Quản lý nước thải và chất lượng nước đang là vấn đề nổi cộm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để từng bước bảo vệ môi trường nước và các lưu vực sông, ngành Tài nguyên - Môi trường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Bắc Ninh hiện có 3 hệ thống sông lớn chảy qua gồm sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình. Ngoài ra, còn có hệ thống sông ngòi nội địa như: sông Dâu, Đông Côi, Bùi, Đồng Khởi, Đại Quảng Bình, ngòi Tào Khê... do chịu tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế nên chất lượng nước sông ở một số vị trí và các thời điểm bị ô nhiễm, đặc biệt là sông Cầu. Qua kết quả khảo sát, có 4 nhóm nguồn thải chính ảnh hưởng đến chất lượng nước các lưu vực sông bao gồm nước thải từ: các CCN, làng nghề; KCN; các đô thị và nước thải nông thôn. Tổng lưu lượng nước thải từ các làng nghề, CCN trong tỉnh ước tính khoảng 50.000 m3/ngày, đêm. Phần lớn lượng nước thải này không được xử lý mà chảy ra hệ thống kênh mương thủy lợi sau đó chảy ra các lưu vực sông. Đối với các KCN, lượng nước thải đều qua hệ thống xử lý tập trung, các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Về nước thải sinh hoạt tại các đô thị (trừ thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh do đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung tập trung) đều xả thẳng ra môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng nước các ao, hồ, kênh, mương và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tương tự, lượng nước thải sinh hoạt trong các khu vực nông thôn cũng không qua xử lý mà đổ trực tiếp vào hệ thống mương, ao hồ có sẵn trong khu dân cư hoặc vào hệ thống tiêu úng nông nghiệp (toàn tỉnh hiện mới có 3 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn tại xã An Bình, Thuận Thành; xã Tân Chi, Tiên Du và tại thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Kết quả phân tích nước thải tại các cống thải tập trung của các khu dân cư như: hàm lượng các chỉ tiêu đặc trưng (DO, BOD5, COD, TSS, Fe, nitrite, photphat, amoni, clorrua) đều vượt quy chuẩn cho phép và có xu hướng ngày càng tăng.
Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Năm 2016, các đơn vị triển khai mạng lưới quan trắc môi trường gồm 126 điểm nước mặt, nước thải và nước ngầm; duy trì trạm quan trắc tự động trên sông Cầu. Công tác điều tra cơ bản, thống kê nguồn thải, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông và làng nghề; các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được quan tâm thực hiện. Qua đó, hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên nước và quản lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường nước được cải thiện, đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, trước tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh, vấn đề xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh càng trở nên cấp thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường nước, nhất là các lưu vực sông, ngành Tài nguyên và Môi trường đang tập trung triển khai một số giải pháp. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, các địa phương kiểm soát không cấp phép đầu tư cho các loại hình, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiến tới đình chỉ sản xuất, di dời địa điểm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, là các doanh nghiệp tại các làng nghề, CCN, các doanh nghiệp cố tình vi phạm, xả trộm chất thải không xử lý gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn tiếp nhận, đặc biệt là các sông: Đuống, Cầu, Ngũ Huyện Khê và các kênh tưới tiêu nội đồng. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy hiệu quả hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát, dự báo diễn biến chất lượng các thành phần môi trường tự nhiên, xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường; đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát tự động đối với môi trường nước mặt, không khí, nước thải tại các KCN, CCN, doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn và các điểm nhạy cảm trên các lưu vực sông. Tích cực hợp tác quốc tế và xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái môi trường vì một Bắc Ninh phát triển bền vững.
