Cách đây 25 năm, trước yêu cầu đổi mới của đất nước, ngày 9-8-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/CP về việc “Chia tách huyện Tiên Sơn để tái lập 2 huyện Từ Sơn và Tiên Du”. Huyện Tiên Du chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới bắt đầu từ ngày 1-9-1999. Từ đây, Đảng bộ, chính quyền và
Một góc thị trấn Lim mùa Lễ hội.
Ngay sau tái lập huyện, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ và ban hành các chủ trương lãnh đạo về phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Du chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên, xây dựng huyện từng bước phát triển. Từ một huyện có nền kinh tế thuần nông chậm phát triển, sản xuất công nghiệp, thương nghiệp nhỏ lẻ; hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, xuống cấp, đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đến nay Tiên Du phát triển nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng (bình quân giai đoạn 1999 - 2020 đạt trên 19%/năm); nâng tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 97,6 triệu đồng/người tăng 29,6 lần so với năm 1999. Năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.042 tỷ đồng (tăng 139 lần so với năm 1999). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 76,6%; thương mại -dịch vụ chiếm 19,7%; nông nghiệp chỉ chiếm 3,7% giảm gần 12 lần so với năm 1999); số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là gần 2.000 doanh nghiệp, tăng gấp 22 lần so với năm 1999.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Đảng bộ huyện ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển công nghiệp - TTCN nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp tập trung, thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động, đóng góp to lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Lĩnh vực thương mại-dịch vụ phát triển nhanh, mạng lưới chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng mở rộng với nguồn hàng hóa đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 8.787 tỷ đồng (tăng 74 lần so năm 1999). Dịch vụ tài chính ngân hàng, vận tải ngày càng phát triển. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Quan họ giao duyên tại Hội Lim.
Cùng với đẩy nhanh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ; huyện tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, năng suất lúa bình quân từ 46,3 tạ/ha năm 1999 tăng lên 64,3 tạ/ha; giá trị sản xuất nông nghiệp từ 33,8 triệu đồng/ha năm 1999, tăng lên 116,6 triệu đồng/ha. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, năm 2016 Tiên Du vinh dự là một trong 30 huyện đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Toàn huyện đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đã có 2/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP (hiện nay huyện có 19 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao).
Công tác quy hoạch đô thị được chú trọng theo hướng hiện đại, văn minh, sinh thái. Nhiều công trình hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại như: Các khu đô thị mới, khu nhà ở, đường giao thông, bệnh viện, trường học, trụ sở các cơ quan, công viên cây xanh hồ điều hòa Vân Tương…
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện cũng có nhiều tiến bộ. Giáo dục đào tạo phát triển toàn diện, các trường đại học, cao đẳng, các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông được đầu tư xây dựng hiện đại, đạt chuẩn quốc gia, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao; mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng hiện đại, đạt tiêu chí quốc gia. Văn hóa, thể thao và du lịch phát triển, mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Huyện thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, nhiều di tích lịch sử được đầu tư nâng cấp là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. An sinh xã hội được đảm bảo; thực hiện bền vững công tác giảm nghèo, số hộ nghèo giảm từ 12,3% năm 1999 xuống còn 1,02% năm 2023; thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, xây dựng huyện trở thành khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, các cấp ủy, đảng viên được tăng cường. Công tác phát triển đảng viên được đẩy mạnh, đến nay Đảng bộ huyện có có 51 tổ chức cơ sở đảng và 6.193 đảng viên, tăng 6 tổ chức cơ sở đảng và 2.344 đảng viên so với năm 1999. MTTQ Việt Nam và các tổ chức - chính trị huyện có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trẻ em Tiên Du được học tập trong môi trường hiện đại.
Với những thành tựu đạt được trong 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Du vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba.
Bên cạnh các thành tích là chủ yếu, huyện Tiên Du cũng còn một số hạn chế cần khắc phục để xây dựng huyện thực sự tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, đưa huyện Tiên Du trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo định hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá”. Theo đó, Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tuởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quán triệt các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả vào tình hình thực tiễn của huyện. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Du lần thứ XIX và Đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030 thành công tốt đẹp theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, khát vọng cống hiến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; củng cố và tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Huyện cũng chú trọng phát huy các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với phát triển kinh tế đô thị. Chú trọng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phát triển các sản phẩm OCOP. Triển khai Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị quy mô lớn, các khu du lịch, vui chơi giải trí... Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị để đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III, tiêu chí thành phố; để huyện sớm được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đảm bảo việc làm cho người lao động; an sinh, phúc lợi xã hội. Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiên Du đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử, truyền thống, lễ hội gắn với các hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương Tiên Du. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những thành quả đạt được 25 năm qua là hành trang vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Du tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện Tiên Du sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.
Thanh Hương
Ý kiến ()