Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh, ngày 21-8-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra Chỉ thị số 12/CT-UBND yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018. Báo Bắc Ninh Điện tử trân trọng đăng Chỉ thị quan trọng này.
Căn cứ Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục;
Để phát huy những thành tích đã đạt được của năm học 2016-2017, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh Bắc Ninh; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018, cụ thể như sau:
I. Phương hướng chung
- Tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong trường học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
- Giáo dục mầm non: Tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
- Giáo dục phổ thông: Tập trung đổi mới phương thức dạy học, chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
- Giáo dục thường xuyên: Thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
- Giáo dục chuyên nghiệp: Triển khai giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội.
II. Nhiệm vụ trọng tâm
1. Nhiệm vụ chung của các ngành học, cấp học
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020".
- Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao năng lực và phẩm chất của người học, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng giáo dục mũi nhọn, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi.
- Tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm an ninh, trật tự trường học; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên.
- Tích cực chỉ đạo xây dựng cảnh quan sư phạm nhà trường, xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm học; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.
2. Các nhiệm vụ chủ yếu
2.1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong toàn tỉnh
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện "Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030"; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 08 trường THCS trọng điểm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025"; bố trí các điểm trường chính, điểm trường lẻ phù hợp, đảm bảo hiệu quả; khuyến khích các địa phương phát triển loại hình trường, lớp mầm non tư thục; quy hoạch đủ diện tích đất cho các trường học theo chuẩn quy định, ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng trường, lớp học.
2.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp
- Rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn nghề nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sắp xếp, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đúng vị trí việc làm và yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển chọn giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 08 trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phổ thông cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt để tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn nghề nghiệp mới, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên trong ngành GD&ĐT, chú trọng bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên đảm bảo chất lượng.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai thực hiện hiệu quả Quy định một số chế độ chính sách đối với giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 08 trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các địa phương có các chế độ ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong ngành Giáo dục.
2.3. Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông
- Triển khai thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa; hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, của nhà trường và khả năng, nhu cầu của trẻ.
- Triển khai dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại 59 trường tiểu học (từ lớp 2 đến lớp 5) có đủ các điều kiện và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh; đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học đảm bảo thực chất theo đúng Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ GD&ĐT.
- Tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, phù hợp với thực tế của nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn và hiệu quả hoạt động giáo dục.
- Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT, nâng cao chất lượng dạy nghề ở phổ thông, gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
- Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương trong trường học.
2.4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo
- Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực và phương pháp dạy học tiếng Anh cho giáo viên, thực hiện có hiệu quả chương trình dạy học tiếng Anh 10 năm đối với giáo dục phổ thông; tiếp tục hợp đồng giáo viên người nước ngoài về dạy tiếng Anh cho học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, các trường trọng điểm và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh.
- Đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông; chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói tiếng Anh cho học sinh; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa tạo môi trường để hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện và động cơ học tiếng Anh cho học sinh.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới học liệu dạy học ngoại ngữ; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học hiện đại đã được trang bị, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả.
- Tăng cường quản lý các hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học; triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
2.5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
- Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại và đảm bảo an toàn thông tin mạng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người học tập qua mạng trực tuyến, nâng cao chất lượng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo; xây dựng và đưa vào sử dụng thống nhất trong toàn ngành các cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và hệ thống phần mềm quản lý trường học; tổ chức hội nghị, tập huấn qua mạng, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử kết nối với tất cả các sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông.
2.6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo
- Tiếp tục thực hiện giao quyền chủ động cho các nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục, nâng cao năng lực quản trị nhà trường, trách nhiệm giải trình xã hội của đội ngũ cán bộ quản lý; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trường học, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo các cơ sở giáo dục công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các hoạt động của nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và các thông tin liên quan khác theo quy định để người học lựa chọn và xã hội cùng giám sát.
2.7. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo
- Triển khai thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện “Chiến lược tổng thể về Hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ GD&ĐT.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo chủ động, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, tổ chức trao đổi giữa học sinh sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý với các cơ sở giáo dục nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo; chủ động trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường thu hút hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong giáo dục và đào tạo; phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc đào tạo nghề và tạo điều kiện để sinh viên ra trường có việc làm.
2.8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình kế hoạch, đề án phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Rà soát thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của từng cơ sở giáo dục, thực hiện lộ trình xóa phòng học cấp 4, phòng học kiên cố xuống cấp, xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường trọng điểm các cấp học; gắn chương trình xây dựng nông thôn mới với thực hiện mục tiêu kiên cố hoá, chuẩn hoá trường, lớp học; xây dựng kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
- Tiếp tục chỉ đạo, xây dựng cảnh quan sư phạm nhà trường xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện; tăng cường vệ sinh trường, lớp học, tích cực trồng cây lấy bóng mát, tu bổ vườn hoa, xây dựng đủ công trình vệ sinh, nước sạch trường học đạt chuẩn trong các trường học.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.
2.9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
- Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi ở các cấp học, đặc biệt là Trường THPT Chuyên và các trường THCS trọng điểm.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các trường đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn với chuẩn năng lực đầu ra phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của các cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, dự báo nhu cầu thị trường lao động để phát triển các chuyên ngành khoa học cơ bản, các ngành học liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, các ngành thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao.
- Đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ hội nhập.
III. Các nhóm giải pháp cơ bản
1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo
- Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý cấp trên; xây dựng các giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, pháp luật của học sinh, sinh viên; xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa trường học phù hợp các cấp học và trình độ đào tạo.
- Thực hiện có hiệu quả việc phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ; tăng cường giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục và giáo viên trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh, sinh viên.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức viên chức và học sinh, sinh viên.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm những sai phạm và các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc xã hội.
- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, gắn với hiệu quả các hoạt động giáo dục, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp
- Triển khai thực hiện các chuẩn, tiêu chí cán bộ quản lý các cấp; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
- Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp, các cơ sở giáo dục để tạo nguồn cán bộ quản lý có chất lượng; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
- Thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ quản lý theo chuẩn; bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục các cấp căn cứ năng lực quản lý và đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo
- Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Ngân sách Nhà nước, Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; đảm bảo chi ngân sách Nhà nước để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động, thu hút các nguồn tài trợ, viện trợ, các dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn đầu tư để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
- Triển khai có hiệu quả Chương trình "Sữa học đường" trong các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục
- Tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khảo thí, đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch; tổ chức các kỳ thi, kiểm tra bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao.
- Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, có biện pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo
- Đổi mới công tác thông tin, truyền thông; chủ động tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, các Nghị quyết, kế hoạch, chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển giáo dục đào tạo để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội; tranh thủ sự giám sát, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo.
- Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, kịp thời biểu dương những tấm gương nhà giáo điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo; các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, nghiêm túc chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị này.
| KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH (Đã ký) Nguyễn Văn Phong |
Ý kiến ()