Tăng cường chế tài đối với những hành vi gây ô nhiễm nguồn nước
(Ông Ngô Chí Hướng, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Quản lý tài nguyên nước)
Hệ thống pháp luật trong bảo vệ tài nguyên nước, quản lý nước thải được ban hành khá hoàn thiện. Việc triển khai, tuân thủ trên thực tiễn có nhiều tiến bộ phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, để bảo vệ nguồn tài nguyên lâu dài, bền vững các địa phương cần tăng cường các biện pháp, chế tài (xử lý hình sự, xử lý người đứng đầu tổ chức, tăng mức phạt tiền) đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước; thực hiện ký quỹ để nâng cao trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định; xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát trực tuyến hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả thải lớn; định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết công bố công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm…
Sớm ban hành cơ chế khuyến khích tái sử dụng nước thải đô thị
(GS.TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam)
Đô thị hoá nhanh làm nảy sinh nhiều bế tắc được gọi là “căn bệnh đô thị” với những triệu chứng như giao thông tắc nghẽn, trường học, bệnh viện quá tải… đặc biệt là ô nhiễm môi trường khiến chất lượng cuộc sống của người dân giảm sút. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu kém trong quy hoạch và quản lý đô thị. Trong bối cảnh đó, phương thức quản lý tích hợp và phổ cập nước thải đô thị giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, khi dân sô đô thị tăng, lượng nước sử dụng hàng ngày nhiều hơn. Vì vậy, nhu cầu cấp nước sẽ tăng nhanh, có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm hiện thời về nguồn nước sạch tại một số đô thị. Vì lẽ đó, ngay từ bây giờ các đô thị lớn cần đề cao tầm quan trọng của tái sử dụng nước thải trong chính sách nước thải đô thị, sớm ban hành cơ chế khuyến khích, thậm chí bắt buộc tái sử dụng nước thải đô thị.
Quản lý và bảo vệ tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững
(Thạc sỹ Nguyễn Đình Tương, Viện khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng)
Để phát triển bền vững đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược trong bảo vệ, quản lý, khai thác nguồn nước. Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tài nguyên nước và yêu cầu bảo vệ, quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; điều tra, quy hoạch, khai thác các nguồn tài nguyên khác và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định, chế tài về quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn nước. Ngoài ra cần chủ động có chính sách thích nghi với tác động của tình trạng thiếu nước trong sản xuất ở một số địa bàn, thời điểm cụ thể.
Chủ động xử lý nguồn nước thải
(Vũ Thị Mạc Dung, giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)
Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng (giấy Phong Khê, Phú Lâm; sắt thép Đa Hội) góp một lượng lớn nước thải vào hệ thống thuỷ nông gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khoẻ của người sản xuất và cộng đồng xã hội. Để khôi phục và phát triển các làng nghề, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường cần thực hiện một số giải pháp: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề; tiếp tục kiện toàn tổ chức quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ… Quan trọng nhất là việc các ngành, địa phương cần nắm vững quan điểm “Chủ động, tích cực phòng ngừa trong quản lý và xử lý nguồn nước thải”. Từ đó có những chính sách đúng đắn, kịp thời trong xử lý tình huống và giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc về môi trường.
Đề cao công tác quy hoạch và đánh giá tác động môi trường của các dự án
(Nguyễn Thị Phương Lâm, Chuyên gia tài nguyên nước)
Hiện nay, trách nhiệm các bên trong quản lý giám sát môi trường và xả thải còn chưa thực sự rõ từ khâu quy hoạch, xây dựng, vận hành các cơ sở sản xuất công nghiệp và làng nghề. Khâu quy hoạch, nếu được xem xét kỹ sẽ gắn kết hệ thống nước thải với tiêu thoát nước một cách đồng bộ không rời rạc tạo cơ hội cho ô nhiễm gia tăng. Giai đoạn này có thể phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn thì nên có quan điểm rõ ràng để từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phải thống nhất từ T.Ư đến địa phương, tránh tình trạng tỉnh này không nhận dự án, tỉnh khác lại nhận. Hơn nữa, ở khâu thiết kế đang bộc lộ nhiều yếu điểm của quy định đánh giá tác động môi trường. Lẽ ra giai đoạn này phải xác định được công nghệ xử lý nước thải, nguồn thải và chất lượng nước thải nhưng hiện nay hầu như mọi sự cố môi trường xảy ra rồi, các đơn vị quản lý mới vào cuộc để giải quyết hậu quả. Như vậy việc khắc phục rất khó khăn và tốn kém nhiều tiền của.
Ý kiến ()