Thong dong trên đất Thuận Thành ngày đầu năm mới, một cảm giác choáng ngợp về sức sống mới của thị xã trẻ tương lai, nơi sẽ có thêm nhiều con phố, con đường mang tên các danh nhân Kinh Bắc. Tôi chợt nhớ tới nhà khoa học lừng danh thời đại Hồ Chí Minh, người con ưu tú vùng đất học Thuận Thành, người mở đường cho ngành Địa chất Việt Nam-Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển.

GS Nguyễn Văn Chiển và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu gia đình).
Bước ngoặt của thủ khoa tú tài Đông Dương
Nhớ năm xa ấy (tháng 11-1999), đám sinh viên báo chí năm cuối chúng tôi may mắn được dự lễ sinh nhật lần thứ 80 của GS, NGND Nguyễn Văn Chiển do Đại học Quốc gia HN tổ chức. Dự buổi lễ có nhiều nhà khoa học đầu ngành mà phần đông là học trò của GS Chiển.
Tại buổi lễ, thân thế và sự nghiệp của GS Nguyễn Văn Chiển được GS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia HN nhắc đến với niềm tự hào lớn lao: Nguyễn Văn Chiển sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân ở xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành. Vốn ham học lại học giỏi nên hết Tiểu học, Chiển được gia đình cho ra Hà Nội thi và đỗ vào trường Bưởi danh tiếng. Mới nhập học ít ngày thì bố mất, người mẹ khi ấy ngoài 60 vẫn cố gạt nước mắt khuyên con không nên dang dở chuyện học hành.
Chưa yên tâm chuyện đèn sách nơi đô thành, lại liên tiếp tin sét đánh. Năm 1935, quê nhà vỡ đê, nạn đói hoành hành, chuyện học của Chiển có nguy cơ đứt đoạn. May thay, trong lúc thất vọng, một con đường sáng mở ra. Nhờ học giỏi, Chiển được học bổng toàn phần và miễn phí nội trú. Rồi cuộc đời cậu đã thực sự thay đổi khi gặp vị GS lỗi lạc Hoàng Xuân Hãn.
Tháng 6-1941, sau khi đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài Đông Dương, Nguyễn Văn Chiển đến chia vui với thầy Hãn, khi ấy là giáo viên trường Bưởi. GS Hãn nói: “Giỏi Toán như thầy hay giỏi Vật lý như GS Nguỵ Như Kon Tum rốt cục cũng chưa làm được gì, vì nước ta quá nghèo, không có phòng thí nghiệm. Riêng khoa học Địa chất thì cả nước là một phòng thí nghiệm khổng lồ, chỉ sợ con không có chí…”. Lời khuyên của thầy Hãn như một định mệnh, làm thay đổi cuộc đời chàng trai đất Kinh Bắc. Anh quyết định gắn bó với ngành Địa chất còn rất mới mẻ xứ An Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Bác Hồ sớm phát hiện ra “nhân tố” Nguyễn Văn Chiển. Bước vào cuộc kháng chiến 9 năm, thầy Chiển càng phát lộ năng lực quản lý và tổ chức giáo dục nên được giao rất nhiều trọng trách như: Hiệu trưởng trường Sư phạm T.Ư, Giám đốc khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) từ 1951 đến 1953, Thư ký Ban cải cách giáo dục T.Ư… Trước đó, chính thầy Chiển được cử mang thư của Bác Hồ sang Trung Quốc phối hợp với bạn tổ chức khu học xá Nam Ninh. Đây cũng là cái nôi đào tạo nhiều trí thức lớn và cán bộ cấp cao cho đất nước.
Sau hoà bình ở miền Bắc, theo yêu cầu cách mạng, nhà khoa học Nguyễn Văn Chiển vẫn phải đảm đương nhiệm vụ quản lý Trường Đại học Khoa học (tiền thân là Đại học Đông Dương) trên phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Phải đến năm 1956, khi nhiều trường Đại học mới thành lập, thầy mới có điều kiện toàn tâm toàn ý cho ngành khoa học Địa chất nước nhà.
Cánh chim đầu đàn ngành Địa chất Việt Nam
Thôi nhiệm vụ quản lý, GS Chiển cùng cộng sự chuyển toàn bộ phòng thí nghiệm Địa chất từ Đại học Khoa học về Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiệm vụ đào tạo lớp kỹ sư Địa chất đầu tiên cho miền Bắc, phục vụ nhu cầu điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản cho đất nước. Đây là công việc cực kỳ khó khăn vì mọi thứ lúc đó đều mới mẻ, chưa có tiền lệ từ chương trình đến giáo trình giảng dạy. GS Chiển vừa tự học thêm, vừa dạy đuổi theo sinh viên từ môn học này sang môn học khác. Một khó khăn nữa là làm sao có đủ thuật ngữ tiếng Việt để giảng dạy khoa học có quá nhiều khái niệm, quá nhiều tên gọi bằng tiếng Pháp hoặc Hán Việt. Tài năng và nhiệt huyết của GS được khai thác tối đa, kết quả hàng loạt các thuật ngữ cơ bản về khoa học địa chất ra đời (gồm cả thuật ngữ mang tên ông) thông dụng đến bây giờ.

