BÀI 2: Quan họ “nở cành, xanh ngọn”
BÀI 3: Biến di sản thành tài sản
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là nguồn tài nguyên vô tận, kho dữ liệu phong phú có thể tạo nên những sản phẩm văn hóa có giá trị, thúc đẩy ngành Công nghiệp sáng tạo phát triển. Bắc Ninh đã khởi động những bước đầu tiên, đưa Dân ca Quan họ quảng bá khắp 5 châu, nhưng bao giờ Quan họ mới có tầm ảnh hưởng rộng rãi, tạo thành những trào lưu hâm mộ toàn cầu và mang lại giá trị kinh tế?
Hoạt động sáng tạo, thể nghiệm các chương trình nghệ thuật đặc sắc là một trong những giải pháp tạo ra giá trị kinh tế cho di sản Quan họ.
Định lượng giá trị kinh tế di sản Quan họ
Dưới góc độ phát triển bền vững của UNESCO, di sản vừa là đối tượng phục vụ con người nhưng cộng đồng xã hội cũng có trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản. Sáng tạo và phát triển kinh tế từ nguồn lực di sản là nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ hội nhập quốc tế, qua đó sẽ tạo ra nguồn lực tài chính giúp nâng cao chất lượng sống của cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Nhiều quốc gia phát triển đã sáng tạo thành công các mô hình để khai thác hiệu quả giá trị kinh tế thông qua các sản phẩm được sáng tạo từ nguồn lực di sản văn hóa.
Để đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển hơn nữa các giá trị của di sản Dân ca Quan họ trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc nhìn nhận rõ những việc đã làm được, chưa làm được, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, nhất là việc khai thác giá trị kinh tế của di sản là yêu cầu cần thiết. Tại Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29-8-2022 của Tỉnh ủy Bắc Ninh “Xây dựng và phát triển con người, văn hóa Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã nhận định: “Sự phát triển văn hoá, con người chưa đồng bộ, chưa ngang tầm với vai trò và tương xứng với tăng trưởng kinh tế; chưa phát huy tối đa lợi thế nguồn lực văn hóa, con người trong phát triển đô thị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị các di sản văn hoá vào việc phát triển du lịch, dịch vụ, môi trường văn hóa ở một số nơi chưa lành mạnh;... việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ văn hóa còn chậm.”
Để trả lời câu hỏi khoa học về giá trị kinh tế của Dân ca Quan họ cần nghiên cứu làm rõ giá trị phức hợp của di sản. Song việc làm đó không đơn thuần là các con số và cũng không thể dừng lại ở mức độ xác định các thành tố để khai thác giá trị kinh tế. Hơn hết phải là sự thay đổi trong tư duy, tầm nhìn, có nhận thức đúng đắn về giá trị, vai trò quan trọng của di sản thế giới trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa của cộng đồng địa phương và của tỉnh.
Diễn xướng Dân ca Quan họ trên thuyền - một sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của Bắc Ninh.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh mang giá trị phi vật thể, là tri thức dân gian, vẻ đẹp ngôn ngữ trong lời ca, làn điệu; là lối sống, triết lý nhân sinh trong giao tiếp, ứng xử; là nghệ thuật, kỹ năng diễn xướng; là lễ hội, phong tục... Quan họ cũng mang giá trị vật thể bao gồm trang phục; vật dụng trong sinh hoạt diễn xướng; hệ thống thiết chế văn hóa như nhà hát, nhà chứa, đình, đền; đặc biệt còn có những đặc sản ẩm thực Quan họ... Tuy nhiên, tất cả những giá trị ấy không thể giao dịch trên thị trường như một thứ hàng hóa thông thường, mà phải chuyển đổi vào hoạt động du lịch, các mô hình dịch vụ, hoặc thông qua các loại hàng hóa khác để tạo ra giá trị lợi nhuận.
Hình dung sơ bộ về hệ sinh thái sản phẩm văn hóa có thể sáng tạo ra từ di sản Dân ca Quan họ bao gồm: Các buổi biểu diễn, chương trình nghệ thuật thể nghiệm để phục vụ khán giả, khách du lịch; chuỗi những sản phẩm, quà tặng lưu niệm, văn hóa ẩm thực liên quan đến Dân ca Quan họ... Một miếng trầu têm cánh phượng mà liền anh, liền chị mời quan khách có thể tạo cảm xúc ấn tượng tại một thời điểm, ở phạm vi cá nhân nhưng nếu đưa được hình ảnh miếng trầu cánh phượng vào trong lĩnh vực thiết kế, trang trí sản phẩm tiêu dùng đại chúng thì giá trị sẽ tăng gấp bội... Tương tự, một chiếc khăn mỏ quạ thuần túy của liền chị, nếu trở thành những phiên bản quà tặng lưu niệm đã rất ấn tượng, nhưng sẽ độc đáo và thu hút hơn khi một tách cafe mang tên “mỏ quạ” với hương vị đằm thắm đặc trưng, đánh thức vị giác bởi nguồn cảm hứng từ hình ảnh liền chị duyên dáng. Khi ấy, tách cafe không chỉ là một thức uống mà còn là một “sản phẩm văn hóa” độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Quan họ.
