Trong tâm thức của nhiều người dân sinh ra từ vùng trũng Gia Bình, cái thời đồng đất cằn cỗi, làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn nghèo khó trôi dần về ký ức. Giờ đây, hiển hiện trước mắt họ là những vườn cây quả nặng trĩu, những bờ ao vuông vức kè kiên cố, những nhà màng công nghệ cao vươn lên giữa cánh đồng… Một ngày cuối đông, chúng tôi vút xe trên con đường bê tông chạy xuyên qua những mảng màu xanh ấy để tận thấy ý chí, nghị lực của mỗi người nông dân và sự hiệu quả của những quyết sách mang tính đột phá.
Dừng chân tại trang trại nằm bên bờ kênh thuộc thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai), bà Bùi Thị Hoa, một nông dân đang thoăn thoăn tay cuốc vun xới liền lau vội những giọt mồ hôi chia sẻ với chúng tôi: “Giờ tôi đi làm thuê

Sản xuất dưa chuột baby trong nhà màng hiện đại của HTX dịch vụ tổng hợp Xuân Mai (Nhân Thắng) |
nhưng lại khá hơn làm chủ. Cũng chính tại nơi đây, tôi từng có mấy sào ruộng nhưng không biết làm cách nào cho đất sinh lời, dù vất vả xoay xở nhiều cách. Nền đất trũng, cứ cấy được 1 vụ lại phải bỏ hoang 1 vụ. Thế mà, chuột, sâu bọ phá hoại, vụ nào thu hoạch tốt lắm được hơn 1 tạ/sào, cái nghèo đeo bám. Từ khi cho mượn lại ruộng, tôi đi làm công lại có thu nhập ổn định 200.000 đồng/ngày”.
Theo hướng chỉ tay của bà Hoa, chúng tôi phóng tầm mắt ra xa thấy vườn bưởi xanh ngút gần 20 ha của ông Nguyễn Đình Triệu. Từng gốc bưởi vươn cao là biết bao tâm sức, mồ hôi và tiền bạc của một doanh nhân xuất thân từ làng. Dù đang làm ăn phát đạt cùng nghề may mặc, nhưng ngày ngày nhìn thấy ruộng bỏ hoang mà lòng xót xa, tiếc nuối, ông Triệu quyết tâm vỡ đất. Biết rằng nếu tiếp tục với phương thức canh tác cũ khó mà đem lại hiệu quả, ông mày mò tìm hiểu và lựa chọn giống bưởi da xanh của miền Nam đầy tiềm năng đưa về chân đất cũ. Bao ngày đêm dồn sức người, sức máy, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, lên luống để sẵn sàng xuống giống. Khi ông đưa cây giống từ miền Nam chuyển về, nhiều người vẫn hoài nghi về tính khả thi của dự án. Ấy thế mà sau 5 năm những hoài nghi ấy phải thay đổi. Đến nay, vườn bưởi trĩu quả bắt đầu cho thu hoạch với giá bán bình quân 20-30 nghìn đồng/quả, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Đến nay, ông mở rộng diện tích ra các thôn khác như Định Mỗ, Ngô Thôn, Định Cương… cùng một số loại cây mới như cam canh, bưởi diễn… tổng diện tích gần 50 ha, là vùng chuyển đổi quy mô lớn nhất huyện Gia Bình. Ông Triệu khẳng định: “Mình vốn là nông dân, sống dựa vào đất nên không thể nhìn đất vàng lại bạc cằn đi. Đổi mới phương thức canh tác, chọn cây trồng phù hợp hoàn toàn có thể biến vùng trũng chuyển mình vươn lên thành điểm sáng phát triển kinh tế của các địa phương”.
Tiếp bước trên con đường màu xanh, chúng tôi tới khu nuôi trồng thủy sản tập trung được quy hoạch của xã Xuân Lai bắt gặp gia đình ông Nguyễn Văn Hanh vừa thu hoạch được mẻ cá lớn. Hồi tưởng lại ngày mới đấu thầu 2,1 ha khu đất lúa bỏ hoang của làng, ông còn mông lung chưa biết làm sao với chất thổ nhưỡng đó. Sau khi cải tạo và túc tắc vài vụ xen canh lúa cá, có lúc ông nản chí muốn bỏ cuộc bởi mực nước nông nên cá chậm lớn, vào mùa xuân thường bị dịch bệnh, năng suất kém. Chưa kể đường giao thông nhỏ hẹp gây khó khăn cho việc vận chuyển thức ăn, con giống cũng như khi vào vụ thu hoạch cá.
