Mỗi người có vai trò, vị trí và đặc thù công việc khác nhau nhưng bằng lòng say nghề, hết lòng vì người bệnh, họ đã lặng lẽ cống hiến cho đời, cho ngành Y. Họ là những người khoác áo blouse trắng vinh dự được đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2017.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà, Phòng quản lý Hen - COPD, Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Năm 2005, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà được Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh giao nhiệm vụ triển khai dự án Hen phế quản. Những ngày đầu mới triển khai, chương trình gặp nhiều khó khăn và thách thức vì cả cán bộ y tế và người dân đều thiếu kiến thức về kiểm soát hen, tỷ lệ chết do Hen hàng năm rất cao, tỷ lệ đi cấp cứu do cơn hen cấp chiếm 80 - 90% tổng số bệnh nhân Hen và đang là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đứng trước thực tế đó, bác sĩ Trà tận tình tư vấn cho từng bệnh nhân về cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ và dùng thuốc phòng ngừa, có những lúc phải gọi điện mời từng bệnh nhân đến để tư vấn. Sau một thời gian điều trị thấy bệnh chuyển biến tích cực, bệnh nhân tin tưởng và giới thiệu cho nhiều bệnh nhân khác cùng đến điều trị.
Bác sĩ Trà cũng tham mưu cho Ban Giám đốc triển khai điều trị ngoại trú, đưa Bắc Ninh là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước được Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai giao nhiệm vụ làm chương trình mục tiêu Quốc gia “Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản”.
Sau hơn 7 năm triển khai phòng quản lý ngoại trú và 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia, mạng lưới y tế phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản từ tỉnh đến huyện, xã/phường được kiện toàn. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có hệ thống phòng quản lý phổ cập xuống đến tuyến huyện và xã. Phòng quản lý Hen - COPD tỉnh Bắc Ninh đang là mô hình điểm và là đơn vị dẫn đầu trong toàn quốc.
Từ kết quả thu được của các đề tài nghiên cứu, chị tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế và các Bệnh viện thành lập các phòng quản lý Hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cho tuyến huyện để cho người dân được thụ hưởng những lợi ích từ dự án. Bản thân chị trực tiếp đào tạo mạng lưới cán bộ y tế từ tuyến xã/phường đến tuyến huyện để làm nòng cốt cho chương trình phòng chống Hen - COPD Quốc gia.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh
Gần 30 năm gắn bó với ngành Y tế Bắc Ninh, trải qua các vị trí công tác khác nhau, bác sĩ Nguyễn Tiến Đông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bản thân bác sĩ Đông luôn tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có vai trò chủ đề tài “Khảo sát mô hình bệnh tật người bệnh nội trú và các nguồn lực tại bệnh viện đa khoa huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2005-2009”.
Với vai trò là Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), bác sĩ Đông hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Sở về công tác quản lý chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục tham mưu về công tác kết hợp Quân dân y và củng cố, hoàn thiện Y tế cơ sở, được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã; vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Hiện là Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, bác sĩ Đông tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, duy trì và phát triển hoạt động chuyên môn tại Trung tâm và các đơn vị trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản; chỉ đạo các bộ phận liên quan củng cố, hoàn thiện Phòng khám đa khoa.
Bác sĩ Trần Danh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
Trong những năm đầu gắn bó với ngành Y tế Hà Bắc (cũ), Trần Danh Phượng luôn tích cực tham gia các chuyến công tác phòng chống dịch sốt rét tại các huyện miền núi của tỉnh Hà Bắc, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập, bác sĩ Trần Danh Phượng công tác tại Phòng Giám định Y khoa tỉnh Bắc Ninh. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng anh luôn chủ động học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đề xuất các ý kiến góp phần kiện toàn cơ cấu tổ chức cán bộ. Năm 2005, được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh (nay là Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ lao động, môi trường và Giám định y khoa). Trước những thách thức mới trong công tác giám định và khám sức khoẻ cho người lao động, phát hiện bệnh nghề nghiệp trong khi Trung tâm chưa có trụ sở làm việc riêng và đội ngũ y, bác sĩ cán bộ kỹ thuật còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa cao… Với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, bác sĩ Phượng cùng tập thể lãnh đạo từng bước đổi mới, kiện toàn cơ cấu tổ chức, đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Nhờ đó, công tác y tế lao động và môi trường lao động ngày càng đi vào nền nếp và dần chuyên nghiệp hoá.
Từ năm 2013, bác sĩ Phượng được điều động làm Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP. Trên lĩnh vực công tác mới, anh luôn tìm tòi, học hỏi, trao đổi, trau dồi chuyên môn. Nhờ sự chỉ đạo sát sao, công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP thuộc lĩnh vực Y tế quản lý có nhiều tiến bộ: Số vụ thực phẩm xảy ra trong năm 2015 giảm cả về số vụ, số người mắc và số người đi viện so với năm 2014; Chi cục ATVSTP được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Y tế tặng Bằng khen.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh
Là bác sỹ chuyên khoa Nhi với đối tượng phục vụ là trẻ em, bác sĩ Nguyễn Minh Hiệp luôn hoà nhã, cởi mở và tận tình với người bệnh, để lại ấn tượng tốt đẹp với người bệnh và gia đình bệnh nhân.
Anh là giảng viên tuyến tỉnh một số chương trình (như ARI, IMCI), cũng là giảng viên kiêm nhiệm hướng dẫn thực tập cho học sinh Trường Trung cấp Y tế Bắc Ninh. Hàng năm anh tham gia giảng dạy lâm sàng cho 300 học sinh Trường Trung cấp Y tế Bắc Ninh, hướng dẫn thực tập cho 10 đến 20 sinh viên Trường Đại học Y Hải Phòng, Đại học Y Thái Nguyên.
