Vừa qua tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 tôn vinh 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng. Bắc Ninh có hai gương mặt được tôn vinh tại chương trình này là chị Nguyễn Thị Huyên (thành phố Bắc Ninh) và Nguyễn Đức Nghị (thành phố Từ Sơn).
“Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”
Với tâm niệm ấy, Phạm Thị Huyên, sinh năm 1986, Chủ tịch Hội người mù (HNM) thành phố Bắc Ninh đã nỗ lực vượt qua những biến cố trong cuộc đời để trở thành người có ích trong xã hội, cầu nối giúp những người đồng cảnh có nghị lực, niềm tin hòa nhập cộng đồng.
Những ngày thơ bé, được lớn lên trong sự mạnh khỏe và tình yêu thương của gia đình, chị Huyên luôn tự nhủ sẽ là đôi mắt cho người em gái không may khiếm thị khi mới vài tuổi. Nhưng chẳng ngờ, năm 17 tuổi, căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc giống của em gái lặp lại với chị. Bóng tối cứ dần che đi những khoảng sáng mong manh xót lại ở những năm cuối Đại học. Niềm vui ngày nhận tấm bằng Cử nhân trở thành nỗi buồn khi những hoài bão, dự định của tuổi trẻ khuất sau tấm màn đêm. Cảm giác lo sợ tưởng chừng sẽ gục ngã thì lời động viên của em gái lại thức tỉnh động lực trong chị: “Dù không thấy ánh sáng từ nhỏ nhưng em vẫn có thể đi học, hòa nhập cộng đồng. Vậy tại sao chị không cho mình cơ hội để bắt đầu lại cuộc sống có ý nghĩa hơn”, chị Huyên xúc động chia sẻ.
Chị quyết tâm đăng ký tham gia lớp học vi tính và chữ nổi tại Hội Người mù tỉnh. Với sự nhạy bén và nỗ lực, chẳng bao lâu, chị sử dụng thành thạo chữ nổi và máy tính để hòa nhập với cộng đồng. Được sống trong tình yêu thương của thầy cô, sự chia sẻ, cảm thông của bạn bè đồng cảnh ngộ, chị dần thay đổi, khát khao tạo ra những niềm vui cho bản thân, trân trọng và yêu thương mọi người, tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Hội.
Năm 2017, chị Huyên được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch HNM thành phố Bắc Ninh. Ở cương vị này, chị luôn đổi mới sáng tạo các hoạt động Hội thông qua tổ chức chương trình ý nghĩa như: “Tết ấm tình người”, “Tết ấm tình thương”, “Vầng trăng yêu thương - Nâng bước em đến trường”; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ, chuyên đề kỹ năng giao tiếp cho hội viên trẻ... Với mong muốn gây quỹ và tuyên truyền về các hoạt động Hội, chị Huyên tích cực triển khai chương trình giao lưu văn nghệ “Chắp cánh yêu thương” tại các phường, xã và trường học. Chương trình được cộng đồng hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp cộng đồng hiểu hơn về Hội và hoàn cảnh người khiếm thị. Nhờ vậy, không ít các hoàn cảnh khó khăn, trẻ em và mẹ đơn thân được giúp đỡ, hỗ trợ vươn lên trong cuộc sống.
Kinh nghiệm công tác và thực tiễn gắn bó, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người mù, chị Huyên nhận thấy những gì mình làm được vô cùng nhỏ bé với nhu cầu chính đáng của người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị Huyên bộc bạch: “Những khó khăn của người khuyết tật nói chung và khiếm thị nói riêng còn nhiều lắm, vì vậy, tôi nghĩ mình cần học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực công tác và có những hoạt động đổi mới trong công tác Hội nhằm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người mù”. Tuy đôi mắt đã không còn nhìn được nữa, song trong từng lời nói, câu chuyện chị chia sẻ, luôn thể hiện sự lạc quan, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Hai gương mặt: Nguyễn Thị Huyên và Nguyễn Đức Nghị tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
Sống như đóa hoa hướng dương
Tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021, các đại biểu khá ấn tượng với Nguyễn Đức Nghị, sinh năm 2000, phường Phù Chẩn (thành phố Từ Sơn), sinh viên năm thứ ba, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, sau khi em chia sẻ về những biến cố và nghị lực vượt qua nghịch cảnh.