Từng dành trọn một ngày cuối tuần đến trải nghiệm tại làng Quan họ gốc Hoài Trung (Liên Bão, Tiên Du), tham quan phòng trưng bày Quan họ xưa và nay, nghe kể chuyện về các kỷ vật Quan họ, được thưởng thức canh hát cổ và tìm hiểu về ẩm thực cỗ chay Quan họ, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng: “Tôi nghĩ rằng không chỉ những người yêu văn hóa truyền thống Việt Nam, mà rất nhiều gia đình, các bậc phụ huynh, các em học sinh cũng mong muốn được trải nghiệm một không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ truyền thống thú vị như thế. Các cấp, ngành của tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục hỗ trợ để CLB Quan họ Hoài Trung có thể duy trì tổ chức mở cửa đón tiếp khách định kỳ, kết nối với các tour du lịch văn hóa...”.
Không chỉ riêng bà Phạm Thị Thanh Hường mà nhiều người dân Bắc Ninh nói riêng, du khách trong và ngoài nước nói chung đều có chung mong muốn làm sao phát huy sức sáng tạo của cộng đồng để những thành tố của di sản văn hóa Quan họ có thể được sử dụng dưới các dạng thức khác, gia tăng giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ khác của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thời trang, thiết kế, ẩm thực...
Trầu têm cánh phượng, nón quai thao, ô lục soạn gợi mở cảm xúc sáng tạo để thiết kế những sản phẩm du lịch đậm bản sắc Bắc Ninh.
Kích hoạt đồng bộ các giải pháp
Chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa sẽ là kim chỉ nam quan trọng để định hướng cho sự phát triển kinh tế di sản. Quán triệt Nghị quyết 71 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ 7 vấn đề trọng tâm cũng là 7 điểm mới đề cập trong nội hàm Nghị quyết và nhấn mạnh: Văn hóa phải tạo ra giá trị vật chất và của cải cho xã hội được thể hiện qua mục tiêu chi ngân sách cho văn hóa là 4% nhưng chỉ tiêu đóng góp của văn hóa cũng phải đạt từ 3-5% GRDP. Đặc biệt, Nghị quyết cũng đề cập rất kỹ cách làm thế nào để tạo ra các sản phẩm văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh.
Những năm gần đây, Bắc Ninh bắt đầu chú trọng đến kinh tế di sản, đến câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được thảo luận. Từ việc nhận thức, đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản ở Bắc Ninh đều là những vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đối với riêng di sản văn hóa Quan họ vốn được kết tinh từ sức sáng tạo liên tục của cộng đồng người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc trong suốt hàng trăm năm qua và còn được ghi danh là di sản thế giới, đương nhiên việc tìm kiếm giải pháp phát triển kinh tế di sản sẽ được chú trọng. Giới chuyên gia đề xuất cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới chính sách khuyến khích, đãi ngộ nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hoá, nghệ thuật, truyền dạy Dân ca Quan họ trong cộng đồng. Xây dựng Dân ca Quan họ Bắc Ninh trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thu hút đầu tư dựa trên nghiên cứu hiểu biết sâu sắc về di sản; khuyến khích, nuôi dưỡng năng lượng sáng tạo, kết nối di sản Quan họ với các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm... và sản xuất ra các sản phẩm vừa có tính mới lạ, tính kế thừa, vừa gần gũi với văn hóa đại chúng nhằm gia tăng giá trị của di sản Dân ca Quan họ.
Số hóa và xây dựng hệ thống dữ liệu “big data” về Quan họ, đồng thời đầu tư phương tiện, thiết bị công nghệ nhằm tạo hiệu ứng mới về di sản. Hoàn thiện Bách khoa thư Dân ca Quan họ Bắc Ninh - công trình chứa đựng tri thức tổng thể, đáp ứng yêu cầu tra cứu, học tập, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tổ chức các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tìm hiểu và trang bị kỹ năng bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ; khai thác thế mạnh từ các phương tiện truyền thông, không gian số, mạng xã hội để quảng bá về giá trị Dân ca Quan họ, từ đó thu hút sự quan tâm và tham gia của công chúng.
Cùng với đó, bảo tồn không gian diễn xướng tại các làng Quan họ, coi trọng và giữ gìn lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa các làng Quan họ gốc, phát triển làng Quan họ thực hành, các CLB Quan họ để làm cơ sở, không gian cho hoạt động thực hành diễn xướng. Mở rộng ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài tiếp cận, giới thiệu về di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đặc biệt, cần hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu, dự báo, cập nhật xu hướng và xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững di sản, bảo đảm mọi hoạt động khai thác, phát triển công nghiệp văn hóa đều không ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị cốt lõi của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Hành trình biến di sản thành tài sản chắc chắn không dễ dàng, nếu như không đổi mới cách nhìn và tư duy sáng tạo. Đặc biệt, muốn phát triển kinh tế di sản, nhất thiết phải coi trọng nguồn lực con người vì cần bắt đầu từ những ý tưởng mới lạ, dựa trên nền tảng các lý thuyết gắn liền với thực tiễn, sức sống của dân ca Quan họ. Từ những ý tưởng tạo ra các sản phẩm thương mại, sản phẩm du lịch để chuyển hóa các giá trị di sản văn hóa thành giá trị kinh tế, nếu không có những người tâm huyết, có trí tuệ, tinh thần vì cộng đồng sẽ rất khó để thực hiện. Bên cạnh đó, những người làm chính sách, nhà quản lý văn hóa cũng phải đổi mới nhận thức và có những động thái cụ thể để trân trọng, nhằm tạo ra sự thay đổi và những “cú hích” mới cho nền công nghiệp không khói này.
Tuấn Minh-Thanh Thanh
Ý kiến ()