Xây dựng Nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là vấn đề xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược phát triển chung của tỉnh. Không dừng lại ở thành tựu đạt được, khi nằm trong tốp đầu cán đích NTM sớm nhất cả nước, Bắc Ninh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bằng quyết sách đúng đắn, chiến lược bài bản, bước đi thận trọng, bức tranh NTM thực sự bừng sáng, với kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, không gian sống sáng, xanh, sạch, đẹp, đời sống người dân được nâng lên một bước cả về vật chất và tinh thần, dần hướng đến nếp sống đô thị văn minh, hiện đại.
Nông thôn mang dáng dấp đô thị.
Khi ý Đảng, lòng dân đồng thuận
Phát huy kết quả đạt được của 10 năm xây dựng NTM, tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa…, tỉnh nhanh chóng xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến đối tượng thụ hưởng là người dân nên nhận được sự đồng thuận, phấn khởi và niềm tin tuyệt đối của mọi tầng lớp nhân dân vào chiến lược hành động của tỉnh. Quyết tâm chính trị được đặt ra là xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội… Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh chú trọng đến phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng NTM theo cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn; đảm bảo tính công khai minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện Chương trình.
Quế Võ là điển hình về vận dụng thành công sức dân trong xây dựng NTM nâng cao khi toàn huyện có 20 xã bắt tay thực hiện, mức độ đạt bình quân các tiêu chí là 13,8 tiêu chí/xã. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khẳng định: Quế Võ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có: 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; hàng năm mỗi xã xây dựng 1-2 làng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với chương trình xây dựng xã thành phường; 100% các trường học được công nhận cơ sở đạt chuẩn chất lượng mức độ 3; 100% xã, thôn có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn, phát huy công năng sử dụng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% (tính theo chuẩn đa chiều); duy trì 100% các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 97%-98% tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm dưới 9%; giải quyết việc làm mới cho khoảng 3.000- 3.500 lao động mỗi năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch; thực hiện tốt việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn; 50% số thôn, khu phố có ao, hồ, hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, 100% rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý đúng quy định.
Dự kiến nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 1.829.640 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 1.267.416 triệu đồng, chiếm 69,27%; ngân sách cấp xã 562.224 triệu đồng, chiếm 30,73%. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Phòng tham mưu với huyện tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền nhằm quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị về Chương trình MTQG xây dựng NTM, bảo đảm gia tăng sự hài lòng và đồng thuận của người dân, phát huy vai trò chủ thể cũng như ý thức cộng đồng của nhân dân để Chương trình thực sự thiết thực và bền vững. Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã. Ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất. Thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp “cứng”
Ông Lưu Văn Khải, Phó Văn phòng chuyên trách Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Xây dựng NTM nâng cao được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ có 30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, riêng năm 2021, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp “cứng”, theo từng cấp độ xã, huyện, tỉnh và theo đặc thù của từng vùng, từng địa phương nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Văn phòng yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp xã, huyện đảm bảo xây dựng NTM gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với cấp xã, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung,…); ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao; khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương; hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao hoàn thiện, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.
Ở cấp huyện, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và dịch vụ gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng kinh tế xã hội; nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm hướng đến giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; chú trọng đến hiệu quả của y tế cộng đồng, đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình trải nghiệm, du lịch NTM; tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đa dạng hình thức truyền thông, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.
Tỉnh vẫn tiếp tục tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp (tỉnh, huyện, xã) nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp ngày càng chuyên nghiệp; ưu tiên bố trí người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về xây dựng NTM. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể để bức tranh NTM thực sự tỏa sáng.
Hoài Anh
Ý kiến ()