Ngành giáo dục Bắc Ninh đón năm học 2018-2019 với 3 vấn đề lớn đan xen, đó là: Tiếp tục phát huy vị thế trong tốp đầu toàn quốc về phát triển giáo dục; Chịu tác động bởi áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp, áp lực thiếu giáo viên; Nghiên cứu triển khai nhiều chính sách đột phá của tỉnh cho ngành giáo dục. Ba vấn đề lớn gồm cả cơ hội lẫn thách thức đã tạo nên bức tranh sống động riêng có của ngành giáo dục Bắc Ninh so với các tỉnh, thành phố toàn quốc.
Ấn tượng những con số
Giữ vững và phát huy kết quả từ nhiều năm học trước, năm học 2017-2018, ngành giáo dục Bắc Ninh tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu thi đua, được Bộ GD-ĐT tặng cờ Đơn vị xuất sắc, là điểm sáng toàn quốc về phong trào, chất lượng giáo dục toàn diện, điển hình là: Quy mô, mạng lưới trường học tiếp tục được mở rộng, quy hoạch, bố trí hợp lý theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và có giá trị sử dụng lâu dài, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng giáo dục của đông đảo con em nhân dân. Trong nhiều cái “nhất” thì từ năm 2017 đến nay, Bắc Ninh lại là tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất.
Quỹ khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà vinh danh những học sinh tiêu biểu xuất sắc (tháng 9-2018).
Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa công bố cụ thể thời điểm thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, nhưng ngành giáo dục Bắc Ninh rất chủ động các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Vào năm học 2018-2019, toàn ngành giáo dục Bắc Ninh có hơn 1,7 vạn cán bộ, giáo viên với tỷ lệ đạt chuẩn 100%, trên chuẩn chiếm 85,3%; toàn ngành có gần 500 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trong đó 94,5% số trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường, hệ thống trường đạt chuẩn ở mức cao góp phần thay đổi diện mạo của ngành giáo dục Bắc Ninh như: THPT Chuyên Bắc Ninh, các trường THCS trọng điểm, nhiều trường học ở thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh… Trong năm học này, UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, các huyện, thị xã, thành phố quyết tâm về đích với 100% phòng học kiên cố. Đây là con số đáng mơ ước của rất nhiều tỉnh, thành phố toàn quốc.
Trong năm học 2017-2018, chương trình “Sữa học đường” tiếp tục được triển khai ở 100% trường mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non có 50 trẻ trở lên, học sinh tiểu học khối 1,2 và còn mở rộng đến 100% học sinh tiểu học trong năm học 2019-2020, góp phần vào các mục tiêu chiến lược nâng cao tầm vóc, sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018,ngày 16-8-2018 “Tỉnh luôn quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của của ngành GD-ĐT, do vậy có thể từ năm học 2018-2019 sẽ nghiên cứu để UBND tỉnh chủ trì hội nghị tổng kết năm học và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học mới. Như vậy, những vấn đề mang tầm chiến lược, những quyết sách quan trọng liên quan đến GD-ĐT sẽ được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả cao nhất…” |
Cùng với nhiều điều kiện thuận lợi khác, chất lượng giáo dục toàn diện của Bắc Ninh luôn được duy trì ở mức độ cao, vững chắc và là điểm sáng toàn quốc. Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bắc Ninh vẫn duy trì trong tốp đầu toàn quốc với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chiếm 99,15%, tại kỳ thi này, Bắc Ninh còn có thủ khoa khối A toàn quốc là em Vương Xuân Hoàng, trường THPT Thuận Thành số 1.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa lớp 12, đội tuyển tỉnh đạt 52 giải, chiếm 81%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; tại cuộc thi KHKT toàn quốc, Bắc Ninh có sản phẩm giành giải Nhất Quốc gia và lần đầu tiên có 2 học sinh được Bộ GD-ĐT lựa chọn dự thi Quốc tế Intel-ISEP năm 2018 tại Hoa Kỳ; tại cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt cho học sinh tiểu học, đoàn Bắc Ninh xuất sắc xếp thứ nhất toàn quốc, trong đó có 1 học sinh đạt giải Trạng nguyên, 1 đạt giải Thám hoa, 5 giải Nhất, 4 giải Nhì…
Tiếp tục nhiều chính sách đột phá
Có thể nói, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, thể hiện bằng nhiều chính sách mang tính đột phá đã giúp cho ngành giáo dục Bắc Ninh có được những con số ấn tượng được cả nước biết đến. Nổi bật nhất là vấn đề kiên cố phòng học, xây dựng trường chuẩn Quốc gia; chương trình “Sữa học đường”; cơ chế cho đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh nhất là ở trường chuyên và các trường trọng điểm.
