“100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, hoàn thiện hệ thống xử lý khí thải; 98% khói, bụi bẩn, chất thải được xử lý; công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường tiếp tục được tăng cường; phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động giám sát hoạt động về bảo vệ môi trường… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức đến hành động của các chủ sản xuất giấy tại đây”. Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh).
Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của các cấp, ngành, địa phương về làm sạch môi trường làng nghề giấy Phong Khê đã thành hiện thực. Đây là bước đệm trong lộ trình thực hiện Chủ đề “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch đến năm 2025”.

Dòng Ngũ Huyện Khê trong xanh trở lại.
Đồng thuận cao trong nhận thức và hành động
Cảm nhận đầu tiên khi trở lại làng nghề giấy Phong Khê sau gần 1 năm thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh về xử lý ô nhiễm môi trường, đó là vắng bóng hẳn những cột khói đen nghi ngút xả ra bầu không khí trong làng và các vùng lân cận vốn là đặc trưng tại đây nhiều năm. Những bãi rác khổng lồ trước đây từng là “điểm nhấn quen thuộc” ven sông Ngũ Huyện Khê và các khu đất trống trong dân cư đã được giải tỏa; giao thông thông thoáng, cảnh quan làng nghề sạch hơn… cho thấy môi trường thực sự chuyển biến. Khảo sát một số hệ thống xử lý khí thải, nước thải tại các cơ sở sản xuất ở Xóm Bến, Đồng Ngòi, Sau Đồng (khu Dương Ổ), thấy rõ hơn ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các chủ sản xuất.
Ông Ngô Văn Sơn, Tổ phó Tổ tự quản CCN Phong Khê I, khu Dương Ổ cho biết: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy cơ bản chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Hàng ngày, Tổ tự quản bố trí lực lượng dọn vệ sinh môi trường theo từng khu, cụm; giám sát chặt chẽ công tác thu gom chất thải cũng như việc xả thải của các cơ sở sản xuất; ký cam kết không xả chất thải, khí thải, nước thải ra môi trường với 124/124 cơ sở sản xuất trong CCN. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định về bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng, UBND thành phố đến từng hộ dân để biết và cùng chấp hành. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển sản xuất của các chủ cơ sở.
Kiểm tra trực tiếp hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn tại cơ sở sản xuất Phương Huê, khu Dương Ổ cho thấy, chất lượng nước đạt quy chuẩn cột B, không còn chứa các chất độc hại, phục vụ tốt nhu cầu tái sản xuất và dọn rửa vệ sinh. Cơ sở đang tiếp tục hoàn thiện quy trình để bảo đảm chất lượng nước đạt quy chuẩn cột A, phục vụ cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Ông Ngô Văn Phương, chủ cơ sở chia sẻ: Mặc dù phải đầu tư nguồn kinh phí lớn (khảng hơn 1,3 tỷ đồng) để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, không xả ra môi trường nhưng chúng tôi yên tâm sản xuất. Để tận dụng triệt để nguồn nước cũng như bột thải, sớm thu hồi vốn đầu tư, tôi sản xuất thêm 2-3 loại giấy, từ giấy cao cấp đến trung bình, vẫn đáp ứng nhu cầu thị trường. Mong rằng tất cả các cơ sở sản xuất giấy trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung thực hiện nghiêm quy trình xử lý ô nhiễm môi trường nhằm bảo đảm bình ổn giá thành và cạnh tranh công bằng trên thị trường. Có như vậy, nghề sản xuất giấy mới được duy trì và phát triển bền vững.
Tại cơ sở sản xuất hơi thương phẩm của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại HQH càng thấy rõ hơn tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm hẳn. Công ty đảm nhận nhiệm vụ cung cấp hơi thương phẩm cho 18 cơ sở sản xuất, xử lý cơ bản khí thải, khói bụi bằng hệ thống nhiệt cao của công nghệ lò đốt hơi tầng sôi, chỉ còn một ít khói trắng xả ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép, không gây độc hại. Đây chỉ là lò hơi nhỏ trong số các lò hơi đang cung cấp hơi thương phẩm cho hơn 326 cơ sở sản xuất giấy (132 cơ sở trong CCN Phong Khê I, II và 194 cơ sở trong khu dân cư) tại phường Phong Khê hiện nay, thay thế hoàn toàn hơi đốt bằng than như thời gian trước. Những chuyển biến rõ rệt này cho thấy ô nhiễm môi trường vốn đã tồn tại nhiều năm tại đây đã thực sự được cải thiện. Cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường gắn với các yếu tố phát triển bền vững.

Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn tại cơ sở sản xuất Phương Huê.
Vẫn cần các biện pháp mạnh tay và giải pháp bền lâu
Trong công cuộc lập lại trật tự về môi trường tại làng giấy Phong Khê đã có 55 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị xử phạt tổng số tiền hơn 13,4 tỷ đồng, đình chỉ sản xuất; 100% đường ống khai thác nước mặt sông Ngũ Huyện Khê không phép bị tháo dỡ. Điều đáng mừng là đến nay, các cơ sở vi phạm về môi trường đã hoàn thiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường và được tái sản xuất. Tuy nhiên, đã có hiện tượng tái diễn vi phạm xả trộm nước thải ra môi trường nhưng khó phát hiện và xử lý dứt điểm, đòi hỏi sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa của các lực lượng chức năng và các giải pháp có tính khả thi cao trong việc duy trì các yếu tố môi trường bền vững về lâu dài.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Hà: Tình trạng xả nước thải trộm đã diễn ra vào ban đêm, trong khoảng thời gian ngắn, từ 15 - 20 phút ở một số cơ sở sản xuất; các đường ống xả thải vùi sâu trong đất rất khó phát hiện. Mặc dù các cơ sở này đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn nhưng cố tình không vận hành vì chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nên xả trộm ra môi trường. Trong khi đó, thời gian vừa qua, lực lượng của phường mỏng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người bị nhiễm bệnh nhiều nên khó kiểm tra, giám sát. Đảng ủy chỉ đạo UBND phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao hơn nữa giữ gìn môi trường nói chung và xử lý mạnh tay các trường hợp cố tình vi phạm.
Trong tháng 3 vừa qua, đã có doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện, đó là Công ty TNHH Giấy Kraft Phương Yến. Ngay trong ngày 12-4, chính quyền địa phương phối hợp với Tổ kiểm tra của thành phố, kiểm tra đột xuất phát hiện cơ sở của của bà Nguyễn Thị Thùy (khu Đào Xá) xả nước thải không qua xử lý vào hệ thống tiêu thoát nước chung của khu dân cư… Các cơ sở này đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm minh nhằm tạo sức răn đe trong toàn làng nghề. Phường Phong Khê kiến nghị với thành phố, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Cùng với các biện pháp đang thực hiện, UBND thành phố Bắc Ninh đã xây dựng Dự thảo “Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Phong Khê giai đoạn 2022-2030” tập trung giải quyết các vấn đề môi trường, nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn phường, ngăn chặn xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đưa ra lộ trình xử lý phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có thời gian thu hồi vốn, chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm an sinh xã hội.

Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn tại cơ sở sản xuất Phương Huê.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, UBND tỉnh thống nhất về chủ trương của Đề án, yêu cầu UBND thành phố tiếp tục tập trung, triển khai quyết liệt các phương án xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Phong Khê; đề nghị bổ sung các nội dung về chuyển đổi CCN sang thương mại, dịch vụ, logistic... theo quy định. UBND thành phố chỉ đạo cơ quan công an thành phố xử lý dứt điểm các trường hợp tiếp tục gây ô nhiễm môi trường; trường hợp cố tình vi phạm, xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật hiện hành. Về đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và bố trí quỹ đất để triển khai Đề án theo đề xuất của UBND thành phố: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định theo quy định. Đây sẽ là giải pháp căn cơ cho bài toán bảo vệ môi trường làng nghề về lâu dài.
Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh tại văn bản số 732/UBND-NN.TN. Giao Công an tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm môi trường trên địa bàn phường; yêu cầu UBND thành phố Bắc Ninh nhanh chóng cải tạo lại hệ thống thu gom nước thải tại CCN Phong Khê I, không để các cơ sở sản xuất có điều kiện xả nước thải vào hệ thống thu gom nước mưa; tiến hành nạo vét hệ thống thoát nước thải sinh hoạt trong khu dân cư để từ đó xác định các vị trí có nước thải sản xuất chảy vào hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và đề xuất các biện pháp xử lý… Động thái quyết liệt này sẽ chấm dứt hoàn toàn các tồn tại về môi trường tại làng nghề Giấy Phong Khê trong thời gian sớm nhất, khẳng định quyết tâm duy trì và bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Phóng sự của Thái Uyên - Hoài Lan
Ý kiến ()