Tác giả (phải) tại nhà riêng GS Nguyễn Văn Chiển (tháng 11-1999).
Hoàn tất nhiệm vụ xây dựng khoa Địa chất tại Đại học Bách khoa Hà Nội, GS lại được Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng Trường Đại học Mỏ Địa chất và khoa mới về khoa học trái đất tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhờ quan hệ rộng với nhiều trí thức lớn, GS Chiển đã tranh thủ được các chuyên gia hàng đầu về địa chất của Liên Xô (cũ), Trung Quốc cùng tham gia đào tạo tại Việt Nam. Như vậy từ những lớp kỹ sư địa chất đầu tiên dưới sự dẫn dắt của GS Chiển, nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành về khoa học Địa chất Việt Nam. Niềm tự hào của GS Chiển là được đi khắp trong Nam ngoài Bắc, ở đâu ông cũng có thể gặp trực tiếp hoặc gián tiếp học trò của mình, từ các GS đầu ngành đến những kỹ sư trẻ đang mải mê làm việc nơi núi thẳm rừng sâu làm giàu cho Tổ quốc.
Sau năm 1975, GS Chiển được đề bạt làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, trực tiếp phụ trách lĩnh vực khoa học trái đất. Thời điểm này, ông đã chủ trì thành công 2 chương trình nghiên cứu lớn là “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” và thành lập “Bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”. Chương trình “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” được tiến hành trong điều kiện đất nước còn đầy thương tích sau chiến tranh, nhưng với nghị lực và tâm huyết, GS đã cùng các cộng sự xác định rõ 3 thế mạnh của Tây Nguyên là rừng, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc mà chúng ta vẫn đang thực hiện hiệu quả tại mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng này. Chương trình “Thành lập bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”, lại thể hiện tầm cao trí tuệ qua khả năng quy tụ các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, từ địa chất, địa lý, khí tượng thủy văn, nông nghiệp,… đến các ngành khoa học xã hội như lịch sử, văn hóa, dân tộc học… để hoàn thành công trình phức tạp này. Tập bản đồ Quốc gia ra đời là cơ sở quan trọng định hướng cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.
Tận những năm cuối đời, GS Chiển vẫn trăn trở với “Bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”, công trình ông đã dày công nghiên cứu, GS cho rằng: Nếu công trình này sớm được chuyển thành Atlat điện tử, chỉ cần ngồi một chỗ bấm nút điện tử là có thể biết nơi nào có rừng ngập mặn, nơi nào có quá nhiều sân golf để từ đó có cơ sở đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất, bảo đảm cho sự phát triển bền vững từng vùng, miền của đất nước.
Một năm đã xa, đang ngồi với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tiến Chấn tại nhà riêng của ông ở thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ (Thuận Thành), tôi bàng hoàng khi biết tin GS, NGND Nguyễn Văn Chiển, người mở đường cho ngành Địa chất Việt Nam qua đời vào hồi 14 giờ 40 phút ngày 21-7-2009.
Theo tâm nguyện khi còn sống, linh cữu GS, NGND Nguyễn Văn Chiển được an táng tại quê nhà để hòa vào cỏ cây hoa lá, nơi chôn rau cắt rốn của ông tại thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ (Thuận Thành).
Đúng 12 năm sau, trong cái nóng hầm hập đầu tháng 7-2021, NGND Nguyễn Tiến Chấn, người thầy mẫu mực ngành giáo dục Bắc Ninh cũng về cõi người hiền. Thầy ra đi khi vừa bước sang tuổi 90, khép lại một cuộc đời sôi nổi hiến dâng cho sự nghiệp trồng người trong gần bảy thập niên. Xin được nghiêng mình trước hai người thầy, hai nhân cách lớn đã góp phần làm rạng rỡ hơn truyền thống hiếu học vùng đất cổ Luy Lâu - Thuận Thành…
* GS, NGND Nguyễn Văn Chiển (1919-2009) được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Kỹ thuật năm 2005 * Tên ông được đặt cho các loài hóa thạch như Squameofavosites vanchieni, Plethorhyncha chieni * Ngày 2 tháng 11 năm 2013, Toàn bộ di sản của ông gồm 2500 tư liệu, gồm sổ ghi chép, nhật ký địa chất, bản thảo công trình nghiên cứu, bài viết, ảnh, hiện vật khối lưu giữ từ sau năm 1945 đến nay được gia đình trao cho Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam. |
Ghi chép của Thanh Tú
Ý kiến ()