“Linh hồn chính là quá khứ”, một triết gia đã từng viết như vậy khi nhắc về quá khứ của một thành phố. Các thành phố trên thế giới như Jerusalem, Paris, Bắc Kinh… và ở Việt Nam như Hà Nội, Huế… sở dĩ thu hút mọi người từ khắp năm châu là do ở đó người ta cố gắng giữ gìn từng chiếc cột gẫy, từng mảng tường rêu phong, từng góc phố… vốn dĩ đã làm Nên bản sắc của thành phố. Chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị đã tạo nên được cái hồn cho đô thị ấy.
“Phố mới mở nằm kề bên phố cũ
Hai mảnh khéo khâu nên tấm áo hài hòa”
(Thành phố trẻ-Huy Phách)
Một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị là bảo tồn di sản văn hóa được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị, ở đó lịch sử hiện diện qua ký ức đô thị được lưu giữ trong từng ngôi nhà, góc phố… Đó chính là vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp nhận những giá trị lịch sử-văn hóa một cách phong phú, hấp dẫn nhất.
Đại hội UIA (Liên hiệp Hội KTS quốc tế) đã cảnh báo nguy cơ bản sắc của từng đô thị đang bị đồng hóa. Ở nước ta, do vội vã với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều đô thị đang đứng trước nguy cơ xóa nhòa các di sản của quá khứ, các không gian đô thị đang quy hoạch theo cảm tính, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ trước. Làm như thế, phải chăng chúng ta tự đóng cửa với quá khứ, làm mất bản sắc của chính mình.
“Một thành phố luôn muốn xóa đi những kiến trúc cũ là thành phố mất trí nhớ”-một nhà kiến trúc nổi tiếng thế giới đã khẳng định như vậy.
Người ta đang nói nhiều đến việc xây dựng bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại cho các đô thị Việt Nam, nhưng có một nghịch lý là những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các đô thị Việt Nam ngày xưa và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại vô cảm và các dãy nhà ống-liền kề (có chiều rộng khu đất từ 3-5m) áp sát vào nhau mọc tràn lan từ phố này sang phố khác với đủ các kiểu đông tây kim cổ. Các khu phố ở Bắc Ninh cũng hao hao như ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, hay Bình Dương… Người ta không thấy đặc thù của từng vùng miền khí hậu, địa hình và sinh hoạt của từng địa phương khác nhau.
Đi tìm cái hồn cho đô thị còn là biết gắn kết đô thị giữa quá khứ, hiện đại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử của nó. Riêng với Bắc Ninh-Kinh Bắc nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, có ruộng đồng bờ bãi phì nhiêu, là đất “địa linh nhân kiệt” đã làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của xứ sở Kinh Bắc, một nền văn hiến Kinh Bắc. Mảnh đất này đã thực sự là “cái nôi” hình thành và phát triển lịch sử-văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trên dải đất Bắc Ninh vẫn lưu giữ được hàng trăm ngôi đình, chùa, đền, miếu, thành quách và những ngôi nhà dân gian có giá trị nghệ thuật cao, mà không phải địa phương nào cũng có được. Từ thành cổ Luy Lâu, thành cổ Bắc Ninh, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, đình Đình Bảng… dù mới đi qua một lần ta đã thấm và thấu cái chất và cái hồn Việt trong nghệ thuật, cho tới Quan họ Bắc Ninh đã được vinh danh là di sản thế giới. Một vùng đất văn hiến và đã được hội tụ, tỏa sáng ở bản sắc văn hóa và đấy chính là cái hồn của mảnh đất Bắc Ninh này mà các vùng đất khác không có được!
Từ một thị xã “đèn dầu”, sau hơn 16 năm tái lập, Bắc Ninh đã có một thành phố khang trang và một thị xã sôi động và hiện tại đã có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn cho tới năm 2050. Với các nhà quản lý hiện nay, cái cốt lõi của quy hoạch đô thị Bắc Ninh là gì để hồn của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” được gìn giữ và tỏa sáng? Thận trọng từ những việc lớn trong phân khu chức năng của quy hoạch chung tới những việc cụ thể trong quy hoạch chi tiết. Từ những cánh đồng quy mô lớn tới hồ nước quanh thành cổ Bắc Ninh hay chiếc cầu đá của Nam giao học tổ, kể cả những dải đồi thấp, hồ nước tới các làng nghề và những món ăn độc đáo xứ Kinh Bắc nữa chứ!
Nói tới Bắc Ninh, ngoài vương quốc của lễ hội, của những ngôi chùa cổ và quê hương quan họ với “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”, thì Bắc Ninh còn là quê hương của ẩm thực với những món ăn độc đáo, sang trọng. Mâm cỗ đãi khách ở tất cả các làng Quan họ gốc bao giờ cũng phải là “mâm đan, bát đàn”. Chỉ nói riêng một loại bánh phu thê của Đình Bảng thôi cũng đủ thấy con người của mảnh đất này khôn ngoan và tinh tế đến nhường nào: Ai chưa được ăn bánh thì bị hấp dẫn bởi cái tên gọi, còn ai đã từng một lần thưởng thức thì không thể quên hương vị độc đáo của nó. Bánh ăn có vị thơm ngon, tinh tế như chính con người làm ra nó vậy! Rồi Bắc Ninh còn có bún Nem, nem Bùi, bánh tẻ làng Chờ, cơm chay Đào Xá… độc đáo góp thêm phần tạo nên cái hồn cho xứ Kinh Bắc này!