Đến năm 2014, chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Xuân Lai đem lại động lực lớn cho người nông dân cần mẫn bám đất nơi đây. Dự án có tổng đầu tư hơn 40 tỷ đồng bao gồm các hạng mục xây dựng đường giao thông, tuyến kênh chính cấp nước, tuyến kênh thoát nước, khu xử lý môi
 Chuyển đổi ruộng trũng thành trang trại trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Đình Triệu đem lại việc làm cho lao động địa phương. |
trường, hệ thống điện phục vụ sản xuất, chiếu sáng và sinh hoạt… Sau khi hoàn thành, cả khu ao, hồ gần 200 ha như bừng sáng, giao dịch mua-bán cá sôi động hơn hẳn. Các hộ tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, nhà ông Hanh đưa vào áp dụng quy trình nuôi cá VietGap và được cấp giấy chứng nhận đầu năm 2020. Dù thả nuôi những loại cá truyền thống như trắm, chép, rô phi, trôi, mè, nhưng sản lượng bình quân mỗi năm đạt hơn 20 tấn, cho doanh thu gần 1 tỷ đồng/ năm, lợi nhuận đạt 20-30%.
Trên đồng đất Gia Bình hôm nay, ngày càng nhiều những mô hình xanh nổi lên như thế. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình trồng dưa chuột baby trong nhà màng của HTX dịch vụ tổng hợp Xuân Mai (Nhân Thắng) cho sản lượng khoảng 35 tấn dưa các loại, doanh thu gần 2,5 tỷ đồng; mô hình trồng nho hạ đen và các loại ổi, mít, đu đủ... ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trên tổng diện tích 6,7 ha của HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương; Mô hình trồng và chế biến cây dược liệu quy mô gần 1ha của Công ty TNHH dược liệu Việt Kết (xã Thái Bảo) hiện có 8 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh; Mô hình trồng sen lấy hoa và hạt kết hợp tạo cảnh quan du lịch của anh Bùi Công Thành (thị trấn Gia Bình)... Kết quả đó có được, ngoài sự quyết tâm của người nông dân thế hệ mới, còn là những chủ trương kịp thời, đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 21-5-2020 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Gia Bình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2020-2025 đem đến những tín hiệu tích cực. Đến nay, có 10 xã gồm Quỳnh Phú, Lãng Ngâm, Xuân Lai, Song Giang, Đông Cứu, Giang Sơn, Đại Lai, Nhân Thắng, Cao Đức, Vạn Ninh chuyển đổi được 68,99 ha, trong đó, chuyển sang trồng rau màu hàng năm 15,73 ha, trồng cây ăn quả lâu năm 52,593 ha, nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa 1,2 ha. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Gia Bình luôn giữ vững vị trí trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh về quy mô, năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Giá trị sản xuất trồng trọt/1 ha canh tác đạt 133,9 triệu đồng. Toàn huyện hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung diện tích 129 ha, có 25ha diện tích sản xuất cây rau màu đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2021 có 74 hộ nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP nâng tổng số hộ đạt chuẩn VietGap trong lĩnh vực thủy sản toàn huyện là 125 hộ.
Đón thời khắc khu Công nghiệp tập trung Gia Bình I, II đi vào hoạt động, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Gia Bình được xác định là nhiệm vụ tất yếu và cần được đẩy nhanh hơn. Trao đổi với ông Phạm Công Quyện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chúng tôi được biết trong ngắn hạn sắp tới, huyện tiếp tục định hướng chuyển đổi các loại cây đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và công nghiệp hóa như rau ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, để khai thác hiệu quả đất đai, các địa phương sẽ tăng cường quản lý hoạt động chuyển đổi theo đúng quy hoạch, kết hợp thực hiện tích tụ ruộng đất khi tiến hành dồn điền, đổi thửa tạo thành những vùng sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, giao thông, thủy lợi, điện… chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp liên kết với nông dân để tạo đầu ra ổn định.
Rời vùng đất trũng Gia Bình, chúng tôi cảm nhận rất rõ hơi ấm của một mùa xuân mới đang về mang theo những ước vọng mới về cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn không chỉ riêng cho những ông chủ trang trại tiền tỷ mà lan tỏa niềm ấm no cho mỗi người dân nơi đây.
Ghi chép của Song Giang
Ý kiến ()