Không gian công cộng (KGCC) là không gian chung của mọi người trong đô thị (như quảng trường, đường phố, công viên…). KGCC sẽ trở thành nơi thu hút cộng đồng với nhiều hoạt động giao lưu, đa dạng và phong phú, hấp dẫn. Hơi thở đặc trưng trong nhịp sống đô thị có thể được bắt gặp và cảm nhận rõ nhất tại các KGCC của đô thị ấy.

Trung tâm bức phù điêu.
Chất lượng của các KGCC hiện nay quyết định một phần không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của mọi người dân trong thành phố; vì những không gian này là một trong các thành phần chức năng thiết yếu, quan trọng để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng và tương tác xã hội. KGCC vì thế cũng góp phần tác động vào chất lượng sống của cư dân và là chất xúc tác khiến một đô thị trở nên đáng yêu, đáng sống và đáng gắn bó.
Ngoài các công trình kiến trúc, KGCC được bổ sung bằng nghệ thuật trang trí với các tác phẩm điêu khắc, phù điêu, tranh tường… Khi đó, các công trình kiến trúc kết hợp hài hoà với nghệ thuật điêu khắc sẽ làm tăng thêm các giá trị thẩm mĩ của KGCC, tạo những điểm nhấn, tạo dấu ấn riêng cho quảng trường, vườn hoa, công viên, tuyến phố… hay của cả một đô thị. Nhất là khi đô thị ấy là Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến và nhân cách Việt Nam. Tất cả được chọn lọc qua quá trình phát triển làm nên “hồn vía”, cốt cách của đô thị Bắc Ninh. Tính chất đô thị thể hiện đậm đặc ở “vùng lõi” của thành phố: khu vực trung tâm, được hình thành lâu đời, xây dựng và quy hoạch phục vụ thiết chế hành chính - chính trị - văn hóa của đô thị. Khu vực này tiêu biểu cho phần “hồn” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa.
Là một thành phố trên miền đất cổ, những năm qua các KGCC ở đô thị Bắc Ninh đã dần được hoàn chỉnh thành những KGCC có chất lượng, có giá trị thẩm mĩ cao, trở thành một địa chỉ văn hóa không chỉ thu hút khách tham quan mà còn với ngay cả những người dân địa phương.
Điển hình là các khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt… ở trung tâm thành phố đã trở thành những địa chỉ văn hóa, có tính biểu tượng gắn với hình ảnh, văn hóa, lịch sử của thành phố Bắc Ninh. Không chỉ vậy, không gian xung quanh tượng đài còn trở thành một địa điểm diễn ra các hoạt động cộng đồng từ vui chơi giải trí của người dân đến các hoạt động nghi thức, nghi lễ, sự kiện có ý nghĩa của thành phố, của tỉnh… Quảng trường trước Trung tâm văn hoá Kinh Bắc hay trước các khu tượng đài đã thành niềm tự hào của chính quyền đô thị, quảng trường thể hiện được cả hai chức năng phục vụ chính quyền và người dân. Trước hết, nó an toàn, sau đó là tiện nghi với khoảng sân rộng và ánh sáng rực rỡ, phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng.
Khu vực vườn hoa gắn với Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ (AHLS) cũng đạt đến giá trị một địa điểm văn hóa như thế. Khi xác định vị trí Đài tưởng niệm các AHLS tỉnh nằm ở ngay trung tâm thành phố Bắc Ninh, bên cạnh đường Lý Thái Tổ, có không gian giao tiếp gần gũi. Đài tưởng niệm đã là một vật thể văn hoá được nhiều người chiêm ngưỡng, tạo lợi thế cho bản thân nó để khơi gợi những cảm xúc về cái đẹp và cái cao thượng của con người, dễ dàng làm nơi giáo dục truyền thống, nơi giao lưu các thế hệ, cho KGCC thêm giá trị thẩm mĩ, độc đáo, lành mạnh, sự thân thiện…
Tại đường Ngọc Hân Công Chúa, trục đường ở trung tâm thành phố, sát ngay phía sau Đài tưởng niệm đã được mở rộng để thành một điểm dừng chân cho du khách, một điểm vui chơi hấp dẫn với việc đặt bức tường điêu khắc mang đậm tính nhân văn ở đây. Đây thật sự là một mô hình không gian còn thiếu của Bắc Ninh nói riêng và các thành phố nói chung trong cả nước. Một không gian mà ở đó, người dân được tiếp cận gần nhau hơn, gần với cây xanh và công trình kiến trúc. Mọi người đi dạo trên tuyến “Phố đi bộ” để ngắm nhìn, trải nghiệm và mua sắm, đồng thời phố đi bộ cũng trở thành nơi nuôi dưỡng tinh thần của người dân đô thị, thổi “hồn” vào đô thị trẻ, năng động. Ở đây, người dân vừa là khán giả, vừa là nghệ sĩ trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ và nghệ thuật đường phố. Phố như rộng ra, đẹp hơn và trong lành hơn về cả cảnh quan và sinh hoạt của người dân.