Bác sĩ Hiệp có vai trò quan trọng trong phát triển đơn nguyên Sơ sinh. Tại đây, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng và triển khai như sử dụng máy thở để điều trị bệnh nhân suy hô hấp, sử dụng hệ thống dàn đèn ánh sáng xanh điều trị vàng da sơ sinh, sử dụng lồng ấp điều trị sơ sinh non yếu, máy thở CPAP điều trị suy hô hấp sơ sinh, đặt Cathete tĩnh mạch rốn để hồi sức và nuôi dưỡng tĩnh mạch trẻ đẻ non cân nặng thấp.
Sử dụng liệu pháp Sunfactan điều trị bệnh màng trong và suy hô hấp sơ sinh là những kỹ thuật cao trước đây chỉ thực hiện được ở Bệnh viện Nhi T.Ư, nay thực hịên được tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, mang lại hiệu quả cao trong điều trị và ngày càng nâng cao chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh.
Hiện tại, bác sĩ Hiệp là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh, chỉ đạo các khoa phòng thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới phong cách phục vụ kỹ năng giao tiếp hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Cử nhân Nguyễn Văn Hiệp, Điều dưỡng Trưởng, Khoa Hồi sức cấp cứu - Gây mê, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong
Thấy nhiều sản phụ đau đớn trong phẫu thuật lấy thai bằng phương pháp gây tê tại chỗ, sau khi lấy thai ra mới chuyển sang gây mê tĩnh mạch, năm 1994, điều dưỡng Nguyễn Văn Hiệp đề nghị Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong cho mua kim luồn tĩnh mạch sử dụng trong phòng mổ để tăng sự an toàn cho bệnh nhân trong mổ đồng thời giảm bớt những vất vả của người gây mê hồi sức, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu.
Năm 2000, Bệnh viện Đa khoa Yên Phong lần đầu tiên thực hiện thành công ca gây tê tủy sống trên một sản phụ được phẫu thuật lấy thai. Năm 2002, Bệnh viện Yên Phong khi đó còn thiếu thuốc giảm đau trong và sau phẫu thuật, điều dưỡng Hiệp mạnh dạn nghiên cứu: Phối hợp thuốc mê Thiopental và thuốc mê Ketamin trong gây mê nội khí quản, cho thấy giảm liều thuốc mê Thiopental nên bệnh nhân tỉnh sớm hơn so với gây mê Thiopental đơn thuần và có sự giảm đau rất tốt trong phẫu thuật và giảm đau hậu phẫu. Cũng trong năm 2002, ca cắt Amidal đầu tiên được gây mê nội khí quản với kỹ thuật đặt ống nội khí quản qua đường mũi và đã đặt nền móng cho cắt Amidal dưới gây mê nội khí quản sau này tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong, cho đến nay đã và đang là một phẫu thuật thường quy tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Hiệp cũng là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu, phương pháp gây tê, gây mê có tính ứng dụng thiết thực trong chuyên ngành gây mê hồi sức như: Sử dụng liều nhỏ thuốc giãn cơ không khử cực trước thuốc mê trong quá trình gây mê để chống rung giật cơ từ đó làm giảm đau cơ sau mổ; gây mê ở bệnh nhi; gây tê đám rối thần kinh cánh tay cho các phẫu thuật chi trên; gây mê Mast thanh quản…
Bác sĩ Ngô Minh Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh
Bác sĩ Ngô Minh Thái luôn tâm niệm đem hết khả năng chuyên môn và kinh nghiệm có được phục vụ công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Chị tạo được uy tín cao trong điều trị bởi luôn tận tình với người bệnh, thường xuyên thăm hỏi gần gũi chia sẻ động viên người bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp.
Những năm trước đây, với vai trò là Trưởng khoa Ngoại - Phụ thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, bác sĩ Thái chủ động tổ chức sắp xếp nhân lực của khoa phù hợp giữa trình độ với tính chất công việc, nhờ đó mọi công việc của Khoa luôn hoàn thiện kịp thời, đạt chất lượng, hiệu quả cao; quản lí điều hành hoạt động chuyên môn đi vào nền nếp, đôn đốc nhân viên toàn khoa thực hiện tốt các quy chế chuyên môn như: Quy chế hồ sơ bệnh án, quy chế chẩn đoán và kê đơn thuốc, đảm bảo chất lượng hồ sơ bệnh án và nâng cao chất lượng điều trị; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác khám chẩn đoán bệnh, chỉ định thuốc và các phương pháp điều trị của các bác sỹ, có phương hướng điều trị kịp thời đối với những bệnh nhân nặng và bệnh chậm đỡ. Mặt khác, bác sĩ Thái chú trọng nâng cao chất lượng kỹ thuật thủ thuật, công tác của điều dưỡng chăm sóc, yêu cầu theo dõi bệnh nhân sát sao, chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tận tình giúp đỡ động viên người bệnh. Nhờ vậy nhiều năm qua Khoa chị dẫn đầu toàn viện về vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Bản thân bác sĩ Thái luôn có ý thức học tập về mọi mặt không ngừng nâng cao y đức và y thuật để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Chị cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, là chủ nhiệm 6 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp tỉnh “Điều trị bệnh trĩ áp dụng công nghệ BEIM kết hợp thuốc y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Ninh”. Các đề tài của chị đều được nghiệm thu và ứng dụng tại bệnh viện.
Ý kiến ()