Giữa thanh âm mùa xuân phơi phới, những chồi non, lộc biếc đang vươn mình trong hơi gió và tiếng reo vui nhộn nhịp đón tia nắng mới. Xuân-hạ-thu-đông, quy luật của đất trời cứ lặp đi, lặp lại hàng vạn năm, hàng triệu năm nhưng chưa bao giờ đơn điệu, mà luôn vận động, giao thoa, kế thừa, tiếp nối cho vạn vật sinh sôi. Qua tháng năm duyên đất, tình người Tiên Du luôn hòa quyện, đan xen, hóa thân thành những khúc biến tấu độc đáo gửi gắm bao khát vọng của con người, cho những mùa nối mùa tỏa hương thơm, trái ngọt.
Ngược phố về quê ngày cuối năm, thong dong cùng cán bộ Hội Nông dân huyện Tiên Du, qua những làng quê ven bờ sông Đuống, vẫn mảnh đất ấy, vẫn những con người ấy nhưng hôm nay đã thật sự đổi khác. Ghé qua mô hình trồng nho hạ đen theo hướng sinh thái của gia đình anh Trần Duy Ngọc, xã Liên Bão, càng cảm phục tư duy nhạy bén, sáng tạo của người nông dân thời 4.0 này. Chỉ tay về phía trước khu vườn được cải tạo thành từng ô, hàng, có mái che trong suốt, anh Ngọc giới thiệu sắp tới trồng thêm 200 gốc nho hạ đen nâng tổng số lên hơn 500 gốc. Sát cạnh là 2 ao thả cá và nhiều cây ăn quả, cây cảnh quan,... đang định hình vóc dáng của mô hình trang trại-sinh thái tổng hợp. Vào chuyện mới hay, vốn có sở trường trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, song vì niềm đam mê, muốn gắn bó với đồng đất quê hương, anh học tập kinh nghiệm nhiều nơi rồi đưa cây nho hạ đen vào trồng thử nghiệm. Mô hình trồng nho theo hướng sinh thái của gia đình anh tuy mới được thực hiện hơn 1 năm, đã thể hiện rõ sự bài bản trong việc đầu tư, quy hoạch. Riêng hệ thống phun nước và tưới phân tự động đã đầu tư tới cả hàng trăm triệu đồng, chưa tính tiền giống mỗi cây nho là 120.000 đồng. Anh Ngọc chia sẻ: “Vụ thu hoạch đầu tiên sản lượng tuy chưa nhiều, nhưng được giá, bình quân từ 120.000-150.000 đồng/1 kg. Đây là tiền đề củng cố thêm niềm tin để vợ chồng tôi quyết tâm theo đuổi cây nho hạ đen...”.
Chia tay anh Ngọc, theo “cung đường mùa xuân” chúng tôi đến Khu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp Công nghệ cao xã Việt Đoàn để “mục sở thị” doanh nghiệp nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao nhất, nhì tỉnh. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu nuôi trồng tảo xoắn và nấm đông trùng hạ thảo được đầu tư bài bản từ hệ thống nhà xưởng, phòng thí nghiệm và khu sản xuất, chị Nguyễn Thị Ngọc Tỉnh, Giám đốc Công ty Cổ phần sinh học Bảo Khang kể: “Năm 2015, tỉnh Bắc Ninh có chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Khoa học công nghệ vào sản xuất tại khu thực nghiệm, Bảo Khang là một trong 3 doanh nghiệp của tỉnh được lựa chọn. Tại đây, Công ty được giao 1.800 m2 mặt bằng, tôi đầu tư xây dựng 700 m2 nhà màng và bể nuôi trồng tảo xoắn, hệ thống nhà xưởng, phòng thí nghiệm và khu sản xuất. Có mặt bằng, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn, tôi bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu nuôi trồng thêm nấm đông trùng hạ thảo”.

Mô hình dưa lưới tại xã Cảnh Hưng (Tiên Du).
