Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó, các doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Song đây cũng là cơ hội để các DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Phóng viên Báo Bắc Ninh có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh về một số vấn đề CĐS trong các DN ở Bắc Ninh hiện nay.
Phóng viên: Tiến sĩ đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Bắc Ninh trước và sau khi xuất hiện dịch COVID-19?
Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc: Chuyển đổi số trong DN được hiểu bao gồm các thành tố nhằm nâng cấp quản trị thông qua việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của DN và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số bao gồm từ việc số hóa dữ liệu về quản trị và quá trình kinh doanh, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quản lý, sản xuất kinh doanh, báo cáo, mô hình phối hợp công việc cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Như vậy, chuyển đổi số bao gồm nhiều công đoạn và phải được cụ thể hóa, nâng cấp từ quá trình quản trị doanh nghiệp và được đồng bộ hóa với quá trình nâng cao năng lực nhân lực trên các cấp độ: tư duy hoạch định của người đứng đầu; cán bộ quản trị cấp trung và tất cả giao dịch với khách hàng.
Đối với Bắc Ninh, dịch COVID 19 bùng phát buộc các DN thay đổi kinh doanh, trong đó CĐS là lựa chọn ưu tiên. Tuy nhiên, việc có tận dụng được cơ hội này hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp và chính quyền hỗ trợ. Thực tế, tỉnh Bắc Ninh đã cải cách hành chính mạnh mẽ, Chỉ số PCI năm 2019 đứng thứ 4, năm 2020, Chỉ số PAPI đứng thứ tư toàn quốc. Năm 2021, thin Bắc Ninh đã ứng dụng mô hình “5 tại chỗ” tại Trung tâm Hành chính công; tỷ lệ hài lòng dịch vụ công hơn 96%; mở rộng kết nối dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia, góp phần giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho DN.
Đối với doanh nghiệp FDI, quá trình số hóa ngay từ đầu đã giúp họ giảm nguy cơ đứt gãy về chuỗi sản xuất và quản lý được người lao động, kết nối với dữ liệu của chính quyền phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả hơn. Việc số hóa quản trị giúp tận dụng dịch vụ logistics tốt hơn. Những DN này còn tận dụng cơ hội thị trường về CĐS và xu hướng tiêu dùng dựa trên chuyển đổi số, nên tăng trưởng cao hơn. Còn với những DN làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tận dụng được cơ hội chuyển đổi số, nguyên nhân do thiếu năng lực quản trị hoặc đang áp dụng mô hình quản trị gia đình; thiếu dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phóng viên: Dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh hiện nay, CĐS mang lại những lợi ích gì cho DN và có vai trò thế nào đối với việc phục hồi kinh tế ở Bắc Ninh?
Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc: Đại dịch COVID-19 còn tiếp diễn, trong bối cảnh đó, những DN sớm triển khai CĐS có sức chống chịu tốt hơn, giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, nhiều DN, trong đó có những DN nhỏ và vừa (SMEs) còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất-kinh doanh theo mô hình kinh tế số.
CĐS được kỳ vọng như động lực của quá trình tái cấu trúc sau đại dịch. Tại phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về CĐS ngày 30-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: “Từ xu thế thế giới, thực tiễn đất nước, CĐS là yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Chủ trương của Đảng đã xác định rõ, vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. CĐS đang góp phần vào khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần vào xu thế hội nhập, nâng vao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước”. Với phương châm đó, CĐS là hành động thiết thực nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh địa phương, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là sau đại dịch nhằm tăng cơ hội bán hàng, kết nối chuỗi sản xuất và tiêu dùng, chủ động về quản trị nhân sự- một yêu cầu cao trong quá trình khôi phục sản xuất trong đại dịch. Đối với tỉnh Bắc Ninh, điều đó lại càng quan trọng khi nền kinh tế còn chưa có kết nối sâu với khu vực kinh tế trong nước và và khu vực FDI, CĐS giúp DN trong nước tiếp cận tham gia chuỗi sản xuất và dịch vụ của khu vực FDI một cách gián tiếp tận dụng cơ hội về hội nhập trong bối cảnh của tỉnh Bắc Ninh.
Phóng viên: Tại sao nhiều DN ở Bắc Ninh vẫn e dè khi thực hiện CĐS? việc chuyển đổi số trong DN của Bắc Ninh trong thời gian tới và những giải pháp cần thực hiện, thưa Tiến sĩ?.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc: CĐS Bắc Ninh có nhiều thuận lợi như: Bắc Ninh đi đầu trong xây dựng thành phố thông minh và năm 2020, xếp thứ 3/63 về chuyển đổi số, tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Các thủ tục hành chính đã kết nối dịch vụ công trực tuyến quốc gia; Khu vực FDI đã đầu tư số hóa hoặc nhanh chóng chuyển đổi số là sự mời gọi thúc đẩy cho khu vực tư nhân trong nước tham gia vào chuỗi giá trị bằng CĐS. Tuy nhiên, mô hình quản trị gia đình trong sản xuất làng nghề được coi là thế mạnh trước đây, tạo ra an toàn, thì nay đã trở thành tâm thế “hướng nội”, ảnh hưởng đến chuyển đổi số và phát triển thị trường tài chính, khoa học và công nghệ.
Việc chuyển đổi số trong DN của Bắc Ninh trong thời gian tới phải xét trên hai góc độ: Động lực của doanh nghiệp và Chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch CĐS, tuy nhiên, điều quan trọng là phải hình thành thị trường dịch vụ CĐS; hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số. DN chỉ hình thành động lực khi CĐS thích hợp và mang lại hiệu quả. Ở góc độ chính sách, cần xuất phát từ thị trường, nhu cầu doanh nghiệp để ban hành kế hoạch chuyển đổi số riêng cho doanh nghiệp. Trước hết là hỗ trợ CĐS về doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, logistics, quản trị tài chính, nhân lực và tuyển dụng. Tôi cho rằng trong thời gian tới, đầu tiên tỉnh quan tâm đến hạ tầng chuyển đổi số thiết thực cho DN thay vì chỉ dùng cho mục đích quản trị công. Cần hình thành hệ thống dịch vụ chuyển đổi số đa dạng theo quy mô và mô hình truyền thống doanh nghiệp Bắc Ninh. Đầu tiên cần “gói” hỗ trợ DN gắn với chuyển đổi số, nghĩa là ưu tiên hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với CĐS. Những doanh nghiệp nào được hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị của Samsung và các Tập đoàn đa quốc gia thì cũng được khích lệ đi tiên phong về CĐS. Đồng thời xây dựng chương trình phát triển hỗ trợ thương mại số nông sản; doanh nghiệp làng nghề CĐS gắn với thay đổi công nghệ, giảm ô nhiễm môi trường, từ đó hướng ra bên ngoài tận dụng cơ hội về thị trường tài chính, khoa học công nghệ, phát triển kinh tế đô thị, thương mại tiện ích số hóa; ban hành chương trình hỗ trợ đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số hỗ trợ DNNVV.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Thái Uyên
Ý kiến ()