Rất nhiều điều cần những người làm công tác quản lý đô thị suy ngẫm để giữ cái hồn của đô thị Bắc Ninh qua những bài học quý giá ở các tỉnh bạn. Không phải ngẫu nhiên người KTS thiết kế khách sạn Horizon (Hà Nội) đã cố công giữ lại một trong hai chiếc ống khói (của nhà máy gạch Đại La ở cuối đường Cát Linh-một biểu tượng hiền hòa chất phác và kiêu hãnh của nền văn minh gạch máy đầu thế kỷ trước) chỉnh trang thành một tượng đài đẹp đẽ và ý nghĩa như một di sản. Sẽ chẳng bao giờ còn có một ống khói như thế mọc lên ở bất cứ đâu trong gầm trời công nghệ cao này. Nếu vội vàng, những di tích văn hóa lâu đời rất có thể sẽ mất đi vĩnh viễn với chúng ta.
Ví như khi nói tới thị xã Bắc Ninh cũ, người ta không thể không nhắc tới một “Viên ngọc quý” là Thành cổ Bắc Ninh-một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ-ngôi Thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác, từng đi sâu vào câu ca Quan họ với niềm tự hào “Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ, ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh”. Nói tới thị xã Bắc Ninh, người ta nhớ đến Văn Miếu của miền đất khoa bảng với “… một đống tiến sĩ, một bị trạng nguyên…”, nhớ đến Chợ Nhớn bốn mùa sầm uất, dốc Suối Hoa rộn rã sắc mầu và cây cầu Chọi có mái ngói đỏ soi bóng trên dòng Ngũ Huyện Khê…
Ví như khi nói tới Tiên Du là ta nhớ đến hội Lim, các liền chị liền anh mớ ba mớ bảy ngọt ngào câu ca quan họ, gái “Cầu Lim” đảm đang duyên dáng, nhớ tới chùa Phật Tích với hội Khán hoa để chàng Từ Thức gặp tiên…
Ví như khi nói tới Từ Sơn là ta nhớ tới quê hương đứa trẻ thiếu cha nhưng trở thành ông vua khai sáng một triều đại huy hoàng, nhớ tới huyện Đông Ngàn thông minh hơn người (dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ), nhớ tới mái đao cong mềm mại của mái đình Đình Bảng, nhớ tới làng Tam Sơn-địa phương duy nhất cả nước có đủ tam khôi với 22 vị đại khoa (tiến sỹ) trong đó có hai trạng nguyên…
Nhìn rộng ra tất cả các huyện khác trong tỉnh Bắc Ninh cũng đều có những nét đặc trưng ấn tượng mà trong cả nước ít nơi nào sánh kịp. Hết thảy đều để chúng ta suy ngẫm về cái hồn của đô thị Bắc Ninh tương lai!
Ngoài việc lưu giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn các di sản, việc khai thác những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Bắc Ninh cũng là một trong những nhân tố hết sức quan trọng trong công tác quy hoạch đô thị, góp phần tạo nên cái hồn của xứ Bắc Ninh-Kinh Bắc này.
Bắc Ninh đồng bằng, nhưng đột khởi núi non. Các đồi núi sót với độ cao từ 20 đến 120m so với mặt biển, lại thường gần các con sông và các thung lũng có thể tạo thành hồ nước rộng hàng chục ha với những di tích lịch sử, văn hóa như đền, chùa, miếu mạo tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình cực kỳ hấp dẫn.
Nằm trong vùng văn minh châu thổ sông Hồng, có 3 con sông lớn chảy qua các làng mạc, thôn xóm và bồi đắp hình thành các bãi bồi ven sông xanh ngắt bãi lúa, nương dâu là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kiến trúc sinh thái.
Đặc trưng của vùng đồng bằng về kiến trúc cảnh quan là hình ảnh của những làng quê, hình ảnh con đò, bến nước đã đi vào những nét khái quát mang “tinh thần của nơi chốn” còn ở các đô thị “nén”, dòng sông và không gian xanh hai bên bờ nước với các nhà quy hoạch là không gian mở vô cùng quý báu với những sinh hoạt công cộng phong phú và hấp dẫn. Cây cầu để nối liền không gian hai bên bờ không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện để thể hiện thẩm mỹ đô thị với kiến trúc riêng của nó.
Các hồ nước trong đô thị cùng cần đặc biệt lưu ý, nó là tài nguyên quý giá của một đô thị, bên cạnh vai trò cải thiện môi trường, vai trò là các hồ điều hòa, vai trò thẩm mỹ. Về mặt chức năng nó là không gian mở và cũng tương tự như những quảng trường trong các đô thị, là nơi nghỉ ngơi vui chơi giải trí, giao tiếp, sinh hoạt công cộng của đô thị. Quy hoạch các khu đô thị mới cần thiết phải có thêm các hồ nước. Những hồ đã có nên chăng cải tạo lại kiến trúc cảnh quan, nó sẽ mang lại những dấu ấn đẹp và vun đắp cho cái “hồn đô thị”.
“Để biến cả cánh đồng thành đô thị chỉ mất vài năm. Nhưng biến đô thị thành đồng ruộng là điều không thể” - một vị lãnh đạo của Hội An chia sẻ và điều đó thật sự có lý khi mỗi nét bút của các nhà quy hoạch, mỗi hoạch định cho sự phát triển của các nhà quản lý đều ảnh hưởng rất lớn tới việc gìn giữ hồn đô thị, tạo nên sức sống trường tồn cho đô thị-nhất là khi đô thị ấy bây giờ chỉ mới là đô thị loại III, nay mai sẽ lớn nhanh lên thành đô thị loại I-để sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại và giầu bản sắc!
Bắc Ninh 4-2013
Ý kiến ()