Điều đặc biệt, Bảo Khang đơn vị tiên phong sản xuất nấm đông trùng hạ thảo từ nền cơ chất tổng hợp được tạo nên từ tảo Spirulina có giá trị dược liệu cao. Các sản phẩm của doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và được đăng ký bảo hộ quy trình sản xuất, bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Còn sản phẩm tảo xoắn Bảo Khang đạt top 50 thương hiệu tin cậy, sản phẩm chất lượng, được nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe lựa chọn là nhà cung cấp nguyên liệu. Bình quân mỗi năm, Công ty sản xuất khoảng gần 400kg tảo khô và 330kg bột sinh khối nấm đông trùng hạ thảo cung cấp nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho đối tác. Đầu năm 2021, sản phẩm tảo và nấm đông trùng hạ thảo của Công ty được chứng nhận đạt OCOP 5 sao. Việc được công nhận sản phẩm OCOP là đòn bẩy, cơ hội để Công ty Cổ phần sinh học Bảo Khang tiếp tục phát triển, sản phẩm tiếp tục vươn xa đến với khách hàng ở khắp mọi miền tổ quốc.
Riêng Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH và CN) làm chủ đầu tư là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chắp cánh sản xuất nông nghiệp vươn xa. Với quy mô rộng 17 ha, tại các xã Việt Đoàn và Phật Tích, kinh phí đầu tư hơn 152 tỷ đồng, đây là cơ sở để sản xuất các loại giống cây trồng chất lượng cao bằng áp dụng công nghệ sinh học, thử nghiệm, trình diễn những thành tựu mới về khoa học công nghệ trong nông nghiệp để nông dân học tập, làm theo, góp phần từng bước thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của nông dân, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân Tiên Du thời nay sản xuất nông nghiệp không chỉ dừng lại ở 2 vụ lúa xuân- mùa theo phương thức truyền thồng, tư duy “thâm căn cố đế” không còn tồn tại, thay vào đó là công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất cho ra đời sản phẩm có nhiều giá trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới. Nói về những thành quả trong sản xuất nông nghiệp của huyện Tiên Du, chị Nguyễn Thị Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện phấn khởi: Thực hiện chủ trương của huyện, nông dân Tiên Du tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa những cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hoá. Mỗi địa phương chọn lựa, khai thác ưu thế riêng để phát triển, như: Vùng lúa hàng hóa và nuôi con đặc sản ở thị trấn Lim, Nội Duệ; vùng hoa, cây cảnh Phú Lâm, Việt Đoàn; cây vụ đông Tân Chi, Phật Tích; chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở Cảnh Hưng, Tri Phương … Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển sâu rộng, nhiều hộ nông dân đã thể hiện tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm và làm có hiệu quả từ các mô hình kinh tế trang trại, điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Tích, ông Nguyễn Hữu Khởi xã Việt Đoàn, Bà Nguyễn Thị Mơ (Phú Lâm); ông Nguyễn Đăng Hiển (Tân Chi)…
Người nông dân thời 4.0 đã nâng tầm tri thức, những cánh đồng quê cũng như đang thao thức với thời gian. Điều đáng quý ở họ là đã chủ động tiếp thu và làm chủ công nghệ áp dụng vào sản xuất, mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đại Đồng khẳng định: “Không thể phủ nhận thành quả vượt bậc của phát triển công nghiệp, song không vì thế mà sản xuất nông nghiệp bị “lép vế”. Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn nhận thức sâu sắc một điều, dù công nghiệp có phát triển đến đâu đi chăng nữa, thì sản xuất nông nghiệp vẫn luôn giữ vai trò bảo đảm an ninh lương thực, là nền tảng bảo đảm ổn định xã hội. Do vậy, phát triển công nghiệp, phải luôn song hành với phát triển nông nghiệp. Huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo chiều sâu, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ-sinh thái. Khuyến khích phát triển công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung tích tụ ruộng đất và đầu tư hạ tầng cơ sở, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Định hướng đã rõ, cùng với nền tảng đã tạo dựng, con người Tiên Du nâng tầm trí tuệ, bồi đắp nguồn lực cho hiện tại và tương lai. Những nông dân của các làng quê ấy vẫn luôn bám đất, bám ruộng viết tiếp những mùa vụ sinh sôi, gieo khúc hoan ca gọi mùa xuân về. Khép lại năm Tân Sửu với bao khó khăn thách thức song cũng chứa đựng không ít những trái ngọt, xuân Nhâm Dần đang hiện diện, với tình yêu quê hương, xứ sở, người dân Tiên Du lại gắng sức, bền lòng cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.
Thùy Dương - Diệu Linh
Ý kiến ()