Sau hơn 22 năm tái lập, Gia Bình hôm nay đang bừng lên sức sống mới, vùng đất chiêm trũng chưa mưa đã úng khi xưa giờ đang đổi thay từng ngày, nhịp sống mới rộn ràng, bừng sáng trên khắp các miền quê. Những trang trại, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều, đan xen giữa mầu xanh ngút ngàn của ruộng vườn là những khu đô thị, khu công nghiệp mới được quy hoạch chạy dọc theo những cung đường mới khang trang, rộng mở. Tất cả hiện hữu cho một hướng đi đầy mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây về triển vọng phát triển toàn diện đưa vùng đất này trở thành một miền quê đáng sống.
Những người yêu và gắn bó với mảnh đất chiêm trũng này chẳng thể quên những tháng ngày vất vả. Khi mới tái lập huyện, hệ thống giao thông trên địa bàn vô vàn khó khăn, cơ bản đường cấp phối. Cả huyện chỉ có con đường nhựa duy nhất là đường 282 (nay là Quốc lộ 17) được trải nhựa, nhưng nhiều đoạn cấp phối, mỗi lần có ô tô chạy qua lại cuốn theo cả cơn lốc bụi. Đường nông thôn thì nhỏ hẹp… Vậy mà, sau hơn 20 năm, hệ thống giao thông ở Gia Bình đã hoàn toàn đổi khác. Những con đường nhựa hiện đại dọc ngang huyện được xây dựng không chỉ giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều mà còn là cơ sở thu hút đầu tư vào địa bàn để phát triển kinh tế-xã hội. Điều kỳ diệu đã đến với Gia Bình chính nhìn từ những cung đường mới tươi đẹp đó.

Trục đường trung tâm đô thị Nhân Thắng (Gia Bình) mới được trải thảm nhựa mở hướng phát triển mới cho nhiều miền quê.
Từ Quốc lộ 18, chúng tôi vượt cầu Bình Than nối hai bờ sông Đuống để về với mảnh đất Gia Bình trong một chiều cuối năm. Dù mưa xuân lất phất mà cảm giác ấm áp vẫn cứ ngập tràn, lan tỏa bởi cảnh sắc hai bên đường như hòa quyện với niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi của những người dân nơi đây. Từ khi cây cầu Bình Than là ước vọng bao đời của người dân Gia Lương trước đây (nay là Gia Bình và Lương Tài) trở thành hiện thực năm 2016, nối với quốc lộ 17 và chạy dài xuống tận Trung Kênh (Lương Tài) đã tạo sự thông thương, đi lại thuận lợi của người dân. Nhịp cầu ấy đã xóa đi khoảng cách giữa đôi bờ sông Đuống mở ra cơ hội phát triển cho cả vùng và nhất là các xã phía Đông huyện như Cao Đức, Vạn Ninh, Bình Dương, Thái Bảo… Hai bên cây cầu, chạy dọc theo triền đê trước đây là những khu lò gạch, trồng ngô khoai 1 vụ… nay phủ một mầu xanh mướt của những trang trại tổng hợp, những khu trồng cây màu xuất khẩu. Xa xa ẩn hiện dưới mặt sông là những khu nuôi cá lồng theo công nghệ mới. Dọc theo quốc lộ 17 thênh thang chạy dài qua huyện, những khu đô thị mới đang hình thành với những dẫy nhà phố khang trang hiện đại, đèn điện cao áp rực sáng trong những đêm đông. Trên tuyến đường huyết mạnh này, những ngày áp Tết tấp nập những chuyến xe chở hàng hóa đi khắp các miền, chở công nhân từ Gia Bình đến các khu công nghiệp trong tỉnh. Phố Bùng xưa lác đác mấy ngôi nhà nay đã mang dáng dấp của một khu đô thị hiện đại. Năm 2021 vừa qua, tuyến đường trục trung tâm đô thị Nhân Thắng (được công nhận là đô thị loại V năm 2018) chạy song song với Quốc lộ 17 được hoàn thành khiến cho đô thị này càng sầm uất, tiến dần tới tiêu chí trở thành thị trấn.
Anh Cát Văn Trường, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngô Cương (xã Nhân Thắng) hào hứng: Trước đây, thôn Ngô Cương nằm biệt lập giữa những cánh đồng lúa bát ngát, người dân chỉ trông chờ vào cây lúa, củ khoai nên đời sống khó khăn hơn so với các thôn khác của xã. Nay con đường hai làn phẳng lì vừa mới được trải thảm nhựa chạy qua đầu thôn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện điều kiện sống của người dân. Đặc biệt, theo qui hoạch, thôn Ngô Cương nằm sát khu công nghiệp Gia Bình 2, một mai khi đi vào hoạt động sẽ tạo cơ hội phát triển thương mại, dịch vụ cho người dân trong thôn. Niềm tin vào sự phát triển mới đang bừng lên trong mỗi người dân quê tôi...
