Lần đầu tiên được nghe nói đến Hội thi Tin học dành cho người khiếm thị, tôi đã nảy sinh không ít hoài nghi bởi tin học đối với một số người sáng mắt còn không ít khó khăn, vậy những người khiếm thị thì làm sao để sử dụng được máy vi tính với những thao tác phức tạp? Thế nhưng, những hoài nghi ấy của tôi đã sớm được xóa tan ngay sau khi tận mắt chứng kiến Hội thi Tin học dành cho người khiếm thị tỉnh Bắc Ninh lần thứ 4, năm 2024 hồi tháng 9 vừa qua.
Giám khảo Nguyễn Năng Bính kiểm tra thiết bị giúp thí sinh trước giờ thi.
Gặp lại cô gái nhỏ giàu nghị lực
Tại Hội thi, tôi gặp lại Lương Thị Trà My, sinh viên năm thứ 2 ngành Công nghệ thông tin của Đại học RMIT. Trong thâm tâm tôi đã đoán trước, với những kiến thức, kỹ năng được học tập tại trường Đại học, chắc chắn Trà My sẽ giành được giải cao nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn bồi hồi, xúc động khi chứng kiến cô gái nhỏ này được xướng tên giành giải Nhất nội dung thi dành cho hội viên trẻ và học sinh, sinh viên.
Trước khi Hội thi diễn ra không lâu, tôi gặp Trà My khi em đi nhận học bổng do Quỹ Khuyến học Hoàng Quốc Việt của thành phố Bắc Ninh tài trợ. Cô gái khiếm thị bé nhỏ nhưng giàu nghị lực cùng với cách nói chuyện hòa đồng, tự tin với nụ cười tỏa nắng rất dễ làm xiêu lòng người đối diện. Em vui vẻ cho biết: “Học bổng do nhà trường cấp giúp em yên tâm học tập. Công nghệ thông tin với những phần mềm chuyên dụng cho người khiếm thị đã giúp em rất nhiều. Năm thứ nhất em đạt điểm GPA 3.9/4.0. Được thành phố Bắc Ninh tiếp tục quan tâm trao học bổng em rất vui, sẽ quyết tâm nỗ lực để đạt thành tích tốt hơn nữa”.
Năm 2022, Trà My là người khiếm thị đầu tiên giành được học bổng 1,7 tỷ đồng ngành Công nghệ thông tin, Đại học RMIT (nước Úc) tại Việt Nam. My sinh trong một gia đình còn khó khăn ở phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh. Năm 9 tuổi em bị mù hoàn toàn do bệnh đục thủy tinh thể, glocom (tăng nhãn áp), bong võng mạc. Tuy nhiên, bệnh tật không thể kìm hãm khát khao cháy bỏng được đi học của cô gái bé nhỏ nhưng có ý chí, nghị lực vô cùng lớn. Em được Hội Người mù thành phố Bắc Ninh hướng dẫn vào Hội và dạy chữ nổi Brai miễn phí. Sau đó, em tiếp tục đến trường học tập cùng các bạn sáng mắt. Dẫu gặp nhiều trở ngại từ việc thiếu tài liệu học cũng như công cụ hỗ trợ phù hợp, My vẫn đạt được thành tích học tập tốt 12 năm liền. Năm 2019, My tốt nghiệp THCS loại giỏi và đứng nhất khối. 3 năm học THPT, My đều đạt học sinh giỏi với tổng điểm 8,5-8,6 trung bình các môn.
Những kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản được học ở lớp do Hội Người mù tỉnh mở đã nhen nhóm ước mơ trở thành Kỹ sư Công nghệ thông tin của Trà My. Công nghệ thông tin mang đến cho My cơ hội học tập bình đẳng, hỗ trợ tài liệu tham khảo, giúp My đạt thành tích tốt trong 3 năm học THPT. Không những thế còn giúp My có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tốt nghiệp THPT, với sự hỗ trợ của Trường THPT Lý Nhân Tông (nơi em theo học) và Hội Người mù thành phố Bắc Ninh, My viết bài luận nói về hoàn cảnh gia đình, điểm mạnh của bản thân và ước mơ trở thành Kỹ sư Công nghệ thông tin để có thể tạo ra những công cụ hỗ trợ khả năng tiếp cận cho người khiếm thị trong học tập và làm việc. Và em đã thành công chinh phục học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Trường Đại học RMIT.
Lương Thị Trà My (áo đỏ) nhận giải Nhất nội dung dành cho Hội viên trẻ tại Hội thi.
Những người truyền cảm hứng
Trong Hội thi lần này, có 1 vị giám khảo gây cho tôi sự chú ý đặc biệt, đó là anh Nguyễn Năng Bính, Phó Ban Công tác hội viên trẻ Hội Người mù tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Yên Phong. Bính là người ra đề cho nội dung thi của Hội viên trẻ. Các thí sinh truy cập vào bài thi gặp trục trặc thì đều đề nghị giám khảo trợ giúp. Bính nhanh nhẹn trợ giúp thí sinh theo đúng quy chế thi và không quên động viên thí sinh yên tâm làm bài cho tốt. Một cán bộ của Tỉnh Hội giới thiệu với tôi, Bính rất giỏi công nghệ thông tin, năm 2014 anh từng giành giải Nhất Hội thi Công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị toàn quốc do Hội Người mù Việt Nam tổ chức.