Khi đang học lớp 8, thị lực đột nhiên suy giảm chỉ còn 1/10, Nghị thường xuyên bị vấp ngã do không trông rõ đường đi. Nhận thấy sự khác lạ nơi con, nhưng cùng khoảng thời gian ấy bà nội nằm liệt ở bệnh viện bởi căn bệnh ung thư nên gia đình đành cho em uống qua loa mấy loại thuốc bổ mắt. Vài tuần sau, tình trạng thị lực của Nghị càng diễn biến xấu, không thể nhìn thấy ánh sáng, ở trên lớp chỉ tiếp nhận kiến thức qua nghe giảng, việc đi lại hoàn toàn nhờ đến hỗ trợ của bạn bè.
Nguyễn Đức Nghị nhớ như in một ngày tháng 6 năm 2015, mẹ gạt nước mắt đưa em tới bệnh viện Mắt Trung ương thăm khám. Bác sĩ kết luận Nghị bị bong võng mạc và hiện chưa tìm được phương pháp chữa trị. Bước qua cánh cổng viện, hy vọng của hai mẹ con vụt tắt như nắng chiều tàn sau cái lắc đầu của bác sĩ.
Tuổi 15, Nghị đối mặt với bóng tối, tự nhốt chặt mình trong căn phòng khép kín với ngổn ngang suy nghĩ tiêu cực. Nhiều ngày sau đó, Nghị vẫn không tin là mình đã mất đi ánh sáng vĩnh viễn. Dằn vặt mình trong căn phòng, qua ô cửa sổ, Nghị nghe tiếng bạn bè ríu rít rủ nhau đến trường. Niềm yêu con chữ lại thôi thúc Nghị khát khao cháy bỏng được nghe tiếng bạn bè thầy cô. Qua sự giới thiệu của trưởng thôn, Nghị biết đến Hội Người mù thị xã Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn) và quyết định tham gia lớp học chữ nổi. Sau đó, Nghị khăn gói đến Trường Nguyễn Đình Chiểu học cách nhà 50km. Nhớ mẹ, nhớ gia đình, Nghị tìm sự trải lòng ở con chữ, vừa học chữ nổi, vừa sáng tác thơ và tập tành viết truyện ngắn. Tác phẩm “Cuộc chạy trốn của gia đình đồ chơi” của Nghị được phát sóng trên kênh VOV2 trong chương trình Văn nghệ thiếu nhi. Nghị cộng tác thường xuyên với báo Giáo dục Thời đại, tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập với hàng chục tác phẩm thơ ca được đăng tải.
Năm 2019, Nghị được tuyển thẳng vào ngành Quan hệ Công chúng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Học Đại học là thử thách mới với Nghị, bởi môi trường này đòi hỏi sự tự học thông qua việc tra cứu tài liệu. Hạn chế thị lực khiến Nghị không thể đọc tài liệu chữ in. Không có tài liệu, Nghị nhờ bạn cùng lớp đọc và đánh máy, nghe đi nghe lại bản ghi âm bài học dài cả mấy tiếng rồi chép lại kiến thức quan trọng. Cuối năm nhất, Nghị nhận được học bổng của trường. Ngoài ra, Nghị đạt được nhiều thành tích đáng nể như: Giải nhì cuộc thi công dân số toàn cầu; Giải 3 cuộc thi thanh niên với Văn hóa giao thông; giải khuyến khích cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc; Giải 3 nghiên cứu khoa học cấp khoa với đề tài “Truyền thông với người khiếm thị tại Hội người mù thành phố Hà Nội; Giải khuyến khích cuộc thi viết chuyện của Hà Nội do báo Hà Nội Mới tổ chức…
Chia sẻ về thành tích học tập, Nghị tâm sự: “Khoảng thời gian lặng lẽ sống trong căn phòng khép kín dạy tôi cách trân trọng từng cơ hội, nâng niu ước mơ và yêu từng khoảnh khắc được cống hiến. Mỗi lần gặp khó khăn tôi lại nhớ đến bàn tay thô ráp vì làm ruộng của mẹ, nhớ cảm giác nghẹn ứ của một đứa trẻ nhìn bè bạn cắp sách đến trường. Khoảnh khắc đó mãi nhắc nhớ tôi về chuỗi ngày u ám, về khát khao đi học ở tuổi 15 tuổi và sự vươn lên mạnh mẽ của loài hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời”.
Bản thân không may khiếm khuyết, nhưng Nguyễn Thị Huyên và Nguyễn Đức Nghị đều can đảm và mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh để tỏa sáng. Tuy nhiên điều đáng trân quý nhất ở hai người trẻ ấy chính là ước mơ, tình yêu và khát khao được trưởng thành, làm việc và cống hiến ở tổ chức Hội dành cho người khuyết tật, sẻ chia, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho những số phận không may mắn khác.
Hường - Hoa
Ý kiến ()