Những năm gần đây, do nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh kéo theo số lượng học sinh các cấp cũng tăng nhanh. Trong khi đó, biên chế giáo viên giảm dẫn đến tình trạng quá tải về số lớp, số học sinh/lớp. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khối tiểu học tối đa được 35 học sinh/lớp, chỉ riêng thành phố Bắc Ninh do áp lực quá tải, 100% các trường tiểu học đều vượt quá quy định về sĩ số, trong đó khối lớp 1 bình quân tới 50 học sinh/lớp…
Cô, trò trường Tiểu học thị trấn Thứa (Lương Tài) vui tươi trong buổi lễ khai giảng năm học 2018-2019.
Sở GD-ĐT thì thống kê, năm học 2018-2019, học sinh lớp 12 toàn tỉnh là gần 14 nghìn, nhưng học sinh lớp 1 lên đến hơn 28 nghìn, nghĩa là trong 10 năm tới, ngành giáo dục cần số lượng phòng học (THPT) và giáo viên gấp hơn 2 lần hiện nay mới bảo đảm yêu cầu dạy và học.
Muốn vậy, ngành giáo dục phải tích cực tham mưu và tỉnh cũng cần phải có những chính sách đột phá, vừa mang tính căn cơ mới có thể bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành nhất là vào năm 2022 tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư.
Khó khăn hiện hữu, nhưng cơ hội cũng đang mở ra cho ngành. Theo đó một mặt, tỉnh vẫn tích cực đề nghị Bộ Nội vụ trình Thủ tướng cho tuyển mới giáo viên đáp ứng yêu cầu quá tải học sinh tại nhiều trường học; mặt khác xây dựng nhiều đề án, kế hoạch dài hơi cho ngành và cả các cơ sở giáo dục ngoài công lập, vì về lâu dài, khi dân số cơ học tiếp tục tăng, kéo theo số học sinh các cấp tăng nhanh thì các cơ sở giáo dục công lập không thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Ngày 17-8-2018, tại kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh thống nhất ban hành 2 Nghị quyết liên quan đến GD-ĐT, đáng chú ý là Nghị quyết 119 về chủ trương hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và phổ thông ngoài công lập tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2025. Theo đó, ngoài các chính sách, chế độ của nhà nước theo quy định, các cơ sở giáo dục được hưởng thêm nhiều ưu đãi của tỉnh, kinh phí do tỉnh cân đối như: Cho thuê đất và miễn tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; hỗ trợ mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học; hỗ trợ giáo viên đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ học phí cho trẻ, học sinh trường ngoài công lập trong khu công nghiệp và các địa phương giáp ranh khu công nghiệp… Những chính sách đột phá nói trên được thi hành sẽ khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập, cùng giúp tỉnh tinh gọn bộ máy, giảm đầu tư công mà vẫn bảo đảm cho con em nhân dân được thụ hưởng đầy đủ các điều kiện về GD-ĐT.
Rõ ràng, GD-ĐT là sự nghiệp của toàn dân, tuy nhiên sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh luôn quan trọng và cần thiết, giúp ngành cũng như từng cơ sở giáo dục tạo dựng được niềm tin phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua năm học, cùng giữ vững và phát huy tốt vị thế nhiều năm trong tốp đầu toàn quốc về phát triển giáo dục.
Thanh Tú
Ý kiến ()