Chứng thoái hóa võng mạc khiến cho Bính bị giảm thị lực từ nhỏ và mất khả năng nhìn hoàn toàn vào năm 20 tuổi. Không đầu hàng số phận, Bính quyết tâm học chữ nổi và thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, lấy được bằng Cử nhân ngành Lưu trữ và Quản trị văn phòng. Nhận thấy công nghệ thông tin giúp ích nâng cao chất lượng cuộc sống của người mù, Bính tự mày mò học hỏi trên internet để tích lũy, dần nâng cao các kiến thức. Anh đã sử dụng thành thạo các phần mềm dành cho người mù, từ đó khai thác có hiệu quả các tiện ích công nghệ thông tin mang lại phục vụ cho công việc, cuộc sống. Hệ thống thông tin về hội viên, chấm công hội viên làm tại cơ sở xoa bóp đều được Bính thực hiện trên phần mềm excel, rất khoa học, hiệu quả. Thư điện tử, zalo… được Bính sử dụng thành thạo để kết nối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp.
Nhận thức rõ những tiện ích của công nghệ thông tin đối với người khiếm thị, Bính tích cực tham gia trao đổi, hướng dẫn những người đồng cảnh ngộ tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin. Anh cũng chính là một trong những người đầu tiên hướng dẫn Trà My khi cô bé bắt đầu tiếp cận với công nghệ, tập sử dụng máy vi tính. Trò chuyện với chúng tôi, Bính cho biết ngay lần đầu gặp Trà My tại lớp học do Tỉnh Hội tổ chức đã rất ấn tượng bởi tinh thần lạc quan, ý chí và nghị lực của em. Anh vẫn theo dõi My qua internet và thấy em có những bước tiến vượt bậc. Mong rằng My sẽ đạt được ước mơ, sau này sáng tạo ra những phần mềm chuyên dụng hữu ích cho người khiếm thị.
Một giám khảo khác trực tiếp ra đề nội dung dành cho cán bộ Hội của cuộc thi năm nay là chị Phạm Thị Huế, Trưởng Ban công tác Hội viên trẻ Hội Người mù tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Lương Tài. Do bẩm sinh thoái hóa sắc tố võng mạc, Huế sớm bị giảm thị lực và mù hoàn toàn năm 13 tuổi. Không đầu hàng số phận, Huế học chữ nổi rồi xin vào Trường Nguyễn Đình Chiểu. Suốt các năm học cấp 2, cấp 3 Huế đều đạt học sinh giỏi và được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Ngôn ngữ Anh theo chính sách của Bộ Giáo dục-Đào tạo dành cho học sinh khuyết tật. 4 năm học Đại học, Huế tiếp tục nỗ lực, hằng năm đều đạt loại giỏi và được nhận học bổng của trường.
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015 với tấm bằng loại giỏi, Huế về quê hương công tác. Ngoài giờ làm việc, Huế dạy tiếng Anh cho trẻ em quê nhà. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thông qua máy tính xách tay và máy chiếu, Huế truyền đạt đến các em học sinh những kiến thức ngoại ngữ. Tiếng lành đồn xa, học sinh đến theo học cô Huế mỗi ngày một tăng lên bởi cô không chỉ là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó mà còn sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin với những hình minh họa vui vẻ, sống động, những file âm thanh trực quan… khiến các em cảm thấy cuốn hút.
Chiếc gậy “thần kỳ” cho người khiếm thị
Thế giới đã phát minh ra chiếc gậy đặc biệt dành cho người khiếm thị, trên đó có gắn thiết bị cảm biến, nó sẽ cảnh báo khi đến gần chướng ngại vật trên đường. Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam hầu như không mấy ai sử dụng thiết bị này bởi với đặc thù địa hình, giao thông nước ta, những thiết bị như vậy sẽ khó phát huy tác dụng. Như cách nói nôm na, hài hước của Nguyễn Năng Bính khi trao đổi cùng tôi: “Chị cứ tưởng tượng xem với những đoạn vỉa hè đầy dẫy những biển quảng cáo, rồi xe máy, xe đạp đan xen, cái gậy nó cứ “tút, tút…” liên tục thì có khi còn gây lúng túng cho người khiếm thị trong việc xác định phương hướng chứ nói gì đến trợ giúp. Cái đó chỉ áp dụng được ở những nơi địa hình bằng phẳng hoặc giao thông hiện đại mà thôi. Ở ta hiện nay người khiếm thị ra đường chủ yếu vẫn phải nhờ người sáng mắt trợ giúp. Dù cây gậy chuyên dụng dò đường cho người khiếm thị chưa hữu dụng ở Việt Nam nhưng những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại chả khác nào một cây gậy “thần kỳ” giúp người khiếm thị tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng”.
Những khó khăn đối với người khiếm thị vẫn luôn hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ. Làm thế nào để giảm bớt khó khăn giúp người khiếm thị nâng cao chất lượng sống là vấn đề luôn được Hội Người mù các cấp quan tâm. Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Hội luôn quan tâm vấn đề cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin cho hội viên. Qua đó, giúp hội viên có khả năng sử dụng công nghệ thông tin để kết nối với xã hội, học tập, nâng cao kiến thức cá nhân và phục vụ công việc. Hội thi Công nghệ thông tin là một trong những hoạt động được Hội tổ chức nhằm khuyến khích, động viên các hội viên tích cực tham gia học tập, nâng cao kiến thức”.
Với sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của cả cộng đồng và phong trào học tập công nghệ thông tin sôi nổi trong các cấp Hội, tin rằng chất lượng cuộc sống của người khiếm thị sẽ từng bước được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.
Phóng sự của Thanh Hương
Ý kiến ()