Hơn một phần tư thế kỷ đi qua, mỗi người Bắc Ninh tự hào góp sức vào sự đổi thay của quê hương. Những cánh đồng xưa quanh làng không còn nhiều nữa, bởi nay đã là các đô thị sầm uất và khu công nghiệp (KCN) hiện đại-nơi dựng nghiệp của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới: Samsung, Canon,
Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, trong nhiều việc quan trọng phải làm, tỉnh chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến việc Quy hoạch đô thị Bắc Ninh và KCN tập trung, phấn đấu Bắc Ninh sau này trở thành tỉnh công nghiệp; trước mắt xây dựng 2 KCN tập trung Tiên Sơn và Quế Võ; Các nghị quyết của tỉnh về phát triển mạng lưới giao thông kết nối các vùng trong tỉnh… về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển các KCN gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại hóa” là cơ sở xây dựng Bắc Ninh thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đô thị công nghiệp văn minh.
Năm 1998, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh được thành lập với nhiệm vụ quản lý trực tiếp xây dựng, phát triển các KCN tập trung tạo bước đột phá, động lực chính thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Phát triển công nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Bắc Ninh chủ động phát huy những yếu tố mà tỉnh đang có, tiếp nhận doanh nghiệp có thiện chí về với tỉnh. Giai đoạn 1997-2000, chủ trương phát triển công nghiệp quan tâm nhiều đến số lượng để tạo bước đệm vững chắc. Giai đoạn 2000-2006, công nghiệp Bắc Ninh được quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng, tỉnh thực hiện chiến lược “trải thảm đỏ” nhằm tạo làn sóng đầu tư mới vào các KCN tập trung. Từ năm 2007, cùng với phát huy nội lực, Bắc Ninh tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế mở ra cơ hội xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN tập trung. Từ đây, Bắc Ninh tập trung xúc tiến thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án điện tử công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hướng tới thị trường đầu tư từ Mỹ và khối EU.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Ban Quản lý các KCN tỉnh xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc (tháng 3-2024).
Một hệ sinh thái đầu tư, phát triển đã hình thành. Với sự năng động, linh hoạt trong chỉ đạo, Bắc Ninh ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; đưa cán bộ đi nghiên cứu, học tập mô hình trong và nước ngoài; quy hoạch các KCN tập trung, cụm công nghiệp làng nghề; khẩn trương giải phóng mặt bằng giao đất sạch nhanh nhất cho nhà đầu tư... Đặc biệt việc tỉnh chọn lựa các nhà đầu tư hạ tầng KCN có tiềm lực, kinh nghiệm như Tổng Công ty Viglacera, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc để từ KCN Tiên Sơn (2000), rồi đến Quế Võ, Đại Đồng-Hoàn Sơn, Yên Phong I, VSIP... được hình thành, hiện hữu như một minh chứng sống động về một quyết tâm chính trị mang tầm chiến lược.
Định hướng phát triển công nghiệp đã mang đến nguồn sinh khí mới cho Bắc Ninh khởi sắc, phát triển. Từ những bước đi bài bản trong công tác quy hoạch, đến quá trình chỉ đạo và thực hiện, các KCN không chỉ là một bộ phận riêng biệt với súc hút lớn từ các dự án FDI mà tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối với hạ tầng ngoài hàng rào KCN, vừa phục vụ nhà đầu tư thứ cấp trong việc triển khai nhanh dự án, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, phục vụ tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính những điều đó trở thành chất men xúc tác để các nhà đầu tư lựa chọn Bắc Ninh là điểm đến lý tưởng.
Với định hướng, chính sách phù hợp, Bắc Ninh nhanh chóng trở thành “địa chỉ đỏ” của các nhà đầu tư lớn, thương hiệu mạnh hàng đầu thế giới. Công ty Canon mở rộng đầu tư, Tập đoàn Hồng Hải vào KCN Quế Võ, các doanh nghiệp FDI khác cũng lần lượt góp mặt; các KCN VSIP, Yên Phong... hoàn thiện hạ tầng đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài. Sự kiện năm 2007, khi Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với số vốn đăng ký ban đầu 670 triệu USD tại KCN Yên Phong mở ra thế và lực cho nền công nghiệp hiện đại, kết nối sâu sắc hơn vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc với thế giới trong chuỗi liên kết giá trị toàn cầu. Tiếp sau đó là SEV II, SEV III, rồi đến Microsoft, Samsung Display… lần lượt hiện hữu tại các KCN, đưa vùng quê Quan họ trở thành “Trung tâm sản xuất điện thoại di động, hàng điện tử xuất khẩu lớn nhất cả nước”, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giảm sự chênh lệch trong cán cân thương mại quốc tế và chuyển dịch sang hướng xuất siêu.
Khởi đầu là dự án Kính nổi Việt-Nhật (KCN Quế Võ) với 100 triệu USD (1997), đến tháng 7-2024, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho khoảng 1.430 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 25 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxcon, Goertek, … đặc biệt thu hút thành công các dự án công nghệ cao, công nghệ mới như sản xuất CHIP bán dẫn, bản mạch điện tử như: Amkor Technology, Victory … Chất lượng các dự án ngày càng được nâng cao, suất đầu tư tính trên số dự án khoảng 13,67 triệu USD/dự án và khoảng 11,19 triệu USD/ha. Năm 2024, kế hoạch thu hút đầu tư cả năm 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thu hút được đã đạt trên 3,2 tỷ USD, đạt 267% kế hoạch của cả năm 2024, đứng đầu cả nước. |
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh khẳng định: Thành công lớn nhất của Bắc Ninh là thu hút được các dự án đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh trong châu lục và trên thế giới, xây dựng được đặc trưng của mỗi KCN, kéo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo lập KCN chuyên ngành và công nghiệp hỗ trợ, trở thành địa phương nhiều năm liền đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài vào KCN tập trung. Từ hạt nhân các KCN đã hình thành các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng xã hội. Trong một không gian kinh tế thuận lợi, môi trường đầu tư an toàn, chính sách sau đầu tư hấp dẫn, Bắc Ninh hôm nay đang phát triển với đầy đủ tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Theo xu hướng phát triển, Bắc Ninh đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chíp bán dẫn, với việc Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn lớn nhất Việt Nam của Tập đoàn Amkor tại KCN Yên Phong II-C đi vào hoạt động từ tháng 10- 2023 đưa Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn.
Trong bối cảnh quy hoạch đã hình thành chuỗi KCN-đô thị, Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư có chọn lọc với tiêu chí “2 ít, 3 cao” (sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao), ưu tiên những ngành công nghiệp có vai trò dẫn dắt nền kinh tế như bán dẫn, công nghệ thông tin, chế biến chế tạo...Hiện thực hóa mục tiêu này, Bắc Ninh chủ động tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc; kết nối, thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp bán dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư trong ngành này. Tiếp tục phát huy lợi thế có sẵn và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao. Đa dạng hóa vào các ngành sản xuất khác mà tỉnh có thế mạnh; thực hiện hoạt động sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế, bởi đây sẽ là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn.
Có thể khẳng định, các KCN tập trung là hạt nhân đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo cơ sở, nền tảng và động lực cho sự phát triển cân đối các trụ cột kinh tế, chuẩn bị cho Bắc Ninh tiến vào cơ cấu của nền kinh tế sáng tạo (kinh tế tri thức) trong tương lai.
Hoàng Mai
Ý kiến ()