“Phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân” là mục đích cả đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân chính là niềm trăn trở khôn nguôi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh mà vô cùng vĩ đại của Người. Cho đến trước lúc đi xa, Người vẫn không quên dặn lại: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.(1)
Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là người đầu tiên phát hiện ra sức mạnh vĩ đại của Nhân dân, nhưng là người đã đánh giá và phát huy một cách hiệu quả nhất vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người quan niệm “dân” - là bao gồm tất cả những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, giàu nghèo, gái trai…, nghĩa là những “đồng bào”, những “con Rồng cháu Tiên”, trong đó cốt lõi là công nhân, nông dân và trí thức (công-nông-trí). Với Người, Nhân dân, khi được tập hợp, đoàn kết thành một khối vững chắc, chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Và thực tế đã chứng minh, trong suốt mấy chục năm trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Nhân dân ta, vừa là lực lượng chiến đấu chính, vừa là hậu phương vững chắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm nên những chiến tích vẻ vang, được cả thế giới ca ngợi.
Do đó, quan điểm nhất quán, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: tất cả mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân; Nhân dân lao động là người làm chủ, còn Đảng, Chính phủ cũng như cán bộ, đảng viên, công chức là công bộc, đầy tớ của Nhân dân. Người thường nhắc nhở Đảng, Chính phủ: việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng cố gắng làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức tránh; phải làm cho dân có ăn, có mặc, được học hành; Đảng không có mục đích nào khác là vì lợi ích của Nhân dân; nếu dân rét, dân đói, dân ốm, dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi... Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm, chăm lo đến đời sống của Nhân dân, phải đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết.
Ai cũng có mơ ước cho riêng mình. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mơ ước lớn nhất của Người - “ham muốn tột bậc” của Người chính là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.(2)
Ngay từ năm 1945, khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một quan điểm bất hủ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(3), “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(4). Vì thế, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người cùng Chính phủ đã xác định rõ những nhiệm vụ cấp bách cần tập trung giải quyết, trong đó việc chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện quyền tự do, dân chủ... là những bước đi quan trọng để từng bước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chăm lo đời sống, hạnh phúc của Nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới: “Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động” (5). Người diễn giải mục đích tổng quát này thành các tiêu chí cụ thể: Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ… Xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt.
Trong bài nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (ngày 5-1-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của Nhân dân”. (6)
Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành riêng một đoạn để dặn dò Đảng ta về việc nâng cao đời sống của Nhân dân. Người viết: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. (7)
Trong lần sửa Di chúc vào tháng 5-1968, khi đề cập đến công việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, xây dựng và phát triển đất nước sau kết thúc chiến tranh luôn là một nhiệm vụ “rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang”. Đó là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc “chiến đấu” ấy, Đảng và Chính phủ không chỉ cần tiến hành “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “phát triển công tác vệ sinh, y tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của Nhân dân”; “củng cố quốc phòng”... mà còn phải động viên toàn dân, tổ chức, giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân và tạo điều kiện cho Nhân dân tự xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của mình.
Người còn dặn Đảng ta phải quan tâm đến tất thảy các tầng lớp Nhân dân, nhất là những nhóm người yếu thế, như: thương binh - “phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh” (8); phụ nữ - “phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo”(9); và cả những nạn nhân của xã hội cũ (như trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu…) - “phải vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những lao động lương thiện”... (10)
Đây là những lời dặn thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của vị lãnh tụ dân tộc, người anh hùng cách mạng suốt phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.
(1),(7): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập15, tr.622
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.187
(3),(4): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64, 175
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 13, tr.5
(6): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, tr.402
(8), (9), (10): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr.616-617
Thảo Nguyên (t/h)
Ý kiến ()