Năm 1975, cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn quyết định, ý chí sôi sục giải phóng miền Nam của nhân dân cả nước trở thành cao trào thôi thúc hàng vạn thanh niên miền Bắc, cả học sinh, sinh viên các trường đại học tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu.
Quân và các bạn nhập ngũ được nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp 10 đặc cách vì đã học hết kỳ I của năm học. Bố mẹ Quân sinh được hai chị em, nhà chưa có ai đóng góp nghĩa vụ quân sự, chị gái có lệnh khám tuyển, thương chị Quân viết đơn xung phong nhập ngũ. Bố Quân là cán bộ xã, ban đầu ông băn khoăn nhưng sau cũng vui vẻ động viên con lên đường. Nga là Bí thư Chi đoàn lớp, Quân và Nga vốn chẳng thân nhau, có lúc còn không ưa nhau, Quân thì liệt Nga vào loại “bệnh nói nhiều”, ra vẻ là lãnh đạo, nhất là hay xen vào việc không phải của mình. Một lần, trong giờ giải lao Nga đang rao giảng gì mấy bạn nữ, Quân lấy mẩu phấn quấn vào dây chun và bắn trúng má Nga, Nga gục mặt khóc nức nở, sau có người tố Quân là thủ phạm, từ đó Nga rất ghét Quân, nên hết kỳ I lớp 10 Quân vẫn chưa được kết nạp vào Đoàn mặc dù Quân học giỏi nhất nhì lớp.
Khi biết Quân có giấy gọi nhập ngũ Nga lại cảm thấy ân hận, trước ngày Quân đi Nga đến nhà trao cho Quân một gói quà được bọc rất cẩn thận, bên ngoài đề Lớp 10A chúc bạn lên đường mạnh khỏe và Quyết định kết nạp Đoàn của Quân. Nga nói nhỏ: “Ban chấp hành Đoàn trường đã có Quyết định kết nạp Quân vào Đoàn, thời gian gấp nên không tổ chức được. Thay mặt Chi đoàn lớp, Nga trao Quyết định cho Quân. Chúc Quân lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không giận gì Nga!”. Quân chưa kịp nói lời cảm ơn thì Nga đã quay xe, Quân đứng lặng nhìn theo mà lòng thấy chộn rộn. Mở gói quà, một cuốn sổ màu xanh, lật trang bìa ngay trang đầu có dòng chữ to đánh bóng rất đẹp “Lưu niệm lớp 10A”. Chiếc khăn mùi xoa trắng thêu chữ “Kỷ niệm” bằng chỉ hồng bên trong gói mẩu phấn trắng.
Quân lặng người vì món quà kỷ niệm của lớp. Đây có phải là lời nhắc nhở chuyện cũ với Nga hay một ý gì mà Quân chưa hiểu rõ. Quân vội mở cuốn Nhật ký ra đọc lướt. Bốn mươi mốt trang viết của bốn mươi mốt bạn cùng lớp, mỗi người đều có những kỷ niệm riêng tư với Quân và lời chúc lên đường mạnh khỏe, hẹn gặp lại sau ngày đất nước thống nhất. Nga là người viết cuối cùng trong cuốn sổ lưu niệm nên mọi người không biết Nga nói gì, những dòng cuối Nga viết: “Hãy quên đi những hành động bồng bột của tuổi trẻ, Nga không bao giờ quên bạn, không còn giận thì viết thư về cho Nga nhé!”.
Sau hơn một tháng huấn luyện cấp tốc, đơn vị Quân được điều động bổ sung vào chiến trường, do yêu cầu thời gian rất gấp, cuộc hành quân được đi bằng ô tô. Theo chỉ lệnh của chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, cuộc hành quân thần tốc thế mà khi bổ sung vào đơn vị chiến đấu Quân chỉ được tham gia những trận đánh cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn. Quân là một chiến sĩ trẻ mới mười bảy tuổi chứng kiến không khí tràn ngập niềm vui của dân tộc đã giải phóng Sài Gòn là một niềm tự hào, may mắn.
