* Chiều 5-9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các ban, bộ, ngành, địa phương về công tác ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi). Phó Thú tưởng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT chủ trì. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Ninh
Hồi 10 giờ ngày 5-9, bão số 3 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (siêu bão), vị trí tâm bão 19,1 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải nam (Trung Quốc ) 490 km về phía Đông. Dự báo tác động của bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn, mưa to, dông, lốc xoáy cả trước và trong khi bão đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 5-9 đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.000 phương tiện; gần 220.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh. Sản xuất lúa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn 15.000 ha lúa hè thu đang giai đoạn sắp chín, cần tập trung mọi nguồn lực để thu hoạch với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng"; khoảng 998.000 ha lúa mùa đang ở giai đoạn sinh trưởng, cần huy động mọi nguồn lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước sớm, tránh ngập úng khi mưa lớn xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn kiểm tra tình hình tiêu thoát nước tại KCN Quế Võ I.
Tại tỉnh Bắc Ninh, thực hiện văn bản số 6505/BNN-ĐĐ ngày 4-9 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều ứng phó bão số 3, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều ứng phó bão số 3.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3 theo tinh thần Công điện 86/CĐ-TTg, ngày 3/9/2024 và Công điện 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và dự báo khả năng, biện pháp hạn chế giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của các bộ, ngành, địa phương nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Trước tình hình bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo sát diễn biến của bão; thực hiện nghiêm Công điện số 86, ngày 3/9/2024, Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, các công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em, đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước, nhân dân. Các đồng chí bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có vùng ảnh hưởng của bão dừng các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong thường vụ, thường trực ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ. Trong đó, tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn; chỉ đạo bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị, khu công nghiệp; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ; xem xét trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão…
* Trước diễn biến bão số 3 có khả năng ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó tại KCN Quế Võ I, Công ty thoát nước Bắc Ninh và một số công trình phục vụ PCTT tại thành phố Bắc Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn kiểm tra tình hình tiêu thoát nước tại thành phố Bắc Ninh
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Phó Thủ tưởng Chính phủ tại hội nghị; tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, hoãn các cuộc họp không thật cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống bão, lũ; rà soát các xung yếu để có biện pháp ứng phó. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh. Các ngành liên quan phối hợp các địa phương rà soát, có phương án bảo đảm đê điều, giao thông, thuỷ lợi, nhà ở, trụ sở, công trình công cộng, các KCN, nhà máy, xí nghiệp, nhà cao tầng; kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc giải tỏa khơi thông các trục tiêu, hệ thống tấm lắp, hố ga, kênh tiêu nước tại các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn để sẵn sàng tiêu úng cho các khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Các đơn vị thủy nông chủ động bơm tiêu nước đệm hạn chế tối đa tình trạng úng ngập cho các diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thực hiện vận hành hệ thống công trình thủy lợi, các cống dưới đê theo đúng quy trình được phê duyệt để bảo đảm an toàn cho công trình. Thông báo cho các chủ đầu tư, các đơn vị thi công công trình trên sông, các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông, các phương tiện giao thông thủy về tình hình diễn biến thời tiết, tình hình lũ trên các triền sông để có phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản. Triển khai rà soát hệ thống cây xanh để tổ chức cắt tỉa bảo đảm an toàn khi có gió bão xảy ra, có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình nhà cao tầng, trạm phát sóng và các công trình khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Triển khai phương án bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động 24/24 giờ. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thời tiết, thiên tai, sự cố và các thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo quy định.
Nguyễn Tuấn
Ý kiến ()