Bức phù điêu nghệ thuật dựng trên đường Ngọc Hân Công Chúa với nội dung cô đọng: “Theo dòng lịch sử và văn hiến Bắc Ninh-Kinh Bắc”(*) bằng đá xanh dài 62m, cao từ 5~7,5m. Ý tưởng của bức phù điêu được chắt lọc từ tinh hoa của vùng đất cổ Bắc Ninh - Kinh Bắc với âm hưởng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân Bắc Ninh, cùng với dòng chảy văn hoá tinh thần của truyền thống khoa bảng hiếu học, văn hoá lễ hội, làng nghề, văn hoá quan họ của người Bắc Ninh - Kinh Bắc qua các thời kỳ.

Bức phù điêu “Theo dòng lịch sử và văn hiến Bắc Ninh-Kinh Bắc” trên đường Ngọc Hân Công Chúa. Ảnh: Thu Hát
Mảng chính giữa bức phù điêu là bông sen cách điệu đang lan toả (cánh giữa mang biểu tượng của Rồng lá đề thời Lý), gợi lại ý tưởng của bông sen là ngôn ngữ chính của Đài tưởng niệm các AHLS ở phía trước, tuy Đài và bức tường phù điêu là hai công trình riêng biệt về nội dung nghệ thuật, về phong cách thể hiện, nhưng được tôn nhau lên thành một không gian nghệ thuật hoàn chỉnh, hoành tráng và hấp dẫn. Với nội dung có tính khái quát cao, ngôn ngữ thể hiện hiện đại bức phù điêu nghệ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố trẻ và năng động này.
Như vậy, xét về mặt ý nghĩa xã hội, chính điêu khắc ngoài trời đã và đang tham gia tích cực vào cuộc sống, hình thành “điểm nhấn văn hóa” trong cảnh quan môi trường đô thị đường phố. Có được điều đó phải khẳng định có sự đóng góp quan trọng của điêu khắc vào KGCC. Bởi chính điêu khắc đã tạo ra cho KGCC sự lành mạnh, sự bao dung, sự độc đáo, sự vững bền và thân thiện.
Không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của KGCC đô thị. Đô thị thiếu không gian công cộng ngoài trời và không được quy hoạch hợp lý trực tiếp làm giảm giá trị, bản sắc thành phố và chất lượng sống của người dân. “Điều tạo nên bản sắc của một thành phố là những không gian công cộng của nó chứ không phải các không gian tư nhân. Giá trị của các tiện ích công cộng ảnh hưởng tới giá trị của từng cá nhân. Chúng ta cần tiếp tục bảo vệ cho quan điểm rằng không gian công cộng là tài sản của một thành phố” - ông Joan Clos, Giám đốc điều hành Tổ chức chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-HABITAT) từng nói vậy.
Với những ưu thế về điều kiện tự nhiên xã hội cùng với nét đặc sắc của đa dạng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Bắc Ninh, chính là những giá trị nền tảng, và là cơ sở vững chắc cho định hướng phát triển Bắc Ninh bền vững của thành phố. Các KGCC tươi vui, đầy sức sống là mấu chốt để quy hoạch nên một đô thị tuyệt vời. Nhưng điều làm nên cái “hồn” của một KGCC chính là sự kết hợp hài hòa giữa Điêu khắc - Kiến trúc - Qui hoạch. Việc xác định vị trí cho tác phẩm điêu khắc ngoài trời, trong mối quan hệ với cảnh quan môi trường xung quanh được coi như yếu tố quyết định đến giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ của nó. Như thế, không gian đô thị rất cần điêu khắc để tăng thêm giá trị “phần hồn” cho công trình.
Để một KGCC có sức sống bền bỉ, có sự lan tỏa và hấp dẫn thì cần phải có người dân tham gia vào trong không gian ấy, có sự ấm áp của con người sống trong khu vực ấy và sự sôi động trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng dân cư với những sáng kiến và giải pháp sáng tạo, đột phá.
(*): Nhóm tác giả : Hoạ sỹ Trần Quang Trung , Hoạ sỹ Trần Quang Hiếu,
Nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng, Kiến trúc sư Vũ Văn Hải.
KTS. Nguyễn Huy Phách
Ý kiến ()