉ có hai làng Đông Xuất và Trung Bạn có nghề làm cày, bừa nhưng cái thời hoàng kim cung cấp cho khắp Miền Bắc ở thập niên 80-90 thế kỷ trước đã lùi xa. Chẳng thế mà người Đông Thọ cứ bươn bả, rời tay cuốc, cái cày lại tỏa đi khắp nơi thu mua phế liệu. Phải đến khi Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời và Bắc Ninh đã bám sát xây dựng Chương trình hành động thực hiện với tinh thần tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt thì nông thôn Bắc Ninh mới bắt đầu chuyển mình, khởi sắc mạnh mẽ. Mục tiêu của Bắc Ninh sẽ xây dựng NTM theo hướng đô thị, lộ trình được chia 2 giai đoạn: Đến 2015 phấn đấu xây dựng 50 xã đạt chuẩn và giai đoạn 2 từ 2016-2020 sẽ cơ bản hoàn thành chương trình trên toàn tỉnh. Năm 2011 tỉnh chọn 8 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố làm điểm, trong đó có Đông Thọ.
Một luồng gió mới đầy sinh lực, Đông Thọ nhanh chóng hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa từ 8-10 mảnh/hộ còn 2-3 mảnh/hộ. Đây là yếu tố quyết định giúp Đông Thọ đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất thay sức lao động thủ công, đồng thời chủ động trong sản xuất và định hình những vùng chuyên canh mang xu hướng sản xuất hàng hóa tập trung như phát triển khu chăn nuôi Cường Thịnh 10 ha. Hệ thống kênh mương, giao thông nông thôn, nội đồng được đầu tư tạo thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất.
Nghề sơ chế tóc đang phát triển ở Đông Thọ HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thọ Khê đã tiên phong thành lập được tổ làm đất với 3 máy cày, bừa bảo đảm làm đất cho bà con chỉ với 98 nghìn đồng/sào thay vì trước đây phải thuê cày trâu 200 nghìn đồng/sào. Từ mô hình này, Đông Thọ đang nghiên cứu để nhân rộng tại những HTX Nông nghiệp còn lại. Việc chủ động trong các khâu sản xuất nông nghiệp đã đưa hệ số sử dụng đất đạt 2,2 lần, năng xuất lúa bình quân đạt 61 tạ/ha, giá trị 1 ha gieo trồng lên 65 triệu đồng.
Nông nghiệp phát triển, lại là địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng khá tốt nhưng mấu chốt vẫn xuất phát từ chủ trương khuyến khích kinh tế hộ. Nghề truyền thống được kế thừa, nhiều nghề mới được mở mang, con người bao năm vật lộn trong cuộc chiến chống đói, nghèo nay bừng lên sức sáng tạo, năng động. Sẵn có nghề mộc, hàng trăm gia đình đầu tư mở xưởng và đưa công nghệ mới vào ứng dụng như máy tiện, đục, khắc vi tính.
Anh Nguyễn Văn Bắc, một chủ cơ sở sản xuất gỗ cho rằng nghề gỗ ở Đông Thọ đang đi đúng hướng. Sản phẩm nhiều khi không đủ tiêu thụ. Chẳng thế mà một chiếc máy đục, khắc gỗ có giá từ 180-200 triệu đồng vẫn có tới hàng chục hộ lắp đặt, sử dụng. Đông Thọ hiện đã hình thành 2 khu vực làng nghề có hơn 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 520 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mộc cao cấp và sơ chế tóc, giải quyết hơn 3 nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Từ vài năm nay tại thôn Đông Bích và Bình An có tới vài trăm người đi khắp nơi, thậm chí sang cả Lào thu mua tóc về sơ chế rồi bán cho các khách hàng Trung Quốc.
Có những vùng đất ta đến một lần và cứ nhớ, Đông Thọ có lẽ là một nơi như vậy! Dọc 2 bên Tỉnh lộ, trên đồng lúa xanh mơn mởn, đôi chim chiền chiện lượn vòng báo hiệu những mùa xuân bình yên, no ấm. Trong khu công nghiệp đa nghề gần 60 ha đã có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Cụm công nghiệp làng nghề cũng được đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thu hút 5 doanh nghiệp vào hoạt động giải quyết gần 1.000 lao động trong và ngoài địa phương.