Sau ngày giải phóng miền Nam, Quân có quyết định về trường Sĩ quan Lục quân I để được đào tạo và phục vụ lâu dài cho quân đội. Đồng chí chính trị viên đại đội gọi anh lên Ban chỉ huy trao quyết định và nói: “Đất nước đã thống nhất nhưng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, quân đội sau này phải tinh nhuệ, hiện đại, cần có những sĩ quan có trình độ được đào tạo chính qui bài bản. Đồng chí là người có năng lực nên cấp trên quyết định cử đồng chí đi đào tạo sĩ quan và là đối tượng kết nạp Đảng, gắng phấn đấu học tập rèn luyện tốt để trở thành chỉ huy giỏi sau này”. Về trường học tập, Quân có điều kiện gặp lại các bạn lớp 10A, người đầu tiên đến thăm Quân lại chính là Nga. Nga đỗ vào trường Đại học Sư phạm, nhân ngày nghỉ biết Quân đã về học sĩ quan nên rủ mấy cô bạn cùng lớp đạp xe mấy chục cây số lên thăm. Từ đó đôi bạn thường xuyên liên hệ và tình yêu đến từ bao giờ không biết. Cuốn sổ lưu niệm, chiếc khăn mùi xoa và mẩu phấn trắng Quân vẫn còn lưu giữ, giờ đây không chỉ có 41 trang viết mà thường xuyên có những trang nhật ký của Quân, những dòng chữ về công việc học tập, về lớp 10A, về bạn bè và nhiều nhất là viết cho Nga.
Sau ba năm đào tạo, Quân ra trường nhận quân hàm Thiếu úy và được điều động về chỉ huy đại đội ở đơn vị vùng biên giới. Nga học năm cuối đại học, tình yêu của Quân và Nga được hai gia đình và bạn bè cổ vũ, áp Tết 1978 Quân được nghỉ phép, hai gia đình tổ chức lễ ăn hỏi, chờ sau Tết sẽ tổ chức đám cưới. Đây là thời gian ngập tràn hạnh phúc của đôi bạn trẻ. Chưa hết phép, Quân nhận được điện lên đơn vị ngay, nhận nhiệm vụ gấp, tình hình biên giới căng thẳng, quân đội đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đêm chia tay đầy lưu luyến, họ đã trao gửi tất cả tình yêu cho nhau.
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, đơn vị Quân chiến đấu ngay từ những giây phút đầu tiên. Là chỉ huy đơn vị, Quân xông xáo, động viên các chiến sĩ vững vàng tay súng bám trận địa, ngày đầu tiên đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Đêm tiền tiêu tĩnh mịch, Quân tranh thủ mở cuốn nhận ký ghi lại những gì đã xảy ra của trận đánh và những dòng Quân viết cho Nga: “Nga ơi! Nhớ em nhiều lắm, chiếc khăn mùi xoa và mẩu phấn trắng vẫn cùng anh qua những giây phút đầy khốc liệt này. Kẻ thù đông quá, chúng như những đàn quỷ đói muốn nuốt chửng những gì chúng muốn, nhưng không dễ như chúng tưởng đâu. Có thể anh không về gặp em và mọi người thân yêu được nữa. Tha thứ cho anh. Anh mong em vững vàng và tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp. Mối tình đầu và tình yêu vĩnh cửu của anh, cho anh được ôm em thật chặt”. Cất cuốn sổ vào ba lô, Quân đi đến các tuyến hào kiểm tra tình hình. Bỗng những loạt pháo từ phía bên kia biên giới bắn sang xé nát bầu không khí tĩnh lặng. Quân đã kịp chỉ huy đơn vị vào vị trí chiến đấu, mờ sáng dưới chân đồi quân địch bò lên như những đàn kiến, trên chiến hào quân ta đã sẵn sàng, vào đúng tầm bắn Quân phát lệnh nổ súng, những loạt đạn từ các hướng hất tung bọn địch xuống phía dưới, chúng tiếp tục xông lên, lại những loạt đạn găm vào đội hình địch, cứ như vậy đến gần trưa thì địch không dám xông lên nữa. Đơn vị bị thương vong rất lớn, Quân trào nước mắt tiễn biệt các đồng đội đã hy sinh và tổ chức đưa anh em thương binh về tuyến sau. Sang ngày thứ ba thì lực lượng của ta không còn đủ sức để ngăn quân địch, Quân cho anh em lui về tuyến hai phòng ngự, chỉ để một tổ chiến đấu do Quân chỉ huy. Quân trao chiếc ba lô của mình cho Bình, chỉ huy phó và nói: “Chuyển về gia đình giúp tôi, hãy động viên Nga giúp tôi nhé”. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, Quân đã ngã xuống chiến hào, trong tay còn quả lựu đạn chưa kịp mở chốt.