Quả vậy, cùng với niềm vui bởi mảnh đất làm nông khốn khó khi xưa đang vững vàng tiến tới các tiêu chí của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao thì hiện nay còn phấn khởi hơn khi có những quy hoạch phát triển toàn diện về công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Nhìn vào bản Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 12 - 2020 thấy rõ niềm tin vững chắc về một hướng đi như thế. Theo quy hoạch, trong giai đoạn ngắn hạn, Gia Bình tiếp tục là khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng phía nam sông Đuống. Giai đoạn dài hạn là khu vực phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ và du lịch của vùng phía nam sông Đuống. Trong đó, cùng với nền nông nghiệp công nghệ cao là các khu công nghiệp Gia Bình 1, 2 với định hướng thu hút các ngành, lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao, xuất khẩu… và các cụm công nghiệp làng nghề: Đại Bái, Xuân Lai… được khôi phục và phát triển theo hướng bền vững. Đối với lĩnh vực thương mại sẽ phát triển hài hòa giữa các khu đô thị thương mại dịch vụ hiện đại kết hợp với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nhằm khai thác tiềm năng văn hóa và sức sống lâu bền của những làng quê dọc bên bờ sông Đuống. Từ đó, cấu trúc huyện sẽ theo hành lang phát triển dọc QL17 và ĐT.282B gắn kết các đô thị Gia Bình (đô thị trung tâm), đô thị Nhân Thắng, đô thị Cao Đức với các địa bàn trong huyện và kết nối với phía Tây là Thuận Thành, với phía Bắc là Quế Võ, phía Đông sang huyện Lương Tài kéo dài đến cầu nối sang tỉnh Hải Dương đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng. Tất cả sẽ tạo đà cho bước phát triển mới mạnh mẽ của Gia Bình trong giai đoạn tới, trong đó các tuyến đường ĐT.282B và QL17 sẽ đóng vai trò huyết mạch kết nối các khu vực kinh tế của huyện với các vùng kinh tế phía Bắc sông Đuống của tỉnh để từ đó vươn rộng ra toàn quốc… Bởi vậy, cùng với quy hoạch ngành, lĩnh vực thì chính quy hoạch xây dựng và phát triển những con đường mới đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa quê hương Gia Bình đổi thay, từng bước vươn lên giàu mạnh.

Trên vùng chiêm trũng Gia Bình có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Chăm sóc nho Hạ đen tại HTX dịch vụ, thương mại, nông nghiệp sạch Bình Dương.
Từ Nhân Thắng, chúng tôi chỉ mất vài phút xe chạy đã đến thị trấn Gia Bình. Không khí chuẩn bị đón xuân như tràn ngập khắp các khu phố. Người dân thị trấn như phấn khởi hơn bởi diện mạo quê hương đang từng ngày thay đổi. Trên địa bàn, hàng loạt các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống dân sinh mọc lên. Đặc biệt nhiều dự án giao thông đang được triển khai xây dựng như: Đường Huyền Quang (cơ bản hoàn thành), đường Hoàng Đăng Miện, đường Cao Lỗ Vương… khiến cho đô thị, phố phường thị trấn như vươn dài, rộng mở. Anh Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Gia Bình hồ hởi: Đây là những tuyến đường nhằm mở rộng thị trấn về phía Tây và Tây Nam. Các tuyến đường này có tính kết nối đáp ứng qui hoạch phát triển đô thị, từng bước thực hiện thành công quy hoạch phát triển vùng đến năm 2030. Khi các dự án này được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo ra bộ mặt mới, mở hướng phát triển cho thị trấn Gia Bình.
Gặp gỡ và trao đổi với đồng chí Lương Trung Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình chúng tôi càng thêm tin tưởng vào triển vọng phát triển mới đầy tươi đẹp của vùng đất này từ những con đường. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện thì chủ trương và quyết tâm hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn là một chiến lược xuyên suốt của các đồng chí lãnh đạo huyện và các ngành, các cấp qua các thời kỳ. Gia Bình luôn quan niệm giao thông luôn đi trước một bước trong tiến trình xây dựng và phát triển quê hương, vì thế huyện đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bền bỉ qua nhiều năm, đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở Gia Bình đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Dự kiến, những năm tới đây, sẽ triển khai các dự án đường TL.282B nối từ Lương Tài đi qua 2 khu công nghiệp đến đường dẫn về cầu Bình Than với chiều rộng thiết kế 56m kênh Bắc ở giữa; các tuyến đường nội thị ở thị trấn Gia Bình, đô thị Nhân Thắng kết nối với các xã xung quanh tiếp tục được đầu tư đồng thời sẽ đề nghị các cấp quan tâm hoàn thiện toàn tuyến mặt đê Đại hà… Điều này không những đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đưa Gia Bình vững tin bước vào một chu kỳ phát triển mới.
Rời Gia Bình khi bóng đêm đã đổ, vậy mà khi qua địa bàn làng nghề Đại Bái, trên con đường sáng rực ánh đèn, những chuyến xe hàng chở đồ đồng mỹ nghệ truyền thống vẫn miệt mài vươn đến mọi miền. Nhìn gương mặt phơi phới của những người dân quê cần cù chịu khó nhưng cũng rất đỗi nhiệt thành, năng động, sáng tạo, chúng tôi như thấy chộn rộn niềm vui, hòa chung với mọi người. Xuân mới như về sớm hơn với vùng quê Gia Bình.
Ghi chép của Lê Thanh - Lê Đại
Ý kiến ()