Cơ cấu kinh tế ở Đông Thọ đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp-TTCN-Thương mại và dịch vụ. Ngoài làm nông nghiệp, phần đông các hộ dân bây giờ đều có nghề phụ nên đời sống được cải thiện. Điều đáng mừng là khi được tỉnh chọn là xã điểm xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân Đông Thọ xác định, đây là một việc làm có ý nghĩa rất to lớn, là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt có tính quyết định để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở địa phương, nhất là xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống...
Với nhận thức như vậy nên Đảng bộ Đông Thọ đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân hăng hái xây dựng NTM. Không phô trương, hình thức, Đông Thọ phát động toàn dân xây dựng NTM bắt đầu từ xây dựng cuộc sống no ấm cho chính gia đình mỗi người. "Dân có giàu nước mới mạnh", muốn như vậy, phải đổi mới phương thức làm ăn để đời sống người dân được nâng lên. Khi kinh tế hộ phát triển mới có điều kiện huy động sức dân cùng Nhà nước, cùng địa phương xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống dân sinh.
Hàng trăm cơ sở gỗ mỹ nghệ ở Đông thọ ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Chạm, đục, khắc gỗ trên máy
Thấy được chủ trương đúng, nhân dân tích cực tham gia, chung sức xây dựng NTM. Chẳng thế mà trong tổng số 197 tỷ đồng đầu tư xã hội của xã đã có tới 77 tỷ đồng huy động sức dân. Cho đến nay 3 tiêu chí mà Đông Thọ đang phấn đấu hoàn thiện là về giao thông nội đồng và thủy lợi, môi trường và cơ sở vật chất văn hóa. Hiện nay, xã đang tiến hành xây dựng các công trình còn thiếu, riêng về chợ trung tâm, Chủ tịch xã Mẫn Văn Bảy trăn trở: Bây giờ đường sá mở mang, giao thương thuận lợi, hơn nữa Đông Thọ gần thị trấn, thị tứ nên việc xây dựng chợ phải được tính toán, cân nhắc kỹ hơn bởi xây lên mà không khai thác được sẽ vô cùng lãng phí.
Nông thôn Bắc Ninh hôm nay đang vươn mình đổi mới. Ngoài 19 tiêu chí thuộc Bộ Tiêu chí Quốc gia, Đề án xây dựng NTM của tỉnh tập trung vào các nội dung chủ yếu là: Tăng cường điều kiện sản xuất ổn định. Xây dựng nền sản xuất hàng hóa thông qua hình thành các vùng sản xuất tập trung. Áp dụng khoa học công nghệ thay thế kỹ thuật sản xuất lạc hậu, mục đích chi phí ít, hiệu quả cao. Tỉnh xác định rõ phương pháp thực hiện đề án là huy động nhiều nguồn lực, sự năng động của nhân dân, nông dân cùng bàn bạc, cùng đóng góp, cùng đầu tư và cùng xây dựng. Coi việc xây dựng NTM là mục tiêu và yêu cầu của phát triển bền vững, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020. Công tác xây dựng NTM ở Bắc Ninh ngay từ những ngày đầu triển khai đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì bảo vệ môi trường là một tiêu chí quan trọng để đánh giá quá trình thực hiện và xây dựng NTM ở địa phương. Do đó, trong quá trình xây dựng, bên cạnh các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội, Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết về xây dựng điểm trung chuyển rác thải nông thôn. Theo đó, mỗi thôn, làng được hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng điểm trung chuyển rác thải, mỗi huyện xây dựng một bãi rác thải tập trung kết hợp với khu phân loại và xử lý rác thải. Các thôn, xã đều thành lập tổ vệ sinh môi trường, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Với cách làm này, Đông Thọ và nhiều địa phương đã giải quyết khá hiệu quả vấn đề rác thải nông thôn hiện nay.
Xây dựng NTM vừa là mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH,HĐH. Kinh nghiệm thực tiễn từ Đông Thọ cho thấy: Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM phải tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của các tầng lớp nhân dân nhằm mang lại chất lượng, hiệu quả cao nhất đưa nông thôn Bắc Ninh phát triển bền vững trong tương lai.
Ý kiến ()