Nga đau xót nhận tin Quân hy sinh. Sau đêm chia tay là những tháng ngày chờ đợi, lo lắng, Nga thấy trong người khang khác, Nga đã có thai, cái thai trong bụng cứ mỗi ngày một lớn. Không còn đầu óc để thi tốt nghiêp đại học, cô xin nhà trường cho bảo lưu kết quả học tập. Nga về quê và xin phép bố mẹ đẻ cho mình sang ở nhà Quân để động viên chăm sóc bố mẹ anh, dù sao thì hai gia đình cũng đã làm lễ ăn hỏi. Từ khi Quân hy sinh, bố mẹ anh sa sút về tinh thần và sức khỏe. Thế rồi Sự được ra đời, nó giống Quân như đúc, hai gia đình và họ hàng, làng xóm phấn khởi vô cùng. Năm sau Nga đến trường để hoàn thành việc thi tốt nghiệp. Trở thành cô giáo, Nga được nhận về trường cấp III huyện nhà, nơi Quân và Nga từng học chung một lớp.
Cuộc gặp mặt lớp 10A năm nay đúng vào thời gian 45 năm nổ ra chiến tranh biên giới, lớp 10A có mời thân nhân các liệt sĩ, lớp có 42 học sinh, ba bạn nhập ngũ đã hy sinh. Thành và Tiến nhập ngũ năm 1976 sau Quân một năm, hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới Tây Nam “khi ngả vào lòng đất vẫn con trai”. Quân hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 tại mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, đó cũng là năm Sự được chào đời. Sự sinh ra nhưng không biết mặt bố và Quân trước lúc hy sinh cũng không biết giọt máu của mình, mầm sống mà Nga lưu giữ. Sự lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, bố mẹ. Bố dượng của Sự chính là chú Bình, người trực tiếp chôn cất bố Quân và mang quân tư trang cùng những vật kỷ niệm của bố Quân về cho gia đình, trong đó có cuốn sổ lưu niệm lớp 10A, chiếc khăn mặt mùi xoa và mẩu phấn trắng. Chiến tranh biên giới phía Bắc đã im tiếng súng, Bình phục viên và về ở hẳn với bố mẹ Quân chăm sóc phụng dưỡng ông bà và thay Quân chăm lo cuộc sống cho hai mẹ con Nga, đúng như lời căn dặn của Quân trước lúc hy sinh. Tiếp bước con đường binh nghiệp của bố, học hết Trung học phổ thông Sự thi vào Sĩ quan Lục quân, nơi bố Quân học ngày xưa. Giờ đây Sự đã trở thành sĩ quan cao cấp, cán bộ chỉ huy cấp Sư đoàn. Sự có cô em gái đang làm bác sĩ ở bệnh viện Trung ương. Hôm nay lớp 10A họp mặt, Sự vinh dự được mời đại diện thân nhân liệt sĩ.
Thời gian trôi đi thật nhanh, mới ngày nào còn “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” giờ đã ở tuổi gần 70, bà Nga hồi tưởng lại quá khứ đầy vui buồn như thước phim quay chậm hiện về và mở cuốn sổ lưu niệm đọc những dòng Quân viết nhắn gửi các bạn cùng lớp trước lúc hy sinh.
Truyện ngắn của Trường Sinh
Ý kiến ()